Menu Close

Trên chín tầng mây

Trong lịch sử Không Quân của các quốc gia nói tiếng Anh, một bài thơ đã trở nên rất nổi tiếng mà hầu như sĩ quan phi công nào cũng biết đến vì bài thơ đó được sáng tác bởi một phi công người Mỹ có tâm hồn thi sĩ nhưng chết rất trẻ trong Thế Chiến Thứ Hai.
Vào những ngày tuyệt vọng của “Trận Chiến Anh Quốc”, tên gọi của chiến dịch oanh tạc Anh Quốc bởi Không Quân Đức Quốc Xã xảy ra liên tục trong mùa thu và mùa đông năm 1940, hàng trăm thanh niên Hoa Kỳ đã vượt biên giới đi sang Canada để tình nguyện đầu quân phục vụ Không Lực Canada vì lúc bấy giờ Hoa Kỳ vẫn chưa nhảy vào cuộc Đệ Nhị Thế Chiến. Vẫn biết làm như vậy là vi phạm các quy định của pháp luật, nhưng với sự chấp thuận ngầm của Chính phủ Hoa Kỳ vốn vẫn còn đang chính thức ở vị thế trung lập, họ tình nguyện bỏ áo thư sinh và khoác chiến y lên đường chiến đấu chống lại sự tàn bạo của Đức Quốc Xã. Một trong những thanh niên người Mỹ đó là John Gillespie Magee Jr. Xếp bút nghiên, chàng muốn dấn thân vào cuộc chiến để theo đuổi mộng ước được trở thành một phi công lướt gió tung mây.

John Gillespie Magee Jr. chào đời tại Thượng Hải, Trung Hoa, cha người Mỹ và mẹ người Anh cùng sang Trung Hoa làm việc như những người truyền giáo Anh giáo.

alt

John Gillespie Magee Jr,

Magee và gia đình đến thăm Hoa Kỳ vào năm 1939. Tuy nhiên, do sự bùng nổ của chiến tranh, chàng không thể quay trở lại nước Anh để hoàn tất năm cuối bậc trung học. Thay vào đó, chàng sống với gia đình người cô ở Pittsburgh và theo học tại trường phổ thông Avon Old Farms ở Avon, Connecticut. Tháng Bảy năm 1940, John nhận được một học bổng của Đại học Yale, nơi cha chàng hiện đang giữ chức tuyên úy cho trường. Nhưng John đã từ khước học bổng và không ghi danh theo học ở Yale. Chàng chọn lựa quyết định tình nguyện gia nhập Không quân Hoàng gia Canada vào Tháng Mười năm đó.

Đời phi công ngắn ngủi

 Ngay sau khi đầu quân, John lần lượt được huấn luyện bay qua các căn cứ của Không Lực Hoàng Gia Canada trong tỉnh bang Ontario là Trại Downsview (Toronto), Trại Trenton (Trenton), Trại St Catharines (St Catharines) và Trại Uplands (Ottawa). John đậu cuộc trắc nghiệm bay trong tháng 6 năm 1941 và nhận được bằng chứng nhận cũng như huy hiệu phi công.

Một thời gian ngắn sau khi được trao đôi cánh và được mang cấp bậc thiếu úy, Magee đã được gửi sang chiến trường Anh Quốc. Chàng được điều động về Đơn Vị Huấn Luyện Hành Quân 53 (OTU, viết tắt của Operational Training Unit) đồn trú trong Căn Cứ Không Lực Hoàng Gia Anh Llandow thuộc xứ Wales để huấn luyện bay loại phi cơ khu trục Supermarine Spitfire. Chính trong thời gian phục vụ đơn vị OTU 53 này, Magee đã sáng tác bài thơ Chuyến Bay Cao nổi tiếng mãi mãi về sau của chàng.

Sau khi tốt nghiệp ở OTU 53, Magee được bổ nhiệm về Phi Đội Chiến Đấu 412 của Không Lực Hoàng Gia Canada vừa được thành lập tại Căn Cứ Digby, Anh Quốc ngày 30 tháng sáu năm 1941. Phương châm của phi đội này là “Promptus ad vindictam” bằng La tinh ngữ có nghĩa là “Nhanh chóng báo thù”.  Magee đã hội đủ điều kiện và khả năng để bay chiến đấu cơ nhẹ một chỗ ngồi Spitfire.

Ngày 3 Tháng Chín, 1941, Magee thực hiện chuyến bay thử nghiệm ở độ cao 33,000 feet với chiếc Spitfire V. kiểu mới cải tiến. Trong lúc thực hiện những vòng xoay bay lên để đạt dần đến độ cao mong muốn, vượt trên những tầng mây xa cách thế gian, Magee bỗng bị choáng ngợp với ý tưởng như mình đang “chạm mặt với Thượng Đế” và có nguồn cảm hứng sáng tác một bài thơ với tựa đề “Chuyến Bay Cao” (High Flight).

alt

John Gillespie Magee Jr, bên cạnh chiếc Spitfire VZ-H số AD-291

Cái chết

Chỉ ba tháng sau, vào ngày 11 Tháng Mười Hai năm 1941 (và chỉ ba ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố nhảy vào vòng chiến), Thiếu úy phi công John Gillespie Magee Jr, đã sớm từ giã cõi đời trong một tai nạn phi hành. Chiếc Spitfire VZ-H số AD-291 của chàng lái đụng phải một phi cơ Oxford loại huấn luyện từ phi trường Cranwell và do một người tên Ernest Aubrey lái. Sự va chạm giữa không trung xảy ra trên ngôi làng Roxholm nằm giữa hai căn cứ không quân RAF Cranwell và RAF Digby thuộc quận hạt Lincolnshire ở độ cao khoảng 1,400 feet vào lúc 11:30. Lúc đó John đang từ trong những đám mây bay xuống.

