Menu Close

Vùng đất của người da đỏ

Một ngày như bao ngày bình thường tôi đang xem giấy tờ nộp đơn xin thẻ xanh định cư dưới đạo luật ân xá của Tổng thống Bush dành cho người gốc Latin di dân lậu vào Mỹ. Công việc này khiến tôi chán ngắt vì phải mất rất nhiều thì giờ kiểm chứng trước khi hoàn tất một hồ sơ. Giữa lúc rối bù cái đầu trong đống giấy tờ thì nhân viên tiếp tân thông báo tôi có khách muốn gặp. Tôi nhớ là mình không có cái hẹn nào nên tiếp tục làm việc và bảo tiếp tân báo cho khách chờ tôi mười lăm phút. Nửa tiếng trôi qua tôi mới có thể bước chân ra tiền sảnh.

 

alt

Bảng ranh giới Oklahoma và Kansas. Chữ O tượng trưng cho lá cờ Oklahoma với hình ảnh một tấm khiên bọc da trâu đính kèm bảy chiếc lông chim đại bàng. Tấm khiên của người thổ dân được bao bọc bởi hai biểu tượng hòa bình của hai nền văn hóa. Thứ nhất là “chiếc tẩu hòa bình” của người thổ dân da đỏ và thứ hai là cành cây ô liu, là biểu tượng hòa bình của người da trắng.

Skhusbu Tod đứng dậy vội vã bắt tay tôi và giới thiệu cô gái đứng bên cạnh là vị hôn thê của anh vừa mới sang. Anh xin lỗi không hẹn mà đến chỉ vì muốn dẫn cô vợ tương lai đến chào hỏi và cảm ơn tôi đã kết nối cho cuộc đoàn tụ gia đình. Cô gái nhìn không mặn mòi như trong những tấm ảnh tôi được xem qua cách đây sáu tháng. Cả hai ngỏ ý mời tôi đến dự đám cưới tổ chức ngay tại sòng bài nơi Skhusbu Tod làm việc. Lời mời thật đột ngột khiến tôi phân vân vì có biết bao hồ sơ tôi đã làm qua nhưng chưa bao giờ có một người nào đến gặp bày tỏ lòng biết ơn chân thành như thế này. Tôi không hứa chắc nhưng cũng không đành từ chối tấm lòng Skhusbu Tod dành cho tôi một cách trân trọng. Đi dự đám cưới một người không thân thuộc mà phải lái xe cả tiếng rưỡi đồng hồ quả là bất tiện. Hơn nữa tôi có dự vài ba đám cưới đồng nghiệp người Mỹ theo kiểu tiệc đứng, thật tình chẳng hứng thú tí nào.

Tôi nghĩ Skhusbu Tod là người trọng tình nghĩa. Có lẽ trong người anh mang dòng máu thổ dân, sống phóng khoáng giữa thiên nhiên bao la quen rồi. Thế nhưng anh lại biết nghĩ cho người khác. Tôi nhớ có lần anh tâm sự, không biết vị hôn thê của anh có thích nghi được cuộc sống ở một thị trấn hẻo lánh chỉ có cỏ, bò và ngựa. Tôi không biết trong đầu cô vợ tương lai có đồng cảm với anh không. Nhưng tôi chắc là không vì người Việt sang Mỹ hình như quen sống ở thành phố, nơi có việc làm thuận tiện và sinh hoạt vui nhộn hơn. Có lần tôi nhận một cú phôn của một phụ nữ đồng hương tận Ohio xa xăm. Bà nhờ tôi tư vấn có cách nào giải thoát cho bà đang sống với ông chồng người Mỹ ở một nông trại bắp buồn muốn chết. Ông ta giữ hết giấy tờ tùy thân của bà, muốn đi đâu làm gì cũng không được. Bà bảo ông ta ngược đãi bà, tôi nghe tiếng nức nở trong phôn không biết có phải là sự thật. Tôi hy vọng Skhusbu Tod sẽ có cách cư xử công bằng.

