Có những món đồ thật xứng đáng để sưu tập: tem, tiền cổ, tranh ảnh, sách báo… Chọn thứ nào và sưu tập bằng cách nào thì cũng quá nhiều kiểu cách. Sưu tập cũng là một thú vui của người có máu đam mê. Qua đó người sưu tập có thể học hỏi, chiêm nghiệm được nhiều điều bổ ích và lý thú.
Lần đầu tôi gặp ông Tiên Nguyễn tại một quán cà phê ở Austin. Quán là nơi ông và bạn bè tụ họp mỗi sáng để nói chuyện trên trời dưới đất. Và nơi đó cũng là để ông có dịp giới thiệu với bạn bè những sáng tác tranh màu nước đơn sơ trên mảnh giấy tập vở học trò. Những bức tranh phong cảnh miền quê đủ mọi đề tài từ mái nhà tranh ven sông, người chèo ghe, người đi gặt đi cấy, bắt cua bắt còng gần gũi trong đời sống của người miền quê Nam bộ. Ông gốc người Gia Định, nên bản chất thẳng ruột ngựa trong máu đã phủ lên con người vẻ bề ngoài xuề xòa, bình dị, ăn nói “nổ như bắp rang” không ngại người khác lùng bùng lỗ tai. Bạn bè thân quen biết tính ông như vậy, tôi là người miền Nam, nên thông hiểu được tính cách ấy. Và bản thân ông cũng biết con người mình như thế. Cho nên trong cuộc nói chuyện với bất cứ ai, quen hay lạ, ông đều bảo “cho tôi nổ một chút”. Câu nói thật có duyên.
Tiên Nguyễn (bên trái) cùng Dân biểu Hubert Võ (giữa) trong buổi trưng bày tranh vẽ hạt gạo tại Art Museum of Austin
Lần thứ hai tôi gặp ông tại nhà riêng của vợ chồng ông vì báo Trẻ có việc cậy nhờ. Hai vợ chồng quả tình hiếu khách, nước trà, bánh mứt hương vị ngày Tết còn sót lại làm cho câu chuyện vui như pháo nổ. Ông lại bảo “cho tôi nổ một chút”. Chẳng qua là ông muốn giới thiệu với khách thêm những món tiêu khiển trong ngôi nhà ấm cúng của một nghệ sĩ nghệ thuật vi mô. Chuyện này thì tôi đã nghe lần trước. Lần này, nhìn những bức tranh li ti vẽ trên hạt gạo, muốn xem phải nhìn qua kính lúp. Ông hỏi thấy gì không? Nói “không” sợ ông buồn vì mắt tôi kém, vẽ trên hòn bi tôi còn chẳng thấy đừng nói chi hạt gạo. Mà nói thấy thì không đúng vì dù có nhìn kính lúp mắt tôi vẫn thấy lờ mờ hình con ngựa phi, con rồng uốn lượn hay đám người khom lưng gặt lúa. Cũng có thể đó là những ngọn núi trong tranh thủy mặc. Mọi hình ảnh rõ hơn khi nhìn qua bộ tranh hạt gạo phóng to trong trang Facebook của ông trên mạng. Có nét. Khéo tay. Đúng là nghệ sĩ “tài không đợi tuổi”. Và ông hãnh diện khi những tác phẩm nghệ thuật vi mô đó được trưng bày giới thiệu tại Art Museum of Austin trước công chúng. Thú thật tôi cũng hãnh diện giùm ông.
Nghệ sĩ nghệ thuật vi mô cùng người xem thưởng lãm
Nhưng điều hãnh diện nhất tôi nghĩ không phải dành riêng cho ông mà cả bà nội tướng của gia đình ông. Đó là hai đứa con thành đạt trong cuộc sống nơi xứ người. Cha mẹ vất vả làm việc, nuôi nấng con cái khôn lớn nên người. Nỗi lòng cha mẹ sống trên xứ người không niềm vui gì bằng con cái thành tài thành người có ích cho xã hội. Một cô tốt nghiệp dược sĩ, một anh theo nghiệp lính giống cha. Ông bảo “nó đeo lon đại úy”. Hai vợ chồng rạng rỡ cho tôi xem những tấm hình con cái vui vầy bên cha mẹ trong ngày tốt nghiệp, lên lon.
Bên ly trà thơm, câu chuyện lại nổ như lính pháo binh. Ông hỏi làm sao phân biệt được người lính và người sĩ quan đứng từ xa không nhìn thấy lon hàm đeo trên cổ áo. Cái này tôi chịu thua. Ông hỏi và ông trả lời tường tận khiến bộ nhớ của tôi có thêm chút kiến thức về các thứ quân trang quân đội Mỹ. Cứ cất vào kho tư liệu, sau này đem ra “nổ” trong bài viết cho bà con xem cho vui.
