Menu Close

Cổ tích thế giới

Chuyện cổ tích luôn bắt đầu bằng bốn chữ ngày xửa ngày xưa. Ngày xửa ngày xưa nghe thật xa vời! Tưởng chừng như  hình ảnh và truyền thuyết về “Cô Bé Lọ Lem, Cậu Bé Tí Hon, Đôi Hia Bảy Dặm, Công Chúa Bạch Tuyết” là những câu chuyện của một hành tinh nào đó trên dải Ngân Hà, hay xuất phát từ một góc trời mênh mông vô cùng vô tận của vũ trụ, chẳng biết ai là tác giả. Thật ra không phải thế. Tác giả của cổ tích là những người bằng xương bằng thịt, dù họ để lại tên tuổi rõ ràng hay chỉ là những người vô danh, nhân loại vẫn ngưỡng mộ và yêu thích tác phẩm của họ.

Một câu hỏi được đặt ra: Tác giả của những chuyện cổ tích trên thế giới có những ai?

Trước tiên phải kể đến anh em nhà Grimm là Jacob Ludwig Karl Grimm và Wilhelm Karl Grimm. Là những nhà ngôn ngữ chuyên nghiên cứu văn học dân gian, họ nổi tiếng vì đã xuất bản các bộ sưu tầm “Truyện Dân Gian” và “Truyện Cổ Tích,” trong đó có những chuyện nổi tiếng khắp thế giới như:

– Nàng Bạch Tuyết (Snow White)
– Cô Bé Lọ Lem (Cinderella)
– Công Chúa Ngủ Trong Rừng (Sleeping Beauty)
– Hoàng Tử Cóc (The Frog Prince)
– Cô Bé Quàng Khăn Đỏ (Red Riding Hood)

Jacob Ludwig Karl Grimm sinh ngày 04 -01-1785, qua đời ngày 20-09-1863. Wilhelm Karl Grimm sinh ngày 24-02-1786, qua đời ngày 16-12-1859. Anh em nhà Grimm lớn lên tại thành phố Hanau thuộc bang Hessen, gần thành phố Frankfurt am Main. Họ là hai trong số chín người con của ông bà Philipp Wilhelm Frimm. Khi Jacob mới 11 tuổi, người cha qua đời, cảnh nhà vô cùng khốn khó. Theo nhận định của các nhà tâm lý học hiện đại, tình trạng nghèo khổ của gia đình đã ảnh hưởng tới chuyện cổ tích của anh em nhà Grimm. Trong mỗi một câu chuyện, hình ảnh người cha luôn được lý tưởng hóa, luôn được bỏ qua mọi lỗi lầm. Người có quyền lực nhiều nhất là những bà mẹ kế độc ác; nhân vật tiêu biểu là kế mẫu của Công Chúa Bạch Tuyết, và kế mẫu của Cô Bé Lọ Lem.

Sau anh em Nhà Grimm, phải kể đến Hans Christian Andersen. Sinh ngày 02-04-1805 qua đời ngày 04-08-1875, Andersen là nhà văn người Đan Mạch chuyên viết chuyện cổ tích cho thiếu nhi. Gia đình Andersen có liên hệ với Hoàng gia Đan Mạch, nên Anderson được Quốc vương Đan Mạch ưu ái. Nhà vua từng trả học phí cho ông, chính vì thế có thuyết cho rằng ông là con ngoại hôn của một người trong hoàng tộc. Những nghi vấn về xuất thân của Anderson là giả thuyết, cũng không mấy ai thắc mắc. Cõi người ta chỉ biết rất rõ một điều: Anderson là người thông minh, trí tưởng tượng phong phú tuyệt vời. Ông thường tự làm đồ chơi, may áo cho những con rối, đọc tất cả các vở kịch – phần lớn là kịch của William Shakespeare và Ludvig Holberg, tự trình diễn kịch bằng những con rối gỗ. Là người thích đùa, Anderson đã thành lập hội những người thích đùa trong nhóm thân hữu của ông.

