Menu Close

Tiểu thuyết Nguyễn Đình Toàn

Nguyễn Đình Toàn sinh ngày 6-9-1936 (15-8 năm Bính Tí) tại Hà Nội. Vào Nam năm 1954. Làm việc ở Đài phát thanh Sài Gòn. Viết văn từ năm 1954 và nổi tiếng với tác phẩm đầu tay Chị Em Hải. Sau tháng 5-1975 bị giam cầm nhiều lần. Tháng 11-1998 sang Hoa Kỳ, định cư ở California. Ngoài văn, Nguyễn Đình Toàn còn làm thơ và viết ca khúc.

alt

Tác phẩm:

– Chị Em Hải (1961)
– Mật Đắng (1962)
– Những Kẻ Đứng Bên Lề (1964)
– Con Đường (1967)
– Ngày Tháng (1968)
– Đêm Hè (1970)
– Giờ Ra Chơi (1970)
– Không Một Ai (1971)
– Thành Phố (1971)
– Tro Than (1972)
– Áo Mơ Phai (?)
– Bông Hồng Tạ  Ơn I & II

Gần đây, Nguyễn Đình Toàn cho in lại các tiểu thuyết của mình trong hai bộ sách lớn, Người Việt đứng tên xuất bản: Nguyễn Đình Toàn, Tiểu Thuyết I (gồm Áo Mơ Phai, Con Đường, Tro Than) & Nguyễn Đình Toàn, Tiểu Thuyết II (gồm Đồng Cỏ, Giờ Ra Chơi, Ngày Tháng).

Tạ Tỵ nhận định về Nguyễn Đình Toàn:

“Nguyễn Đình Toàn sinh ra và lớn lên bên kia bờ Hồng Hà, huyện Gia Lâm nối liền với Hà Nội bằng nhịp cầu Long Biên vươn dài ngang dòng nước đỏ máu phù sa. Chỉ cách một cây cầu mà nếp sinh hoạt khác hẳn. Huyện Gia Lâm, có phi trường dân sự, có thôn xóm, lũy tre bụi chuối, có bờ đê cao ngất xanh om cầu kỳ, mỗi năm một lần mở hội vào Tháng Tám Âm lịch, và một thị trấn chạy dài từ dốc cầu tới gần lối rẽ vào phi trường là hết. Đứng bên bờ đê Gia Lâm, có thể nhìn thấy lề Hà Nội với chiếc cột đồng hồ, Bảo tàng viện và cửa ô Yên Phụ.

Nhưng khi nhớ về miền Bắc, Nguyễn Đình Toàn chỉ nói tới Hà Nội, với tất cả mê đắm qua lớp lớp nhớ thương. Hà Nội là trung tâm miền Bắc, ở đó, mọi sinh hoạt được nâng lên hay hạ xuống đều có giá trị quyết định. Toàn, nhớ phố hàng Ngang, hàng Đào, nhớ con đường tàu điện với tiếng chuông leng keng buồn bã, nhớ chợ Đồng Xuân, nhớ nhà Thủy Tạ, nhớ cầu Thê Húc, nhớ đền Ngọc Sơn, nhớ tháp Rùa, nhớ cả hàng dương liễu xõa tóc xuống hồ Gươm soi bóng! Nguyễn Đình Toàn nhớ, nhớ nhiều lắm, nào thành phố, nào người tình bé bỏng, nhưng cái nhớ ở đây thuộc về ký ức, nên nó được phác họa qua tâm tưởng bằng những hình dung mê cảm nhất.

May mắn thay, sự nghiệp văn học của Nguyễn Đình Toàn không nằm ở môi trường ấy. Nó được hình thành trong vùng trời khác, nơi mà định mệnh và tình yêu đang chụp bắt, đang bủa vây, đang khép những bất ngờ và khổ não cho mỗi tuổi trẻ.

