1. Vì sao thị trường tranh Việt Nam hiện nay xuống rất thấp và rớt giá tại những auction quốc tế như tại Singapore, Hồng Kong..?
Không hẳn như vậy, mới đây tại Hồng Kông, tranh lụa của Nguyễn Phan Chánh đã bán được với giá trên 300,000 USD, nghĩa là khá cao so với trước. Tuy nhiên, đó là những trường hợp ít oi thuộc về tranh của các vị tiền bối ngành hội họa Việt Nam.
Thực ra, điều này có những nguyên nhân riêng của nó, tôi muốn nói đến mối quan hệ lịch sử đặc biệt của người Pháp và người Việt. Nếu nói không quá đáng thì chính người Pháp đã đặt nền móng cho mỹ thuật Việt Nam từ 1925. Cũng chính họ đã nuôi dưỡng những đứa con đầu lòng của nền mỹ thuật thủa sơ khai ấy bằng cách là đưa sang Paris giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật từ một quốc gia thuộc địa của họ. Và sau đó phần lớn lần lượt thuộc sở hữu của những nhà sưu tập Pháp từng ở Hà Nội những thập niên 30-40 của thế kỷ trước.
Tôi muốn làm rõ giới hạn nhất định tình trạng phổ biến tranh Việt Nam trên thị trường thế giới để tránh ảo tưởng. Và đó cũng là nguyên nhân tranh của các bậc thầy hội họa Việt Nam chậm tăng giá và thường chỉ do những nhà sưu tập tranh người Pháp mua hoặc bán với nhau.
Quang cảnh buổi đấu giá tranh Nguyễn Phan Chánh của Christie’s tại Hongkong – nguồn artobserved.com
2. Thế thì những nhà sưu tập tranh Việt Nam ở đâu từ gần 100 năm hội họa Việt Nam?
Đó là vấn đề cốt lõi về tình trạng đang rẫy chết của thị trường mỹ thuật quốc gia. Việt Nam có quá ít những nhà sưu tập tranh đích thực. Thậm chí nếu có thì cũng chưa có ai mang về một tác phẩm trị giá trên vài trăm ngàn USD từ những cuộc bán đấu giá quốc tế. Câu chuyện đáng xấu hổ gần đây nhất là bức tranh sơn dầu Chiều Tà của Vua Hàm Nghi vẽ trong thời gian ông bị lưu đày ở Algérie, được nhà Drouot – Paris bán đấu giá mà không người Việt Nam nào mua đến giá 10,000 USD. Đối với mỹ thuật Việt Nam, nó là bức tranh vô giá!
Sự thật này rất bẽ bàng cho chúng ta, vốn luôn tự hào về 4,000 năm văn hiến. Nhưng tiếc nuối là một chuyện, sự thật vẫn là sự thật, Việt Nam không có tập quán xem và sưu tập tranh. Số người xem tranh quá ít nên chưa thành tập quán vì việc giáo dục môn mỹ thuật này không có chiều sâu và không hiệu quả.
Các cấp mẫu giáo, tiểu học đều được dạy vẽ tranh nhưng không được dạy xem tranh. Người ta ỷ lại rằng biết vẽ tranh thì sẽ biết xem tranh nhưng thực tế ở VN, có họa sĩ không biết xem tranh, hay chính xác hơn là họ chỉ thấy tranh của mình hoặc tranh của họa sĩ khác vẽ theo lối của mình là đẹp mà thôi. Vì thiếu kiến thức lịch sử mỹ thuật và thiếu cập nhật thông tin về các trào lưu nghệ thuật đương đại nên mọi cái khác với cách vẽ của họ đều bị chê hoặc làm ngơ.
Và hậu quả là, nhiều thế hệ người Việt không coi sự hiện diện tác phẩm mỹ thuật trong trái tim mình là cần thiết. Họ lạnh lùng đi qua những phòng tranh và Bảo Tàng Nghệ Thuật. Khi dạy ở Đại Học Hoa Sen về môn mỹ thuật học, tôi có làm một khảo sát trong sinh viên của nhiều bộ môn khác để biết họ quan tâm đến tác phẩm nghệ thuật như thế nào; thì kết quả trên 30 sinh viên là gần với số 0!
Chiều Tà của vua Hàm Nghi được nhà Drouot – Paris bán đấu giá, 2012 (?)
3. Vậy, vẫn có nhiều cuộc triển lãm được mở ra ở Hà Nội, Sài Gòn và số lượng họa sĩ ngày càng đông, điều này nói lên sự phát triển đang diễn ra?
Đúng là như vậy, nhưng không phải vậy. Có nhiều triển lãm và đông nghệ sĩ là hệ quả tất yếu của nhu cầu học hành và làm việc của các thế hệ trẻ nhưng lối thoát ở đâu? Dựa vào khách hàng ngoại quốc ư?! Thực tế, các cuộc triển lãm không có người thường đi xem, chỉ toàn là đồng nghiệp và bạn hữu của tác giả đến chia vui nhân buổi khai mạc rồi sau đó là sự vắng vẻ.
