Nghề bồi bàn trong nhà hàng không đơn thuần chỉ là lấy order, bưng bê thức ăn đồ uống mà còn là bộ mặt của nhà hàng. Công việc bồi bàn không cực nhọc nhưng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, sức chịu đựng cao, nhưng lương lại thấp, chủ yếu có thêm thu nhập từ tiền tip của khách. Nhiều nhà hàng sử dụng tiền tip trong ngày chia đều cho người chạy bàn và người dọn rửa chén bát trong nhà bếp.
Phục vụ là bưng bê?
Đừng nghĩ phục vụ là bưng bê, dù có thể hình thức công việc là như thế. Bất cứ công việc nào, chỉ cần lao động bằng mồ hôi, công sức, trí óc, cảm xúc để kiếm ra những đồng tiền chân chính đều đáng tự hào và hãnh diện. Nếu bạn cho rằng nghề phục vụ, bồi bàn là nghề hầu hạ người khác, là thấp kém hèn mọn thì thực sự tư duy của bạn cũng chưa hề ở mức cao. Nghề phục vụ, bồi bàn mang lại giá trị tinh thần cho khách hàng hơn là bạn nghĩ: Một nụ cười có thể lây lan và cộng hưởng niềm vui. Hoặc ngược lại, chia đôi nỗi buồn. Một lời hỏi han chân thành và đúng lúc sẽ khiến người được quan tâm cảm thấy ấm áp. Một câu nói hóm hỉnh sẽ khiến khoảng cách khách hàng – bồi bàn không còn tồn tại. Một cử chỉ tinh ý, bạn sẽ được đánh giá cao về độ tâm lý và tinh tế. Một thái độ lịch sự, khéo léo sẽ chứng minh rằng bạn là một người phục vụ rất xứng đáng được tôn trọng.
L.N nhớ lại lần đầu tiên trong cuộc đời học sinh đi làm bồi bàn cuối tuần cho một nhà hàng Mỹ. “Cứ tưởng làm bồi đi ra đi vào lấy order, xuống nhà bếp bưng bê đồ ăn thức uống lên bàn cho khách là một công việc dễ dàng, chẳng có gì mệt. Người ta làm được mình làm được, công việc chỉ cần chỉ dẫn sơ sơ là biết làm ngay. Nhưng thực tế không phải vậy. Có một vài thực khách muốn thêm nhiều tỏi vào thức ăn, lại có khách lấy ra hành tây cho thêm vào nhiều ớt. Và còn nhiều thứ khác, khiến người chạy bàn mới vào nghề như tôi chạy bở hơi tai và không làm sao ghi nhớ hết mà phải ghi chép cẩn thận sợ quên. Vậy mà khi mang thức ăn ra cứ lộn tùng phèo dễ khiến người khách phiền lòng. May là các anh chị đồng nghiệp nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn nên vài ngày sau là tôi quen với công việc tưởng dễ làm này.”
Phần đông giới sinh viên học sinh chọn nghề bồi bàn part-time
Bạn L.N là một cô người Mễ làm bồi bàn ở nhà hàng được ba năm. Cô nhanh nhẹn, khách vào cửa không để chờ lâu, sắp xếp chỗ ngồi và thân thiện nhau sau vài câu xã giao chào hỏi. Cô hiểu rằng, khi khách bước vào nhà hàng là họ mong muốn được phục vụ thật ân cần và chu đáo. Thế nên người phục vụ chậm chạp trong việc đáp ứng yêu cầu của thực khách thì đã vô tình khuyến khích họ không bao giờ trở lại lần nữa. Do vậy, người bồi bàn cố gắng cung cấp thức uống chỉ trong vòng vài phút sau khi được gọi. Liên hệ với bếp để món ăn ra bàn nhanh nhất. Cố gắng ghi nhớ mặt thực khách và những sở thích của khách quen để phục vụ nhằm làm hài lòng họ một cách tối đa.
L.N thuộc lòng bài học căn bản trong nghề bồi bàn. Cô nói: “Mỗi ngày, bạn có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều người, đủ mọi tầng lớp xã hội, đa dạng giới tính, tính cách của họ có thể bộc lộ, hoặc không. Nhưng bạn sẽ cảm thấy cuộc sống của bạn phong phú và không hề nhàm chán, tẻ nhạt, dù có thể ngày nào bạn cũng lau bàn, bưng nước giống nhau”.
L.N giờ không còn làm cho nhà hàng nữa, nhưng ấn tượng nghề “tay trái” đầu tiên đi làm kiếm tiền với cô thật không thể nào quên. Ngay như cô bạn người Mễ cũng vậy. Họ vui vì có công việc dễ tìm phù hợp hoàn cảnh. Và càng vui hơn khi nhận được thêm tiền tip từ những bàn mình phục vụ. Tất nhiên, người quản lý phân công rõ ràng, và ai phục vụ tốt sẽ được khách ưu ái cho nhiều tiền tip. Không khí làm việc chia sẻ lẫn nhau, không tị hiềm nhau tiền tip ít hay nhiều.
