Hả hê may mắn kiếm được tiền lộ phí, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khi trời đã xế muộn. Trên đường, chúng tôi tiếp tục nói những chuyện không đâu về văn hóa bản địa của người da đỏ.
Bên trong Trung tâm Văn hóa của người Chickasaw
Người da đỏ không phải vì họ có màu da đỏ mà là bắt nguồn từ những nhà thám hiểm châu Âu đến bờ Đông nước Mỹ lần đầu tiên thấy những người bản địa nhảy múa, mặt mày trét đầy phẩm son màu đỏ nên cứ gọi là người da đỏ. Thực tế, “người bản địa chúng tôi có màu da gần với người châu Á”. Skhusbu Tod nói như vậy, khi tôi có lần trao đổi với anh chuyện màu da, sắc tộc sống trên đất nước Hoa Kỳ.
Chúng tôi trên đường đi Nebraska miên man tranh luận về văn hóa bản địa và người da đỏ bằng mớ kiến thức ít ỏi về lịch sử hình thành nước Mỹ mà cứ tưởng tượng mình là những nhà sử học chẳng dựa trên nghiên cứu luận nào. Mạnh ai cứ to mồm đưa ra những suy luận chủ quan làm rộn cả xe, cốt ý cho người cầm lái yên tâm đánh một cuộc hành trình hơn mười tiếng đồng hồ. Tôi nhớ tới bức tượng đồng chiến binh da đỏ cầm thương đứng hiên ngang trước cửa casino mà bên cạnh chẳng thấy có con ngựa nào giống như các bộ tộc người da đỏ thường cưỡi ngựa chiến đấu với những tay cao bồi trong phim ảnh. Hẳn là cách đây mấy trăm năm trước, người châu Âu đã đặt chân lên Tân Thế Giới xâm chiếm và khai hóa người bản địa thổ dân, sau đó họ đưa theo ngựa đến đây làm phương tiện di chuyển. Người dân bản địa Mỹ cũng học cưỡi ngựa và sử dụng ngựa để vận chuyển hàng hoá và làm sức kéo cho việc canh tác trồng trọt.
Một em nhỏ tập bắn cung dưới sự hướng dẫn của nhân viên thổ dân Chickasaw
Nhưng chính giáo dục đã làm thay đổi tất cả. Đó là một phương pháp hầu như bất kể cường quốc nào muốn đồng hóa các nhóm dân bản địa hay các dân tộc thiểu số trên trái đất này không riêng người da đỏ châu Mỹ. Ba năm trước, có dịp đi Wichita đến địa phận Blackwell nằm trong phần đất Oklahoma giáp ranh Kansas, xe bị lạc đường đi ngang Ponca City, tôi bắt gặp ngôi trường Chilocco Indian School. Cái tên trường làm tính tò mò của tôi trỗi dậy vì tôi từng biết trên nước Mỹ có vài ngôi trường dành cho người da đỏ thành lập từ xa xưa dạy cho họ tiếp nhận nền văn minh mới. Vùng này thuộc nhóm bộ tộc Chilocco định cư trong “Cuộc hành trình nước mắt” từ Arkansas dưới chính sách dồn dân da đỏ của người da trắng. Ngôi trường thành lập năm 1886 với mục đích khai hóa văn minh theo kiểu châu Âu cho người bản địa. Người da đỏ đủ lứa tuổi theo sống nội trú trong trường được học tiếng Anh, cơ khí, cách trồng trọt, chăn nuôi, giáo lý Thiên Chúa và các học sinh theo học buộc phải từ bỏ các lễ nghi truyền thống của tổ tiên mình. Đến năm 1980 trường đóng cửa sau khi đào tạo gần hai mươi ngàn học sinh. Có thể trường đã hoàn thành xong nhiệm vụ khai hóa văn minh cho người da đỏ. Những năm sau đó người ta thay đổi ngôi trường thành một trung tâm cai nghiện cho chính người Chilocco.
