Vào những ngày đầu Tháng Ba, mọi người dân Louisiana háo hức chờ đợi ngày Mardi Gras. Lễ hội này có nhiều nét giống như lễ hội Carnival được tổ chức vào những thời điểm khác nhau ở mỗi nước, để đón chào mùa xuân, tôn vinh nét đẹp của cuộc sống.

Mardi Gras bắt nguồn từ La Mã và Hy Lạp, sau đó du nhập vào một số nước ở Châu Âu trở thành những lễ hội hóa trang và khiêu vũ trên đường phố. Lễ hội truyền thống này vượt đại dương qua Châu Mỹ, biến đổi theo văn hóa từng đất nước. Các hoạt động phổ biến bao gồm hóa trang, đeo mặt nạ, đảo lộn các quy ước xã hội, khiêu vũ, diễn hành…
Các “Bà Béo” dẫn đầu đoàn diễn hành trong ngày Hội Mardi Gras tại New Orleans
Tiếng nhạc rộn rã tưng bừng, người người nắm tay nhau, quay cuồng trong vòng nhảy. Trong vòng quay ấy có những gương mặt của người gốc Phi Châu, người gốc Âu, người phương Đông, người da đỏ… Thời điểm rộn rã nhất thường vào đầu Tháng Ba hàng năm, ngày trước mùa chay, bốn mươi ngày trước lễ Phục Sinh. Đoàn các vũ công nóng bỏng diễn hành trên các đường phố lớn với vũ điệu samba sôi động, tiếng trống rộn ràng; mọi người hóa trang cùng những bộ trang phục đầy màu sắc kết hợp với những đường cong nóng bỏng của các vũ công luôn khiến đám đông khán giả phải lắc lư cơ thể.
Đó là hình ảnh tôi từng được xem nhiều năm trước và trong đầu hiện giờ cũng quên khuấy lễ hội Mardi Gras, ngày 4 tháng 3. Tôi có mặt trong thời điểm hội Mardi Gras năm nay ở New Orleans hơi muộn một chút vì dẫu đã đặt phòng trước nhưng chẳng có khách sạn, motel bình dân nào còn chỗ. Chơi sang hơn thì tiếc tiền vì giá cả thuê phòng trong đầu Tháng Ba bỗng vọt lên gấp đôi. Thôi thì đành hưởng thụ một số sinh hoạt rời rạc, tuy không đông đúc chen lấn trong khu phố trung tâm New Orleans nhưng với tôi vẫn còn là điều may mắn. Tôi nghĩ ai ai cũng thích không khí lễ hội đông vui, nhưng lang thang một mình, một “ngựa” giữa chốn đông người tôi vẫn thấy lạc lõng. Vui chơi phải có bạn bè cùng hội cùng thuyền, nhỏ to bình phẩm nhan sắc các cô gái đang lắc mông lắc ngực hò hét điên cuồng. Cô nào bốc lửa mới là chuyện của đàn ông.
Người tham gia hội Mardi Gras hóa trang bằng những trang phục đủ màu đủ kiểu
Nhiều người nói lễ hội Mardi Gras là một lễ hội sexy trên thế giới. Tôi đồng ý hai tay. Bạn từ từ nghe tôi kể, đừng vội nôn nóng với những vũ điệu nóng bỏng như nói trên. Bạn phải thấy hình ảnh thật nhộn đó ngoài đời thì mới sướng con mắt. Nhưng đó chỉ là một phần trong lễ hội vì không phải ai cũng muốn phá vỡ quy tắc xã hội, vui chơi xả láng sáng về sớm, bất cần những người quan sát bình phẩm vì thời gian này là lễ hội mỗi năm mới có một lần. Và những sinh hoạt lạ mắt trong ngày hội càng ngày càng hiện đại hơn, gần như lấn át lễ hội hóa trang truyền thống xưa kia.
