Menu Close

Africa những ngày gió bụi – Kỳ 4


alt

Nín thở qua sông. Chiếc off road của Kaju  đã lội qua được sông nhưng vẫn chưa “trèo” lên nổi con dốc sình lầy.  PHOTO: ANDY NGUYỄN

Hippo, sát thủ ẩn danh

Con sông ngấu bùn, xiết chảy. Chiếc off road bám bánh trên những ghềnh đá trơn trượt, chòng chành như con tàu nhỏ cưỡi sóng. Sau cái mệnh lệnh, “giữ chặt!” Gã tài Domi tiên phong, cưỡi con chiến mã băng sông. Tôi phập phồng, một tay bám ghế, tay ôm chặt nòng kính. Tay máy Andy, vẫn khư khư cái máy ảnh Nikon D3200 để  ghi lại mấy “thước phim” a-ma-tơ  cảnh xe lội nước.   

Bản năng là một điều kỳ vĩ, chẳng thể giải thích được mà cũng khó thể  tảng lờ bằng những cái vỗ tay tán thưởng. “Mấy gã tài xế Africa này, chuyên luyện đến kinh ngạc!” Tôi quay sang bà Elizabeth, chia sẻ sự thán phục. “Một miền đất đầy thử thách,  mọi thứ đều khó trước khi trở nên dễ dàng, đó là bản năng tồn tại của những chàng trai bộ tộc này.” Bà Elizabeth đồng tình.

 Domi, với một chút láu cá… rừng, khiến bản tính gã cũng thể hiện đôi  chút ngông cuồng trước bánh lái.  Domi đang “nhắc tuồng” Kaju trên cái điện đàm, mắt gã chẳng rời chiếc off road đồng hành đang lừng khừng giữa dòng nước xiết. Rồi gã ứng phó với trở ngại như một bản năng. Sợi dây cáp lập tức nối với cái đuôi sam, kèm theo một tràng rủa bằng thổ ngữ.  

 Mấy tay photographer Ăng lê, vẻ như rất thờ ơ với cảnh lội sông, mắc sình. Cứ như chuyện phải thế ở Africa.

Yohan – dân Anh nhưng sống và làm việc ở Singapore- một wildlife photographer kỳ cựu với những cú shot chụp  Hà Mã và Tê Giác –  cực kỳ sống động.

alt

Hai chiếc off road luôn đồng hành để tương trợ lúc nguy nan.  Kaju đang nối dây cáp với chiếc off road bị lún sình. Cảnh lội sông, mắc sình cứ như chuyện phải thế ở Africa. PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH

Loài “Ngựa sông” Hippo hung hãn của xứ sở Africa luôn là chủ thể đầy ám ảnh với tay máy Yohan này.

“Khi tôi cảm thấy tuyệt đối hoàn hảo với những cú click máy thì là lúc bắt đầu của sự kết thúc,” gã mở đầu bằng một giọng kể, cố ra vẻ gay cấn,  “Một lần, tác nghiệp ở khúc sông lắm Hà Mã. Quá chủ quan ở cái vị trí tương đối an toàn sau tảng đá lớn. Tôi cứ thế mà chăm mắt bấm máy. Một con Hà Mã, như tàng hình, bất ngờ trồi lên từ lòng sông… Rồi chiếu tướng thẳng vào tôi  nhanh như chớp.”

Mấy câu kể còn cụt ngủn, bà Elizabeth đã cắt ngang với vẻ nghiêm trọng, “Lũ Hà Mã trông lù đù mà tinh anh đến khó tưởng. Đừng giỡn mặt với nó! Không một loài thú nào ở Châu Phi này tấn công giết người nhiều như Hà Mã. Một tay giữ rừng ở Uganda đã phải vắt giò lên cổ mà chạy khi bị Hà Mã tấn công, trên tay gã chỉ có mỗi cái điện đàm. Hàm nhai của loài Hippo này có thể nghiền nát một con cá sấu như nghiền cỏ.”

Tôi đoán, khứa Yohan sẽ phải kết thúc câu chuyện có hậu; nếu không, gã chẳng ngồi đây mà hồi tưởng lại cái khúc phim action đầy ám ảnh ấy.

 “Mà thật,” Yohan tiếp lời,  “Chúa đã cứu tôi. Cái tảng đá lớn ấy – ân nhân ở khoảnh khắc đối mặt với tử thần. Tôi hụp xuống nhanh như thoắt, đầu va vào tảng đá đến điếng người. Con Hà Mã bị mất thăng bằng, lủi thẳng vào tảng đá cạnh bên. Tôi quẳng cả ống kính để chạy.”

alt

Hippo- nỗi ám ảnh thường trực của gã Yohan, loài “Ngựa sông” này rất hung hãn khi bảo vệ con. PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH

Tôi mường tượng đến cú chiếu tướng nặng gần 3 tấn thịt. Thiên đàng hay địa ngục, chỉ trong nháy mắt!

Những lối mòn đầy dấu chân trượt  của bầy Hippo. Một khối thịt rủng rỉnh bóng nhưỡng đang từ trong bụi rậm trườn xuống con dốc mỏng để trở lại lòng sông. “Hanna, cẩn trọng với những lùm bụi rậm mỗi khi đi ‘đánh dấu lãnh thổ’ đấy nhé; nơi này bầy  Hà Mã thường  ẩn náu sau một ngày ngâm mình dưới nước. Đừng ngỡ những cái ngáp của loài ‘Ngựa sông’  có vẻ ngoài hiền lành này, thường là một sự đe doạ khiếp người đấy!” Yohan nhắc nhở tôi.