Tuổi trẻ, tình yêu, hai vấn đề lớn nhất đối với Nguyễn Đình Toàn. Nhà văn luôn luôn vì nó, nhân danh chúng để tỏ bày thái độ trước cuộc sống. Nguyễn Đình Toàn mở đầu nghiệp văn của mình bằng tác phẩm Chị em Hải, đăng từng kỳ trong nhật báo Tự Do và cũng do cơ sở này xuất bản. Tác phẩm ra đời, đưa ngay nhà văn vô hẳn khung trời văn nghệ và được dư luận liệt vào thế hệ đợt sóng mới của văn chương Việt Nam.”

T. Vấn, trong blog của mình, viết về hai cuốn sách của Nguyễn Đình Toàn:

Đọc lại Nguyễn Đình Toàn, là trở về những ngày tháng cũ, những “Ngày Tháng” của “Áo Mơ Phai”, là đi lại những “Con Đường” mong tìm được chút “Tro Than” thuở mắt còn sáng,  môi còn tươi, giữa “Giờ Ra Chơi” mơ về những “Đồng Cỏ” mút mắt thênh thang của tương lai đang chờ đợi. Nhưng tương lai ấy nay đã qua rồi. Có còn chăng là những hoài niệm khôn nguôi, phải thế không hỡi em yêu dấu ? (T.Vấn)

Tôi cầm hai quyển sách mới in của Nguyễn Đình Toàn với một cảm giác lạ lẫm mà quen thuộc. Lạ lẫm vì đã lâu lắm, đã mấy chục năm rồi tôi mới lại có được cảm giác này khi cầm quyển sách trên tay. Quen thuộc vì, dù đã ở tuổi gần đất xa trời, tôi vẫn không thể quên thuở hoa niên tràn ngập lòng ham mê sách vở, cùng với cảm giác của những ngón tay đè lên trang sách mỏng, cảm giác của mùi giấy mới lâng lâng xao xuyến, cảm giác của những hàng chữ nằm im lìm mà quyến rũ đến tê người. Tưởng chừng như thuở hoa niên ấy mới vừa ra khỏi đời tôi ngày hôm qua.

Thoắt cái mà đã hơn 40 năm rồi sao? Như vị thầy khả kính Nguyễn Xuân Hoàng dẫn tôi vào thế giới văn chương bằng những bài giảng Việt văn từ năm học lớp đệ ngũ Petrus Ký, những trang sách Nguyễn Đình Toàn cũng là những vị ngọt đầu đời tôi nếm thử, để rồi nghiện ngập trong suốt quãng đời còn lại.

Những Áo Mơ Phai, những Con Đường, những Tro Than, những Giờ Ra Chơi, những Ngày Tháng, và những nhân vật không tên hoặc có tên, chúng đã là một phần tâm hồn tôi, cái phần không thể dứt bỏ dù muốn, cái phần đã mang đến cho cuộc đời tôi cả niềm vui lẫn nỗi buồn, mà đã có lúc tôi ước gì mình đừng bao giờ biết đến. Nhưng cũng như vị ngọt của nụ hôn đầu đời, cũng như tình yêu mà không ai không chưa một lần trải nghiệm, những trang sách Nguyễn Đình Toàn đã nhấn chìm nghỉm tôi trong thế giới ẩm ướt của riêng ông, thế giới của những tâm hồn mơ ước được sống như đó là lý lẽ duy nhất để mình tồn tại.

Khi cầm trên tay hai tập tiểu thuyết 1 và 2 của nhà văn Nguyễn Đình Toàn, cùng với những cảm giác bùi ngùi về cuộc đời của mình, đồng thời tôi khẳng định một điều, với tôi, những quyển sách điện tử của thế kỷ 21 sẽ không bao giờ thay thế được sách in trên giấy, dù thực sự từ nhiều năm nay đi đâu tôi cũng mang theo bên mình vật bất khả ly thân là cái máy đọc Nook…

alt

NGUYỄN & BẠN HỮU – trích T.Vấn & Bạn Hữu