Hình vẽ trên hạt gạo phóng to
Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên dù lần đầu tiên nghe ông giới thiệu sơ qua về bộ sưu tập mô hình máy bay của ông cất giữ tại nhà. Ông dẫn chúng tôi vào phòng “chế tác”. Căn phòng nhỏ, chật hẹp vì tủ kệ lắp đầy. Theo tôi đó là một kho tàng quân sự máy bay các loại hấp dẫn không chỉ trẻ con mà người bạn bè tóc bạc ai cũng thích thú trầm trồ. Ông mang ra từng chiếc đặt trên chiếc bàn làm việc khoe những chức năng đặc biệt của mô hình mà ông tự tay chế tác lại cho phù hợp sở thích sưu tập. Chiếc máy bay thời đệ nhị thế chiến của Nhật nổ máy rền vang khi chiếc động cơ cánh quạt chuyển động. Tiếng động cơ nghe như thật ngoài đời. Ông giải thích từng giai đoạn động cơ khởi động đến khi tắt máy, phân biệt tiếng lẹt xẹt của pít-tông đẩy cuối cùng. Rồi ông đem ra chiếc máy bay có cánh quạt vĩnh cửu. Chỉ cần dùng ngón tay đánh cánh quạt cho nó quay khởi động, cánh quạt cứ quay mãi không ngừng. Và còn nữa, chiếc máy bay lơ lửng trên không. Ông làm vẻ bí mật như một nhà ảo thuật. Ông mang cục nam châm gắn vào bụng chiếc máy bay, đem cái đế thủy tinh cắm điện cho những bóng đèn led bật sáng giống như đường băng của một sân bay. Rồi đặt chiếc máy bay lên lòng bàn tay, “phù phép” lấy hai bàn tay ra cho chiếc máy bay treo lơ lửng mà không chạm mặt đế. Ông còn dùng cây thước gỗ kéo qua kéo lại ngang mặt đế để chứng tỏ cho mọi người thấy máy bay lơ lửng trên không. Ai cũng trầm trồ điều kỳ diệu. Trong đầu tôi quên hẳn những nguyên lý điện từ làm cái rotor quay hay lực đẩy của nam châm trái chiều trong môn vật lý học từ nhỏ mà chỉ nhận ra điều kỳ diệu dưới bàn tay khéo léo của ông Tiên Nguyễn. Ông đúng là một nhà ảo thuật trước mắt chúng tôi, đừng nói chi đám trẻ con khi thấy được bộ sưu tập máy bay này chắc phải đòi cha mẹ mua cho bằng được.
Kệ trưng bày mô hình máy bay trong góc phòng chế tác của ông Tiên Nguyễn
Ông kể; “Hồi nhỏ tôi mê mô hình máy bay. Thời đầu thập niên sáu mươi thế kỷ trước, mô hình máy bay đã du nhập vào Sài Gòn bán đầy. Ngặt nhà nghèo, muốn mua một mô hình máy bay chơi làm sao có được. Má tui thương con, dành hẳn gần nửa số tiền chợ trong tháng mua cho tui chiếc máy bay mô hình”. Nhưng sở thích sưu tập đâu chỉ có một, càng nhiều càng tốt. Thế là cậu bé Tiên phải cặm cụi tự làm ra mô hình máy bay cho riêng mình bằng mọi thứ vật liệu có thể kiếm được. Ông ngậm ngùi bảo: “Tui nợ má tui đã cho chiếc máy bay quý giá và hun đúc trong con người tui thú đam mê sưu tập. Cho nên bộ sưu tập máy bay của tui giờ có đến gần năm ngàn chiếc”.
Một góc sưu tập với mô hình xe gắn máy
Thật vậy, trong căn phòng nhỏ “chế tác” mô hình, phòng ngủ của ông, phòng ngủ con trai xếp hàng hàng lớp lớp những chiếc máy bay nhỏ xíu trên kệ. Nhưng đó chỉ là một trong những thú đam mê sưu tập của ông khi có điều kiện sang Mỹ định cư cả một cuộc đời còn lại đi làm kiếm tiền mua sắm. Ông còn sưu tập tem, tiền cổ. Ông kể có lần ban biên tập báo Trẻ ghé qua nhà, ông đem bộ sưu tập tiền xưa ra khoe. Đặng Mỹ Hạnh thích đồng bạc Hy Lạp quá bèn mua lại tờ bạc giá những bốn chục đô. Tôi cũng định mua lại chiếc máy bay lơ lửng trên không nhưng ngại không dám hỏi vì hình như đó là chiếc đặc biệt duy nhất mà ông có.
Những dụng cụ Ông Tiên Nguyễn tạo ra để thỏa mãn niềm đam mê khi ở trong tù.
Trở lại chuyện nghệ thuật vi mô của ông. Vẽ trên giấy, vẽ trên hạt gạo chắc chắn là sở thích cho đến cuối đời của ông. Tiên Nguyễn không phải con nhà nòi nghệ thuật. Máu nghệ thuật đến với ông trong những tháng năm đi tù cải tạo. Thời gian rảnh rỗi, buồn chán không biết làm gì, tự dưng trong đầu nảy ra ý tưởng thử vẽ cảnh trên hạt gạo, trên giấy học trò. Dụng cụ không có, ông chế cọ vẽ bằng tóc. Cây cọ nhỏ nhất chỉ bằng hai sợi tóc se lại với nhau. Ông cho biết, những bức tranh hạt gạo ông thực hiện khi còn trong trại cải tạo không thành công, cho đến khi ra tù kiếm mua được dụng cụ mới có thể thực hiện vài tác phẩm coi được. Và nhờ khổ công luyện tập, bộ tranh hạt gạo tiến lên trình độ cao hơn không phải là vẽ mà gần như là khắc chạm dưới bàn tay khéo léo của ông.
Nói chuyện với ông già đam mê nghệ thuật và sưu tập cả ngày cũng chẳng hết. Miên man mọi thứ. Ông tiễn chúng tôi ra về bằng màn thực hiện bức họa con ngựa trong vòng một phút. Với cây bút bi và mảnh giấy con xếp gọn trong lòng bàn tay, ông hí hoáy ngòi bút hiện dần lên bóng dáng ngựa phi. Kể như có tài. Thế nhưng trong đầu tôi lại nghĩ sao phải là một phút. Ngày xưa Trạng Quỳnh thi vẽ với sứ Tàu. Sau ba hồi trống, Quỳnh nhúng mười ngón tay vào mực, ngoáy một cái thành mười con giun.
Ông Tiên Nguyễn giải thích nguyên lý động cơ trong bộ sưu tập với sinh viên học sinh.
TN