Bản thân tôi cũng chỉ nghe nói lễ hội hóa trang Carnival truyền thống trong sách vở hoặc xem trên phim ảnh, chứ Mardi Gras hay Carnival ngày nay thì khác lễ hội hóa trang ngày xưa rất nhiều. Trang phục hóa trang truyền thống từ mặt nạ đến quần áo là một chuyện hấp dẫn tài đoán “tôi hay bạn là ai?” Hầu như mọi bộ trang phục họ mặc đều gây sự kinh ngạc. Người xem phải luôn tự hỏi: “Ai là người đích thực sau bộ trang phục đó?”. Nhiều khi người trong cuộc cũng không hề biết cô bạn hay người thân của mình hóa trang thành gì? Và nếu dưới cái vỏ bọc hiệp sĩ đẹp trai kia lại là một cô gái xinh đẹp thì sao? Hay bỏ đi lớp hóa trang của anh hề xấu xí nọ thì lại hiện ra hình dạng của một bà lão? Không ai có thể đoán ra và cũng không có ai khẳng định được. Đó là điều bí ẩn của lễ hội. Lễ hội hóa trang truyền thống vui và lãng mạn là ở chỗ đó. Không có nhiều màu sắc chói mắt và trang phục thừa da thiếu vải như ngày nay.
Lễ hội hóa trang ngày nay không khác một “bữa tiệc” màu sắc và chất liệu trang phục. “Bữa tiệc” này đúng là một dịp cho các họa sĩ thi tài thiết kế mẫu trang phục và vẽ mặt. Những trang phục kỳ dị đủ màu sắc được làm từ đủ thứ vật liệu, hoặc là những đồ trang sức đắt giá hay rẻ tiền. Những gương mặt được trang điểm một cách tỉ mỉ và quái dị. Bạn có thể nhìn thấy điều này trên tất cả các gương mặt tham gia Mardi Gras hay Carnival. Một màu xanh lè, tím rịm hoặc đỏ chót ngự trị trên mặt người đàn ông đàn bà hay của người giới tính thứ ba cùng vài hột kim tuyến, các vòng chuỗi hạt đen trắng quấn quanh cổ lòng thòng từ ngực xuống rốn cùng những mặt nạ ma quái, sừng trâu sừng bò.
Tôi cũng đồng ý với người bạn nói rằng, Mardi Gras là một thế giới muôn màu muôn vẻ, nhìn hoài mà không thấy chán. Và tôi nghĩ cũng không thấy chán đối với nhiều đàn ông khác (không biết các bà nghĩ sao) với một trong những trang phục cởi mở năm mươi phần trăm của các chị em tham gia diễn hành trong lễ hội. Đối với nhiều người cuồng nhiệt trong lễ hội thì Mardi Gras mang nhiều ý nghĩa. Vì thế, họ bận rộn chuẩn bị cho ngày hội hóa trang. Họ chi tiền bạc để dành được trong năm cho vỏn vẹn có mấy ngày vui vẻ. Người người đổ ra đường nhảy múa, hòa lẫn vào đó là vô vàn những thứ âm thanh khác nhau… tất cả tạo thành một bầu không khí nhộn nhịp đến choáng ngợp. Họ quên đi bao nỗi nhọc nhằn, trở về với con người đích thực, “cởi mở” và thân thiện đến mức cùng bạn phăng áo tựa lưng, kề ngực quay cuồng lắc lư theo tiếng trống.
Từng nhóm người hóa trang màu mè vui chơi trên phố French Quarter
Hẳn nhiên bên cạnh trang phục “cởi mở” bốc lửa của nhóm vui chơi xả ga hết mình thì có nhóm trang phục khoe những đường cong khêu gợi qua các bộ bikini gắn đầy những dây kim tuyến màu sắc rực rỡ. Đây chính là Carnival hiện đại thường thấy trong lễ hội hóa trang Carnival của đất nước Brazil. Trang phục độc đáo là một trong những điều kiện tiên quyết để giành quyền thi thố tại lễ hội hóa trang. Rực rỡ, hút hồn và đôi khi hầu như không có một mảnh vải che thân được che chắn một cách khéo léo chỉ lộ ra đường cong cơ thể bốc lửa. Mỗi trường phái Samba lại có một phong cách trình diễn riêng biệt… Khán giả ngất ngây chiêm ngưỡng những màn vô cùng độc đáo.
