Sau một cuộc hành binh chớp nhoáng, và các màn bỏ phiếu vội vã, nước Nga đơn phương sát nhập bán đảo tự trị Crimea của Ukraine vào lãnh thổ của mình. Cùng lúc, binh lính Ukraine từng trú đóng tại Crimea nhận lịnh rút lui êm thắm.
Cuộc họp khẩn cấp của Nhóm G7về việc Nga chiếm Crimea của Ukraine. tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở The Hague – NGUỒN NYDAILYNEWS.COM
Đang có ít nhất 40,000 binh sĩ Nga cấm trại sát biên giới với Ukraine, sẵn sàng động binh bất cứ khi nào. Những diễn biến dồn dập gây nên không ít lo ngại cho một cuộc bùng nổ bạo lực. Tuy nhiên, cho đến hiện tại, chiến thuật đối phó chánh yếu của Tây Phương là thông qua con đường cấm vận ngoại giao và kinh tế. Trong phạm vi trang báo này, mời quý độc giả cùng Trẻ tìm hiểu mối giao thương giữa Tây Phương và nước Nga, các phương cách cấm vận thương mại, hiệu quả lẫn hậu quả như thế nào, cũng như vị thế của nước Nga trên trường thế giới qua các nước cờ nhiều phần liều lĩnh vừa qua.
Ngay từ những ngày đầu tháng 3-2014, phản ứng lại việc Crimea bị nước Nga thôn tính, Hoa Kỳ và Âu Châu lập tức ban hành nhiều lịnh cấm vận chánh yếu nhắm vào vài chục cá nhân và công ty lớn có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin. Trong số những nhân vật bị cấm nhập cảnh vào Âu Châu và tài sản tại ngoại quốc bị niêm phong có Phó Thủ Tướng Nga Dmitry Rogozin, và thậm chí cả người đứng đầu Thông Tấn Xã Nga là Dmitry Kiselyov.
Cuộc họp thượng đỉnh tại Kive giữa hai Thủ Tướng Ba Lan và Ukraine hôm 26-3-2014. Đây là một trong những vận động ngoại giao con thoi trong những ngày qua nhằm nâng đỡ tân chánh phủ Ukraine. ẢNH REUTERS/ANDREW KRAVCHENKO/POOL
Từ những lịnh cấm vận nhiều phần giới hạn những ngày đầu tiên, càng lúc về sau, nhất là với quyết định gạch tên nước Nga khỏi nhóm cường quốc G-8 hồi tuần trước, các cấm vận càng lúc càng mở rộng, có hậu quả càng rõ ràng hơn. Cũng trong tuần qua, các dịch vụ tín dụng Visa và MasterCard đã ngừng hợp tác với hai nhà băng của Nga là Rossiya Bank và SMP Bank. Và con số nhà băng bị khóa sổ có thể gia tăng mau chóng. Đức Quốc cũng đình hoãn vô hạn định hợp đồng $140 triệu xây dựng một cơ sở huấn luyện cho lục quân Nga.
Tuy vậy, vẫn còn nhiều nghi vấn quanh nỗ lực cấm vận quốc tế đối với nước Nga. Liệu cấm vận có hiệu quả, khiến nước Nga chùn tay, hay chỉ là các chiến thuật mang tính cách biểu tượng? Trong nỗ lực cấm vận này, phản ứng của Âu Châu cũng sẽ là một ẩn số không nhỏ. Thời điểm hiện tại, Âu Châu chưa chánh thức ra mặt chống đối một cuộc cấm vận trừng phạt toàn phần đối với nước Nga. Nhưng không ai rõ trong vài tuần tình thế sẽ ra sao, vì hầu như chắc chắn cấm vận sẽ không chỉ gây thiệt hại cho nước Nga, mà cả Âu Châu cũng sẽ thấm đòn.
Để hiểu gút mắt này, cần thiết điểm qua các ràng buộc thương mại giữa Hoa Kỳ và Âu Châu và nước Nga. Từ năm 2002, lúc nước Nga gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, họ đều đặn xuất cảng sang Âu Châu tăng từ $88 tỉ lên $294 tỉ vào 10 năm sau. Trong cùng thời điểm này, Âu Châu xuất cảng sang Nga tăng từ $47 tỉ lên $170 tỉ. Trên thực tế, Âu Châu là bạn hàng lớn nhất của nước Nga. Đức Quốc, một trong những bạn hàng chánh của nước Nga, có trên 6,000 cơ sở thương mại làm ăn với Nga. Với cấm vận toàn phần, hằng chục ngàn công ty hãng xưởng lớn nhỏ khác nhau sẽ chịu ảnh hưởng lập tức, trong đó có cả các công ty Hoa Kỳ. Có tên tuổi như Boeing, hiện sử dụng chất titanium nhập cảng từ Nga, hay General Electric, vốn có nhiều hợp đồng cho Nga thuê công cụ máy móc… có thể doanh số suy giảm đáng kể.
