
Vết thẹo đã vĩnh viễn cướp đi một mắt của “Tư Thẹo sơn lâm” – PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH
Loạt bút ký về một miền đất mang tên Africa. Kinh ngạc. Mới lạ. Bất thường. Mê hoặc. Nơi thách thức sự sống của bầy thú rừng hoang dã. Và mang đến làn gió cho sự tưởng tượng của ống kính.
Điện thoại không sóng. Internet không tồn tại. Và thế giới hiện đại chỉ bắt đầu trên bốn chiếc bánh xe off road dọc ngang giữa bạt ngàn…
Khốc liệt để tồn tại
Ngày hâm hấp. Những cơn gió nóng thổi rạp đám cỏ bồng…
“David Lingstone và John Hanning Speke đã đến đây, ở thế kỷ thứ 19 – các nhà thám hiểm Châu Âu này đi tìm kiếm nguồn của sông Nile. Và họ đã kinh ngạc trước sự phong phú của thảm thực vật tươi tốt và một nguồn động vật phong phú ở Africa. Tất cả, đã làm lóa mắt người da trắng!” Bà Elizabeth, phá tan bầu không khí ngột ngạt của buổi trưa bức bối nắng.

Đặng Mỹ Hạnh ghi chép tư liệu trên cái “báng súng “ giữa rừng. – PHOTO: ANDY NGUYỄN
“Triều đại của Nwamis, kết thúc ở một góc Đông Phi. Và đã trở thành một tâm điểm cuồng sát của bạo lực trong cả thế kỷ qua: các vụ giết người và bắt cóc hàng chục ngàn người ở miền Bắc Uganda, vụ thảm sát hơn một triệu người trong cuộc diệt chủng Rwanda và Burundi. Chưa kể, tiếp theo là hai cuộc chiến tranh ở miền Đông Congo. Cuộc chiến lớn này rất nhiều quốc gia đã tham gia, ước tính đã hủy diệt hơn năm triệu người. Vì bệnh tật và đói. Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất từ sau Thế Chiến Thứ Hai…” Lần đầu, tôi nghe bà Elizabeth diễn thuyết về đề tài lịch sử. Với tôi, quyền năng của chiến tranh luôn chỉ là những nỗ lực vô nghĩa. Hành động của con người, cuối cùng, cũng chỉ là công cụ vô thức của tư tưởng!
“Những biến động xã hội và chính trị đã gây khó khăn cho việc bảo vệ động vật hoang dã. Trong những thập kỷ săn trộm thú, bọn con săn đã đột kích vào các khu rừng, công viên quốc gia và tàn sát quần thể voi, hà mã, và sư tử…” Ở bà Elizabeth, có những lúc tư tưởng là một lời cầu nguyện.
“Cha của người bạn tôi, một tay kiểm lâm đã bị giết chết ở một khúc sông gần đấy. Bạn biết đấy, ở một góc của lãnh thổ Châu Phi này, cuộc tranh chấp không chỉ xảy ra giữa những loài động vật. Với cả con người, bạo lực cũng nhiều không kể xiết.” Gã Domi, diễn đạt tư tưởng một cách lấp lửng.
Từ kẻ dữ tợn dưới nước, đến con mèo lớn Africa săn đuổi con mồi. Và cả đến những loài vật ăn cỏ hiền lành… Mỗi sinh vật, đều có hành trình riêng. Một câu chuyện riêng để kể.
“Họ cho rằng, mèo có đến chín mạng sống. Nhưng không phải nói về loài mèo lớn sư tử của khu rừng Châu Phi này. Ở một mảnh rừng không khoan nhượng. Và chết là chết. Những động vật ăn thịt lớn nhất của Africa cũng như các con mồi của nó. Tuổi thọ thì thường ngắn ngủi. Và cuộc đời thì thường chấm dứt đột ngột. Một con sư tử trưởng thành, nếu may mắn có thể sống thọ đến 12 năm. Nhưng sống sót đến tuổi trưởng thành vẫn chẳng có gì chắc chắn cho sự thanh thản của một con thú.”
Học hỏi, cảm nhận, thay đổi hay thực sự sống. Cuộc sống là một chuỗi bài học và cần phải sống để hiểu được. Ngày qua, trong ánh vàng của mặt trời mọc. Tôi nhìn thấy vết thương trên mặt của một con sư tử bờm. Vết thương vẫn đỏ rỏng máu. Một điều gì đó đã xảy ra đêm qua. Và chẳng phải chỉ là sự tranh chấp trên đống thịt của con trâu rừng với cùng bầy đàn. Domi quả quyết, một cuộc ẩu đả đã xảy ra với một con sư tử khác.

