Tiểu sử Tâm Thanh
Tâm Thanh tên thật Ngô Thanh Tâm, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1942 tại Hà Nội. Vào Nam năm 1954. Cựu giáo chức VNCH. Định cư tại Na Uy từ 1980. Khởi viết năm 1980 trên các tạp chí: Văn, Văn Học, Thế Kỷ 21, Phố Văn…Và trên nhiều tuyển tập.
Tác phẩm đã xuất bản:
– Thiên Nga Giữa Cõi Người (tập truyện, Văn Học, xuất bản năm 1999, tại Hoa Kỳ.
– Gỗ Thức Trên Rừng (tập truyện, Văn Mới, xuất bản năm 2001 tại Hoa Kỳ)
– Lệnh Triệu Ban Rồi. Một trường hợp ung thư (in chung với Khánh Hà- 2013)
Thư của nhà văn Tâm Thanh
Theo tin trên lưới, Ngày Văn Hóa Việt Nam đã diễn ra ở Oslo, Na Uy hôm thứ bảy 3 tháng 5, 2014, với hơn hai trăm người tham dự. Một trong những chủ đề của chương trình hội thoại là nói về tác phẩm của nhà văn Tâm Thanh. Nhà văn Tâm Thanh vì bệnh nặng không đến dự được, đã gửi bức thư sau đây đến Ban Tổ chức để được trình bày với cử tọa.
Thứ Hai, ngày 05 tháng 5 năm 2014
Ông Bà kính mến
Bạn thân ái
Với tư cách là một trong những người được nhắc đến hôm nay, tôi xin chân thành cảm tạ Ban Tổ Chức, các thuyết trình viên, diễn viên, những bàn tay nội trợ, đặc biệt Quý Vị quan khách đã tới dự buổi mạn đàm nghệ thuật này.
Cuộc mạn đàm này khiến tôi liên tưởng tới những “Salons Littéraires” (Câu lạc bộ Văn chương) khởi xướng tại Pháp từ thế kỷ XVI. Tôi chẳng dám ngạo mạn so sánh cái nôi của cao trào phục hưng văn chương nghệ thuật thế kỷ XVI-XVII-XVIII, với cuộc họp dù ấm cúng nhưng đơn sơ này. Nhưng khi ta ngồi lại với nhau, trao đổi suy nghĩ, phê bình sáng tác của nhau, gợi ý cho nhau, mách cho nhau những khám phá mới… là ta làm cùng một cách như câu lạc bộ văn chương. Đó là tạo môi trường và nuôi dưỡng sinh hoạt văn nghệ tại Nauy. Quý vị để ý xem: những tác phẩm thiên cổ vĩ đại là do từng cá nhân hoàn thành, nhưng cá nhân thiên tài nảy sinh từ môi trường tốt. Hoan nghênh sáng kiến này của BTC.
“Khuyết điểm” của cuộc mạn đàm hôm nay là đã chọn Tâm Thanh làm một “đối tượng”. Nhưng tôi thông cảm với các Bạn thân mến của tôi. Khi chọn ứng viên, các bạn đã không xét tới giá trị tác phẩm (còn lâu mới tới phiên tôi), mà chỉ nghĩ chúng ta sắp chia tay vĩnh viễn. Tôi đang nằm bệnh viện khi viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời kỳ tái phát. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình:
Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ. Thả bút viết “tình yêu” mà trong lòng đầy oán hờn, tôi không làm được.
Một lần nữa, cảm tạ.
T.T
Tâm Thanh
Đọc Thơ Người Nhà
Chồng chê thơ vợ thì bị treo niêu, khen thơ vợ thì bị bạn bè chê cười. Bởi vậy tôi sẽ không chê khen, mà chỉ – từ vị trí gần gũi – xin tiết lộ một sự thật trong đời sống gia đình. Đó là: Hà ít ngủ. Tương tự cô bé Alice trong Thế giới Diệu kỳ, Hà thường trốn sang một thế giới khác, với những hò hẹn bất ngờ. Đọc thơ Hà là chứng kiến, và biết đâu tham dự vào cuộc tao ngộ ấy.
