Menu Close

Nhạt nắng

Nửa vòm trời nhuộm màu ráng đỏ, cho đám mây trắng bạc lẩn khuất giữa sắc hồng pha tím cuối đường chim bay. Xa xa, bức tường thành đầy rêu xanh lặng thầm soi bóng đổ. Tiếng chân ai vang vọng giữa thinh không, gieo nỗi nhớ cho ngày đang dần tắt. Chiều xuống. Khẽ khàng nhẹ lướt trên ngàn lá, từng giọt nắng sau nhà dùng dằng chưa muốn nói lời tạm biệt. Nắng nhẹ soi trên hàng giậu trúc. Nắng phủ trùm sắc tím huế của Lan Vân Hài. Nắng lượn vòng áo hồng mơ phai của Lan Hoàng Phi Hạc. Nắng nhảy múa giữa cỏ mềm, tặng hoa Thúy Cúc màu vàng vi diệu của áo trạng nguyên. Không gian tĩnh lặng. Tịch dương trầm buông. Vạn vật chìm trong cảnh ảo. Con đường trước mặt thật huyển hư, khi giòng đời đi vào tối. Có ai đó nâng đàn tấu phím. Ngũ cung âm giai hò, xừ, xang, xê, liếu, gợi nhớ từng nốt nhạc u huyền của “Hòn Vọng Phu”: “Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về. Bao nhiêu năm thời gian xóa phai lời thề. Người tung hoành bên núi xa xăm. Người mong chồng còn đứng muôn năm.”[1]

“Hòn Vọng Phu” nguyên là một sự tích buồn nổi tiếng trong dân gian. Hai anh em ruột gặp nạn xa nhau, lúc gặp lại không biết là anh em. Họ yêu nhau, rồi thành vợ chồng. Một hôm người chồng nhìn thấy dấu ấn trên mình người vợ, nhận ra đó là em gái của mình. Quá bi thương người chồng lặng lẽ ra đi. Người vợ không biết chuyện gì, tưởng chồng đi xa vài ngày sẽ về. Nhưng chờ mãi không thấy. Ngày qua tháng hết năm tàn, người vợ vẫn lên đỉnh núi ôm con đứng đợi. Về sau nơi đó có một hòn đá hướng ra vùng trời xa thẳm. Đây là hình ảnh người vợ bồng con đã hóa đá vì chờ chồng. Đây cũng chính là Hòn Vọng Phu tại Đồng Đăng – Lạng Sơn, đã sụp đổ năm 1991. Nhưng “Hòn Vọng Phu” trong ca khúc bất hủ của nhạc sĩ Lê Thương lại mang nội dung khác. Từng giai điệu sâu lắng kể chuyện người vợ chờ chồng đi chiến đấu ngoài biên ải, bao năm qua vẫn chưa thấy về “Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ. Có đám cây trên đồi, ngóng trông trong mơ hồ. Ngày nào tròn trăng lại nhớ đến tích xưa. Khi tướng quân qua đồi, kéo quân, quân theo cờ. Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ, cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già. Mà chờ người đi mất tự ngày xưa. Nàng đứng ôm con, xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?” [2]

Cây lá trong vườn thì thầm câu tâm sự. Chiều mang mang hiu quạnh ở giữa cô liêu. Tầng mây trĩu nặng nỗi sầu, âm thầm nhỏ từng giọt sương trên vòm lá biếc. Sương rơi dắt dìu chiều đi vào tối, cho ngày vẫy tay chào cành cây, ngọn cỏ, ngàn hoa. Những tia nắng ngả sang màu gạch đất, nửa sậm vàng nửa nâu nhạt. Đã hết rồi bóng nắng, ráng đỏ dần phai trong sắc tím u huyền. Lòng cô lữ cũng như bóng xế tà. Chỉ còn hoàng hôn. Xa xa lại nghe ai đó nâng đàn tấu phím. Ngũ cung âm giai hò, xừ, xang, xê, liếu, gợi nhớ từng nốt nhạc u huyền của “Hòn Vọng Phu”: “Đường chiều mịt mù cát bay tỏa bước ngựa phi. Đường trường nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió. Bóng từ xa sắp dần qua bóng chàng chập chùng vượt núi qua khe. Với hành lương độ đường. Chiếc hùng gươm danh tướng. Dưới tà uy đếm nhịp đi vó ngựa phi. Dấn bước tang bồng giữa nơi núi rừng. Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san. Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan. Tiễn đưa bóng chàng.” [3]

