Menu Close

Thắc mắc (kỳ 94)

Độc giả thường xuyên của Trẻ (có thể) cũng đang theo dõi về hành trình hiếm có của chuyến đi  Phi Châu  của hai Nhiếp ảnh gia chúng tôi.  Từ khi trở về, chúng tôi thường đã gặp khá nhiều những câu hỏi như, “Anh chị đi vacation ở đó có vui không?”, “Đi như vậy anh chị tự bỏ tiền túi ra hay sao?” hay, “Có công ty du lịch hướng dẫn anh chị?”

 

alt

Một trong những tác phẩm nghệ thuật của người viết từ chuyến đi Africa. Mục tiêu chính của tôi vẫn là các loài chim châu Phi.

Trước tiên, tôi đã không trả lời trực tiếp những câu hỏi này, cũng như sẽ không trả lời trực tiếp trong nội dung bài viết này, mà sẽ cung cấp những dữ kiện cần thiết để bạn đọc có thể tìm hiểu thêm.

Chúng tôi (Andy Nguyễn và Đặng Mỹ Hạnh) đã và đang đi theo ngành nhiếp ảnh chuyên nghiệp về wildlife (thú hoang dã) và thiên nhiên trong nhiều năm. Lãnh vực nhiếp ảnh chuyên nghiệp được chia ra nhiều thể loại. Người Việt Nam ta thường chỉ có quan niệm về những thể loại quen thuộc như: phong cảnh, chân dung, đám cưới, tĩnh vật, trắng đen, trừu tượng… Nhưng thật ra còn có nhiều thể loại chuyên môn khác như: thể thao, báo chí (photojournalism), thiên văn, thời trang, và thú hoang dã… Và những thể loại riêng biệt còn được chia làm vài tầng lớp và cách tổ chức khác nhau: từ địa phương (phường, khóm), lên đến quận hạt (county), lên đến toàn quốc (khá ngon lành), và lên bậc quốc tế (cao nhất).

Cách đây không lâu, trong một bài viết tôi có giới thiệu về tính chuyên nghiệp của những tay Nhiếp ảnh gia về thể loại thể thao ở Thế Vận Hội Sochi 2014 (Nga), và GNA của Andy Nguyễn- tôi cũng đã giới thiệu “lai rai” về vài thể loại khác.

 

alt

Nói về công việc của chúng tôi, để có được những tác phẩm nghề nghiệp đủ tiêu chuẩn để “cạnh tranh” ở trình độ nhiếp ảnh quốc tế, chúng tôi thường phải lặn lội và mạo hiểm đến những nơi hoang dã khá nhiều nguy hiểm. Những chuyến gọi là “công tác” thì luôn được đài thọ bởi những cơ sở lớn trong ngành này (BBC Wildlife, Smithsonian, Wildlife Federation, …) Những lúc khác (khi không đi công tác cho ai khác) thì chúng tôi đi theo cái gọi là “self assignment” (công trình riêng) theo “đơn đặt hàng” cho một số tạp chí chuyên ngành hoang dã có tên tuổi, hoặc dùng làm tài liệu để viết sách (*).  Ngoài ra, những chuyến đi luôn đem lại lợi ích nghề nghiệp; trường hợp nhận dạy workshop cho những người muốn học theo lớp đào tạo chuyên môn, chúng tôi sẽ là người hướng dẫn tận tâm và đầy kinh nghiệm.

Với nhiều trải nghiệm của rất nhiều những chuyến đi xa gần thì luôn đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Ví dụ, trước khi đặt chân tới đâu, phải rành rõi về địa thế và “đường đi nước bước” của từng nơi. Riêng cuộc hành trình đi Phi Châu vừa qua, chúng tôi đã phải bỏ ra hơn một năm để bàn tính kế hoạch, dự án, đặt ra bao nhiêu mục tiêu (con vật) sẽ trong tầm ngắm. Và cuối cùng, chúng tôi đã không phải lệ thuộc vào bất kỳ một hãng du lịch “safari” nào – vì không một cái “tour” hướng dẫn du lịch nào có thể đi theo một lịch trình chuyên nghiệp như chúng tôi đã thực hiện với một đội ngũ chuyên ngành thú hoang dã.

Hy vọng, tôi đã trả lời một số thắc mắc của bạn đọc về công việc chuyên ngành của những tay nhiếp ảnh gia wildlife chúng tôi. Sẽ chẳng bao giờ là vacation trong những lần “tác nghiệp”, chỉ là những áp lực của công việc!

(*) Tôi sẽ có dịp giới thiệu về những quyển sách trong bài viết trong những kỳ GNA tới.

 

alt

Mặc dù tôi chưa thể gọi ảnh này một tác phẩm xuất sắc, nhưng giá trị tài liệu của nó cho thấy khung cảnh tổng quát của vùng đồng bằng hoang mạc – a picture tells a story.

AN