Menu Close

John McCain – Hồi ký Hỏa Lò (Phần cuối)

Được trao trả tù binh vào giữa Tháng 3 năm 1973 sau hơn năm năm bị giam cầm tại Hỏa Lò, Thượng Nghị Sĩ John McCain trở về Mỹ trong sự ngưỡng mộ của người dân về những đóng góp của ông cho đất nước. Thể chất và các thương tật chiến tranh đã không cho phép ông theo đuổi đến cuối con đường binh nghiệp để trở thành một Đô Đốc Hải Quân theo kỳ vọng của nhiều người. Ông xuất ngũ năm 1981 và bắt đầu theo đuổi sự nghiệp chính trị, trở thành một nhà lập pháp cho đến nay. Hồi ký Hỏa Lò của ông không chỉ cho chúng ta nhìn lại một giai đoạn lịch sử mà còn khơi gợi một tinh thần ái quốc cần có trong mỗi người trước họa ngoại xâm hiện nay. Xin cảm ơn quý độc giả đã theo dõi loạt chuyển dịch hồi ký vừa được chấm dứt trên số báo hôm nay, cũng như các nhận xét mà chuyên mục đã nhận được.

 

alt

Nhà tù Hỏa lò Hà Nội và Thượng Nghị Sĩ John McCain

 

John McCain
Đinh Yên Thảo chuyển dịch

(Phần cuối)

Tháng 11 năm 1971, Bắc Việt chuyển chúng tôi từ trại trừng phạt “Skid Row” về lại trại giam chung “Thống Nhất” trong phạm vi Hỏa Lò. Từ đó về sau thì hầu như chúng tôi bị nhốt chung với những người khác, kể cả những người được đưa vào sau, cũng khoảng 40 tù binh. Tháng 5 năm 1972, khi Mỹ bắt đầu oanh tạc mạnh sau khi Tổng Thống Nixon ra lịnh ném bom Bắc Việt và thả mìn các cảng, họ chuyển hầu như tất cả các sĩ quan cấp nhỏ lên trại “Dogpatch”- Trại Chó Vá gần biên giới Trung Cộng, chừa lại các sĩ quan cao cấp và nhóm chúng tôi. Tôi nghĩ rằng họ sợ Hà Nội sẽ bị đánh bom và nếu nhốt chung tất cả chúng tôi cùng một trại thì chỉ một quả bom rơi trúng cũng có thể xóa sổ tất cả. Vào thời điểm này, đám “gook” rất cộc cằn, hung dữ. Chúng từng kéo một tù binh ra khỏi phòng chúng tôi và đánh anh ta một trận bán sống bán chết vì anh đã làm lá cờ Mỹ trên lưng áo một tù binh khác. Anh là một thanh niên tốt, có tên là Mike Christian. Chúng thoi anh túi bụi ngay ngoài cửa phòng giam chúng tôi, sau đó cứ kéo lê vài feet lại đánh anh tàn nhẫn hết cả vòng quanh sân trại.  Anh bị bể  một bên màng nhĩ và gãy xương sườn. Nó là một bài học dằn mặt tất cả chúng tôi.

 

alt

Mike Christian- nguồn archive.decaturdaily.com

Cuối cùng đến cái ngày mà tôi sẽ không bao giờ quên được là ngày 18 tháng 12 năm 1972. Khắp nơi rền tiếng bom theo lịnh ném bom dịp Giáng Sinh của Tổng Thống Nixon. Hà Nội bị đánh bom tức thời. Từ khung cửa sổ phòng giam nhìn ra trời, đó là cảnh tượng ngoạn mục nhất tôi đã từng chứng kiến và tất nhiên, nhìn rõ những ánh chớp trong đêm. Bom thả rất gần làm rung chuyển cả tòa nhà. Hỏa tiễn SAM đất-đối-không đan chéo bầu trời giữa tiếng còi hụ báo động inh tai quả thực là một cảnh tượng dữ dội. Khi một chiếc B-52 trúng đạn, ở độ cao hơn 30,000 feet,  nó nổ sáng rực cả bầu trời , rồi ánh đỏ như ban ngày khá lâu vì rơi xuống từ trên không rất cao. Vào thời điểm đó chúng tôi biết là chúng tôi sẽ không bao giờ được trả tự do trừ khi chính phủ có hành động gì đó rất quyết liệt. Chúng tôi bị giam ba năm rưỡi trời mà không có vụ ném bom nào xảy ra nên nhận thức khá rõ cách duy nhất để chúng tôi được thả là chính phủ phải mạnh tay với Hà Nội. Vì vậy chúng tôi rất vui mừng, hò reo cổ vũ. Đám “gook” thì không thích điều đó chút nào, nhưng chúng tôi cóc để ý. Với chúng tôi thì rõ ràng là đàm phán sẽ không giải quyết được vấn đề. Lý do duy nhất tại sao Bắc Việt bắt đầu chịu đàm phán vào tháng 10 năm 1972 bởi vì họ cũng có thể đọc được các thăm dò và biết rằng Nixon sẽ chiến thắng áp đảo trong việc tái tranh cử nên họ muốn đàm phán Hiệp định đình chiến trước bầu cử.

