Menu Close

Bà chủ nhà nhân ái

Hồi đó, đám học sinh chúng tôi cùng trọ tại một căn nhà của một bà người Mỹ. Căn duplex, bà chủ nhà tóc vàng mắt xanh sống một bên, bên kia là đám da vàng mũi tẹt chúng tôi. Đứa từ Gò (Gò Công), đứa từ Hố (Hố Nai), đứa từ Dốc (Dốc Mơ), còn tôi từ Hốc (Hốc Môn). Tụi tôi vừa đi làm vừa đi học, sống cần kiệm, tự lo cho bản thân vì đứa nào cũng biết cha mẹ còn một đàn con thơ và kinh tế ai cũng eo hẹp như ai. Chúng tôi là con cái của những cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, qua đây theo diện HO. Cuộc sống cơ cực thời thơ ấu dưới thời “Cách Mạng” đã giúp chúng tôi đặt cho mình một mục tiêu: phải học để tiến thân trong cuộc sống mới này. Nhưng bắt đầu từ đâu khi ngôn ngữ là một trở ngại, cơm áo là một rào cản?! Nhưng chúng tôi tự nhủ phải học, học, vì bây giờ được quyền đi học; không như một thời năm xưa khi mà những cánh cửa đại học luôn là giấc mơ ngoài tầm tay cho những con cái thành phần “Ngụy quân ngụy quyền” chúng tôi khi còn ở Việt Nam. Quyết tâm là vậy, nhưng thực tế đầy nhiêu khê!

Mùa hè New Orleans thật oi ả nhưng chúng tôi chẳng dám bật AC hết cỡ. Tiền điện chịu sao nổi! Một hôm tình cờ biết được chúng tôi tằn tiện như vậy, bà chủ nhà hiền từ bảo: “Qua bên ta mà học bài cho dễ, cứ việc mở AC cho thoải mái mà học bài nhé! Đây chìa khoá nhà của ta!” Bà ấn vào tay tôi chìa khoá mà nào chúng tôi có dám lạm dụng lòng tốt của bà! Rồi một hôm máy giặt bên căn chúng tôi dở chứng. Nó đình công khi mớ quần áo còn ướt nhèm, ngoài trời thì lạnh căm! Chúng tôi hì hục vắt tay từng cái quần cái áo, bỏ vào một bao rác lớn, đem ra tiệm giặt. Đang lúc khệ nệ mang cái bao nặng trĩu ra xe, bà chủ nhà tình cờ thấy và hỏi thăm, chúng tôi kể thì bà cuống quýt xin lỗi vì cái máy giặt bị hư. Bà giằng lấy bao quần áo và mang vào nhà bà giặt,  rồi sấy khô và xếp lại cho chúng tôi. Bà bảo nhiệm vụ của bà là sẽ mướn thợ sửa máy giặt ngay ngày mai. Thực sự lúc đó chúng tôi không hề nghĩ bà chủ nhà phải có trách nhiệm sửa máy. Bà còn bảo, hễ đứa nào được “straight A” (điểm ưu toàn phần) thì bà sẽ “free” tiền nhà tháng đó. Tôi, con nhỏ từ “Hốc”, học mờ con mắt, chẳng phải vì ham một tháng free tiền nhà, mà vì sợ… ở lại lớp nên học ngày học đêm, học riết rồi thành học sinh hạng ưu của trường luôn!

Tôi khoe report card để bà cùng chung vui và cũng là để cám ơn bà vì đã ưu đãi chúng tôi rất nhiều, bà cười tươi như bà tiên trong chuyện cổ tích: “Đừng lo nghĩ nhiều! Ta giúp được gì ai trong khả năng thì ta sẵn lòng.” Tôi cảm động nhưng ngôn ngữ eo hẹp, chẳng biết diễn tả sao cho trọn vẹn, chỉ biết lặp đi lặp lại “Thank you so much!” Chiều đó tôi chiên chục chả giò mang qua biếu bà, bà cảm động gọi tôi là “con gái cưng” (dearest daughter).

Ngày tôi lập gia đình ở một tiểu bang xa, bà một mình lái xe 9 tiếng đi, 9 tiếng về, để dự đám cưới tôi. Bà bảo hễ có dịp ghé về New Orleans thì nhớ đến thăm bà. Tôi hứa “Nhất định rồi!” Đã hơn 10 năm, Austin và New Orleans chẳng xa là mấy, vậy mà tôi đâu đã có dịp về thăm bà.

Lũ chúng tôi, đứa Hố, đứa Dốc, đứa Hốc, đứa Gò, một thời tá túc dưới mái nhà của bà, chật vật khó khăn năm xưa, giờ đây đều là dược sỹ hoặc làm chủ rất thành công trên thương trường địa ốc… có ai còn nhớ về bà chủ nhà tốt bụng?

Tôi vẫn gởi thiệp Noel hàng năm đến bà, nhưng rất thẹn với lòng, vì những tấm thiệp xanh đỏ này có thấm gì với lòng bác ái bà dành cho chúng tôi năm xưa!

Thôi thì noi gương bà “giúp bất cứ ai mỗi khi có thể”. Bà chủ nhà tốt bụng của chúng tôi ơi, bà không hề “lên lớp” một từ nào với chúng tôi, nhưng chúng tôi đã học nơi bà tấm lòng nhân ái bao la. Bài học này học hoài mà chẳng tốt nghiệp nổi, bởi mỗi ngày sống là một ngày lãnh nhận. Các bạn không tin à? Nền tự do dân chủ chúng ta đang hưởng từ đâu có? – Không phải đó là gia sản của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ ư? An ninh quốc gia chúng ta đang hưởng cũng là thành quả hy sinh của quân đội Huê Kỳ đã và đang thi hành. Trường hợp cá nhân lũ học sinh chúng tôi năm xưa, giả thử hạt mầm đại học mà không được may mắn gieo vào môi trường tốt thì không biết có cơ hội nẩy mầm đâm bông kết trái? Sự khuyến khích từ gia đình, những giúp đỡ cụ thể từ bà chủ nhà chẳng hạn, hoặc những phần học bổng quý giá mà chúng tôi nhận được từ nhà trường qua tay các cơ sở thương mại v.v…, là những mảnh đất màu mỡ cho hạt mầm đại học phát triển.

Thật cám ơn đời, cám ơn người, và cám ơn luôn cả những khó khăn trong đời, vì chúng mà chúng tôi được trưởng thành hơn.

Bà chủ nhà tốt bụng ơi, your dearest daughter luôn ghi nhớ lòng tốt của bà, và hứa sẽ để lòng bác ái của bà chảy tràn lan đến mọi người trong đời. Cám ơn bà đã “open your door, open your heart” cho đám học sinh nghèo chúng tôi, khi tài chính của bà cũng chẳng dư dả gì.

Và cám ơn U, báo Trẻ, đã tạo cơ hội cho tôi, và rất nhiều độc giả xa gần, có dịp bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã làm ơn cho mình. Mong lòng nhân ái được tiếp tục chảy muôn nơi.

Trịnh Nguyễn – Austin