Menu Close

Bà ngoại mình

“Con chim se sẻ nó đẻ ở cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em biết không?”

Ngoại ơi, ngoại đi xa hổm rày, ngoại có nhớ con không?

– Nhớ chứ, con cháu mà không nhớ rồi ngoại nhớ ai!

Câu trả lời mộc mạc nhưng đầy ắp tình thương của ngoại làm cho tôi cảm thấy mình hạnh phúc. Tôi đến gần, vòng tay ôm lấy đôi vai nhỏ thó của ngoại rồi… cười toe toét:

– Con cũng nhớ ngoại nè.

Ngoại đưa tay vả nhẹ vào má tôi:

– Có nhớ ngoại thiệt không đây cô?

– Dạ, nhớ chứ! Con nhớ ngoại thì ít mà nhớ đồ ăn của ngoại nấu thì nhiều… hì hì…

Ngoại cũng cười:

– Thì bởi vậy, nghe con nói nhớ ngoại, ngoại đã nghi ngờ nên hỏi lại.

Tôi mắc cỡ núp sau lưng ngoại:

– Ngoại kỳ, chọc con hoài.

Tranh: Bảo Huân

Hồi chưa làm vợ Đức, thấy gia đình anh đề huề nào là cha mẹ, anh chị lại có thêm cả bà ngoại, tôi đâm lo ngại. Tôi không ngại cũng không được vì gia đình và bạn bè cứ nhắc nhở tôi cái câu “Lấy chồng, gánh cả giang san nhà chồng” làm tôi hoảng. Người ta chỉ có ba má chồng thôi là đã… trầy vi tróc vẩy, nếu tôi lấy Đức, tôi còn phải “gánh vác” thêm bà ngoại Đức nữa. Đức là một người cháu, người con có hiếu, chưa chi anh đã “giành phần” ở chung với ba má và bà ngoại anh rồi. Thương Đức nhưng ngại…
gia đình Đức khiến cho tôi nhiều đêm trăn trở . Tuy thế hệ của tôi chuyện làm dâu hay chuyện bị gia đình chồng hành hạ hà khắc không còn nữa, nhưng nếu tôi ở chung với nhà chồng, những mâu thuẫn giữa “tôi và họ” thật khó tránh. Tôi lại là con út trong gia đình nên việc tề gia nội trợ tôi hoàn toàn bù trất. Có khi tôi “hư” đến độ mẹ phải bới cơm vào tô và bưng tới nơi tôi mới chịu ăn.
Ba tôi mà còn phải ngán ngẫm lắc đầu: “Con hư tại mẹ… nó hư tại bà”. Rốt cuộc cũng chỉ một mình mẹ tôi lãnh hết. Tôi “hư” đã có mẹ che chở, binh vực. Mai mốt lấy chồng, không còn mẹ ở bên cạnh nữa, thử hỏi ai sẽ che chở cho tôi, nhất là đối với những người già khó tính như… bà ngoại của Đức.

Lo ngại là thế, trăn trở là thế nhưng cuối cùng tôi cũng lên xe bông về nhà Đức. Chị Hai tôi lắc đầu, than… dùm tôi:

– Đời cưng từ nay kể như lúa rồi nhóc!

Tôi chu mỏ chọc chị:

– Lúa thì đem xay gạo ăn chứ sợ gì? Mà khi gạo nấu thành cơm rồi thì…

Chị tiếp:

– Khét!

Tôi bật cười:

– Chị Hai này, chưa chi đã dọa, để em yên lòng lên xe bông có được không? 

Trong đám cưới tôi, mẹ khóc nhiều. Không khóc làm sao được khi mẹ phải bứt núm ruột yêu thương nhất của mẹ trao cho người ta. Tôi cũng thật lo lắng khi nhìn về phía… bên kia (nhà trai). Một chút tủi hờn len lỏi trong ngày vui làm cho mắt tôi long lanh ngấn lệ. Rồi tôi ôm mẹ, khóc mùi. Nhà tôi và nhà Đức cách nhau chỉ khoảng cái… giậu mồng tơi mà sao tôi thấy đường dài thăm thẳm. Thân gái như tôi mười hai bến nước, tôi lại không biết… bơi, chỉ còn trông cậy vào vòng tay yêu thương, chở che của Đức, nếu không tôi e tôi chìm mất giữa dòng. Tôi đánh đổi cả mái ấm gia đình, nơi cha mẹ, anh chị chắt chiu tháng ngày nuôi tôi khôn lớn để lấy duy chỉ một mình Đức. Tình yêu của tôi có… vĩ đại lắm không, tôi không biết. Tôi chỉ thấy trước mắt “hiểm họa” trùng trùng. Tôi đi… lấy chồng mà cứ như là đang… ra trận giết giặc vậy.

