Nói về ốc, thường thường dân quê chỉ bắt hai loại ốc bươu và ốc lác vừa kể. Tuy nhiên trên đồng còn có loại ốc quắn, ốc nhọn đít nữa nhưng vì chúng quá nhỏ, ruột ốc không có bao nhiêu nên không ai bắt hai loại ốc này để ăn. Ngoài ra, người ta có thể bắt loại ốc sống nơi các ao hồ, dù nhỏ con, ruột hơi nhẩn đắng, gọi là ốc đắng; nhứt là mùa hè loại ốc đắng nấy rất mập, ăn khá ngon. Cách bắt loại ốc đắng này rất dễ vì chúng thường bám vào các gốc cây hoặc nhánh chà bỏ ngâm trong các ao hồ nên người ta không cần phải lặn hụp mò ốc dưới bùn mà chỉ men theo các gốc cây, các nhánh chà và chỉ cần lượm ốc bỏ vô thau hay cái nồi nhôm buộc sợi dây chuối đeo sau lưng; lội bắt một hồi như vậy có thể đầy nồi lúc nào không hay.

Mò cua bắt ốc – NGUỒN PHUNU.NET
Nhắc tới mùa cua ốc, cũng cần nhắc qua một chút về mùa cua tháng nước ngập. Vào mùa nước lên này dân ruộng ưa chống xuồng lên các vạt lúa mùa câu cá rô và mồi gạch cua cá rô rất ưa nhưng càng cua ốm cũng là mồi mà cá rô rất thích. Cua trước khi lột vỏ chúng phải qua thời kỳ cua ốm. Càng cua ốm vỏ hơi mềm, vỏ của chúng chưa lột nhưng có thể lột cái vỏ ngoài và còn lại thịt cua ở bên trong rất mềm và có chứa nhiều sữa. Chính lớp thịt này làm mồi câu cá rô rất nhạy. Hồi đó vùng Mặc Cần Dưng với lộ đá nối liền Long-Xuyên vô Tri-Tôn, dọc hai bên lộ đá này hang cua ốm nhiều lắm. Người ta theo con đường lộ đá này móc hang cua về làm mồi câu cá; nhưng nên nhớ mùa nước lên rắn cũng ưa ở hang cua, do vậy móc hang cua cũng rất nguy hiểm vì có rắn nằm theo hang của cua nữa. Nhớ lại hồi đời trước trẻ nhỏ rất khờ, chỉ biết ham bắt cua mà không biết sợ rắn chạm nên nay già rồi ngồi nhớ lại những lần bắt cua trong hang mà còn biết ớn thần hồn!
Về các món ăn cua ốc, thật tình ra hồi đời trước dân quê ăn uống rất đơn giản. Bắt cua ốc về rồi là rửa sạch và bỏ vô nồi luộc với lá chanh, lá bưởi, lá ổi, lá sả và cứ thế cho tới cua ốc chín rồi đem ra xúm xít lại với nhau dùng gai bưởi, gai cam lể ốc ăn cua. Nước chấm có thể làm nước mắm sả ớt hoặc có khi còn dùng muối ớt ăn với cua ốc cũng đậm đà lắm. Hồi đời trước, người lớn thường nhắc trẻ nhỏ không nên ăn ruột ốc có trứng vì nghe nói trứng ốc làm mờ mắt, hổng biết có đúng cùng không nhưng trẻ con được người lớn dạy gì chúng đều vâng lời nên không đứa nào dám ăn ruột ốc có trứng. Ngoài ra, nhiều lúc ở ruộng có mùa kiếm cá tép cũng khó, nhiều nhà cũng lấy cua ốc kho sả, kho mỡ ăn cũng bắt cơm lắm mà nhứt là lâu lâu ăn một bữa cua ốc kho sả ớt ăn cơm với gạo lúa mới có khi ăn hết nồi hồi nào mà không hay.