Đáp lại việc Nga thôn tính Crimea, các cường quốc lập tức hủy bỏ cuộc họp thượng đỉnh G8 tại Sochi nước Nga. Các nguyên thủ quốc gia nhóm G7 còn lại chuyển sang hội họp tại Brussels, Bỉ Quốc.
Trong cuộc cấm vận này, một trong những võ khí lợi hại của Phương Tây là khả năng phong tỏa tài sản của nước Nga và công dân Nga cất giấu tại ngoại quốc. Từ khi Nga sô sụp đổ, và nước Nga hội nhập vào nền kinh tế thế giới vào thập niên 1990, giới doanh gia người Nga đã trở nên bậc thầy trong nghệ thuật mở tài khoản hoặc mua sắm bất động sản tại ngoại quốc nhằm lẩn trốn phải đóng thuế cho Moscow. Một số lớn trong dòng tiền này lại tái hồi nước Nga sau thời gian, để giới “đại gia” đầu tư làm ăn.
Vì vậy mới xảy ra cảnh tượng khá lạ là nhà “đầu tư” lớn nhất vào nước Nga lại là đảo quốc Cyprus ($4.5 tỉ), tiếp theo là quần đảo British Virgin Islands ($2.7 tỉ), Luxembourg ($1.6 tỉ)… Tương phản, con số đầu tư của Trung cộng vào Nga chỉ chưa tới $200 triệu, thua cả Bermuda. Và Đức Quốc đầu tư chỉ $428 triệu vào Nga, chỉ bằng 1/2 của Bahamas. Bermuda và Bahamas, cũng như Cyprus, British Virgin Islands… đều là những “thiên đường trốn thuế” khét danh lâu nay. Tất cả tiền bạc các xứ này “đầu tư” vào Nga thật sự là tiền của chính nước Nga, làm thân “dế mèn phiêu lưu ký” rồi lại trở về.
Các tuần qua, trong cảnh Hoa Kỳ và Tây Phương dần thắt chặt vòng vây cấm vận tài chánh, giới doanh gia Nga đã phải chạy té khói để tẩu tán tài sản lẫn hiện kim ở ngoại quốc. Cùng lúc, giới đầu tư lẫn con dân ngoại quốc thình lình ôm tiền tháo chạy khỏi nước Nga. Ước tính ít nhất $50 tỉ đã bị rút khỏi thị trường nước Nga chỉ trong vài tuần qua (để so sánh, cả năm 2013, chỉ có $63 tỉ rời biên giới nước Nga).
Tuy nhiên, để nước Nga trả giá đắt cho nước cờ thôn tính bán đảo Crimea, làm thị trường tài chánh của họ sụp đổ, thế giới Tây Phương hầu như chắc chắn phải hủy bỏ nhiều chương trình cộng tác và hợp đồng làm ăn tầm vóc lớn hơn nữa, và phong tỏa tài sản một loạt các công ty trọng yếu do Kremlin điều hành hoặc đỡ đầu. Quan trọng hơn là các trừng phạt hay cấm vận phải bền bỉ để gây tổn hại cho kinh tế nước Nga.
Một trong những yếu huyệt chính là kỹ nghệ dầu hỏa và năng lượng. Doanh số xuất cảng dầu hỏa và khí gas chiếm phần lớn thu nhập của chánh phủ Nga. Cùng với các sản phẩm từ kỹ nghệ quặng mỏ, các kỹ nghệ này chiếm đến 70% tổng giá trị xuất cảng của cả nước Nga. Có thể xét các số liệu mới nhất năm 2013 tại Âu Châu lẫn Hoa Kỳ. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Âu Châu nhập cảng từ Nga trị giá $214.26 tỉ. Trong số này các sản phẩm năng lượng chiếm $167.36 tỉ; các sản phẩm thuộc kỹ nghệ sản xuất khác $20.63 tỉ; trong khi đó thực phẩm và thức uống (thí dụ rượu Vodka) chỉ chiếm $1.25 tỉ. Cùng thời gian, Hoa Kỳ nhập cảng hàng hóa Nga trị giá $27 tỉ, trong đó hết $19 tỉ từ các sản phẩm dầu hỏa, chỉ có $3.7 tỉ từ các vật dụng thuộc kỹ nghệ sản xuất.