Cuối cùng thì tôi quên bẵng lời mời của Skhusbu Tod. Mãi cho đến bây giờ, sau nhiều năm, tôi mới sực nhớ, kể chuyện này cho mấy người bạn đi cùng chuyến viễn du miền Trung Tây khi xe vừa mới vào “vùng đất của người da đỏ”.Tên gọi Oklahoma của tiểu bang bắt nguồn từ hai từ okla và humma của người da đỏ Choctow, có nghĩa là “đất của người da đỏ”. Có quá nhiều tên gọi từ nguồn gốc Oklahoma. Skhusbu Tod bảo Chickasaw cũng có ý nghĩa “vùng đất của người da đỏ”. Tiểu bang Oklahoma có đến 39 bộ tộc sinh sống mang những tên gọi khác nhau đều nhận đó là vùng đất của bộ tộc mình sau cuộc “Hành trình nước mắt” (Trail of Tears). Tuy nhiên sự mở rộng đất đai của người da trắng đã dẫn đến Đạo luật Dawes năm 1887 cho phép người da trắng được vào Oklahoma định cư. Một nửa lãnh thổ của Oklahoma được mở cửa cho những đoàn di dân mới đến hoặc được mua bởi công ty đường sắt. Những cuộc “land run” để người da trắng chạy đua vào chiếm đất được tổ chức, trong đó có cuộc chạy đua chiếm đất năm 1889. Trước giờ khai cuộc, một số người khôn ngoan hơn đã vượt giới tuyến vào cắm mốc trước tại những vùng đất nhiều lợi thế. Do đó, Oklahoma ngày nay có biệt hiệu là “Sooner State”. Và cuối cùng Oklahoma chính thức trở thành tiểu bang thứ 46 của nước Mỹ vào năm 1907.

 

alt

Tranh minh họa “Cuộc hành trình nước mắt” (Trail of Tears) mô tả người da trắng dồn người da đỏ di cư về Oklahoma

Con sông Red River bốn mùa trơ đáy lộ lớp sét đỏ au. Họa hoằn lắm khi hồ Taxoma xả lũ, nước tràn ngập đến mắt cá chân. Đây cũng là ranh giới phía Nam Oklahoma kéo dài đến tận tiểu bang New Mexico. Toàn bộ vùng đất này khô cằn, không màu mỡ, chỉ có thể trồng cỏ chăn nuôi gia súc không thể trồng thứ gì khác có thể làm cho nền nông nghiệp phát triển khá hơn. Do vậy dân cư chỉ tập trung vào các thành phố sinh sống và nơi đó chính là những vùng đất của những “Người đến sớm” châu Âu vượt giới tuyến vào xí phần đất của mình. Người da đỏ buộc phải dạt ra những vùng đất chẳng ai thèm ngó.

Nhưng có một thứ mà người da trắng hay bất kể người da màu gì định cư ở Oklahoma đều bị người da đỏ thu hút đến. Đó là sòng bài. Người da đỏ kinh doanh nghề đặc biệt này không phải đóng thuế cho chính phủ tiểu bang. Người da đỏ thích kinh doanh sòng bài một lẽ từ “máu” thích đánh bạc và uống rượu như một truyền thống bộ tộc. Một điều đặc biệt hơn, các sòng bạc của người da đỏ cho phép trẻ em trên 18 tuổi được vào trong khi ở Las Vegas hay bất kỳ nơi nào khác đòi hỏi bạn có giấy tờ chứng minh trên 21 tuổi. Người da đỏ có quyền đặt các quy định mà chính quyền tiểu bang không thể can thiệp. Họ xây dựng sòng bài và các dịch vụ phục vụ xung quanh trên phần đất “Tự trị có chủ quyền không được xâm chiếm và không thể xâm chiếm”. Nhiều nơi, chúng tôi bắt gặp những “lời tuyên ngôn” bằng giấy in dán trước cửa ra vào sòng bài hoặc cây xăng khi xe chúng tôi ghé vào tiếp thêm nhiên liệu. “Welcome to the sovereign and self-governing land of the unconquered and unconquerable. Chickasaw Nation!”.

