Tôi tên Lê Thị Thanh Tâm, 46 tuổi, tôi có đi chụp hình ngực mỗi năm để khám ung thư vú (screening mammograms). Năm 2011 sau khi chụp bác sĩ gởi kết quả về nhà như sau: “No evidence of breast cancer or other significant abnormality. Based on your screening mammograms, you have dense breast tissue”
Vì tiếng Anh tôi không giỏi, xin bác sĩ giải thích dùm. Xin cảm ơn
Đáp
Thưa bà Tâm, tôi xin dịch nguyên văn câu tiếng Anh ra tiếng Việt như sau: “Không có bằng chứng ung thư vú hoặc bất thường nào khác. Căn cứ vào hình mammograms, bà có một vùng mô bào vú dày đặc”.
Xin nói thêm là trong vú, có hai loại mô bào:
– Mô bào liên kết và tuyến vú gọi chung là mô bào đặc (dense tissue). Trên mammogram các mô bào này cản lại tia X-ray cho nên có hình dạng màu trắng.
– Mô bào mỡ béo, tia X-ray xuyên qua được cho nên trên mammogram có màu đen.
Về mammogram cũng có 2 loại:
– Screening mammogram là để tìm u bướu trong vú mà khi khám không tìm ra cũng như chưa có dấu hiệu, triệu chứng của ung thư.
– Diagnostic mammogram là loại được dùng sau khi đã có dấu hiệu triệu chứng bệnh hoặc có u bướu trong vú.
Sau đây là hướng dẫn mới về screening mammogram:
– Sàng lọc bằng screening mammogram với phụ nữ có rủi ro vừa phải về ung thư vú nên được thực hiện từ tuổi 50 (thay vì 40 tuổi như trước đây) và chấm dứt vào cuối năm 74 tuổi.
– Phụ nữ ở lứa tuổi này nên làm screening mammogram mỗi 2 năm (thay vì mỗi năm như trước đây).
Còn bác sĩ nói là bà có một vùng mô bào dày đặc trong mammograms thì cũng cần được theo dõi, vì một u ung thư cũng có dạng dày đặc như mô liên kết của vú và có thể gây ra hiểu nhầm khi làm mammogram.
Để kết luận ung thư vú, cần phải làm biopsy tức là cắt một chút tế bào ở u bướu đó đưa vào phòng thí nghiệm nhuộm màu rồi tìm tế bào ung thư
Bà nên hỏi lại vị bác sĩ đã gửi bà đi làm screening mammogram cho bà vào năm 2011 xem bây giờ là năm 2014, bà cần làm thêm gì nữa không nhé.
Tôi tên Paul Bình, 79 tuổi, ở Garland, lãnh SSI 21 năm nay. Tôi cảm ơn bác sĩ đã giúp cho tôi hiểu biết về nhiều bệnh và cách trị liệu. Tôi cắt những bài báo của bác sĩ gởi về cho con ở VN để tăng phần kiến thức.
Nay tôi muốn hỏi bác sĩ về “bệnh trào ngược thức ăn” (thức ăn trào lên cổ). Đã gặp bác sĩ nhưng không bớt, tôi đã dùng Nexium 40mg và Dexitant 60mg (trị gastrossophageal re-flux disease) cuống bao tử và bị hernia (kết quả chụp 3 năm trước).
Tôi có cao huyết áp có khi lên tới 182, có khi xuống còn 74 và bệnh cao mỡ, hay bị vertigo.
Xin bác sĩ chỉ dẫn cho cách chữa trị, bác sĩ gia đình bảo phải soi bao tử có khi phải giải phẫu. Vì sức yếu hay chóng mặt nên tôi ngại làm.
Đáp
Thưa ông Bình, trong giới hạn của một sự góp ý kiến để độc giả hiểu thêm về bệnh của mình mà khi đi khám bệnh không có cơ hội hỏi bác sĩ gia đình, tôi không được phép chỉ dẫn cách chữa bệnh trên thư từ. Xin ông và độc giả thông cảm.
Về bệnh trào ngược thức ăn lên cổ của ông, tôi có ý kiến thêm như sau.
Đây là bệnh tiêu hóa kinh niên trong đó chất acid ở dạ dày dội ngược lên thực quản. Các chất này sẽ gây ra tình trạng kích thích niêm mạc thực quản, và bệnh nhân cảm thấy xót đau. Cho nên ta còn gọi là bệnh ợ chua (Heartburn).
Trào ngược xảy ra có khi cả vài ba lần trong một tuần lễ và gây khó chịu cho bệnh nhân.
Đa số bệnh nhân có thể làm dịu các rối loạn này qua sự thay đổi nếp sống và thuốc mua tự do (OTC). Nhưng với bệnh trào ngược thì các thuốc này chỉ giảm khó chịu trong thời gian ngắn, và họ cần thuốc mạnh hơn, đôi khi cần giải phẫu để chữa dứt bệnh.
Trào ngược xảy ra khi cơ vòng ở phần cuối thực quản bị yếu. Bình thường khi ăn, cơ này mở ra để thức ăn từ trên đi xuống thực quản rồi sau đó đóng lại. Nay vì một lý do nào đó, cơ này lại không khép lại, mà luôn luôn mở, cho nên chất chua ở dạ dày mới có đường dội ngược lên trên thực quản. Lâu ngày, các chất chua này làm hư hao tế bào ở thực quản, đưa tới tổn thương các tế bào này và chảy máu, loét lở…
Những rủi ro đưa tới sự trào ngược này là: Mập phì hoặc phụ nữ có thai tăng sức ép vào dạ dày, đẩy cơ vòng thực quản mở ra khi ta không ăn; người bị hernia (như của ông) gọi là thoát vị khe trong đó một phần dạ dày đi qua khe dành cho thực quản chạy lên xoang ngực (Hiatal hernia); người hút thuốc lá, mắc bệnh tiểu đường, suyễn…
Để xác định bệnh, bác sĩ có thể cho làm X-ray dạ dày, nội soi thực quản/ dạ dày…
Để điều trị, bệnh nhân có thể uống các dược phẩm làm dung hòa chất acid trong bao tử hoặc chặn không cho dạ dày tiết ra các chất này, như ông đã dùng Nexium hoặc Zantac, Tum…
Trong trường hợp không chữa được bằng dược phẩm, bác sĩ có thể giới thiệu làm giải phẫu để chữa nguyên nhân gây ra bệnh, như là ông bị hiatal hernia.
Bác sĩ của ông khuyên ông nên làm giải phẫu, thì tôi nghĩ ông nên nghe theo lời vị bác sĩ đó. Vì ông ta biết rõ tình trạng sức khỏe của ông.
Ông cũng nên hỏi bác sĩ xem là ông đang điều trị mấy bệnh như cao huyết áp… liệu có mổ được hay không nhé.
Về nếp sống, ông nên:
– giữ gìn ăn uống để tránh quá mập,
– không mặc quần áo bó sát cơ thể,
– chia bữa ăn thành những bữa nhỏ,
– không nằm sau khi ăn no,
-tránh tiêu thụ các thực phẩm có thể kích thích dạ dày sản xuất chất chua như ăn nhiều mỡ béo, hành tỏi, rượu, nước cà chua, cà phê, thuốc lá…
Chúc ông mọi sự bình an
NYD