Menu Close

Mùa làm gạch – kỳ 1

Vùng châu thổ Long Xuyên, Châu Đốc hồi đời trước không biết có nhiều lò gạch hay không tôi không rành lắm vì ít nghe người lớn kể; nhưng chắc chắn hồi đời xưa các nhà khá giả  hoặc các chủ điền đều xây cất nhà bằng gạch ngói rồi, điều đó cho thấy hồi thời xa xưa đã có nghề làm ngói và gạch. Chẳng hạn vùng Mặc Cần Dưng từ hồi mấy năm 1945 còn di tích ngôi nhà lầu bị cháy nhưng các vách tường và lan can bằng gạch vẫn còn mãi tới ngày nay. Ở Lấp Vò có mấy nhà ngói xưa của ông Hội Đồng Năm, của ông Hương Quản Minh cũng xây bằng gạch lợp ngói dù bị chiến tranh tàn phá nhưng ngói gạch bể vẫn còn gom lại thành đống rất lớn. Ngay như nhà ông nội tôi cũng cất bằng gạch ngói dù mấy năm tản cư nhà bị đốt cháy ba ngày ròng rã mới hết tiếng gạch ngói nổ. Khi lửa tàn thân phụ tôi về gom ngói gạch lại cũng thành những đống rất lớn mà nay vẫn còn di tích cũ…

alt

Lò gạch vùng Vĩnh Thạnh, Lấp Vò-Sa ĐécHÌNH: TRẦN NHIẾP

Thực sự ra, không biết hồi đời xưa mua gạch ngói vùng nào nhưng mãi tới những thập niên 1940-1950, tôi mới nghe song thân tôi kể lại thì người dân ở đây ưa mua gạch ngói  ngoài Biên Hòa vì đất ngoài ấy làm gạch tốt màu và đặc biệt ngói Biên Hòa không bị đóng rêu đen như gạch ngói vùng trong này. Thập niên 1960, vùng Long Xuyên có mấy lò làm gạch trên vùng Xép Bà Lý, Cần Xây nằm trên liên tỉnh lộ số 9, con đường nối liền giữa hai nơi Long Xuyên và Châu Đốc, có nhiều lò gạch. Ngoài ra, vùng Long Xuyên về hướng Vàm Cống hồi xưa cũng có vài lò gạch ở Rạch Gòi Lớn, rạch Gòi Bé nằm ngay bên bờ sông Hậu Giang, cách tỉnh lỵ Long Xuyên chừng năm hoặc sáu cây số. Sau này mấy lò gạch này cũng nghỉ làm gạch và chỉ còn trơ lại những nền lò cũ. Còn ở Sa Đéc hồi đời trước các lò gạch tập trung vùng Nha Mân, Cái Tàu Hạ. Nay mỗi khi bạn có dịp đi ngang qua vùng này các bạn sẽ thấy các lò gạch này vẫn còn hoạt động nhộn nhịp lắm.

Vào khoảng thập niên 1990-2000, mới bắt đầu có một số lò gạch vùng Vĩnh Thạnh (Lấp Vò), hiện nay vẫn còn tiếp tục in gạch in ngói. Bên tỉnh Vĩnh Long thì lò gạch nhiều ở vùng Trà Ôn; còn Cần Thơ thì vùng Cái Côn rải rác có vài lò gạch nằm gần rạch Mương Khai, Cái Cau. Trước đó vùng này cũng có lò gạch của người Hoa rồi, nhưng dường như làm ăn không khá, mãi tới năm 1980 nơi này mới bắt đầu xây lại các lò gạch mới.

Việc làm gạch in ngói, nói đúng ra là không có mùa vì gạch ngói in trong nhà, không in ngoài sân, ngoài đồng như nhiều nghề khác. Nói thế nhưng nghề làm gạch là mùa nắng thích hợp nhứt. Vì mùa nắng tiện cho việc làm đất, mà cũng tiện cho việc phơi gạch, vô lò và ra lò nữa. Nhưng trước khi kể qua các công việc quen thuộc ấy, chúng tôi xin nhắc qua một chút về việc xây lò gạch.