“Người Bán Gạo” – tranh lụa – họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, được bán trên $300,000
4. Vậy phải bắt đầu từ đâu để tạo nên lối thoát cho mỹ thuật Việt Nam?
Tôi đã từng chứng kiến cảnh các bé 6-8 tuổi được cô giáo hướng dẫn xem tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật hiện đại Paris thật nghiêm túc và hào hứng. Một bé gái khoảng bảy tuổi trả lời một cách chính xác một bức tranh lập thể của Picasso vẽ về một bãi biển. Khi cô giáo hướng dẫn học sinh xem tranh, hỏi một bức tranh khác, bé trả lời không đắn đo: “Thưa cô, đó là tranh của họa sĩ Kandinsky, một tác phẩm trừu tượng”.
Tôi rất ngạc nhiên và thích thú nên liền xin phỏng vấn cô giáo, những lý do nào mà các em dẫu bé thế vẫn có thể nhận biết thể loại và nội dung các bức tranh, đến người lớn còn phải lúng túng khi đối diện. Và được cho biết: “Các em được chuẩn bị ở lớp rất kỹ bằng các bài giảng về cách vẽ cũng như xem các phiên bản của tác phẩm mà các em sẽ đi xem tại bảo tàng mỹ thuật”. Mặt khác, tại bảo tàng này, cứ mỗi Thứ Tư học sinh được xem tranh miễn phí và sinh viên được giảm giá một nửa. Tôi kể câu chuyện trên để nói rằng: để tạo niềm yêu thích mỹ thuật cho trẻ, cần có một nền giáo dục. Phụ huynh nếu yêu thích mỹ thuật thì mới góp phần hướng dẫn con em mình thành một người “tiêu thụ nghệ thuật” được.
“Thiếu Nữ và Hoa Sen” – tranh lụa – họa sĩ Lê Phổ, được bán trên $100,000
5. Vậy có phải có kiến thức thì mới xem tranh được? Còn cảm xúc, cảm nhận riêng của mỗi người đóng vai trò thế nào trong xem tranh?
Kiến thức đóng vai trò rất lớn trong việc xem tranh. Nó là chìa khoá để vào mỗi ngôi nhà nghệ thuật. Và dẫn đường cho chúng ta đến nơi cất giữ kho tàng. Cảm xúc không phải là cảm tính. Cảm xúc cũng phát triển theo thang bậc của kiến thức. Có hiểu những nguyên lý của Lập Thể thì mới xem được tranh của Picasso, Braques…, và sự thích thú mới xảy ra. Còn chỉ là cảm tính thì dễ bị lầm lỗi.
Tuy nhiên, khi bắt đầu đứng trước một tác phẩm nghệ thuật, không nên xem bằng một pho kiến thức mà nên thả lỏng tâm hồn và hãy cảm nhận sự lôi cuốn của bức tranh mạnh hay ít. Và sau đó mới dùng tới kiến thức để đánh giá nghệ thuật của nó.
Đối với những người lần đầu đến với tác phẩm nghệ thuật, thường khi nhìn bức vẽ, thấy cái cây giống cái cây, bông hoa giống bông hoa thì người ta thán phục. Nhưng khi trên bức vẽ không phải là cái cây hay bông hoa nữa thì người ta không hiểu. Ở trường hợp như vậy, người xem tranh nên trao đổi với tác giả nếu họ có mặt ở đó, hoặc hỏi người hướng dẫn phòng triển lãm hay Bảo tàng. Kiến thức mỹ thuật vô hạn và không dễ có được trong thời gian ngắn. Việc tiếp xúc với tác phẩm mỹ thuật cần thường xuyên qua các phòng tranh, sách báo, phim ảnh…
Đã không thích xem tranh thì tất yếu không có thú chơi tranh, đây là lý do hàng loạt gallery trong nước đóng cửa hoặc chuyển sang bán tranh chép; và cũng là nguyên nhân của việc chảy máu tranh quý ra ngoại quốc với giá rẻ. Bao giờ những nhà giàu Việt Nam yêu tranh hơn yêu xe hơi đắt tiền thì tranh Việt Nam mới có giá, thị trường nghệ thuật Việt Nam mới phát triển và kéo theo là mỹ thuật Việt Nam sẽ có bộ mặt mới đầy sáng tạo. Đây là cách mà người Trung Hoa, Indonesia đã và đang làm nên giá tranh của các hoạ sĩ hàng đầu của họ đều không dưới triệu đô. Chỉ có cách đó thì mới không để tác phẩm nghệ thuật Việt Nam có giá trị rơi vào tay những người chơi tranh ngoại quốc.
Trẻ em tây phương được hướng dẫn xem tranh tại các Bảo tàng Mỹ thuật – nguồn artwarefundraising-com
TC – Sài Gòn, tháng 3, 2014