Tôi ngưỡng mộ sự dũng lược của Tổng Thống Nixon. Có thể có chỉ trích ông trong vài điều, như vụ Watergate chẳng hạn. Nhưng ông phải đưa ra những quyết định không được ủng hộ lắm mà tôi có thể tưởng tượng như thả mìn, phong tỏa, ném bom. Tôi biết làm điều đó rất, rất là khó khăn cho ông nhưng đó là điều để kết thúc chiến tranh. Tôi nghĩ lý do ông hiểu điều này vì ông có kinh nghiệm đối phó với cộng sản. Ông biết sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt. Chuyến công du của ông tới Trung Cộng và khi ký Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược với Nga được dựa trên thực tế là chúng ta mạnh hơn Cộng sản nên họ mới đàm phán. Họ chỉ hiểu khi dùng vũ lực. Và đó là lý do tại sao bây giờ tôi vẫn còn khó hiểu là trong khi mọi người đều biết rằng việc ném bom cuối cùng đã dẫn đến thỏa thuận ngừng bắn, thì tại sao mọi người vẫn chỉ trích chính sách đối ngoại của ông? Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968, Bắc Việt lên mặt hẳn. Họ biết Tổng Thống Johnson sẽ ngừng thả bom trước cuộc bầu cử 1968. Tháng Năm 1968, hai tướng Bắc Việt thẩm vấn tôi trong hai lần riêng biệt thì cả hai đều nói hầu như giống nhau từng chữ rằng: “Sau khi chúng tôi giải phóng miền Nam thì sẽ sang giải phóng Campuchia. Sau Campuchia sẽ đến Lào và sau Lào, chúng tôi sẽ giải phóng sang Thái Lan, Malaysia, Miến Điện. Chúng tôi sẽ giải phóng hết cả khu vực Đông Nam Á”. Họ làm tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa về âm mưu của họ không chỉ riêng với Nam Việt Nam. Một số người cười cợt bác bỏ “lý thuyết domino” nhưng Bắc Việt tin vào nó, chưa bao giờ chối bỏ nó. Hồ Chí Minh đã phát biểu nhiều, rất nhiều lần rằng, “Chúng ta tự hào ở tuyến đầu trong cuộc đấu tranh vũ trang giữa phe Xã hội Chủ nghĩa và bọn đế quốc Mỹ xâm lược”. Nó hiện hình không còn là cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giành độc lập cho miền Nam Việt Nam mà mang đúng nghĩa những gì ông ta đã nói. Đó là tất cả những gì chủ nghĩa cộng sản nhắm tới: một cuộc đấu tranh vũ trang để lật đổ các nước Tư bản Chủ nghĩa. Tôi đọc nhiều sách lịch sử của họ. Họ đưa chúng tôi khá các loại sách tuyên truyền. Tại thời điểm sau Tết Mậu Thân này, Bắc Việt nghĩ rằng họ đã thắng cuộc chiến. Họ nghĩ họ làm tướng Westmoreland mất chức. Họ tin rằng họ làm đắm cơ hội để Johnson tái đắc cử. Và họ nghĩ rằng đa số người dân Mỹ đứng về phía họ. Đó là lý do tại sao họ oang oang tham vọng của mình quá sớm vì đánh giá sai bản lĩnh của Tổng Thống Nixon.