Trước nhứt bạn muốn xây lò gạch, bạn nên có một sở đất không trồng được loại cây ăn trái gì vì đất nơi ấy là đất sét; mà đất sét trồng cây không tốt nhưng làm gạch ngói rất tốt. Rồi bạn sẽ mướn nhơn công đào gánh đất đắp nền lò gạch, đắp nền nhà in gạch, nhà phơi gạch. Rồi còn phải thêm phần đất để dùng vào việc in gạch nữa. Do vậy, một khuôn đất dựng lên lò gạch tương đối phải hơi rộng mới đủ, bằng không thì lò gạch dựng lên như ở Rạch Gòi Lớn, Rạch Gòi Bé (Long Xuyên) rất nhỏ.

alt

Hình ông nội của tác giả chụp cách nay cả trăm năm nơi ngôi nhà xưa xây bằng gạch ngói xưa.

Thông thường, theo thợ lò chuyên nghiệp mấy năm chúng tôi về làm lò gạch Cái Côn (Cần Thơ) bên bờ sông Hậu Giang, thì muốn một lò gạch chứa đựng được 100,000 viên gạch để nung cho chín thì phải dùng 100,000 viên gạch xây lên lò gạch ấy. Lò gạch có thể là hình vuông, hình tháp hoặc hình trụ tròn có nóc ở trên. Nhưng trước hết là nền lò gạch phải vững chắc kiên cố thế nào để khi xây 100,000 viên gạch lên cái nền ấy mà không bị lún, bị nghiêng thì đó là cái nền lò lý tưởng nhứt.

Nhớ năm ấy, khoảng 1980, toán chúng tôi gồm mười anh em về lò gạch Cái Côn cùng với một số anh em có tại đây trước cùng nhau bắt đầu đào móng đóng cừ tràm xây lò gạch đầu tiên nơi này. Móng thì hình vành khăn tròn, bề ngang khoảng một thước. Với số tràm cừ cây bằng cườm tay, dài ba thước, tổng cộng là 10,000 cây tràm cừ phải đóng hết xuống chưn móng lò gạch dự trù xây lò 100,000 viên như vừa kể. Hồi ấy mình dù còn trẻ nhưng cũng đã qua gần năm năm phá rừng đào liếp khóm rồi nên tay chưn cũng rã rời mỏi mệt dữ lắm. Thế nhưng nay lại phải đóng thêm 10,000 cây cừ tràm sâu xuống 3 thước, từ cây cừ này cách cây cừ kia chỉ một tấc tây, thì thiệt tình chỉ nghe thôi là đã ớn rồi nói gì đóng cho hết số cừ tràm khổng lồ ấy. Vậy mà rồi chúng tôi hai ba anh em theo một cái chày vồ và lần lượt đóng cừ như vậy suốt cả tháng trời! Lúc đầu cố gắng đóng lút cừ; chỗ đất nào mềm cừ dễ xuống sâu, còn chỗ nào gặp đất sét cứng thì cũng ráng đóng cho hết chiều dài cây tràm cừ 3 thước như vậy. Mỗi ngày gặp nhiều vùng đất cứng đóng cừ hết xuống nổi, chúng tôi lại càng thấy sức mình quá mỏi mệt. Về sau này khi quen công việc rồi thì chỗ nào đóng cừ xuống tới đâu thì đóng, còn chỗ nào gặp đất cứng cừ hết xuống nữa thì anh em cùng nhau dùng búa chặt ngang phần cây cừ tràm còn lại. Do vậy mà sau này càng đóng cừ càng mau vì số tràm bị chặt lại khá bộn và số này cũng không mất mát đi đâu, chúng tôi chặt ra và chẻ củi cho nhà bếp làm củi nấu cơm. Và đặc biệt là nền lò gạch vẫn không bị lún hoặc nghiêng đổ gì. Có lẽ dùng tới 10,000 cây cừ tràm là quá nhiều rồi chăng?

Giai đoạn đóng cừ là ngán nhứt nhưng rồi cũng qua. Kế tới là đi mua gạch về để xây lò. Gạch thì nặng mà sông Hậu Giang có khi nước ròng sát, ghe xuồng đậu xa bến, chúng tôi phải vác gạch xuống ghe rồi vác gạch lên bờ chuẩn bị xây lò. Với 100,000 viên gạch như vậy mà vừa vác xuống ghe rồi lại vác lên bờ biết bao là cực, nhưng rồi cũng vác xong nhưng tối ngủ nhúc nhích cục cựa gì cũng thấy ê ẩm mình mẩy không bút mực nào kể cho xiết.

HT