Ngày 1 Tháng Tư được nhiều nơi trên thế giới gọi là April Fools’ Day hoặc All Fools’ Day, còn người Pháp gọi là Poisson d’Avril (Cá Tháng Tư). Đây là ngày hài hước thả giàn, đùa cợt chơi khăm nhau, nói dối, bịa chuyện mà không bị giận hoặc bị phạt.
Xuất xứ của ngày này vẫn còn mù mờ. Có giả thuyết cho rằng năm 1582 nước Pháp bắt đầu dùng lịch Gregorian. Lịch này đổi ngày mừng năm mới vào 1 Tháng giêng, thay thế cho ngày cuối tháng Ba mà dân chúng vẫn quen mừng. Tuy nhiên có một số người dân quê, có thể vì không biết tin tức do phương tiện thông tin lúc đó rất khó khăn, hoặc vì cố chấp không công nhận lịch mới, nên vẫn mừng ngày đầu năm vào 1 Tháng Tư, làm trò cười cho nhiều người thời đó.
Tục đùa cợt bịa chuyện này hiện còn thịnh hành ở nhiều nơi, đặc biệt là Tây phương. Trong phạm vi nhỏ hẹp thì người ta nói xạo, nói đùa để trêu chọc, để tạo niềm vui trong đám anh em bè bạn, còn trong phạm vi lớn hơn thì người ta tung tin giật gân, tin vịt để gây chú ý. Có khá nhiều trò đùa thời danh đã làm nhiều người mắc hỡm, hoặc gây sốc.
Năm 1976 một nhà thiên văn học người Anh tuyên bố trên đài BBC rằng đúng lúc 9:47 sáng ngày 1 Tháng Tư các hành tinh Pluto và Jupiter sẽ nằm cùng trên một đường thẳng, tạo ra một thời gian ngắn trên trái đất không có trọng lực và lúc đó mọi người hãy nhảy lên cho biết. Một số đông người đã làm thử, nhưng hóa ra chỉ là một trò bỡn cợt.
Gần đây nhất, năm 1996 Taco Bell chạy những hàng tít lớn trên cả một trang báo New York Times, tuyên bố đã mua đứt Quả chuông Tự do (Liberty Bell) – biểu tượng của nền độc lập Hoa Kỳ hiện đang đặt tại Philadelphia – và sẽ đổi thành “Taco Liberty Bell”. Hóa ra chỉ là một trò đùa có mục đích quảng cáo.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia mất tích một cách bí mật đã nhiều ngày mà người ta vẫn còn đang dò tìm ở những nơi tình nghi là phi cơ gặp nạn. Một trong những bộ phận được nghĩ đến ngay mỗi khi có tin về tai nạn hàng không là chiếc “hộp đen”. Bạn đã biết gì về dụng cụ này?
Gọi là “hộp đen” vì ban đầu nó được sơn màu đen, nhưng từ lâu nay được sơn các màu sáng, thường là màu cam để dễ tìm kiếm.
Hộp đen do Tiến sĩ David Warren ở Melbourne, Australia phát minh vào khoảng năm 1954, nhưng nay đã được cải tiến nhiều, gồm 2 phần chính: hộp ghi âm buồng lái (Cockpit Voice Recorder – CVR), và hộp ghi dữ liệu chuyến bay (Flight Data Recorder – FDR).
CVR được nối với những micro đặt trong buồng lái để ghi lại những âm thanh (như lời nói, tiếng bật công tắc, tiếng gõ cửa…). Thường có 4 cái, đặt trên đầu phi công chính, phi công phụ, phi công thứ 3 (nếu có) và ở giữa buồng lái. Còn FDR được nối với các bộ phận cảm ứng đặt ở nhiều nơi trên máy bay để ghi lại những dữ liệu về thời gian, áp suất, tốc độ, độ cao, hướng bay, số, tay lái, nhiên liệu… CVR có thể ghi dữ liệu suốt 2 giờ còn FDR ghi được 25 giờ.