Trường học dành cho người thổ dân Chilocco cách nay hơn trăm năm nhằm khai hóa văn minh cho người bản địa
Cờ bạc, rượu chè và nghiện các thứ cỏ thuốc gây ảo giác là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người da đỏ. Theo thực tế từ nguồn gốc các truyền thống tôn giáo thần linh khác nhau của các bộ tộc da đỏ thường xuyên lạm dụng các loại cỏ, lá cần sa và xương rồng Peyote Mexico làm chất gây nghiện, gây thăng hoa cảm giác nên chính quyền tiểu bang đã đưa các loại thực vật gây nghiện này vào danh sách cấm sử dụng và bất hợp pháp trên thị trường tự do. Nhưng người da đỏ vẫn có thói quen tiếp tục dùng loại xương rồng Peyote làm một yếu tố trung tâm trong các lễ thức tôn giáo của họ. Mãi cho đến gần đây, năm 1993 thì Đạo luật Tự do Thực hành Tôn giáo Bản địa Mỹ mới được thông qua và người da đỏ lại có thể sử dụng cây xương rồng Peyote để hành lễ một cách hợp pháp. Và cũng xin nhắc lại, người bản địa sống trên vùng đất tự trị của họ có quyền sống và làm tất cả những gì theo luật lệ được quy định trong bộ tộc.
Tuy vậy, không phải người da đỏ không biết họ đã thua vĩnh viễn trên đất đai trước kia của họ và ngay cả bây giờ trên những vùng đất mà họ tự hào gọi là “Nations”, các quốc gia tự trị có chủ quyền không được xâm phạm và không thể xâm phạm. Hẳn nhiên luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền lợi của họ, cho họ nhiều đặc quyền kể cả quyền công dân Mỹ. Họ được chăm sóc sức khỏe, được đi học miễn phí hoàn toàn và kể cả nếu họ không mua bảo hiểm thường gọi là ObamaCare cũng không thể bị phạt. Nói tóm lại người da đỏ được ưu tiên mọi thứ vì dẫu sao kế hoạch đồng hóa của người da trắng đối với dân bản địa coi như đã hoàn tất.
Anh da đỏ Chickasaw giới thiệu vũ khí của bộ tộc
Thế nhưng làm sao để phân biệt được một người da đỏ trên phố? Họ cũng đi xe hơi, xe mô tô phân khối lớn, có trang trại và cả thứ tiếng Anh không trật giọng. Tôi nhớ Skhusbu Tod nói rằng, “có thể phân biệt được”. Người Mỹ không có khái niệm mảnh đất chôn nhau cắt rốn, họ di chuyển chỗ ở làm ăn từ tiểu bang này sang tiểu bang khác một cách dễ dàng. Đơn giản cội nguồn họ không phải trên mảnh đất này cho dù họ có sinh trưởng trên mảnh đất của chúng tôi qua nhiều thế hệ. Cha tôi hay ngay cả bản thân tôi lấy vợ người ngoại quốc, nhưng trong thâm tâm chúng tôi chưa bao giờ có ý định rời xa vùng đất mình sinh trưởng vì một công việc nào khác hay vì lý do người vợ muốn di chuyển về những thành phố lớn để không cảm thấy buồn tẻ nơi đồng cỏ hoang vắng. Mẹ tôi, người phụ nữ Đức, quen cách sống vùng nông thôn nên cuộc sống gia đình của chúng tôi rất êm đềm. Đối với người bản địa chúng tôi, gia đình và đất đai nơi mình sinh ra là hai thứ quan trọng gần như thiêng liêng trong cuộc sống. Đấy chính là lý do vì sao người da đỏ chống cự quyết liệt trong “Cuộc hành trình nước mắt” khi chính quyền Mỹ buộc họ dời đến Oklahoma.
Xe chúng tôi bon bon trên xa lộ 35 đi Oklahoma City, lướt qua những vạt hoa đồng nội dạt dào trong sóng cỏ mùa xuân. Khung cảnh thiên nhiên thật nên thơ và bình yên kỳ lạ trong một vùng đất thường xuyên có những tai ương thời tiết ập đến bất ngờ. Chúng tôi nhìn thấy biển quảng cáo “Chickasaw Culture Center”. Ghé vào một chút để có thể tận mắt thấy được văn hóa và con người Chickasaw ra sao cũng là điều lý thú. Chặng đường còn dài, đến được Nebraska phải hơn hai giờ sáng. Chủ nhà hẳn không mong chúng tôi đến vào giờ này phá tan giấc ngủ đang ngon. Có đến muộn hơn hai tiếng nữa vẫn hơn vì rằng khi trở về Texas, chưa chắc tâm trạng chúng tôi còn hứng thú.
