Menu Close

Chuyện chiếc thảm

Tôi ở trong căn nhà này hình như cũng khá lâu rồi. Ngày ấy, tôi nhớ hai cô cậu chủ đã hí hửng mang tôi về đây, trong căn nhà mới toanh mà họ vừa xây được. Họ đã tìm lâu lắm mới gặp được tôi. Tôi nhớ họ rất hài lòng vì tôi lớn gấp đôi những tấm thảm khác,

một kích thước mà họ đã mong từ lâu. Cô chủ thích lắm, vì cô đã mua được tôi với giá rẻ hơn bình thường. Khi đem tôi về, cậu chủ lúc nào cũng khen tôi tốt vì nếu lỡ có làm đổ nước thì cũng dễ lau, vì nước không thấm xuống thảm liền.

Tôi có mặt trong căn nhà này rất sớm, sớm hơn rất nhiều những thứ khác trong nhà. Những ngày đầu tiên, ai cũng khen tôi đẹp tôi lớn, thậm chí còn không dám đi lên tôi. Trong căn nhà này dĩ nhiên là còn nhiều tấm thảm khác rải rác trong các phòng, nhưng duy chỉ có mình tôi là lớn nhất nên được chú ý nhiều hơn.

Những đứa bé trong căn nhà này mỗi ngày một lớn. Chúng ngồi trên tôi chơi ráp hình, hoặc nằm dài trên người tôi vẽ vời con ong con bướm. Tôi nhớ mùa hè nào đó, khi cô tập cho cậu bé con bỏ tã, cô cuộn tôi lại, cất sang một bên để thằng bé khỏi có “tè” lên tôi. Rồi từ đó, cứ mỗi mùa hè thì cô lại cuộn tôi cất đi, cho đỡ nóng và cho tôi đỡ dơ.  Tôi cảm thấy rất sung sướng khi được nâng niu như thế. Nhưng gần đây, bỗng dưng cậu chủ cứ bảo nhà nhiều bụi, mà thủ phạm không ai khác là tôi. Chính tôi là nguyên nhân của những đứa mang tên “bụi bặm”. Thấy cậu chủ bảo thế nên cô chủ càng hút bụi nhiều hơn. Thay vì một tuần hai lần thì cứ cách một ngày là cô hút bụi tôi một lần. Thậm chí có khi rảnh rang thì hút mỗi ngày. Cô làm thế vì sợ cậu giận cậu đem vứt tôi vô thùng rác. Nếu thật tình như thế thì cô rất tiếc. Không phải chỉ tiếc tiền mua tôi, nhưng tôi biết còn một lý do khác quan trọng hơn. Có lẽ chỉ riêng tôi biết, hoặc cậu chủ cũng biết mà không mấy quan tâm? Đó là, ở dưới chân cô chủ tôi có 2 cái mụn cóc. Không biết có phải gọi là mụn cóc hay không, hay chỉ là hai cục chai nho nhỏ, nên mỗi lần cô đi trên nền cứng, cô hay bị thốn đau. Có lẽ vì thế nên cô quý tôi, vì tôi đã giúp cô cất đi phần nào cái đau đó.

Cứ mỗi lần cậu chủ than nhà bụi là mỗi lần cô lại buồn, vì cô đã rất cố gắng bằng cách là hút bụi thường xuyên, thế mà cũng không làm cậu hài lòng. Tôi thấy mỗi lần cậu than nhà nhiều đồ thì cô lại phải chọn ra vài thứ đem đi vứt. Y như lời của cậu là một mệnh lệnh. Không nói ra nhưng phải hiểu ngầm là như thế. Tuy nhiên, gần đây thì hình như cậu thường chỉa mũi dùi vào tôi, nên hay than nhà nhiều bụi, và hăm he đem tôi đi bỏ mấy lần. Mấy chú thảm kia chắc cũng có lỗi, nhưng lỗi của tôi là nhiều nhất vì tôi lớn nhất và cũ nhất trong căn nhà này. Con người thường hay “có mới nới cũ”, nhưng cậu chủ nhà tôi đâu có tấm thảm nào mới đâu, chắc chỉ vì tôi cũ nên cậu không còn thích tôi như thuở ban đầu mà thôi. Cậu muốn dẹp hết tất cả những tấm thảm trong nhà cho mát mẻ, nhưng cậu quên một điều là mùa đông của xứ này rất dài, nên không có một tấm thảm nào sẽ thấy căn nhà rất trơ và lạnh.

Tranh Bảo Huân

Có lẽ cậu ít quan tâm đến điều đó, vì mỗi ngày, ngoài mấy tiếng đồng hồ để ngủ ra thì  hình như cậu chỉ có mặt trong căn nhà này vài tiếng mà thôi. Những tiếng ấy cậu dành cho chuyện ăn uống, xem tivi và lướt mạng, nên cậu đâu có quan tâm đến những thứ có mặt trong căn nhà này quan trọng hay không. Hay nói đúng hơn là cậu chỉ quan tâm đến dàn máy của cậu, những cái loa kia hát có lớn hay không, có hay hay không, chứ cậu đâu có quan tâm đến những thứ khác làm gì. Cậu cũng không còn nhớ đến tôi, là một món đồ dùng không có cũng không sao. Tuy nhiên tôi đã tham gia và đóng góp cho những sinh hoạt trong gia đình này hằng mấy năm nay, nên chính tôi cũng tự cảm thấy mình là quan trọng.