Đặt trúm – NGUỒN VNPHOTO.NET
Thêm vào đó, cua ốc ngoài các công dụng như giúp dân quê có món ăn, chúng còn rất hữu dụng trong các mùa đặt trúm, đặt lọp, làm mồi cho các loài cá nuôi nơi hồ ao, chúng còn được dùng làm mồi giăng câu cá lóc mùa nước giựt nữa. Cá lóc mùa nước giựt phần đông là cá lóc đã lớn chững chạc rồi nên chúng rất thích ăn mồi ngầm không như lúc cá còn nhỏ chúng rất thích ăn mồi nhái, mồi chạy chỉ toàn là cá lóc nhỏ ít khi nào có cá dính câu nặng tới cả kí-lô. Hơn nữa mùa nước giựt và cũng là mùa gió bấc nên cá bị ê răng, do vậy chúng thích ăn mồi cắt, mồi cua là những loại mồi ngầm nằm sát mặt bùn. Ốc làm mồi là mặt ốc được lấy ra và tùy con ốc lớn hay nhỏ mà người giăng câu để nguyên hoặc cắt ra làm hai cho vừa miếng mồi; còn cua làm mồi là loại cua nhỏ cỡ bằng ngón chân cái, vì cua phải còn sống với bộ càng bò ngo-ngoe mới hấp dẫn mấy anh chị cá lóc lớn đang nằm chờ mồi trong các bụi cỏ êm êm gần đó.
Ngoài hai loại ốc bươu và ốc lác như vừa kể, vào khoảng đầu thập niên 1990, chính xác là vào khoảng các năm 1993, 1994, các cánh đồng vùng Long-Xuyên, Châu-Đốc, Lấp-Vò, Sa-Đéc và nhiều vùng khác xuất hiện một loại ốc bươu có vỏ màu vàng và dân quê gọi tên là “ốc bươu vàng” nghe đâu xuất xứ từ bên Tàu. Trái với hai loại ốc bươu và ốc lác vừa kể với nhiều công dụng, ốc bươu vàng là một loài ngoại tộc, chúng không giúp ích gì cho dân ruộng mà còn là một đại nạn cho cây lúa, cho mùa màng và dĩ nhiên là một tai ách cho người làm ruộng. Sở dĩ chúng tôi nói như vậy là vì từ khi ốc bươu vàng mới tượng hình, lớn cỡ đầu đũa ăn là chúng đã biết cắn phá những mộng lúa còn non vừa mới nhú lên khỏi mặt đất vào những mùa sạ tỉa đông ken. Khi lúa lớn chúng vẫn tiếp tục cắn phá mùa màng không thương tiếc. Chẳng những thế chúng còn sinh sôi nẩy nở trùng trùng điệp điệp không cách gì bắt chúng cho hết. Đặc biệt là cách đẻ trứng của chúng cũng kỳ lạ khác thường nữa. Chẳng hạn ngoài việc đẻ trứng trên cỏ, trên rong chúng còn bò lên cây đẻ trứng và trứng bám vào thân cây thành từng về, từng về màu trắng ngà giống như những cái bánh men bám đầy thân cây mới nhìn trông giống như sâu mảng cầu, nhìn thấy biết ớn. Không cách gì diệt được chúng kể cả thuốc sâu hoặc bắt bằng tay. Loại ốc này thịt rất tanh nên không ai ăn ốc bươu vàng luộc, chỉ bằm cho cá ăn hoặc dân ruộng bắt ốc bươu vàng bán cho các chủ nuôi cá trê, cá lóc để bớt nạn ốc cắn lúa nhưng cũng chỉ tạm tạm chứ không làm sao dứt hẳn nạn ốc bươu vàng phá hại mùa màng.

Tóm lại, ngoại trừ ốc bươu vàng mới mấy năm sau này làm hại mùa màng và không ai bắt để ăn, nhìn chung mùa cua ốc ngày trước vào những năm còn làm lúa mùa, khắp các cánh đồng lớn nhỏ vùng Long-Xuyên, Châu-Đốc, Cao-Lãnh, Sa-Đéc và những vùng lân cận là một mùa vui khi mưa vừa bắt đầu cũng như khi các cánh đồng ngập nước vào tháng tám, tháng chín âm lịch việc đi bắt cua ốc bằng xuồng, bằng lọp đường ven là những dịp nhàn hạ, vui hòa của dân quê sau những ngày vất vả nơi đồng cạn, đồng sâu vào những tháng đông ken của những ngày mùa cày bừa hoặc cắt gặt… Biết lấy cái cực làm vui, lấy cái nghèo làm đủ, lấy cái trời cho làm của ngon cho mình cũng là cách biết hưởng đời sống “an bần lạc đạo” qua những mùa cua ốc với hương đồng cỏ nội dạt dào rồi vậy!

Ốc bươu vàng – NGUỒN DANVIET.VN
Kinh Xáng Bốn Tổng ngày 06 tháng 01 năm 2014
Trích trong “MỘT CHÚT TÌNH QUÊ” (tức “MÙA MÀNG NGÀY CŨ 2” sắp ấn hành)