Trong lúc bạn đọc những dòng này thì đang có những người ở Mỹ bị đột quỵ: cứ 40 giây có một trường hợp xảy ra, theo báo cáo của American Heart Association (AHA – Hiệp hội về Tim ở Mỹ). Và cứ mỗi 4 phút lại có một người tử vong vì chứng đột quỵ. Nguy hiểm là thế nhưng thực ra 80% các trường hợp xảy ra có thể ngăn ngừa được, bằng một số biện pháp như sau:
Kiềm chế huyết áp cao
Chứng này khá phổ biến, cứ ba người lớn ở Mỹ thì có một bị cao máu, là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ. Muốn kiểm soát, nên thường xuyên theo dõi các số đo áp huyết của mình, thảo luận với bác sĩ về phương pháp chữa trị và thuốc dùng. Lối sống lành mạnh và năng động cũng là cách hạ huyết áp lâu dài.
Ngưng hút thuốc lá
Ai cũng biết những điếu thuốc lá tuy nhỏ bé nhưng lại có thể gây ra nhiều tai hại to lớn cho thân thể. Hút thuốc là lấy đi lượng oxygen trong máu, buộc tim phải làm việc nhọc nhằn hơn, làm tăng nguy cơ máu bị đóng cục. Các bác sĩ, dược sĩ…, và những website như smokefree.gov có thể giúp ta bỏ thói quen này.
Kiềm chế bệnh tiểu đường
Theo Hiệp hội về Tiểu đường ở Mỹ (American Diabetes Association) người bị bệnh này có nguy cơ bị đột quỵ cao 4 lần hơn người không mắc. Chế ngự bệnh này là điều quan trọng để ngừa đột quỵ, và có nghĩa là phải giữ cho lượng đường trong máu, huyết áp và cholesterol ở mức an toàn, cũng như vận động và ăn uống lành mạnh.
Vận động
Hạ thấp nguy cơ bị đột quỵ (cũng như nhiều bệnh tật khác) bằng cách vận động 30 phút ở mức độ vừa phải (như đi bộ nhanh) 5 ngày một tuần. Nếu coi là nhiều quá thì chia 30 phút đó ra thành mỗi lần 10 phút: đi bộ quanh chỗ làm sau khi ăn trưa, đá vài đường banh với trẻ em… Chọn những sinh hoạt dễ ưa thích như khiêu vũ, tập yoga… để đạt được mục tiêu.
Giảm cân nếu bị mập phì
Quá nhiều mỡ trong thân thể dễ có nguy cơ bị đột quỵ, bệnh tim, bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác. Tham khảo với bác sĩ để lập chương trình chữa trị. Ăn uống lành mạnh cũng như vận động như nói trên chắc cũng giúp giảm cân.
Ăn uống lành mạnh
Nghiên cứu tại trường ĐH Harvard cho thấy người ăn nhiều rau trái hàng ngày có ít rủi ro bị bệnh tim hoặc đột quỵ hơn tới 30% so với người ăn ít. Ngoài rau trái, còn nên dùng các loại hạt nguyên (whole grains) và sản phẩm của sữa ít chất béo (low-fat), giới hạn dùng muối, và các loại chất béo.
Duy trì mức cholesterol lành mạnh
Một lý do khác để thúc đẩy ta vận động, giữ thể trọng lành mạnh và ăn thực phẩm bổ dưỡng, đó là mỗi cách như thế có thể giúp ta kiểm soát được mức cholesterol và nhờ vậy, giảm nguy cơ bị đột quỵ. Cholesterol “xấu”( Low-density lipoproteins – LDL) có thể tạo ra các mảng trong huyết quản, ngăn máu lưu chuyển tới óc. AHS khuyến cáo người từ 20 tuổi trở lên nên thử cholesterol mỗi 5 năm một lần.
Theo dõi nhịp tim đập bất thường
Chứng tim đập không bình thường này tiếng chuyên môn gọi là Atrial fibrillation (hoặc Afib). Ai mắc chứng này có nguy cơ bị đột quỵ 5 lần hơn người thường. Đáng sợ là hơn hai triệu người ở Mỹ bị, nhưng nhiều người không biết. Một số yếu tố rủi ro gây ra chứng này: tuổi tác, bệnh tim và huyết áp cao. Tham khảo với bác sĩ xem có bị chứng này không để điều trị hoặc tìm cách ngừa.
Ý thức về các yếu tố rủi ro khác
Càng biết nhiều về nguy cơ riêng của cá nhân có thể gây ra đột quỵ, ta càng dễ ngăn ngừa. Người có bệnh thiếu máu do tế bào lưỡi liềm (sickle cell anemia), bệnh tim mạch, hoặc trước đây đã bị đột qụy…, dễ có nguy cơ bị lại. Ngoài ra còn có những yếu tố khác như tuổi tác, tiền sử bệnh trong gia đình, chủng tộc (người Mỹ gốc châu Phi dễ bị hơn) và phái tính (đàn bà dễ bị hơn đàn ông).
Nhận ra dấu hiệu bị đột quỵ
Nhớ triệu chứng đột quỵ bằng 4 chữ cái F.A.S.T.
Face (mặt): gục xuống hoặc tê cứng (miệng méo khi ta bảo họ cười)
Arm (cánh tay): yếu hoặc tê bại (có đưa hai tay lên được không?)
Speech (lời nói): khó khăn (có líu nhíu khi yêu cầu lặp lại một câu?)
Time (lúc): nếu thấy có một trong những triệu chứng nói trên, đó là lúc gọi ngay 911