 

alt

Quy định của một cửa tiệm tạp hóa cây xăng ở Oklahoma khi vào tiệm phải mặc áo và mang giày

Ghé vào sòng bài lớn nhất thế giới một chút, không phải để kiếm lộ phí đi đường mà vào kiếm vài ly cà phê dành cho chặn đường đi Nebraska còn xa lắc xa lơ. Mấy người bạn tôi ở California thường đi Las Vegas nên vừa nghe “World’s Casino Biggest” ở cái xứ người da đỏ dường như không tin đó là sự thật. Bức tượng đồng người chiến binh da đỏ đứng trong bồn bông trước cửa nghiêm trang chào du khách. Chiến binh cởi trần tay cầm tấm khiên và cây thương những thứ vũ khí thô sơ như vậy làm sao đánh lại với súng ống của người da trắng. Chẳng trách người da đỏ phải thua trắng ngay trên sân nhà. Có còn chăng là những mảnh đất tự trị vài ba ngàn mẫu lốm đốm như da beo rải khắp tiểu bang Oklahoma. Nơi đó là nhà của những bộ tộc da đỏ. Người da đỏ sống trên mảnh đất gọi là chủ quyền tự trị đó có khác chăng một gia đình đông con sống trong một mái nhà. Chủ nhà có mọi quyền hạn của chủ nhà nhưng vượt ra khỏi ngôi nhà, mảnh đất đó, họ vẫn phải tuân theo những quy tắc luật lệ tiểu bang. Nói tóm lại, đó chẳng qua là một thứ tự trị chủ quyền có giới hạn mà thôi.

Nhiều người cho rằng một người Mỹ điển hình sẽ không quan niệm việc đến sòng bạc là một việc đi ngược lại các quy tắc đạo đức. Nếu bạn nghiện cờ bạc để đến mức tan nát nhà cửa, đánh con bỏ vợ, liên lụy người khác thì chắc chắn là không tốt. Còn nếu đến sòng bạc giải trí thỉnh thoảng – họ cho như thế là hoàn toàn lành mạnh. Tất nhiên, những người Cơ đốc thì phản đối việc đánh bạc dưới mọi hình thức: dù để kiếm tiền hay chỉ để giải trí. Nhưng phải thành thực mà nói rằng tự do tín ngưỡng ở Mỹ đang dần trở thành một phần của văn hoá, một thứ mà ai cũng làm chỉ vì xã hội làm thế thay vì đức tin thực sự.

 

alt

Tượng chiến binh da đỏ trước World’s Biggest Casino WinStar

Chúng tôi cũng là người Mỹ hiên ngang vào casino bằng cửa ở đoạn giữa. Đi lên đi xuống chừng năm mươi mét không ai còn muốn đi tiếp. Chỉ cần ước lượng đủ thấy rằng không có một casino đơn lập nào ở Las Vegas có quy mô như thế này. Tuy sòng bài người da đỏ không sang bằng nơi khác nhưng rất hào phóng cho phép người ta mang thức uống ra ngoài. Chúng tôi mỗi người lấy hai ly cà phê nóng. Nhưng vừa định đi thì những âm thanh lôi cuốn của mấy máy chơi game trỗi dậy khiến người bạn nán lại rút bóp lấy mười đồng bỏ vào máy kéo. “Cứ xem như phụ đóng tiền điện nước cho casino”. Mỗi người kéo một lần, chín lần thua trắng. Lần cuối khi chúng tôi xoay lưng thì nghe tiếng nhạc sôi động với hàng chữ điện tử chạy tung tăng “Look up Big Bonus”. Ha ha trúng lớn. Đoàn xe lửa chạy xình xịch, những anh thổ dân da đỏ cướp tiền vàng bên trong ném xuống đường kêu loảng xoảng. Mười, hai mươi, ba mươi điểm cứ thế lớn dần cho đến khi chúng tôi cash out được một trăm năm mươi đồng. Vậy là lấy lại tiền xăng, còn có dư cho buổi ăn tối thịnh soạn. Xem như ông thần Chickasaw rộng lượng chào đón chúng tôi đến vùng đất của người da đỏ.

Bước ra đến bên ngoài, tôi đứng lại nhìn bức tượng chiến binh da đỏ lần nữa xem có mang giày không. Không chỉ mang giày lại là giày ống cao tận đầu gối, họa tiết tượng trưng cho lớp da thú rừng. Tôi đang kiểm chứng một quy định thấy dán trước cửa cây xăng chúng tôi vừa ghé vào khi nãy. “Shirt and shoes required”. Quy định này khiến tôi tự hỏi, phải chăng thường có người da đỏ không mặc áo mang giày bước chân vào cái tiệm tạp hóa bán xăng. Nền văn minh của người da trắng cho đến tận bây giờ chưa thấm sâu vào ý thức sinh hoạt ăn mặc trong cuộc sống của người da đỏ chăng?

 

alt

Đầu mùa xuân bầu trời Oklahoma thường có những đám mây đỏ rất đẹp mắt

TN