Thời Đại học, năm thứ hai tôi đi sưu tầm Văn học dân gian, thành Đồ Bàn là nơi chúng tôi đến.
Nhà cụ Thãnh ở Nhơn Hậu, nhóm chúng tôi trọ nằm lọt thỏm giữa Tháp Cánh Tiên và Lăng Võ Tánh, cũng là Tử Cấm Thành thời Tây Sơn Nguyễn Nhạc. Trong ký ức tôi, thành Đồ Bàn là những đêm trăng sáng; chúng tôi quây quần bên hồ sen trước chùa Thập Tháp để nghe các cụ ông, cụ bà kể chuyện ngày xưa. Chúng tôi tách từng nhóm hỏi thăm những cụ già và ghi chép cẩn thận. Hàng đêm xong công việc đồng áng các nông dân nghỉ ngơi là thời gian dành cho chúng tôi.
Ngày ấy, tôi tuổi 20.
Nhiều buổi chiều, khi ánh nắng còn hắt những tia nắng vàng cuối cùng trên cánh đồng, tôi thích lang thang trong thành Hoàng Đế, áp gót chân trần của mình lên phiến đá xưa của Tử Cấm Thành. Ngày đó người ta chưa khai quật các Hồ bán Nguyệt nằm xung quanh Lăng Võ Tánh. Tôi thích chạm vào những lớp gạch hoang phế, tường thành đổ nát… Đá mát lạnh và tôi như nghe tiếng cười nói của các cung nữ đâu đó, thấy dáng các phi tần thướt tha lướt qua bên trong tường thành.
Ngôi mộ của Võ Tánh thời tôi đến bỏ hoang vì người ta cho Võ Tánh là tướng của Nguyễn Ánh, có nghĩa là tướng nhà Ngụy nên không chăm sóc. Nhìn vào ngôi Tháp vị tướng trung kiên, tự thiêu để tuẫn tiết theo thành Quy Nhơn, một cảm giác đau xót không nói nên lời dậy lên trong tôi. Nhìn Lăng hoang phế, tôi tự hỏi “Thế nào là nhà Ngụy?”
Với tôi, thời nào cũng vậy, tướng nào cũng vậy nếu họ là người có lòng trung với nước, tử tiết vì quốc gia thì mình nên kính trọng. Tôi và nhóm chúng tôi thường đến thắp hương những buổi chiều tà. Khói nhang càng làm Lăng thêm tịch liêu.
Những đêm khuya trằn trọc nơi ở lạ, tôi thường thức giấc, mơ hồ như nghe trong hơi gió tiếng khóc rên của dân tộc Chàm trên tháp Cánh Tiên, xa xa tiếng ngựa phi trong thành Đồ Bàn, tiếng chạy thình thịch của nghĩa quân Tây Sơn trong thành Hoàng Đế và cả tiếng rống của đoàn Voi chiến khi nhà Nguyễn Ánh bắt nữ tướng Bùi Thị Xuân hành hình.
Nơi quê nhà tôi, lớp lớp phế tích là lớp lớp triều đại chồng chất lên nhau. Thành Đồ Bàn của Chế Bồng Nga, Tử Cấm Thành của Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Lăng Võ Tánh của nhà Nguyễn Ánh.
Trên dải đất này, có biết bao thể chế đến rồi đi không một dấu tích.
Cuộc đời là hư ảo, huống chi vài thế kỷ vương triều.
Thành Đồ Bàn