Hộp đen, với kích thước khoảng 20cm x 30cm, nặng khoảng 10 kg, được thiết kế đặc biệt giúp nó chịu được va chạm (3,400 Gs), sức ép (227kg/6,5cm2), nhiệt độ (1,100o C), nước muối (dưới đáy biển) không gỉ sét trong thời gian từ 24-30 ngày. Hộp đen thường được đặt ở đuôi máy bay để giảm thiểu các tác động khi máy bay rơi, vì đây là phần cuối cùng chịu lực tác động khi tai nạn xảy ra ở phía trước.
Hộp đen gửi ra một tín hiệu ‘ping’, được kích hoạt khi chìm trong nước, có thể thu nhận được bằng microphone và bằng “dụng cụ phân tích tín hiệu”.
Cả dụng cụ thu âm và dụng cụ thu dữ liệu đều phát ‘ping’ riêng. Riêng với chuyến bay MH370, pin cho phần phát ‘ping’ chỉ hoạt động đuợc 30 ngày. Tuy nhiên, ngay cả khi pin phát ‘ping’ cạn kiệt, thì các dữ liệu thu được trong máy vẫn còn nguyên.
Tầm phát ‘ping’ chỉ vài dặm, và tín hiệu chỉ có thể thu được trong phạm vi bán kính một dặm.
Hoa Kỳ đã triển khai một chiếc tàu kéo theo dụng cụ đặc biệt nhằm phát hiện hộp đen dưới nước. Đó là Towed Pinger Locator, được kéo sau tàu này ở tốc độ chậm, có khả năng bắt âm thanh rất nhạy. Nếu xác định được vị trí có xác máy bay thì nó sẽ nghe được tín hiệu ping từ độ sâu chừng 6,100m.
Ngày lễ hội Mardi Gras vừa qua (4 March 2014) chấm dứt thời gian hưởng thụ của người Công giáo để bước vào Mùa Chay. Chúng ta cũng thường nghe nói về Tháng Chay Ramadan của người Hồi giáo. Hai quan niệm về chay tịnh này khác nhau ra sao?
– Mùa Chay của người Công giáo kéo dài 40 ngày, từ ngày Thứ Tư Lễ Tro (người ta xức tro trên trán để nhắc nhớ rằng con người là thân phận tro bụi rồi sẽ trở thành bụi tro) cho đến lễ Phục Sinh (ngày mừng Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết theo tín ngưỡng của người Thiên Chúa giáo). Trong thời gian này, người Công giáo từ 18 đến 59 tuổi, chỉ buộc ăn chay hai ngày: Thứ Tư Lễ Tro và Thứ Sáu Tuần Thánh (ngày kỷ niệm Chúa Giêsu chịu khổ nạn). Trong ngày ăn chay được ăn một bữa no, còn hai bữa kia chỉ ăn một phần, hoặc nhịn ăn, và cũng phải kiêng không được ăn thịt. Những người đang mang thai hoặc bị bệnh (như tiểu đường), có thể được miễn trừ.
Ăn chay như vậy không thấy khó khăn như người Hồi giáo trong tháng Chay Ramadan.
– Ramadan là tháng thứ 9 trong niên lịch Islam (Hồi giáo). Mỗi ngày của tháng này, những người Muslim (tín đồ Hồi giáo) trưởng thành, nam hay nữ, sức khỏe bình thường đều phải nhịn chay. Nhịn chay theo Hồi giáo là nhịn ăn, nhịn uống, nhịn hút thuốc, không được đưa bất cứ chất gì vào cơ thể, vợ chồng không được liên hệ tình dục… từ lúc trước rạng đông cho đến khi mặt trời lặn. Ngoài việc chế ngự những điều nói trên, người nhịn chay còn phải gạt bỏ những thú vui trần tục, xa lánh những đam mê vật chất thường ngày, vì đó là nguyên nhân làm giảm mất giá trị tôn nghiêm và tính thuần khiết của tháng Phúc Thiện này. Luật chay này chỉ áp dụng cho các tín hữu khi đến tuổi dậy thì (puberty) và được miễn trừ cho những người già cả, bệnh hoạn.
Tháng âm lịch thứ 9 của Hồi giáo cũng là tháng Allah (Chúa) tỏ bày thiên kinh Qur’an cho Muhammed là vị tiên tri sau cùng của Ngài.