Thận trọng, cái cụm từ “chán ngấy” khi lý trí ở mức hoàn hảo, cứ như một nghĩa vụ của cuộc đời!

o O o

alt

Yohan vẫn còn đầy hăm hở để thực hiện những cú shot về loài Hippo ở mé sông.  PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH

Domi  đang thao thao về thời oanh liệt khi gã  còn là chàng trai làng 17 tuổi, nhưng đã tay giáo, tay trùy hạ gục một con sư tử bờm. Con thú bị quật ngã được dân làng “vinh danh” đặt tên của người hùng đã tặng nó những nhát đao miễn phí. Thuở ấy, những chàng trai bộ tộc dũng cảm đã chẳng hề  tỏ ra khiếp nhác trước sự dũng mãnh của vị chúa sơn lâm.

 “Vì sao lại giết hại sư tử?” Vấn đề liên quan đến một mặt là cảm xúc, và mặt khác là đạo đức đều gợi trong tôi những thắc mắc.

“Vì chúng săn giết trâu bò của người làng.” Gã nhấn mạnh, “Nhưng đó là chuyện thời xưa. Ngày nay, mỗi con thú sẽ được mang tên một  ‘người hùng’ nào đó đã ra sức bảo vệ chúng.”   

50 năm trước, dân số sư tử còn nửa triệu con, 30 ngàn là con số  vừa thống kê về dân số sư tử còn lại thường trú ở các vùng rừng Africa.  Là người chuyên viết phóng sự cho tạp chí Wildlife Nature ở Anh Quốc, bà Elizabeth thông suốt và cập nhật thường xuyên những dữ kiện về đời sống thú hoang dã Châu Phi.

alt

Chuẩn bị “tác nghiệp” loạt ảnh chân dung Hippo. PHOTO. ANDY NGUYỄN

“Sở trường của tôi là thể loại phong cảnh thiên nhiên, thú hoang dã. Thì bạn biết đấy, thể loại phong cảnh tuyệt đối lệ thuộc vào chân máy làm điểm tựa. Và ở cái xứ sở này thì cái tripot trở nên vô dụng, bởi sự an toàn trở thành ưu tiên số một. Mặt trời mọc tuyệt vời đến thế mà chỉ phải click máy từ cái xe không cửa sổ. Sự phong phú tuyệt diệu của trải nghiệm sẽ mất đi đôi chút phần thưởng chỉ bởi sự giới hạn do quá thận trọng này.”  

 “Món ăn ngon nhất của thực đơn hôm nay. Tê Giác đầu sừng! ” Gã Domi hài hước thông báo.

Giữa biển cỏ vàng. Lầm lũi bộ dạng đồ sộ của con Tê Giác. Những chiếc sừng nhọn đầy khiếp sợ, nhưng thực chất chúng chỉ là loài ăn cỏ. Giá trị của những bộ sừng ngất ngưởng, đã biến loài động vật hiền lành này trở thành nạn nhân của những cuộc sát hại dã man trong nhiều thế kỷ. Tê Giác – loài động vật đang bị đe dọa nhất hành tinh.    

“Con Tê Giác này đang lang thang miền đồng cỏ để tìm nước uống. Dù rằng nó hoàn toàn thích nghi với điều kiện khô cạn, nhưng nó cần tìm được nguồn nước sớm hơn.” Domi đưa ống nhòm về hướng con Tê Giác đang nghểnh sừng, rồi giới thiệu một cách trân trọng,

“Karanja, già nhất khu rừng này, lão tê giác cũng đã 40 tuổi rồi đấy. Bộ sừng già nua hiếm quý của lão đang là điểm nhắm của mấy tên săn bắn lậu. Và lão ta thì đang được bảo vệ hết mức, những tay kiểm lâm luôn có mặt ngày đêm để canh gác con thú quý này. Ngày qua, một tên săn lậu tê giác đã bị bắn chết không kịp ngáp. Không cần cảnh cáo. Phạt vạ. Tê Giác là hàng “quốc cấm.” Tôi chẳng thể hiểu, vì sao những người lắm tiền của lại chẳng biết là mình đang phải vứt tiền chỉ để mua những cái sừng có cấu tạo như tế bào của móng tay, hay sợi tóc của người.” Domi dứt lời với vẻ đầy miệt thị.

alt

Ghế thượng hạng- nơi phó nhòm Andy Nguyễn phải liên tục chịu đựng những cú “tẩm quất Châu Phi” PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH

Sự tàn sát theo cấp số nhân, đã dần mai một dân số của giống loài hiếm quý này. Thử làm một phép tính nhẩm với con số  100 ngàn đô xanh, nhân 3 cho mỗi chiếc sừng. Tôi chẳng mấy khó hiểu nguyên do để không ít kẻ đã đánh bạc với sinh mệnh mình. Những chiếc sừng tê giác trở thành biểu tượng của “đẳng cấp”, quyền thế hay những công dụng như “linh dược” trên cả mảnh đất Việt Nam còm cõi.

Luật pháp – quá nhẹ nhàng hoặc quá hà khắc, nhưng thế giới vẫn tồn tại những mưu đồ triền miên. Loài người, vẫn chưa  tìm ra liều thuốc cho thói xấu tồi tệ nhất. Sự vô cảm của con người.

Tôi hướng mắt ra biển cỏ. Con tê giác, ngồm ngoàm một miệng cỏ vàng. Hiền lành đến thương cảm.

Chiều rát gió. Gió nối dài hơi thở trên cánh đồng cỏ uá. Gã thổ dân Domi đang mơ ước, “Cái nòng kính và máy ảnh của ‘sir Yohan’ đã ngốn hết 14 ngàn đô. Với số tiền này, tôi có thể về làng giữ bò cho vợ cả đời.”

alt

Karanja- lão tê giác với cặp sừng quý hiếm đã hơn “40 năm cuộc đời!” PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH

                ĐMH