Điều hay nhất đến thế giới lễ hội Mardi Gras hay Carnival gần như không phân biệt đẳng cấp sang hèn. Mọi người thoải mái hòa nhập trong dòng người say sưa nhún nhảy, hòa mình vui chơi trong ngày hội. Những người nghèo mong được ít nhất một lần trong năm quên đi nỗi nhọc nhằn. Mardi Gras giúp họ sống dưới một lối khác, cùng nhau nhảy múa mà không phải lo lắng gì. Người nghèo và người giàu, trí thức và dân thường, phụ nữ và đàn ông, “phụ lão” và con nít, tất cả cùng bên nhau vui chơi trong những ngày hội hè. Sự khác biệt và đẳng cấp xã hội được tạm thời xóa đi trong thời gian diễn ra lễ hội.
Cả New Orleans ở trong cơn sốt Mardi Gras, quay cuồng trong vũ điệu cuồng nhiệt từ tối đến sáng. Trong những ngày diễn ra, dường như cả thành phố phương Nam này bị ngập chìm trong lễ hội hóa trang. Suốt những đêm liền các trường phái Samba diễn hành qua các đường phố. Các đoàn mô tô chở theo các cô gái phơi ngực trần hò reo vang trời, tiệm ăn quán xá đông đúc người ta ăn uống say sưa xả cửa. Bởi lễ hội diễn ra trước kỳ ăn chay, nên người ta phải ăn cho nhiều, kẻo… sợ đói. Cho nên Mardi Gras còn được gọi là Fat Tuesday (Thứ Ba Béo) và thường những em “tròn như hạt mít” được chọn dẫn đầu đoàn diễn hành nên nhiều người nói đùa là lễ “Bà Béo”.
Theo lịch sử Mardi Gras đến Mỹ vào năm 1699. Nhà thám hiểm người Pháp Iberville cùng đoàn thuyền đến vịnh Mexico. Từ đây ông làm một cuộc hành trình về thượng nguồn sông Mississippi. Và ngày 3/3 Iberville đã cắm trại ở bờ Tây sông Mississippi cách sáu mươi dặm về hướng Nam của New Orleans ngày nay và ông đặt tên cho khu vực này là “Point du Mardi Gras” theo tên ngày lễ Mardi Gras tại Pháp quốc. Vậy thì tại sao ngày Mardi Gras ở New Orleans năm nay lại là ngày 4/3. Câu trả lời đơn giản là tùy theo năm, ngày nào đầu Tháng Ba rơi vào Thứ Ba sẽ chọn là ngày chính thức của lễ hội.
Cuối thế kỷ 18, lễ hội Mardi Gras trở nên rất nổi tiếng ở New Orleans trong thời cai quản của người Pháp. Nhưng khi người Tây Ban Nha chiếm đóng thì lễ hội bị cấm. Năm 1803 Louisiana được Mỹ mua lại từ người Pháp nhưng lễ hội Mardi Gras vẫn tiếp tục bị cấm cho tới năm 1823. Người Creole gốc Pháp sống ở Louisiana đã đấu tranh ép buộc Thống đốc cho phép được tổ chức lại lễ hội với tên là Masked Balls (lễ hội hóa trang Carnival)) và một năm sau, lễ hội này được chính thức hợp pháp.
Từ đó đến nay Mardi Gras hay lễ hội hóa trang Masked Balls thay đổi hình thức sinh hoạt rất nhiều từ trang phục cho đến mặt nạ như tôi đã nói qua. Do đó bạn sẽ không ngạc nhiên khi thấy có rất nhiều cửa hàng bán toàn mặt nạ làm quà lưu niệm ở khu phố cổ French Quarter. Tôi ghé vào tiệm mua một mặt nạ sừng trâu không phải để tham gia lễ hội Mardi Gras mà là để đón chào khởi đầu mùa xuân của nước Mỹ. Ngày mai còn phải đi cày phải không?
Mardi Gras ở New Orleans là một trong những lễ hội sexy trên thế giới
TN