Một quảng cáo tại trung tâm đô thành Kiev của Ukraine, với ảnh phóng lớn tiền “Hryvnia” của Ukraine và tiền Mỹ Kim. ẢNH REUTERS / ANATOLII STEPANOV
Các con số này lý giải một phần lý do Thứ Tư giữa tuần qua Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama hăm dọa sẽ cùng đồng minh Tây Phương mở các vòng cấm vận mới nhắm vào kỹ nghệ năng lượng và dầu hỏa của nước Nga nếu họ không chấp nhận lui binh khỏi biên thùy phía đông Ukraine.
Cũng có không ít dư luận cho rằng Hoa Kỳ và Âu Châu khó thẳng tay cấm vận kỹ nghệ năng lượng của Nga. Thực tế Âu Châu cần mua một lượng lớn khí gas, dầu hỏa, lẫn các vật liệu tương tự từ Nga. Âu Châu tự tạo năng lượng riêng, chánh yếu nhờ các lò nguyên tử năng. Nhưng Âu Châu vẫn dùng nhiều sản phẩm khác như than, dầu thô, khí gas – gần 1/4 tổng số phải nhập cảng từ Nga trong năm 2012. Đức Quốc, cường quốc kinh tế lớn nhất Âu Châu, phải nhập cảng gần 40% lượng khí gas “Made in Russia” dùng cho nhu cầu nội địa. Nhiều quốc gia nhỏ ở Trung và Đông Âu lệ thuộc hầu như hoàn toàn vào nguồn cung cấp khí gas từ Nga. Cho nên có lo ngại xảy ra xáo trộn lớn nếu thình lình nguồn cung cấp năng lượng này mất đi.
Để Âu Châu thay thế nguồn khí gas và dầu hỏa trong đoản kỳ là điều rất gian nan nhưng không phải bất khả thi. Hoa Kỳ có thể đáp ứng một phần nhờ kỹ nghệ khí gas phát thịnh những năm gần đây. Ủy Ban Năng Lượng Thượng Viện Hoa Kỳ cũng đã lên nghị trình một loạt cuộc điều trần tìm cách mở rộng xuất cảng khí gas sang Âu Châu trong thời gian nhanh nhất. Về phần Âu Châu, bắt buộc sẽ phải thay đổi chiến lược năng lượng, giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp “Made in Russia”.
Một lá bài thú vị trong con đường vận chuyển khí gas và dầu thô từ Nga vào Âu Châu chính là… Ukraine. Nước này là trạm trung chuyển năng lượng chánh yếu, với 82.3 tỉ trong số 167.2 tỉ thước khối năng lượng Âu Châu nhập cảng đi qua hệ thống đường ống trên lãnh thổ Ukraine. Đây là lý do không nhỏ khiến nước Nga động binh gây hấn với Ukraine khi cựu Tổng Thống Viktor F. Yanukovych, một người thân Nga, thình lình bị phế truất, làm Nga sợ mất ảnh hưởng.
Đây cũng chính là lý do thế giới Tây Phương đang gấp rút xúm vô trợ giúp Ukraine. Chánh phủ tân lập cách đây chưa lâu đứng vững bao lâu, kinh tế Ukraine bình ổn tương đối hay sụp đổ chóng vánh, sẽ có những hệ lụy khó lường. Liên Âu đã đề nghị kinh viện trị giá $15 tỉ trong vòng 2 năm tới thông qua nhiều hình thức. Hoa Kỳ cam đoan cho Ukraine mượn $1 tỉ. Và mới nhất, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (International Monetary Fund – IMF) đã đồng thuận cho Ukraine vay đến $18 tỉ trong vòng 2 năm tới.
Nước Nga dưới quyền Tổng Thống hiện tại Vladimir Putin có thể đi sai nước cờ khi đánh giá thấp phản ứng của Hoa Kỳ và Tây Phương đối với Ukraine. Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, hôm Thứ Năm tuần qua, đã bỏ phiếu lên án và công nhận việc nước Nga đơn phương sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine. Các biện pháp cấm vận sẽ có hiệu quả hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố phức tạp, nhưng chiều hướng hiện tại cho thấy nước Nga dần bị cô lập.
TD