Đọc trong bài tạp bút đăng trên báo Trẻ năm rồi:
Sắp tới ngày
Tưởng Niệm
Chiến Sĩ Trận Vong,
xin nghĩ đến. những anh em bạn bè. đã ra đi
trong cuộc chiến vừa qua.
như Y Uyên, nhà văn trẻ tuổi tài năng của Miền Nam chúng ta
đã nằm lại
nơi tiền đồn mây trắng. Nora. và không bao giờ về nữa.
Thử tưởng tượng một người viết mới chỉ 26 tuổi mà đã có tới bảy tác phẩm được in ra và nổi tiếng. Phải nói đó là hiện tượng hiếm có, nhất là vào thời đại của bão tố, cái thời mà Nguyễn Ước mô tả là “Thời buổi ấy chập chờn. Xã hội quay cuồng theo những cơn lốc chính biến. Chiến tranh tư bề lửa đạn. Quá khứ xa. Hiện tại nứt. Tương lai mù. Con người trôi dạt hoặc bị làm nguyên liệu chinh chiến. Vì sao nên nỗi và trong nông nỗi này, con người đi đâu về đâu. Ngày mai còn gì không, kể cả thân xác này, trong lửa đạn. Không câu trả lời thoả đáng. Con người sống mộng du. Thời gian lung linh, vừa rạng sáng vừa đứng bóng vừa chập choạng tối. Bầu trời đè lên đỉnh đầu. Không gian có sấm chớp lập loè bốn phía. Và ta là con rối, sau những lúc bị giật dây giãy giụa, bị dồn vào đường chết, chỉ còn những khoảnh khắc cúi gằm mặt, chẳng muốn nhìn lên.”
Y Uyên sống trong thời khắc cuộc chiến nổ ra ác liệt nhất, trên vùng đất kinh hoàng nhất. Như Nguyễn Lệ Uyên đã ghi lại. “Cho dẫu rằng: nếu như anh chưa hề là nhà văn, chưa hề cầm bút thì hàng ngày anh cũng không thể không nhìn thấy chiến tranh diễn ra ngay trước mắt anh, diễn ra một cách bình thường, lặng lẽ mà đau đớn đến nát tan cõi lòng. Với người cầm bút thì anh càng không thể đứng ngoài ngắm nhìn như kẻ bàng quan, kẻ ngoài cuộc, thậm chí là kẻ trốn chạy khỏi vòng vây chiến tranh.”
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất của nhà văn Y Uyên
Mang Viên Long – Tạp Bút
Ngày 8 tháng 01 năm 1969 Nhà Văn Y Uyên đã vĩnh viễn ra đi – rời xa gia đình, người yêu, bạn hữu và mọi ước mơ một đời ở đồi Nora gần chân núi Tà Lơn ( Phan Thiết) khi tuổi đời vừa bước qua con số 27 ngắn ngủi! Tôi cũng được biết, trước ngày ra đi- anh cũng đã gởi cho Ng-người yêu của anh- một lá thư kể chuyện về đêm Noel lạnh lẽo ở núi đồi và một thư dài đầy ắp hy vọng với lời chúc – “mừng em ăn Tết năm mới thật nhiều bánh kẹo (…) “ Hai lá thư ấy-tôi đã hân hạnh được Ng cho đọc sau ngày Y Uyên ra đi một tuần! Bảy ngày thê lương dài dặc cho một cuộc tình vô vọng và một đời người bắt đầu truân chuyên!
Trên Tạp Chí Văn -số tưởng niệm Y Uyên ngay sau đó ( số 129-ngày 01 tháng 5/69) – bạn bè anh cũng đã bày tỏ lòng thành vô cùng thương tiếc anh – một tài năng đang tràn đầy triển vọng cống hiến cho văn học và một nhân cách cao đẹp hiếm có đã sớm ra đi vì sự thù hận phân tranh! Tôi cũng đã góp phần bằng bài viết nhắc lại những kỷ niệm êm đẹp Tuy Hòa trong tháng ngày gần gũi chia sẻ cùng anh. Di cảo của Y Uyên – Tập truyện “ Có Loài Chim Lạ” đã được Nguyệt San Tân Văn ( số 44 th12/71) ấn hành nhân ngày giỗ lần thứ 2 của Y Uyên – Truyện ngắn “Một Câu Chuyện Tình” của tôi đã được anh Trần Phong Giao đề nghị in chung trong di cảo này như một kỷ niệm khó quên về tác giả! (Truyện này tôi viết riêng cho cuộc tình của Y Uyên với Ng-với nhiều thư riêng của Y Uyên đã gởi cho Ng- mà nàng đã đồng ý cho tôi xem và có thể trích sử dụng trong truyện khi cần!).