Cột totem thờ chim Sấm trong tín ngưỡng của người da đỏ
Đúng là không mấy ai hứng thú đến tìm hiểu văn hóa của người Chickasaw. Có thể chúng tôi đến không phải lúc vì mùa Spring Break của học sinh vừa chấm dứt. Anh thổ dân Chickasaw cho biết tuần rồi nhiều trường tổ chức cho học sinh đến thăm viếng, tìm hiểu cuộc sống của người Chickasaw mà trong số đó nhiều học sinh có tổ tiên của mình từng cư ngụ trên vùng đất hoang vu này. “Chickasaw Culture Center” tọa lạc tại một nơi vắng vẻ, diện tích khá rộng, phục dựng những mô hình nhà ở bằng gỗ súc thấp lè tè như những cái chòi của những người châu Phi. Câu khẩu hiệu tại Trung tâm làm chúng tôi lưu ý. “We are still Chickasaw” như một lời khẳng định sự tồn tại văn hóa của bộ tộc Chickasaw. Văn hóa còn tức là con người còn. Mất văn hóa chính là cái làm cho một dân tộc xóa bỏ. Những bộ tộc sống trên tiểu bang Oklahoma đều đặt trọng tâm vào sự tồn vong của bộ tộc mình và nhiều trung tâm văn hóa như thế có mặt khắp nơi trong các vùng của bộ tộc đang sinh sống. Họ có thể chấp nhận mất đất đai, từ bỏ tài sản trong “Cuộc hành trình nước mắt” dưới áp lực chính trị, ngoại giao và vũ lực của kẻ mạnh để bảo tồn sự tồn tại bộ tộc. Họ đã từng thua người da trắng trong trận chiến không cân sức về đất đai và cuộc chiến cuối cùng của người da đỏ chính là cuộc chiến giữ gìn bản sắc văn hóa của họ.
Xem ra hình thức ăn mặc của người Chickasaw ngày nay văn minh rõ rệt. Không phải đầu giắt lông chim, cởi trần đóng khố như thuở xa xưa tổ tiên của họ từng ăn mặc. Những bộ áo thêu hoa nam hay nữ trông chẳng khác những bộ đồ truyền thống của các dân tộc châu Âu. Anh thổ dân giới thiệu các loại cung tên cho đám khách loe hoe vài ba người một cách nhiệt tình với giọng nói tự hào rằng chúng tôi vẫn còn là người Chickasaw. Một người khác dạy một em nhỏ cách thức bắn cung. Lại có nhóm tham gia cách hành lễ vừa đi vòng vòng lắc lư cơ thể. Nói chung vài ba cách thức sinh hoạt của bộ tộc tại trung tâm không mấy hấp dẫn bằng lễ hội Pow-wow thường được các bộ tộc da đỏ tổ chức vào Tháng Sáu hàng năm trên khắp nước Mỹ.
Chúng tôi rời Trung tâm Văn hóa Chickasaw, khi mặt trời bắt đầu ngả dần về đường chân trời phía Tây. Bầu trời mùa xuân sáng tỏ làm bật lên những cánh chim đại bàng sải cánh. Người da đỏ gọi đại bàng là chim Sấm “Thunderbird” và tin loài chim này là thần linh trong tín ngưỡng. Trong các khu dành riêng cho người bản địa, tới nay dân làng vẫn dựng các cột gỗ (totem) thờ chim Sấm theo bốn hướng khác nhau, tượng trưng cho bốn vị thần giám hộ, cũng là bốn hướng Đông-Tây-Nam-Bắc của trời đất. Sự thờ ấy cũng là để cầu mong trời yên biển lặng, người dân tin thần chim Sấm sẽ chiến đấu chống lại ma quỷ, bảo vệ bộ lạc khỏi tai ương. Nhưng bạn nên nhớ một điều rằng, đừng bao giờ gọi chim Sấm là đại bàng trước mặt một người da đỏ, họ rất có thể không bằng lòng và giận bạn. Điều này tôi mới vừa học được ở người Chickasaw đấy.
Một bảng hiệu “Thunderbird” (chim Sấm) tại trạm xăng trong khu vực Chickasaw Nation
TN