Menu Close

Tranh ảnh trên không gian ảo và Amazon

Ngày ấy, năm một ngàn chín trăm hồi đó, những thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, người ta đi chợ, đi chơi, đi mua sắm tại những hàng quán, cửa tiệm, thương xá… Nhìn mặt hàng, sờ mó, ngắm nghía, ướm thử những món cá nhân như quần áo, giày dép, mũ nón trước khi mở hầu bao mà rinh món hàng về nhà. Ngày nay, thời điện tử, thời @, người ta giao tiếp, kết bạn, buôn bán làm ăn trên không gian ảo, chẳng cần gặp gỡ biết mặt, biết tên người giao tiếp với mình là ai. Hàng hóa cứ theo hãng chuyên chở mà đến tận nhà người mua, từ cái kim cuộn chỉ nhỏ xíu đến bàn ghế giường tủ kềnh càng. Vật dụng đã vậy mà những sản phẩm nghệ thuật cũng được mua bán in hệt như thế, chẳng cần sờ mó ngắm nghía chi ráo. Muốn mua sách? Khỏi cần đọc sơ qua như khi vào tiệm sách, trên mạng ảo, ta cứ mua đại, tác giả thành danh đã đành mà những tên tuổi xa lạ cũng nhắm mắt đưa…tay (bấm chuột) đặt hàng, kiểu hay nhờ dở chịu!

Các nhà xuất bản thi nhau cặp kè để làm ăn với các công ty trung gian bán hàng qua mạng ảo, trong số này, tên tuổi lớn nhất là Amazon.

Amazon xông xáo làm ăn trên mọi thị trường, và gần đây thì họ cũng túm được cả thị trường tranh ảnh. Thay vì ta lang thang nhìn ngắm các tác phẩm trưng bày tại các phòng triển lãm, Amazon rinh luôn hình ảnh của các tác phẩm ấy đem chưng trên không gian ảo mênh mông. Bá tánh sính tranh ảnh cứ việc vào cửa hàng mà ngắm nghía bất kể sáng đêm, giá cả lại rành rành nên tha hồ nhìn ngó đến mỏi mắt thì thôi! Nôm na là ta cũng có thể mua tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật qua mạng ảo. Nghĩa là cái “chiều sâu” của bức tranh và các bóng mờ cũng như màu sắc đậm nhạt của hình ảnh đều nhất nhất nhờ cậy vào số “pixel” và các gam màu của máy móc.

Amazon hay “Amazon.com, Inc.” là một công ty Huê Kỳ chuyên nghề trung gian buôn bán qua liên mạng, trụ sở chính nằm tại Seattle, Washington. Amazon.com khởi nghiệp bằng một tiệm sách bán hàng qua liên mạng; sau đó công ty này nhanh chóng buôn thêm các món khác như DVD, VHS, CD, video và MP3 downloads/streaming, thảo trình điện toán, trò chơi điện tử, rồi quần áo, giày dép, nữ trang, thức ăn và cả những đồ dùng trong nhà như bàn ghế …

Bán hàng hóa của các hàng sản xuất khác chưa đủ, Amazon còn tự sản xuất các món vật dụng điện tử khác để bán thêm và cạnh tranh với khách hàng (hãng sản xuất) qua món vật dụng đọc sách điện tử, vật dụng để đọc sách điện tử, như Kindle e-book reader [‘reader’ ở đây đã thoát thai, không còn ý nghĩa nguyên thủy là “độc giả” hay “người đọc” mà trở thành một “vật dụng”!? Rồi có một ngày ta cũng sẽ trở thành “vật dụng” để làm một công việc nào đó thay cho máy móc?] và bảng điện toán Kindle Fire. Hiện nay Amazon cũng là một trong những nhà cung cấp dịch vụ “điện toán trên mây”, cloud computing.

Chủ nhân của Amazon là ông Jeff Bezo, mở công ty làm ăn từ năm 1994 dưới tên “Cadabra” nhưng đổi thành Amazon.com vào năm 1995. Amazon là tên của một con sông dài nhất của thế giới, con sông này được đặt theo tên của các nữ tướng dũng mãnh Amazons trong thần thoại Hy Lạp.

Amazon có nhiều “cửa hàng” trên mạng ảo, gần như mỗi quốc gia có “cửa hàng” riêng, bán cho khách hàng Huê Kỳ, Anh, Pháp, Ý, Tàu… có lẽ để tiện việc gửi hàng từ kho dự trữ địa phương hoặc giả trưng bày các món “hạp” với thị hiếu khách địa phương?

Khởi nghiệp từ việc buôn bán chữ nghĩa nên Amazon có lẽ là kho sách đồ sộ nhất thế giới; tính đến năm 2011, danh mục sách vở của công ty này lên đến gần triệu cuốn, đủ mọi loại đề mục. Sách in trên giấy đã vậy, kho sách điện tử cũng không kém phần mênh mông, chỉ dò danh mục không thôi, phe ta đã hoa mắt, chóng mặt! Cũng theo tài liệu của Amazon, họ biểu rằng món sách [vở] ngày nay có lượng bán thua sút sách điện tử mỗi ngày một xa, 180 cuốn sách điện tử cho mỗi trăm cuốn sách in trên giấy. Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu nữa sách vở sẽ đi biền biệt và con dế mèn hoài cổ chắc sẽ thở dài não nuột, sẽ phải theo thời mà đọc sách điện tử?