“Hoa trong vườn thức suốt đêm thâu” (Vườn hạ). Suốt mùa hè, ngày nào tôi chẳng ngửi và nhìn thấy hoa, nhưng tôi hoàn toàn không biết hoa thức suốt đêm thâu. Vậy là trong lúc tôi ngủ, Hà đã thức với hoa, hoặc hoa đánh thức nàng, tôi vô tri vô giác trong cơn ngủ say, không biết có cuộc hẹn giữa người và hoa. Thơ – hay cái Đẹp, sự Tỉnh thức – gọi tên từng loài hoa, cho biết hương sắc, tính nết hoa. Để cuối cùng thấy rằng“đêm mùa hạ đầy vườn hoa nở, mỗi đóa hoa là một nhiệm mầu”. Thưởng hoa ban đêm? Hà chỉ lấy cớ đêm hè Bắc Âu sáng như ban ngày để mở cửa nội tâm ra một thế giới cao hơn đang hiện diện ngay trong vườn nhà. Thiếu sự tỉnh thức ấy, dù giữa ban ngày, vạn vật sẽ ngủ thôi – uổng cho một cảnh giới đẹp! Hà không chỉ ‘ngắm’ bình minh, nàng tái tạo nó trong hồn, nên mới có câu “khi ngày mới bắt đầu / vạn vật chung tiếng nói”(Bình minh). Ai cũng nghe gà cục tác cục ta, chim ríu ra ríu rít, và chùm hoa giấy tinh nghịch ló đầu, nhưng tấm lòng nào nghe ra được “tiếng nói chung” ở đầu ngày (tôi hiểu đầu ngày có thể là kỷ bình minh tươi đẹp của loài người, kỷ này có thật không? không quan trọng), sẽ dễ hạnh phúc trong một thế giới có thật đầy tranh cãi, ngộ nhận.
Thơ Hà là kết quả của một xây dựng tâm cảnh – như trên vừa dẫn chứng – nhưng không dừng ở đó. Phần lớn các bài thơ ở hai tập trước của Hà đều thể hiện sự lựa chọn và thái độ sống; nhưng sự lựa chọn và thái độ sống trong Cuối Đường có vẻ thư thái, tùy lòng (dục sở tòng tâm) hơn là khiên cưỡng, ‘tranh thủ’.
Buổi sáng nhẹ như mây
từng bước chân thật đầy
lòng thênh thang như gió
đến đây và qua đây
(Đi bộ)
Nhẹ như mây là tâm cảnh; bước chân thật đầy là thái độ sống. Thường tôi bước đi hiu hiu, không bám vào đời sống. Cách đây trên 10 năm một nhà sư Tây Tạng dạy tôi phải bấu bàn chân vào mặt đất mà bước đi. Đọc hai chữ chân đầy tôi hiểu hơn lời sư phụ, hiểu hơn nhờ đối diện với mây nhẹ. Từ cái giả (mây nhẹ), bắt qua cái thật (chân đầy). Từ đó, trước cuộc đời, tập sinh cởi mở mà không vồ vập – lòng thênh thang như gió; thấu cái lẽ đi về – đến đây và qua đây.
Hà không làm dáng – cả trong thơ, ý cũng như dụng ngữ. Cảm hứng từ đời sống bình thường của một phụ nữ bình thường. Cũng có lúc người đàn bà này vượt ra khỏi khuôn vườn, mái nhà, bản nhạc chiều, để xót xa với một em bé tận Afghanistan. Và rất đàn bà, trong tình huống nào cũng đặt tình yêu làm ưu tiên một. Nàng “muốn là một Lauren, chạy ra từ biển lửa ngày 11 tháng chín… nếu như có anh nước mắt đầm đìa, chạy tìm em trong tro bụi và chết chóc (Từ biển lửa). Quê nhà ở Cuối Đường không còn ray rứt như trong Cõi thơ và Ở đây nữa, vì vết thương đã lành, một phần, nhưng vì thái độ sống đã thay đổi đến chỗ tâm ở đâu quê ở đó. Tâm thân vĩnh viễn không lạc nhau nữa:
Đến đây là cuối đường lưu lạc
vĩnh viễn qua rồi kiếp nổi trôi
(Cuối đường)
Hà đã vượt biên lần thứ hai, và định cư trong miền an nhiên tự tại của tâm. Nàng đã tới cuối đường của một cuộc tìm kiếm. Cuối đường là mùa trái chín, là phút đò cập bến, là bước cưỡi trâu về. Lúc thơ chạm vào đạo.
Thơ đối với Hà, là hơi thở. Nhưng nàng lại ngại ngùng khi chia sẻ; nàng thích chia sẻ đồ ăn, của cải, nhưng tâm sự và thơ thì dè dặt. Đối với bạn bè, và cả với tôi, nàng chỉ coi thơ (có nghĩa là chính cuộc đời nàng) như một nụ cười vu vơ gởi đến bạn hiền:
một nụ cười buổi sáng
nở từ tấm lòng vui
…
nụ cười rất vu vơ
gởi cho ai bắt gặp
trong một thoáng tình cờ
ta chia nhau hạnh phúc
(Nụ cười vu vơ)
Tôi vừa đọc dăm câu thơ Hà như người nhà.
Cầm tập thơ nhỏ này trong tay, Anh Chị đã là Bạn rồi, biết đâu nhờ tình bạn ấy, Anh Chị cũng cảm thấy có chút gì ấm lòng trong nụ cười vu vơ ấy.