Tất cả những chuyện ấy đã trôi qua 40 năm rồi- Chuyện của tuổi chưa tròn 30. Của một thời hồn nhiên yêu thương khát vọng-Của chiến chinh bom đạn hận thù. Chuyện đã cũ – đã đi qua như một giấc mơ-giấc mơ của một thời chỉ để tiếc nhớ thương đau! Và hôm nay – 40 năm đã vèo qua đời người như bóng câu cửa sổ! Bốn mươi năm dâu bể thăng trầm mà ngỡ như giấc mộng đêm qua. ( Ôi ! thời gian!), Và hôm nay- những ngày cuối năm 2009- tôi ngày nào trai trẻ hào hoa -nay bỗng hóa thành một “ông cụ” trên 60 – may mắn còn sót lại – để bây giờ một mình ngậm ngùi- “NGỒI MÀ NHỚ LẠI …”
Năm nào ngày giỗ của Y Uyên cũng được gia đình tổ chức rất trang trọng – sum họp,đầy ắp nghĩa tình tại nhà riêng số 109/2c Thống Nhất-P11/ Gò Vấp. Ngoài những người thân- gia đình anh còn liên hệ mời những bạn bè xưa của anh để cùng “ngồi mà nhớ lại” chuyện cũ mong tìm chút ấm lòng cho kẻ ở người đi! Tôi có vài lần được tham dự nhân dịp vào Saigon thăm con. Không khí ấm áp- chân tình của gia đình Y Uyên đã luôn cho tôi niềm an ủi như khi cùng Anh về thăm lại nhà năm nào. Ngôi nhà thờ nằm phía sau khu vườn, riêng biệt-bàn thờ của Y Uyên được đặt trang trọng nơi góc trái khu nhà-trên cao là bức tượng đồng bán thân của nhà văn mà thân hữu Tuy Hòa cùng bạn văn bạn đọc trong nước đã chung lòng, góp sức hiến tặng nhân ngày giỗ lần đầu tiên của anh. Sau 75-tượng anh được đặt ở nghĩa trang Gò Vấp bị đánh cắp-trước khi bị cắt đi một vành tai để “thử là đồng hay đá” ( ? ).( Câu chuyện mầu nhiệm để gia đình tìm lại được bức tượng lưu lạc sau đó ít lâu nhờ báo mộng – tôi đã có dịp kể lại theo lời thuật của chị Nguyễn Thị Tẩu-chị của Y Uyên và chú Vượng-em út- trong một bài viết trước đây!). Mãi cho đến thời gian gần đây-nhờ nhóm anh em ở TQBT góp ý-trợ giúp-Tôi và NLU đã vào Saigon thay mặt anh em thực hiện việc “hoàn thiện” một vành tai bị mất qua bàn tay nghệ thuật của ĐKG Phạm Văn Hạng. Ngày đặt lại tượng đã hoàn chỉnh nơi bàn thờ của Anh cũng đã được tổ chức trang trọng với sự tham dự của nhiều thân hữu và gia đình. Nhân “ngồi mà nhớ lại”hôm nay-chúng tôi muốn được bày tỏ lòng biết ơn đối với Họa sĩ-Điêu khắc gia Đỗ Toàn-người đã tốn nhiều công sức để làm nên bức tượng đồng kỷ niệm cho Y Uyên, nay cũng đã vĩnh viễn ra đi. Và ĐKG Phạm Văn Hạng đã hết lòng chăm chút hoàn thiện bức tượng như cũ theo ý nguyện của tất cả!
Gia đình Y Uyên đã nhiều lần bày tỏ sự tri ân đối với những tấm chân tình cao quý của bạn văn-bạn đồng nghiệp đã dành cho Y Uyên và gia đình từ ngày anh đi xa, và luôn mong mỏi được tiếp đón, viếng thăm gia đình như ngày nào Y Uyên còn sống! Gia đình luôn xem sự có mặt của quý thân hữu là niềm an ủi lớn cho gia đình khi Y Uyên xa vắng
… Hôm nay-đã gần kế cận ngày giỗ lần thứ 40 của Y Uyên rồi -mà tôi chưa biết có “đủ duyên” làm một chuyến “viễn du” Saigon hay không? Cuộc sống khó khăn và bề bộn luôn níu chân tôi phải ngồi một chỗ ở quê nhà-để rồi phải đành “ Ngồi Mà Nhớ Lại’ đôi điều trong nỗi muộn phiền ray rứt khôn nguôi…
Tôi còn nhớ- trong một số báo Bách Khoa tháng 01/69-Nhà Thơ Trần Huiền Ân đã có đăng một bài thơ tưởng nhớ Y Uyên-tựa đề là “ Người Đã Lên Tàu” ( lấy tên một truyện ngắn của Y Uyên) -bài thơ khá dài rất cảm động -nhưng lúc này đây tôi chỉ còn nhớ rõ một đoạn cuối :
(…) “ Mình tôi ngồi đây thương tiếc anh,
Càng thêm căm uất cuộc tương tranh!
Đầy sông máu đục tình huynh đệ…
Xương trắng từng phơi biết mấy thành? “
Y Uyên ơi! Rồi tất cả chúng ta cũng sẽ gặp nhau-một ngày nào…
Có phải vậy không-Bạn Hiền?
(Gởi chị Tẩu, anh Nhã, Hương và cô Tám , chú Vượng thân quý nhân ngày giỗ Thứ 40 của Uy )