Hầu hết bồi bàn nhà hàng có trang phục trắng đen
Vui buồn nghề bồi bàn
Nghề bồi bàn hấp dẫn giới sinh viên học sinh hơn vì họ thích làm việc bán thời gian, giờ giấc linh động. Có tip nhiều thì vui, không có cũng không đến nỗi buồn lắm. Riêng những người chọn công việc bồi bàn làm việc toàn thời gian thì thu nhập từ tip có khi chiếm phân nửa số lương trong ngày. Vì thế tiền tip cũng là chuyện vui buồn của nghề bồi bàn.
Thường những nhà hàng lớn của người Mỹ, tiền tip qua check (khi nhà hàng tổ chức những bữa tiệc đông người) phải khai thuế. Tiền mặt nhân viên tự khai báo con số tương đối. Nhà hàng Mỹ không muốn nhân viên trốn thuế từ tiền tip. Tuy nhiên đằng sau sự phân công phục vụ khách hàng vẫn có nhiều điều trúc trắc so bì giữa nhân viên bồi bàn với nhau nhất là trong tiệc chiêu đãi của các doanh nghiệp, hội đoàn đặt bàn theo giá cao hay thấp.
Đừng nghĩ phục vụ là bưng bê, dù có thể hình thức công việc là như thế
Tất nhiên tiền tip theo tỷ lệ nhiều hay ít trên tổng số bàn tiệc hay số tiền phần ăn trên đầu người. Bồi bàn nào được ưu ái, quản lý sắp phục vụ khách VIP nhiều hơn, bồi bàn nào không thích (có thể vì tay nghề kém hoặc vì lý do gì đó) thì bị “đì” phục vụ khách “nhà nghèo”. Bồi bàn chỉ có nước than phiền trong bụng, chứ không dám nói ra.
L.N nói : “Tôi quen biết vài bồi bàn khi còn làm chung, nghe họ than vãn cho đã nư cục tức vì họ biết tôi không quan tâm đến chuyện tiền tip. Có thể có những quản lý không công bằng đối xử nhân viên nhưng theo tôi hầu hết nhà hàng Mỹ, nhất là những nhà hàng lớn, tính chuyên nghiệp cao, họ lựa chọn người phục vụ tốt cho những bữa tiệc quan trọng. Như đã nói, bồi bàn là bộ mặt của nhà hàng nên họ không thể xem nhẹ cung cách phục vụ của nhân viên mình. Ai làm tốt được trọng dụng hơn”.
Còn bồi bàn ở các nhà hàng tiệm ăn của các sắc dân khác sao nhỉ? Tôi có biết một em sinh viên UTA tên Vũ Hải làm bồi cho nhà hàng Tàu. Hải cho biết: “Tiền tip gom chung, cuối ngày chia cho nhà trên (bồi bàn) 60% và nhà dưới (nấu bếp, rửa chén) 40%. Khách đến ăn thường cho tip đúng tỷ lệ. Tuy nhiên chán nhất là những mớ tiền tip vài chục xu các loại nằm chình ình giữa bàn. Bất kỳ người bồi bàn nào nhìn thấy bạc xu đó đều cảm thấy buồn trong lòng, mình không được tôn trọng. Thà không cho còn hay hơn cho như bố thí.
Thật vui khi bồi bàn nhận được tiền tip nhiều
Nghề waiter/waitress được tôn vinh như bao nghề khác
Chạy bàn hay bồi bàn chính là một phần của ngành công nghiệp dịch vụ và là một trong những nghề phổ biến tại Mỹ. Thống kê của Bộ Lao động cho thấy hiện nay nghề waiter/waitress có gần 2.4 triệu nhân viên. Bồi bàn được trang bị đồng phục chỉnh tề, là bộ mặt của nhà hàng. Có nhiệm vụ lên thực đơn chuẩn bị một bữa ăn cho khách, phục vụ đồ ăn thức uống, vệ sinh lau dọn sau khi thực khách dùng xong. Nghề này không đòi hỏi trình độ học vấn, kinh nghiệm liên quan đến các nghề khác. Theo phân tích của Bộ Lao động từ nay đến 10 năm tới, nghề bồi bàn hầu như không có gì thay đổi.
Như một số nghề khác, nghề bồi bàn cũng được tôn vinh qua ngày The National Waiter/Waitress Day 21 tháng 5. Vào ngày này, nhiều nhà hàng tổ chức các cuộc thi tài phục vụ của nhân viên bồi bàn bằng những hình thức từ phục vụ thực khách cho đến chạy đua với khay thức ăn hay khay thức uống (Waiter Race).
Các bồi bàn tham gia cuộc đua Waiter Race trong ngày tôn vinh nghề nghiệp 21/5
TN