 

alt

Phố Khâm Thiên Hà Nội sau vụ đánh bom tháng 12-1972- nguồn famoushotels.org

Quay trở lại vụ đánh bom Tháng 12 thì thoạt đầu, Bắc Việt có lẽ có rất nhiều hỏa tiễn SAM trong tay nhưng ngày càng thấy bắn ít dần, có nghĩa họ đã xài gần hết. Ngoài ra, trong vài ngày đầu tiên thì B-52 thả bom chủ yếu ngay quanh Hà Nội, sau đó trải ra xa thành phố  thì theo tôi nghĩ, ta đã phá hủy được tất cả các mục tiêu quân sự trong Hà Nội. Tôi không biết số lượng phi hành đoàn B-52 bị bắn rơi bởi vì họ chỉ đưa các phi công bị thương vào  trại của chúng tôi. Thái độ của các phi công chúng ta rất tốt. Tôi hỏi một phi công trẻ khóa West Point 70 rằng “Anh nghĩ sao khi nhận lịnh ném bom Hà Nội?”.  Anh trả lời, “Tinh thần chúng tôi tăng vọt”. Tôi cũng nghe có một phi công B-52 khước từ nhiệm vụ trong vụ đánh bom Giáng sinh. Bạn luôn gặp chuyện kiểu đó, gặp những người khi khó khăn thì họ bị lương tâm cắn rứt. Tôi muốn nói điều này với bất cứ ai trong quân đội rằng, nếu anh không biết quốc gia mình đang làm cái gì thì nên tìm hiểu chúng và nếu thấy mình không thích điều quốc gia mình đang làm thì hãy đứng ngoài trước khi mọi chuyện được quyết định.

Một khi trở thành một tù binh chiến tranh, anh không có quyền bất đồng chính kiến​​, bởi vì những gì anh làm sẽ tổn hại đến quốc gia của mình. Anh không còn nói với tư cách cá nhân, mà nói như một quân nhân của quân đội Hoa Kỳ và mang trách nhiệm trung thành với Tổng Tư Lệnh chứ không phải với lương tâm của mình. Vài bạn tù của tôi đã không làm vậy nhưng chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Tôi tự hỏi họ có nên bị truy tố không và thấy chẳng dễ dàng để trả lời chút nào. Nó có thể phá hủy hình ảnh đẹp của phần lớn chúng tôi mang về từ địa ngục đó. Hãy nhớ rằng, một số kẻ thay lòng đổi dạ sau chiến tranh Triều Tiên đã làm phần lớn dân Mỹ nghĩ rằng hầu hết các tù binh trong cuộc chiến này cũng là những kẻ phản bội. Nếu họ có bị xét xử thì không phải vì lập trường chống chiến tranh của họ, mà vì họ đã hợp tác với Bắc Việt đến mức độ gây nguy hại cho các tù binh khác. Và có điều này cần xem xét: Hoa Kỳ sẽ có những cuộc chiến tranh khác để chiến đấu cho đến khi Cộng Sản từ bỏ chủ thuyết bạo lực lật đổ chúng ta, những người này phải chịu sự lên án để sẽ không gây tiền lệ cho thái độ làm tổn hại quốc gia trong những cuộc chiến tương lai .

Vào cuối Tháng Giêng năm nay (1973), chúng tôi biết việc kết thúc chiến tranh đã đến gần. Tôi bị chuyển đến “Đồn Điền” và được cho ở chung theo nhóm được phân loại theo thời gian bị bắn hạ. Họ đã chuẩn bị sẵn sàng để trả tù binh theo nhóm. Đó là ngày 20 Tháng Giêng. Kể từ đó, mọi chuyện trở nên dễ chịu, họ chẳng sách nhiễu chúng tôi nữa. Nhưng theo kiểu của họ thì chúng tôi vẫn bị ăn uống kham khổ trong khoảng hai tuần, chỉ đêm trước khi được trao trả mới được ăn một bữa no nê ngon lành. Có một điều rất thú vị là sau khi tôi trở về, Henry Kissinger có kể với tôi rằng khi ông ở Hà Nội để ký thỏa thuận cuối cùng, Bắc Việt có đề nghị cho phép ông ta có thể mang một người cùng theo về Washington và đó là tôi. Tất nhiên là ông từ chối và tôi đã cảm ơn ông về điều đó  rất nhiều, vì tôi không muốn là biệt lệ. Hầu hết mọi người đều cá cược rằng tôi là người cuối cùng được thả, nhưng bạn không bao giờ có thể hiểu được bọn “gook”.