Theo bản tường trình của cuộc điều tra tai nạn, một nông dân khai rằng ông đã nhìn thấy phi công chiếc Spitfire như đang tìm cách xô mở nắp buồng lái. Ông cho biết cuối cùng người phi công cũng đã mở được nắp và đứng lên như để nhảy ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, lúc ấy phi cơ đã quá gần với mặt đất; nếu như John mở được chiếc dù để nhảy cũng vô ích. Chàng phi công quá trẻ qua đời chưa đến tuổi hai mươi.

Lá thư của nhà chức trách báo tin chính thức cho cha mẹ John có đoạn như sau: “Tang lễ con trai ông bà đã được tổ chức trang nghiêm đúng theo lễ nghi quân cách tại Nghĩa trang Scopwick gần phi trường Digby vào lúc 2:30 PM ngày Thứ bảy, 13 Tháng Mười Hai, năm 1941 dưới sự điều hành của vị tuyên úy Canada tại căn cứ là Trung Úy S.K. Belton. Quan tài của thiếu úy Magee được rước bởi các chiến hữu phi công trong phi đội của anh ấy.”

Magee được chôn cất tại Nghĩa Trang Thánh Giá (Holy Cross Cemetery), trong ngôi làng quê Scopwick trong vùng Lincolnshire, Anh Quốc cách thủ đô London hơn 180 km. Trên bia mộ của John Magee có khắc chạm hai câu thơ đầu và cuối của bài thơ High Flight là:

“Oh! I have slipped the surly bonds of Earth –
Put out my hand and touched the Face of God.”

(Thế là xong mọi buộc ràng nhân thế
Tôi đưa tay sờ Thiên Chúa dung nhan). (PH)

Sự nổi tiếng của bài thơ

Tổng Thống Ronald Reagan từng trích dẫn một đoạn của bài thơ này trong bài diễn văn của ông đọc trước quốc dân sau tai nạn kinh hoàng khi tàu con thoi Challenger phát nổ ngay sau khi rời giàn phóng ngày 28 Tháng Giêng năm 1986. Ông nói: “We will never forget them this morning as they prepared for their journey and waved goodbye and slipped the surly bonds of earth to touch the face of God ”.

Vào ngày 1 Tháng Hai năm 2003, khi phi thuyền con thoi Columbia phát nổ tan tành trên bầu trời Texas sau khi hoàn tất sứ mạng trở về bầu khí quyển quả đất, những vần thơ của Magee một lần nữa được đọc lên để tưởng niệm bảy phi hành gia mãi mãi rời xa trần thế xôn xao để vói tay chạm mặt Thượng Đế.

Bài thơ này cũng được các Trường Sĩ Quan Không Quân Hoa Kỳ, Không Quân Anh và Không Quân Canada dùng như một công cụ tuyển mộ và huấn luyện học tập. Sinh viên sĩ quan Không Quân Anh và Canada bị bắt buộc phải học và đọc thuộc lòng bài thơ này. Trọn bài thơ với 14 câu theo thể loại sonnet (đoản ca) được khắc chạm trên bảng đồng dựng ở Phi Trường Long Beach Daugherty Field, California.

Cho đến ngày nay, bản thảo di cảo bài thơ ấy vẫn còn được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Bài thơ trên cùng các di tích và tài liệu về Trung úy phi công John Magee thì được trưng bày thường trực tại Viện Bảo Tàng Quốc Gia Không Lực Hoa Kỳ ở Dayton, Ohio, Viện Bảo Tàng Chiến Tranh Canada ở Thủ đô Ottawa, Viện Bảo Tàng Không Quân Quốc Gia ở Trenton, Ontario.  

Nhiều bia mộ tử sĩ thuộc quân chủng Không Quân trong Nghĩa Trang Quốc Gia Hoa Kỳ Arlington cũng có trích dẫn một vài câu thơ trong bài High Flight. Hầu như học sinh trung học lớp 12 nào cũng biết đến bài thơ nổi tiếng được đưa vào sách giáo khoa này. Tại Canada kể từ năm 1950, bài thơ này cũng đã được đưa vào chương trình giáo dục lớp 8 và mọi học sinh lớp này bị bắt buộc phải thuộc lòng.

Bài thơ High Flight của nhà thơ phi công người Mỹ John Magee cũng giống như trường hợp quyển tiểu thuyết Le Petit Prince của nhà văn phi công người Pháp Antoine de Saint-Exupéry là cả hai đã trở thành những tác phẩm văn chương giá trị bất tử. Qua hai tác phẩm đó, hai tác giả đều được gợi cảm hứng từ kinh nghiệm bay trong không gian và nảy sinh những ý nghĩ khác thường, những sự tưởng tượng vượt ra khỏi cuộc sống nơi trần thế để bước vào một thế giới khác cao cả hơn, tâm linh thuần khiết hơn. Saint-Exupéry thì lạc vào thế giới thần tiên trong khi John Magee thì rời xa những buộc ràng cáu kỉnh của trần thế và đưa tay chạm dung nhan Thiên Chúa.

alt

PH