Tuần qua, nhiều người trên thế giới tỏ ra thương tiếc về sự ra đi của nhà văn Gabriel Marquez ở tuổi 87. Ông sinh trưởng ở Colombia nhưng hơn nửa cuộc đời sau sống ở Mexico. Ông được tặng giải Nobel về văn chương năm 1982. Cuộc đời ông, nếu tóm gọn, có lẽ nổi bật hai thứ: tác phẩm Trăm Năm Cô Đơn và người bạn… Fidel Castro. Tác phẩm ấy đã đem đến cho ông sự kính trọng của mọi người trên thế giới về văn tài. Ngược lại, tình bạn ấy đã khiến nhiều người trên thế giới… khinh bỉ ông. Thậm chí, một người từng là bạn của ông, cũng từng được giải thưởng Nobel về văn chương, là Mario Vargas Llosa người Peru, đã gọi ông là một “con điếm cao cấp” của Fidel Castro. Nhà độc tài Cuba thì gọi ông là “bạn tri kỷ” và nói rằng luôn được đọc bản thảo trước khi những tác phẩm của ông xuất bản. Ông thì khen nhà độc tài Fidel là một người “rất có văn hóa”.

Fidel và Marquez – nguồn redpolitica.mx
Thực sự Marquez không phải là người đầu tiên trong giới văn chương được giải Nobel khoái (các) nhà độc tài Cộng sản. Nhà thơ Pablo Neruda người Chile, đoạt giải Nobel văn chương năm 1971, cũng luôn ca tụng Stalin và Lenin. Không ít người thắc mắc về những bậc trí thức như thế. Albert Camus, một người Pháp gốc Algeria từng được giải Nobel văn chương năm 1957, đã lý giải rằng con người ta có thể thông minh trong một số lãnh vực nào đó nhưng đồng thời lại ngu đần ở những lãnh vực khác. Trong trường hợp ông Marquez, có lẽ chẳng qua ông chỉ hiểu sai như thế nào là một người “có văn hóa”. Có thể Fidel Castro hiểu biết sâu rộng về văn chương. Mỗi lần hai người gặp nhau là hàn huyên chuyện chữ nghĩa, như lời kể lại của ông Marquez. Tuy nhiên, giả sử khi hai người ngồi với nhau, Castro không cho Marquez… mở miệng để chính mình thao thao bất tuyệt. Hễ Marquez được (phép)… hả miệng thì từng câu từng chữ phải nói đúng y chang theo ý của Castro. Liệu như thế Marquez có còn gọi Castro là một người “rất có văn hóa” không? Thực tế đấy chính là “văn hóa” mà Fidel áp đặt trên toàn dân chúng Cuba. Marquez từng học luật, rồi làm nhà báo, lẽ nào ông không thấy “văn hóa” ấy trên đất nước mà Castro cai trị? Dù sao, Castro cũng chưa phải là nhà độc tài sắt máu đầu tiên được gọi là “có văn hóa”. Phía bên kia quả địa cầu, và cũng bên kia… thế giới, một người bạn, một người đồng chí của Castro, không chỉ được gọi “có văn hóa” mà còn được xưng tụng là “danh nhân văn hóa thế giới”.
Năm 1990, một chính quyền ở Châu Á đưa kiến nghị lên UNESCO, tổ chức lo về văn hóa của Liên Hiệp Quốc, phong tặng lãnh tụ của họ danh xưng trên để kỷ niệm 100 năm ngày sinh của “người”. Người này, nói về sát nhân chỉ thua Stalin hoặc Mao Trạch Đông, chứ khoản bịt mồm che tai che mắt dân chúng thì… không thua ai! Sau đó, UNESCO đã không chấp nhận nhưng, cho đỡ… quê, họ làm như “người” của họ đã được phong, cho tổ chức rình rang khắp cả nước… ăn mừng! Mãi đến hôm nay, nhiều người dân vẫn tưởng “bác của mình” là “danh nhân văn hóa thế giới”!
Dĩ nhiên, những người dân ấy tin như thế vì bị bịt tai, bịt mắt. Ngược lại, những trí thức như Marquez hay Neruda lại tự bịt tai, che mắt mình. Có lẽ ông Marquez phải tự nhắm mắt, che tai mỗi lần sang Cuba hàn huyên với Castro để khỏi thấy hoặc nghe người dân ở đây bị đối xử “thiếu văn hóa” như thế nào. Neruda từng làm thơ lên án chính quyền Mỹ “gây ra chiến tranh và tội ác” ở Việt Nam. Thế mà ông không có một câu thơ phản ảnh những tội ác trong các đợt Cải cách ruộng đất, sự đàn áp vô nhân đạo đối với các nhà văn nhà thơ (như ông) từ chính quyền của họ.
Có lẽ đấy cũng là thói quen của không ít văn nghệ sĩ trên thế giới nói chung. Như Trịnh Công Sơn thấy hình ảnh người mẹ “tiễn con qua núi đồi, trong đêm tối…” trong ca khúc Huyền Thoại Mẹ. Nhưng ông không thấy hình ảnh những người mẹ già, sau 30 Tháng Tư 1975, cũng trong đêm tối, tiễn con… ra biển! Ông cũng không thấy những người mẹ già lặn lội đi bộ qua… núi đồi để thăm con trong các trại cải tạo. Chắc là những văn nghệ sĩ ấy nhìn đời chỉ một con mắt. Mà Trịnh Công Sơn cũng có lần băn khoăn tự hỏi:
Con mắt còn lại là con mắt ai?
(Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài.)