Không gian tĩnh lặng. Tịch dương trầm buông. Vạn vật chìm trong cảnh ảo. Chiều buông khiến đời hiu quạnh. Hay lòng người bỗng chơi vơi giữa chiều nhạt nắng. Chuyện xưa sương khói phù du không mong sum họp. Chuyện nay giấc mộng mê đường hư thực khó phân. Tướng công lên đường, người chinh phụ  vẫn chờ. “Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy. Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu. Ngàn dâu xanh ngát một mầu. Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.” [4] Phải chăng cuộc đời chỉ toàn những phong ba gió bụi, chỉ toàn những ngày chinh chiến thê lương. Bỗng dưng nghe nặng nỗi buồn, hỏi hồn mới biết rằng hồn đang đau. Cái đau không phải vì đói cơm rách áo cơ hàn; cái đau khởi từ nỗi trăm cô đơn của chiếc thân lẻ bóng. Đối với mỗi một người, phải chăng tiếng gọi lên đường là tiếng nói của định mệnh. Hình như chưa có một dân tộc nào lại có một lịch sử chinh chiến dài lâu, lại có nhiều hòn vọng phu nhiều người chinh phụ cho bằng đất nước tôi. Những người lính nhận tấm thẻ bài và vũ khí lên đường chiến đấu. Gia đình của họ mòn mỏi đợi chờ. Cha mẹ già mòn mỏi chờ đợi người con. Người vợ mòn mỏi chờ đợi người chồng. Những đứa con thơ mòn mỏi chờ đợi người cha. Sự chờ đợi là cuộc hành trình làm bằng máu xương và nước mắt, bằng vinh quang và thất bại, bằng nhiệt tình và tuyệt vọng. Ngần ấy cảm xúc mặc nhiên ảo biến mỗi một người trở thành mũi tên xung kích, lao ra khỏi vòng cung nhắm đến một cõi ươm mơ nào đó. Dường như người ta thoáng biết rằng còn có một cõi hạnh phúc, ngoài những bất hạnh mỗi ngày phải cam chịu. Vì thế người ta vẫn cứ đi. Đi như người mơ chưa hề tỉnh mộng.

Nhân gian dường như chỉ có hai mùa để sống là mùa bão tố và mùa xuân. Mùa bão tố với những trận cuồng phong thổi qua, với những trận mưa lũ lụt làm đường phố nghẽn mạch đứt ngang, khiến đất núi sạt lở, tạo thành từng hố đen lồi lõm giữa đời. Còn mùa xuân để thổi lửa vào những gốc cây ẩm ướt, để làm hồi sinh từng thớ gỗ. Những sớm mai âm u những buổi chiều quạnh hiu đi ngang từng hố đen lồi lõm ấy, chợt thấy một mầm xanh nhú lên giữa đống đổ nát tang thương, lòng tôi ngập tràn nỗi hân hoan rất đỗi lạ lùng. Tôi tin rằng từ phế tích điêu tàn này, những cây xanh những đồng ruộng mơn mởn lúa đương thì con gái sẽ trổ sinh hoa trái tốt lành. Và nhân loại trong đó có đất nước tôi sẽ lại hát khúc bình ca, quên đi những tháng ngày đầy nhiễu nhương tao loạn, bom đạn ngút trời.

alt

HV
7:15pm Chủ Nhật ngày 2 tháng 6 năm 2014

*. Ca khúc của nhạc sĩ Lê Thương:
[1]. “Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người Ra Đi.”
[2]. “Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý.”
[3]. “ Hòn Vọng Phu 3: Người Chinh Phu Về.”