Kể từ khi mặc chiếc áo cô dâu, bước lên mấy bậc thềm nhà Đức là tôi đã phó mặc đời mình cho số mệnh. Đã gọi là số mệnh thì tôi làm sao “chạy trời cho khỏi nắng”. Như bạn bè tôi đó, mấy đứa lấy chồng rồi có ở chung với nhà chồng đâu mà rốt cuộc cũng chia tay, cũng ly dị, cũng thui thủi làm single mom. Tôi cầu mong sao cho tình vợ chồng của tôi và Đức không trải qua phong ba bão tố để nó mãi được vững bền nhưng tôi cũng không dám hy vọng rằng tôi có thể thực sự hoà nhập vào nếp sống xa lạ của gia đình chồng, nhất là đối với bà ngoại của Đức vì tôi quan niệm rằng người già thường hay bắt bẻ và khó tính. Đọc những cuốn sách xưa hay xem những bộ phim cũ thấy cảnh làm dâu cơm bưng nước rót, tôi đã từng rùng mình. Có khi nào bà ngoại Đức đòi hỏi một đứa cháu dâu phải như thế không?

Những ngày trăng mật qua mau, trên chuyến bay trở về, tôi tựa đầu vào vai Đức, nói lên băn khoăn của mình:

– Anh nè, em không biết làm dâu như người ta đâu!

Đức cười, gật gù:

– Anh biết.

– Em không biết nấu ăn…

– Anh biết.

– Hứ, sao cái gì anh cũng biết hết vậy? Biết em tệ vậy sao anh còn cưới làm chi?

– Vì… anh yêu em, như vậy đã đủ chưa?

– Nhưng em sợ nhất là bà ngoại của anh. Em…

Đức vỗ nhè nhẹ lên vai tôi:

– Em ngoan, ngủ một chút đi. Rồi em sẽ thấy bà ngoại anh hiền lành như một bà tiên…

– Chắc chuyện đó chỉ có trong… chiêm bao nên anh mới kêu em ngủ.

Đức không nhịn được cười và kí đầu tôi:

– Em hư quá đi thôi! Để anh hát ru em:

 

“Ầu ơ… con chim se sẻ nó đẻ ở cột đình

Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, em biết không?”

Tôi nhắm mắt lại. Thấp thoáng đâu đó trong những vầng mây trắng, tôi còn kịp nhìn thấy bóng dáng của một bà tiên.

Nếu như có ai hỏi tôi rằng trong cuộc đời này hai người phụ nữ mà tôi yêu thương nhất là ai, tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời hai người đó chính là mẹ và bà ngoại của tôi. Mẹ sanh ra tôi, còn ngoại nuôi nấng dỗ dành tôi từ tấm bé. Đối với Đức, vai trò của bà ngoại anh cũng không khác nên tôi hiểu. Ngoại anh cũng chăm lo bồng bế anh từ tấm bé vậy. Thôi thì tôi vì thương Đức mà… chín bỏ làm mười, tôi sẽ… thương luôn cả bà ngoại của anh nếu như… bà ngoại anh không… ghét tôi. Có lẽ tôi “hư” thiệt, chưa chi mà tôi đã ra điều kiện rồi.

Cuộc sống ở nhà chồng không “khủng khiếp” như tôi tưởng tượng. Hay nói khác đi, nó cũng chẳng thay đổi bao nhiêu so với nếp sống hằng ngày khi xưa của tôi. Gia đình Đức đã mở rộng vòng tay đón tôi vào. Họ không đòi hỏi tôi phải biết này biết nọ. Họ nghiễm nhiên chấp nhận tôi như chấp nhận một đứa con ruột thịt nên chỉ cho đi mà không đòi hỏi phải lấy về. Từ đó, tôi không còn áy náy chuyện “gánh vác giang sơn nhà chồng” nữa vì xem ra khi tôi gánh cái gánh này, tôi thấy đôi vai mình vẫn nhẹ tênh, dễ chịu và trong trái tim nhen nhúm thêm những yêu thương. Ba mẹ tôi đã chẳng từng nhắc nhở “gia đình chồng bây giờ đã là gia đình con” đó sao?!