Không có nghi lễ đặc biệt gì khi chúng tôi rời trại. Ủy ban kiểm soát Quốc tế đến và chúng tôi được phép nhìn quanh trại lần cuối. Có rất nhiều phóng viên ảnh, nhưng chẳng có gì trịnh trọng. Chúng tôi lên xe buýt và được đưa ra sân bay Gia Lâm. Người bạn cũ của tôi là “Thỏ” đã ở đó. Hắn đứng phía trước và bảo chúng tôi: “Khi nghe tôi đọc tên, các anh lên máy bay và về nhà”. Đó là ngày 15 tháng 3. Cho đến tận lúc đó, tôi cũng không cho phép bản thân mình có nhiều hơn một cảm giác hy vọng đầy thận trọng. Chúng tôi đã mừng hụt rất nhiều lần trước đó đến độ tôi quyết định rằng mình sẽ không được phấn khích cho đến khi nào bắt tay được với một người Mỹ mang quân phục. Điều đó đã xảy ra tại Gia Lâm và tôi biết nó đã kết thúc thật sự. Tôi chẳng thể nào diễn tả được cảm xúc của mình khi đi về chiếc phi cơ Không Quân Hoa Kỳ.

Bây giờ khi về nhà, tôi thấy có rất nhiều cuộc tranh cãi về quốc gia chúng ta. Tôi không đồng ý lắm. Tôi nghĩ nước Mỹ ngày nay là một quốc gia tốt đẹp hơn so với khi tôi rời nó sáu năm trước. Bắc Việt cung cấp cho chúng tôi rất ít tin tức, ngoại trừ các tin xấu về Hoa Kỳ. Chúng tôi không biết cuộc đổ bộ thành công lên mặt trăng đầu tiên năm 1969 cho đến khi nó được đề cập trong bài phát biểu của George McGovern rằng, Nixon có thể đưa con người lên mặt trăng nhưng ông không thể kết thúc chiến tranh Việt Nam. Họ dội lên chúng tôi những tin tức về cái chết của Martin Luther King và các cuộc bạo loạn sau đó. Thông tin như vậy cứ liên tục nhả ra khỏi loa. Tôi nghĩ Hoa Kỳ bây giờ là một quốc gia tốt đẹp hơn vì chúng tôi đã trải qua một quá trình thanh lọc, tái thẩm định chính mình. Tôi thấy một tinh thần tri ân về đời sống của chúng ta nhiều hơn, thấy tinh thần ái quốc cao hơn và nhìn thấy Quốc kỳ tung bay khắp mọi nơi. Tôi nghe thấy những giá trị mới đang được nhấn mạnh, như mối quan tâm về môi trường chẳng hạn.

Tôi nhận được rất nhiều thư từ các bạn trẻ và nhiều người đã gửi tặng tôi những chiếc vòng đeo tay POW có tên tôi mà họ đã mang. Một số không biết gì nhiều về cuộc chiến, nhưng họ có lòng ái quốc mạnh mẽ, các giá trị của họ đều tốt đẹp và tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nhìn thấy họ sẽ lớn lên thành những người Mỹ tốt hơn nhiều người trong chúng ta. Những tình cảm tuôn tràn này làm những người tù binh chiến tranh chúng tôi choáng ngợp và có chút ngượng ngùng bởi vì trên căn bản, chúng tôi cảm thấy rằng chúng tôi chỉ là người lính Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến và Không Quân bình thường. Bất cứ ai khác ở vị trí của chúng tôi cũng làm vậy. Dự tính tương lai của tôi  là vẫn tiếp tục phục vụ trong Hải Quân nếu tôi còn có thể bay được. Điều đó phụ thuộc vào sự thành công của các phẫu thuật chỉnh hình cho cánh tay và chân tôi. Nếu tôi phải rời Hải Quân, tôi hy vọng sẽ phục vụ cho chính phủ trong khả năng của mình, tốt nhất trong ban đối ngoại của Bộ Ngoại Giao. Tôi đã có rất nhiều thời gian để suy nghĩ trong tù và nghiệm ra rằng, một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi người là, bên cạnh gia đình, hãy đóng góp gì đó cho đất nước của mình.

 

alt

McCain và một số quân nhân Hoa Kỳ trong ngày trao trả tháng 3-1973 – nguồn wikimedia.org

JM