Tôi thấy hễ mỗi lần cậu chủ than bụi thì cả nhà hùa nhau đi hút bụi, rồi cũng xong, nhưng lần này thì tôi thấy cô chủ buồn ra mặt. Tôi nghe cô nói với cậu:

– Chắc em xin nghỉ việc.

– Việc gì?

– Hút bụi.

– Tại sao?

– Tại vì hút thường xuyên gần như mỗi ngày mà vẫn có người than là bụi.

Tôi thấy cậu im lặng. Cô cũng im lặng. Tôi thấy lần này cô rất buồn.  Có lẽ cô buồn vì cảm thấy mình đã rất cố gắng mà vẫn không hài lòng cậu, hoặc buồn vì cô linh tính một điều gì đó không hay?  Một lúc sau, tôi thấy cậu lẳng lặng đi vào phòng ngủ, để cô ngồi lại một mình trên chiếc sô pha. Đôi chân cô vẫn đặt trên mình tôi, ấm áp.

Sáng sớm, khi mặt trời còn say ngủ thì cô chủ tôi đã thức dậy. Tôi hơi ngạc nhiên vì bình thường thì cô vẫn hay ngủ dai hơn vào những ngày cuối tuần. Chưa kịp ăn uống gì hết, tôi đã thấy cô loay hoay cuộn những tấm thảm trong những căn phòng bên cạnh lại, và thảy ra sân. Có lẽ cô làm việc đó vì biết cậu chủ không còn ưa thảm, nên cô chủ động vứt bỏ cho xong. Tới phiên tôi, cô ngần ngại một chút, nhưng rồi có tiếc thì cô cũng phải làm như đã tính. Cô nắm lấy một bên tôi, lăn tròn và cuộn tôi vô như một cái chả giò khổng lồ. Rồi cô lấy keo dán vòng quanh tôi cẩn thận. Cậu đứng đó nhìn, không hỏi lấy tôi một tiếng và cũng không giúp cô một tay. Đôi khi tôi thấy cậu rất tàn nhẫn. Cậu không thương tôi đã đành, nhưng cậu cũng không hiểu cho nỗi đau của vợ cậu khi vì chiều chồng mà đành đứt ruột vứt bỏ tôi đi. Xong xuôi đâu đó, cô lôi tôi ra ngoài cửa. Cô không thảy tôi ra hẳn bên ngoài như những tấm thảm khác, nhưng cô để tôi nằm chênh vênh giữa hai ngạch cửa.

Cả nhà ăn sáng. Cô không nói lấy một lời, lẳng lặng cắm cúi ăn. Thường ngày cô không bao giờ vứt bỏ thức ăn. Nếu lũ trẻ con có than no quá không ăn nổi nữa, thì cô vẫn khuyên chúng ráng ăn thêm, không được vứt vì có rất nhiều người nghèo không có mà ăn. Nhưng hôm nay tôi thấy cô bỏ cả nửa tô mì. Cô ăn không ngon, ngủ không yên, không biết là vì tôi hay chỉ vì sự vô tâm của người chồng?

Ăn xong, cô loay hoay dọn dẹp và lau nhà lau cửa. Cậu chủ đi ngang, nhìn tấm thảm đã được cuộn tròn ngay ngắn thì hỏi:

– Cái này em tính làm gì?

Cô lạnh lùng:     

– Vứt thùng rác chứ làm gì.

– Sao lại vứt?

– Vì có người không thích nữa, thì vứt đi chứ để làm gì.

Có lẽ cậu hiểu cái người mà cô nói là cậu, vì trong căn nhà này, cậu không thích cái gì thì một ngày nào đó nó cũng phải lăn vào thùng rác. Sau câu nói lạnh lùng của cô chủ, có lẽ cậu cũng thấy lương tâm áy náy nên nói:

– Thôi để bán cho người ta, biết đâu cũng có người cần một tấm thảm lớn mà tìm không ra.

Thì ra cậu cũng còn nhớ cái lần cậu chạy đi lùng tôi khắp nơi. Tôi tự nhủ:

– Thôi thì cũng được, nếu có người chịu mua tôi, dù vài ba chục đồng đi nữa, thì ít ra cũng đủ chứng minh rằng tôi còn một ít giá trị.

Thế là cậu tháo tôi ra, chụp cho tôi vài tấm hình rồi cuộn lại đem tôi vào kho cất. Tôi nghe tiếng dép hờ hững của cô chủ khua trên nền nhà, đó là đôi dép mà cô vẫn thường mang khi không có tôi. Từ đây về sau, khi không còn tôi thì đôi dép đó sẽ thay tôi cất đi phần nào nỗi thốn đau do những cái cục chai nhỏ dưới chân cô gây ra. Tôi nghe cậu chủ hỏi:

– Tại sao hôm nay em lại mang dép vậy?

Thì ra những cái cục chai dưới chân cô chủ từ bao nhiêu năm nay, cũng chỉ có mỗi một mình tôi quan tâm đến.

TH