LTS: Trong những ngày cuối Tháng Tư, người Việt quan tâm nhiều đến biến cố lịch sử 30/04/1975; một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất là vấn đề “hòa hợp – hòa giải”. Đây là một vấn đề lớn, để bàn về nó thì đã có vô số ý kiến. “Hòa hợp – hòa giải” cũng đã đi vào văn chương trong một số sáng tác được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau.
Chúng tôi sưu tầm được bài thơ dưới đây của nhà thơ Hoàng Ngọc-Tuấn; trong bài thơ này ông giả định mình là nhà cầm quyền cộng sản VN và chọn góc nhìn từ phía đó. Ông làm bài thơ vào ngày 30.04.2011, từ 3 năm trước, và nay giới thiệu lại trên Facebook của mình.
Thoạt đầu, bài thơ là một hỗn hợp của những cảm xúc hài hước, cay đắng và chủ quan, nhưng ngẫm lại thì rõ ràng đây là những ý nghĩ chân thật được thể hiện qua những hành động của nhà cầm quyền về vấn đề này lâu nay: những hành động đối với “bọn chúng mày” trong bài thơ vẫn không thay đổi. Hôm nay, bài thơ vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhà cầm quyền VN nên cám ơn tác giả đã nói giùm họ những điều khó nói.
Tại sao chúng mày không chịu hòa giải?
36 năm rồi mà!
Oán thù nên cởi, không nên buộc. Bọn tao đâu có oán thù chúng mày. Bọn tao lúc nào cũng mở rộng vòng tay sẵn sàng hòa giải với chúng mày, mà sao chúng mày không chịu hòa giải?
Cái gì? Những chuyện cũ rích ấy à?
Những chuyện ấy xưa rồi mà sao chúng mày cứ nhắc mãi!
Phải quên đi những chuyện cũ rích ấy thì mới hòa giải được.
Bọn tao đã quên hết rồi mà sao chúng mày cứ lải nhải những chuyện ấy.
Chúng mày có nghe rõ không?
Chúng mày nói sao? Bọn tao sai lầm to lớn à? Chúng mày nói cái gì vậy? Chúng mày có điên chưa?
Bọn tao không hề sai lầm. Chúng mày có nghe rõ không? Chúng mày mới là những kẻ hoàn toàn sai lầm. Chúng mày là những kẻ có tội.
Bọn tao không bao giờ sai lầm. Chúng mày có nghe rõ không?
Chúng mày có chịu câm mồm đi không? Chúng mày phải câm mồm đi thì mới hòa giải được. Có hiểu không?
Cái gì? Bố chúng mày chết trong tù hả? Đừng có nói láo! Ở đây không có nhà tù nào cả. Không có ai chết trong tù cả. Có nghe rõ không? Trong trại cải tạo hả? Chúng mày nói cái gì? Chúng mày có hiểu trại cải tạo là gì không? Trại cải tạo là nơi để giáo dục cho bố chúng mày tốt hơn. Chúng mày đã không biết ơn bọn tao, mà lại đi nghe lời xúi giục để nuôi lòng thù oán. Sao chúng mày ngu xuẩn đến thế!
Cái gì nữa? Mẹ chúng mày chết trôi trên biển à? Bọn tao đâu có xô mẹ chúng mày xuống biển đâu mà chúng mày than van? Mẹ chúng mày bỏ xứ ra đi đã là một trọng tội. Chúng mày có hiểu không? Bọn tao đã khoan hồng bỏ qua cho cái trọng tội ấy rồi mà chúng mày chưa vừa lòng à? Thế thì làm sao mà hòa giải?
Cái gì nữa? Chúng mày mất nhà, mất cửa à? Nhà cửa chúng mày đâu có mất! Bọn tao sử dụng nhà cửa chúng mày vì những mục đích tốt đẹp cho đất nước mà chúng mày đâu có chịu hiểu. Chúng mày phải bỏ cái thói đòi hỏi ích kỷ vô lý ấy đi thì mới hòa giải được. Chúng mày đòi lại nhà cửa à? Chúng mày điên cả rồi! Bọn tao đã sử dụng nhà cửa chúng mày mấy chục năm nay cho những mục đích tốt đẹp, mọi thứ đã ổn định đâu ra đó cả rồi, mà bây giờ chúng mày còn đòi lại hay sao? Ích kỷ vừa thôi chứ! Vô lý vừa thôi chứ! Chúng mày muốn làm loạn à? Làm loạn thì làm sao mà hòa giải?
Cái gì nữa? Bà con chúng mày đói rách đầu đường xó chợ à? Chứ ai bắt chúng nó đói rách? Chứ ai xua chúng nó ra đầu đường xó chợ? Chúng mày đừng bịa đặt.
Sao? Chúng mày nói sao? Còn cái gì nữa? Chuyện bây giờ hả? Chuyện bây giờ là chuyện gì? Lại chuyện độc tài? Lại chuyện tù ngục? Lại chuyện đàn áp? Lại chuyện bóc lột?
Làm gì có độc tài? Chúng mày đừng có bịa đặt!
Làm gì có tù ngục? Trước nay đâu có tù ngục mà chúng mày cứ lải nhải mãi thế?
Làm gì có tù nhân lương tâm?
Làm gì có chuyện đàn áp, bóc lột?
Chúng mày đừng nói láo!
Này! Câm mồm ngay! Chúng mày đừng có gào lên như thế!
Câm mồm ngay! Phải câm mồm ngay thì mới hòa giải được!
Không chịu câm mồm à? Thế thì đừng có trách. Hậu quả là gì thì chúng mày tự hiểu. Bọn tao không cần phải nói nhiều.
Chúng mày phải cúi đầu xuống! Câm mồm lại! Ngồi yên chỗ đấy! Lắng nghe cho rõ!
Hiểu chưa?
Nào, bây giờ chúng mày có chịu hòa giải hay không?