Chuyện cổ tích nổi tiếng của Andersen gồm có:

– Bà Chúa Tuyết (The Snow Queen)
– Y Phục Mới của Hoàng Đế (The Emperor’s New Clothes)
– Cô Bé Bán Diêm (The Little Match Girl)
– Chú Lính Chì Can Đảm (the Steadfast Tin Soldier)
– Nàng Tiên Cá (The Little Mermaid)
– …v.v…

Ngoài chuyện cổ tích của Hai Anh Em Nhà Grimm và Anderson, còn có những câu chuyện cổ tích khác, như:

“Chuyện Nghìn Đêm Lẻ” –  một tập truyện dân gian nổi tiếng của người Ả Rập, được lưu truyền rộng rãi ở Iran, Iraq, Ai Cập, Ethiopia, và khắp Trung Đông. Cho đến bây giờ cũng không rõ ai là tác giả. Chỉ biết những chuyện tình cảm, những chuyện phiêu lưu, những chuyện thần thoại của nghìn đêm lẻ đã, đang và vẫn còn được thế giới yêu thích.

“Thần Thoại Hy Lạp” – một tập hợp truyền thuyết và huyền thoại của người Hy Lạp cổ đại liên quan đến các vị thần, các anh hùng, bản chất của thế giới, nguồn gốc và ý nghĩa của các tín ngưỡng, tôn giáo. Nổi tiếng nhất là “Anh Hùng Ca Illiad và Odyssey,” tập trung vào các biến cố chung quanh “Cuộc Chiến Thành Trojan (“The Trojan War” ).

Những câu chuyện cổ tích bất hủ kể trên đã được chuyển dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Trẻ em ở Phương Đông hay Phương Tây rất yêu mến Bạch Tuyết và Bảy Chú Lùn, không thích bà mẹ kế độc ác. Khi đọc lại những câu chuyện từ nghìn đêm lẻ, hay những câu chuyện bắt nguồn từ trường ca Odyssey, người lớn cũng sẽ thấy cả một thời thơ ấu theo giai điệu huyền ảo của cổ tích trở về. Nhân loại có thêm niềm tin yêu hy vọng khi rút ra từ cổ tích những bài học về lòng nhân ái, về giá trị đạo đức, về bản sắc anh hùng, về sự thận trọng, và về những điều thăng trầm được mất thường hằng có trong cuộc đời. Có người dùng cổ tích như chất liệu sáng tác, viết ra những phiên bản mới nối tiếp vào huyền thoại lâu đời của nhân loại. Nhưng cũng có người đặt vấn đề: Cổ tích thực sự đóng vai trò gì, trong việc hình thành nhân cách của tuổi thơ? Chẳng phải nội dung của những chuyện cổ tích thường có nhiều mưu đồ độc ác, có nhiều người bị giết chết, và quá đáng sợ đối với trẻ em hay sao? Liệu một thế giới dư đầy hiểm họa như thế giới của cổ tích, có làm cho nhận định của trẻ em về cuộc đời bị lệch lạc, khi chúng trưởng thành hay không?

Lại có người bảo: Kể chuyện thôi! Đặt vấn đề làm chi? Từ khi xuất hiện cho đến bây giờ, cổ tích có rất nhiều phiên bản. Những phiên bản mới thường lược bỏ những chi tiết ghê rợn, thù hận, chém giết. Người kể chuyện có thể bỏ qua chi tiết “đàn chim móc mắt của người chị kế độc ác” trong nguyên tác “Câu Chuyện Cô Bé Lọ Lem.” Không nên chú trọng đến việc “buộc” trẻ em phải ngay lập tức rút ra một bài học kinh nghiệm nào đó. Chỉ nên tìm hiểu xem chúng có thích thú theo dõi câu chuyện hay không. Đây mới chính là điểm cốt lõi, và cũng chính là điểm son của cổ tích. Từ khi ra đời cổ tích luôn luôn là những câu chuyện làm cho trẻ thơ thích thú, trợ giúp chúng tưởng tượng và đóng vai một nhân vật nào đó theo những cách riêng. Thật đáng kinh ngạc, gần như tất cả các trẻ em đều chọn vai chính diện. Đây chính là sự thành công của các tác giả viết cổ tích, và cũng chính là lý do để cổ tích trở thành bất tử.

Hãy bắt đầu kể chuyện cổ tích. Để thấy sự thu hút kỳ diệu của bốn chữ ngày xửa ngày xưa…

alt

Người thổi sáo Thánh Hamelin – truyện cổ tích của Anh Em Nhà Grimm – nguồn en.wikipedia.org

HV
4:5am Thứ Ba ngày 25 tháng 3 năm 2014