Lấy chồng rồi, tôi vẫn nhớ nhà mẹ nên vẫn về thăm và ăn thức ăn mẹ nấu. Mẹ nhìn tôi hài lòng:

– Trông con lúc này chững chạc hẳn ra mẹ cũng mừng. Vậy mà khi gả con mẹ cứ lo là sẽ bị nhà người ta mắng vốn…

Tôi dụi đầu vào lòng mẹ, nũng nịu:

– Mẹ này, sao nói xấu con vậy? Con vẫn ngoan lắm mà, mẹ không tin, mẹ hỏi bà ngoại anh Đức đi!

– Sao, con không còn sợ bà ngoại nữa à?

– Dạ không, bây giờ con thấy bà ngoại anh Đức cũng hiền như bà ngoại con vậy.

Mẹ gật gù căn dặn:

– Dù được mọi người đối xử tử tế, yêu thương, con cũng nên giữ gìn cho phải đạo dâu con nghe con!

– Dạ, con biết rồi mẹ.

Đã từng sống chung với bà ngoại tôi và bây giờ là với bà ngoại chồng, tôi biết thêm được một điều khá thú vị: những người già thường nhớ và nhắc nhở đến quá khứ rất rõ ràng, rành mạch cứ như là chuyện mới xảy ra ngày hôm qua (mặc dù chuyện của ngày hôm nay thì họ quên mau lắm). Ngày xưa, ngoại tôi thường nhắc đến thời con gái, đến lễ cưới của bà làm cho cả bọn tôi nghe hoài mà vẫn thích thú. Từ đó, tôi bỗng trở nên yêu thương làng quê Việt Nam hiền lành và thanh bình ở vào cái khoảng thời gian xa lơ xa lắc thế kỷ 20, lúc ngoại tôi còn con gái, lúc hôn nhân đôi lứa hoàn toàn tùy thuộc vào quyền quyết định của mẹ cha.

Bà ngoại chồng tôi cũng vậy, bà thường kể cho tôi nghe cả những ngày bà còn son trẻ. Có những chuyện tôi nghe qua rất nhiều lần và lần nào cũng giống hệt nhau. Lắm lúc tôi đem những câu chuyện bà kể, kể lại với chồng tôi. Anh ấy cười hì hì:

– Em sướng thật, được ngoại cưng nên kể chuyện đời xưa cho nghe hoài há!

Tôi đấm vào vai anh:

– Anh có muốn… sướng giống em không? Ở nhà với ngoại vài ngày đi, anh sẽ được toại nguyện. Em bảo đảm một chuyện anh sẽ được nghe rất nhiều lần, cho anh tha hồ mà học thuộc lòng.

– Ý em nói là ngoại kể xong rồi quên, hôm khác lại kể nữa chứ gì. Anh méc ngoại cho coi.

Tôi vênh mặt, trêu anh:

– Méc thì méc, không có em nghe ngoại kể lể, ngoại sẽ buồn thiu đó. Nhà này có ai nghe ngoại kể chuyện nhiều hơn em đâu…

Những ngày còn ở Việt Nam, tôi rất thích đọc chuyện đồng quê Việt Nam của ông Hồ Biểu Chánh. Tôi đọc của ông rất nhiều, nói chung là bà cho thuê sách có mấy cuốn thì tôi đọc mấy cuốn. Mỗi cuốn sách của ông mang một đặc sắc riêng. Ông tả tình cũng đẹp mà cảnh cũng rất dễ thương. Bây giờ, không có… Hồ Biểu Chánh để đọc nữa nhưng tôi có bà ngoại chồng, cuộc đời mà bà đã trải qua cũng là một cuốn sách rất thực và rất đặc sắc. Những mẩu chuyện bà kể, nếu tôi khéo léo biết sắp xếp ý và lời, tôi sẽ có cả một câu chuyện dài trải suốt từ… đầu thế kỷ 20 mươi đến đầu thế kỷ 21… Bà đã hơn 80 tuổi rồi chứ ít sao?