Kho sách đã mênh mông dường ấy nên Dế Mèn chưa dám lân la đến “kho” âm nhạc hay phim ảnh của Amazon, cái danh mục lê thê kia mới chỉ liếc qua đã hãi rồi!

Chưa biết Amazon thương thảo thế nào mà bao nhiêu nhà sản xuất, nhà xuất bản chịu bắt tay làm ăn với họ, thế là thượng vàng hạ cám, món gì cũng có mặt trên cửa hàng! Giỏi như thế nhưng vẫn chưa hết, Tháng Tám năm 2013, Amazon công bố rằng họ mở thêm cửa hàng Amazon Art để bán các tác phẩm nguyên bản và các phó bản của những tác phẩm quý giá (limited edition) từ những phòng triển lãm.

Mở đầu là… 40,000 tác phẩm được bày bán, từ bức tranh “Willie Gillis: Package from Home” của cụ Norman Rockwell, giá 4.85 triệu Mỹ kim, “L’Enfant a la tasse” của Claude Monet, 1.45 triệu, “Sachiko” của Andy Warhol, 45,000 Mỹ kim đến các bức vẽ, bản in vài chục đô la! Nôm na là đủ thứ sản phẩm đáp ứng với thị hiếu của mọi loại khách hàng!

Trước đây, năm 1999, Amazon đã từng thử lửa trong lãnh vực buôn bán các tác phẩm nghệ thuật bằng cách cặp kè với nhà đấu giá nổi tiếng Sotheby để buôn bán qua liên mạng. Kết quả là họ dẹp trang nhà vì chẳng có khách mua nào héo lánh. Từ đó đến giờ đã 15 năm lẻ, chuyện buôn bán trên mạng ảo ngày nay khác hẳn thủa “xưa”, bá tánh bây giờ mua bán rầm rộ, chỉ với một cái bấm chuột là ta có thể mua tác phẩm nghệ thuật khắp nơi, từ Etsy, eBay và cả Costco!

Lối buôn bán trên mạng ảo phổ thông như thế đủ cho ta thấy phần nào cách hành xử của người tiêu thụ. Mỗi ngày một nhiều, người tiêu thụ đã chịu chọn lựa mua bán tác phẩm nghệ thuật qua mạng ảo, ngay cả khi chưa từng “thấy” bản gốc!

Theo bài tường trình của công ty Hiscox, và Art Tactic, chuyên nghề định giá và bảo hiểm các tác phẩm nghệ thuật, tại Anh, 89% các phòng triển lãm đã bán tác phẩm cho khách hàng qua mạng ảo, và 64% các tay sưu tầm cũng đã mua bán theo kiểu này, từ tranh, ảnh đến các phụ bản!

Tại Hoa Kỳ, các con số xem ra khiêm nhường hơn, việc mua bán tác phẩm nghệ thuật trên mạng tương đối nhỏ, cỡ 287 triệu Mỹ kim (năm 2012) trong tổng số 17.4 tỷ Mỹ kim mãi lực của thị trường này. Tạm hiểu là việc buôn bán tác phẩm nghệ thuật trong xứ cờ huê chỉ mới bắt đầu, còn trong giai đoạn trứng nước.

Tuy chưa lo lắng cho lắm nhưng các tay trung gian (phòng triển lãm) cũng hiểu rằng khi nghệ sĩ bán tác phẩm cho Amazon hay một công ty trung gian trên mạng khác, họ buôn bán “thẳng” với khách hàng, Amazon cung cấp môi trường để trưng bày trước một lượng khách hàng đông đảo gấp mấy triệu lần; điều mà phòng triển lãm không thể, và không biết đến lúc nào thì phòng triển lãm sẽ phải đóng cửa vì không còn chỗ làm ăn nữa?

Tò mò thì hỏi thế thôi, nhưng Dế Mèn hiểu mình khá rõ. Nhàn tản lang thang và ghé phòng triển lãm xem tranh là một cái thú của sự thong thả, lối thưởng ngoạn cũ rích; khác hẳn với việc ngồi trước màn hình và gõ lóc cóc. Tất nhiên là khi nhìn ngắm, ta có thể đi tới nhìn gần hoặc lùi xa để ngắm bức tranh theo toàn phần dài ngắn lớn nhỏ của nó, màu sắc và độ sâu của tác phẩm cũng khác xa với tấm ảnh trên màn hình… Làm sao mà so sánh được?

Nghĩ như thế nhưng Dế Mèn cũng thử một lần, đặt mua bản in (poster) của bức tranh Van Gogh, Almond Blossom, mà phe ta đã được xem tận mắt nguyên bản tại Amsterdam. Hôm ấy ngại khuân vác nên dù thích lắm nhưng Dế Mèn cũng lắc đầu không mua. Vả lại bản in thì ở đâu cũng thế? Amazon cũng như cửa tiệm của Viện bảo tàng?

Bấm con chuột xong rồi bây giờ Dế Mèn ngồi chờ xem khi nào hoa đến nhà!?

alt

Amazon cho biết thị trường nghệ thuật mới của mình sẽ cung cấp quyền truy cập vào hơn 40.000 tác phẩm nghệ thuật từ ít nhất 150 phòng trưng bày và các đại lý. nguồn npr.org

TLL