Qua lời bà kể, ông ngoại chồng tôi ngày xưa khá bay bướm và bà cũng khổ vì ông rất nhiều. “Ớt nào mà ớt chả cay, gái nào là gái chẳng hay ghen chồng” nhưng kiểu ghen của các bà ngày xưa cũng khác bây giờ, các bà ghen mà vẫn lo lắng cho các ông từng li từng tí và điều quan trọng là các bà luôn biết giữ thể diện cho các ông dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhiều khi nghe bà kể, tôi… tức anh ách. Tôi lắc đầu:

– Nếu là con chắc con không làm được như ngoại đâu.

Bà cười hiền lành:

– Quan điểm của con người ở vào từng thời điểm khác nhau con à. Ngày xưa, người phụ nữ chỉ biết nhẫn nhịn làm dâu, làm vợ suốt đời, dẫu có đắng cay hay nước mắt cũng chỉ biết âm thầm nuốt vào lòng. Thế mà hay, thời của ngoại chẳng mấy ai ly dị đâu, lấy nhau là lấy cả đời cả kiếp. Ngoại nghĩ người phụ nữ phải luôn luôn biết nhẫn nhịn chồng, có như vậy gia đình mới êm ấm và thật ra… đàn bà chẳng thể nào giỏi hơn đàn ông.

Tôi không đồng ý với cái nhận xét “người phụ nữ phải luôn luôn biết nhẫn nhịn chồng” và “đàn bà chẳng thể nào giỏi hơn đàn ông” của bà, có lẽ bà cũng muốn dạy tôi cái lý lẽ này. Nhiều lần tôi cũng định cãi lại nhưng thôi. Những ý nghĩ ấy đã ăn sâu trong bà suốt một đời người, dẫu có ai lấy búa đốn đi cũng không được, huống hồ chi tôi chỉ mới bước chân vào ngưỡng cửa đời và ngưỡng cửa hôn nhân, vẫn còn có nhiều thứ cho tôi trải qua và học hỏi. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, tôi và bà ngoại chồng tuy không đồng quan điểm về… đàn ông, nhưng những kinh nghiệm mà bà đã đi qua biết đâu chẳng là những bài học quý báu cho tôi. Thêm nữa, qua bà, tôi có thể nhìn thấy một người phụ nữ Việt Nam trọn vẹn. Bà bây giờ thay thế cho bà ngoại tôi, một người rất yêu thương con cháu, một người thích kể chuyện đời xưa, một người hiền lành như một bà tiên. Đất nước tôi nhỏ bé nhưng có rất nhiều cái để tự hào. Một trong những thứ đó là tình thương, nguồn gốc, cội rễ…

“Con chim se sẻ nó đẻ ở cột đình
Bà ngoại đẻ má, má đẻ mình, anh ơi”

Bà ngoại chồng hay bà ngoại tôi thì cũng là bà ngoại… mình, tôi vẫn thường nhắc nhở tôi như vậy.

Vẫn biết nhiều khi giữa già và trẻ có những suy nghĩ, hành động bất đồng, tôi và bà cũng không tránh khỏi điều đó. Nhất là khi bà cứ một hai binh vực Đức chầm chập dù tôi thấy rõ ràng là anh… sai. Khác gì đâu, ngày xưa mỗi khi tôi lầm lỗi, mẹ tôi chỉ vừa mới đi tìm cây roi là bà ngoại tôi đã vội ôm tôi vào lòng để chở che rồi. Nhiều khi tôi tủi thân nói với Đức:

– Bà ngoại em ngày xưa cũng thương em lắm, tiếc là khi em khôn lớn thành người thì bà đã không còn.

Đức dỗ dành:

– Thì bây giờ anh “giao” bà ngoại anh cho em đó, bà ngoại anh cũng thương em nhiều vậy…

Tôi bướng bỉnh:

– Nhưng bà ngoại anh binh anh và thương anh nhiều hơn.

Đức nhéo mũi tôi:

– Hì hì, em lại ganh tỵ nữa rồi phải không? Em thương anh, bà ngoại cũng thương anh, vậy là bà ngoại… phụ thương anh giùm em rồi.

– Hứ, anh tưởng anh là ai? 

– Em thật không biết anh là ai ư? Anh là chồng em nè!

Đức nhào tới ôm tôi, khiến cho tôi… lúng túng bỏ chạy, tiếng cười của chúng tôi vang lên khắp nhà… Chắc bà ngoại chồng tôi trong phòng riêng cũng đang lẩm bẩm mắng yêu “Hai vợ chồng bây lớn rồi mà cứ như con nít, bà ngày xưa ở vào tuổi đó đã tay bồng tay dắt rồi con ạ!”

TT