Những “chị em” sư tử cùng bầy đàn chuẩn bị cho buổi săn đêm. PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH
“Chủ yếu, loài mãnh thú này chết bởi vì chúng giết lẫn nhau để tranh giành lãnh thổ. Mỗi bầy đàn thống trị một vùng đất. ‘Tư Thẹo sơn lâm’- con sư tử bờm bị thương sáng qua là một trong bốn con trai của mãnh chúa ‘Hai Khía’ rất nổi danh ở vùng đất này. Cha của nó chỉ vừa mới giã từ sơn lâm vài năm trước.
Cuộc sống của Tư Thẹo, giờ rất đỗi tạm thời. Thương tật, di cư, nạn đói, và cả cái chết. Số một trong những nguyên nhân gây ra cái chết của một con sư tử trong một môi trường tưởng chừng như bình yên với loài mãnh thú này, lại là một con sư tử khác.” Domi đáp ứng tôi với một câu trả lời về trường hợp tử vong.
“Hanna, khi cô nhìn thấy nhiều vết cắn trên con sư tử, thì đó phản ảnh cuộc chiến giành thức ăn, lãnh thổ. Nếu may mắn thì vết thương mau lành. Ít may mắn hơn là những kẻ thua cuộc bị giết trong trận đấu khốc liệt giữa những con sử tử khác ‘băng đảng’. Nếu sống sót, hoặc phải khập khiễng đi, mất máu và chúng cũng phải chết từ từ vì bị nhiễm trùng hoặc đói.” Domi thì quá tuyệt để cung cấp những thông tin thú vị. Cuộc đời của gã như thân cây Acacia bám rể trên mảnh đất hoang dã cằn cỗi. Đơn độc và dai dẳng sức sống.
“Vì vậy, các con sư tử khác bầy đàn cũng là kẻ thù số một của nhau, phải thế không?” Tôi tỏ bày vẻ “bức xúc”.
“Đó là nguyên do để cuối cùng, sư tử phải sống thành bầy đàn. Vì sở hữu một lãnh thổ rất quan trọng và đó là cách thức duy nhất để tồn tại.” Domi nói như xác định.
Khi người và sư tử chạm mặt. Đó là nỗi thống khổ!

Hình ảnh hiếm thấy của bầy Linh Cẩu Đốm con vừa ra khỏi hang . PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH
“Một người anh em trong bộ lạc của tôi đã bị sư tử đớp cụt cả hai cánh tay khi họ gài bẫy để giết nó. Sự đánh độc sư tử để trả thù cho những mất mát của gia súc và những cuộc tấn công con người. Những nghi lễ giết sư tử của các bộ tộc không tránh khỏi sự tàn sát dân số của loài sư tử…” Gã bác tài vẫn đang háo hức giảng thuyết.
Tôi hí hoáy với cuốn sổ nhỏ trên tay, ghi ghi chép chép.
“ Chắc chắn, là có những lạm dụng. Mấy tay nhà giàu Mỹ Quốc khoái hưởng thành tích của cái danh hiệu ‘Vua thảm sát’ loài vật. Một quốc gia như Africa mà nhượng bộ săn bắn thì quá nhiều con sư tử phải bị giết hại ” Bà Elizabeth vẻ đầy mai mỉa.
Và sau đó, điều gì sẽ xảy ra với phần còn lại của con sư tử. Bán xương sư tử từ Nam Phi đến Châu Á, nơi chúng được bán thế cho xương hổ. Một xu hướng nguy hiểm cho một nhu cầu tăng cấp. Cao…sư tử cốt, thay thế cho cao hổ cốt!

Những bộ lông đầy nhăn nhở của Linh Cẩu Đốm vẫn rất … “ăn ảnh”! – PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH
Kumunu, gã vệ sĩ của bộ tộc, gương mặt tối sầm, đối lập với đôi mắt tinh anh. Một chiếc vòng cổ đính cườm, bông tai đính cườm, một Shuka đỏ chót quấn quanh người; một con dao găm giắt ở thắt lưng. Ông kể, ông đã đích thân giết 5 con sư tử. Và ông nói với tôi rằng ông chẳng còn ý định giết bất kỳ con sư tử nào nữa. Một chương trình “Vệ sĩ của Sư tử” năm 2007, đã tuyển mộ những vệ sĩ trẻ của các bộ tộc. Những chàng trai trước đây là những chiến binh của bộ lạc, và săn sư tử là một nghi thức truyền thống. Giờ đây, họ trở thành những người ăn lương và được đào tạo để sử dụng radiotelemetry GPS để theo dõi sư tử thường ngày và ngăn chặn các cuộc tấn công của sư tử vào đàn gia súc và con người.
“Sư tử giết người đã giảm và vai trò của những vệ sĩ bảo vệ sư tử này lại càng có uy tín hơn trong cộng đồng.” Kumunu đã “học” được bài học rằng, sự bảo vệ sư tử có giá trị hơn bằng những đồng lương mà ông có thể mua được thực phẩm để nuôi sống gia đình.
Sung túc hay cằn cỗi. Khô cạn hay ẩm ướt. Những con vật này phải chính xác trong từng quyết định. Và không chỉ là vấn đề tìm thức ăn và tồn tại. Mà chính là sự thách thức để tránh bị tuyệt chủng.
“Chẳng có gì tồi bại hơn, hoặc chẳng có gì tàn phá ghê gớm hơn là bản tính của loài người, dẫu có tốt đẹp hay cao quý đều nằm trong tay những quyền lực vô tâm, không giới hạn.” Mọi quan điểm triết lý, rồi cũng chỉ thuộc về thiểu số duy nhất một người- bà Elizabeth.
Quyết đoán là tính cách của những gã vệ sĩ bộ tộc. Domi quả quyết rằng sẽ tìm ra chỗ trú ẩn của Linh Cẩu Đốm. Trên đám đất lởm chởm cỏ dại, quần tụ một gia đình Hyena. Những cái đầu thấp thỏm từ lỗ hang. Cái nòng kính vẫn thờ ơ trước những bộ lông nhăn nhở. Domi, nói như thúc giục,

Kumunu, vệ sĩ của bộ tộc, người đã hạ gục 5 con sư tử chỉ bằng lưỡi mác – PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH
“Hanna, đừng tiết kiệm mấy cú click máy. Lũ chó con xấu xí này mà chẳng dễ thấy được vì chúng tối ngày chui rúc trong hang. Cha mẹ chúng đã quá khéo léo để bảo vệ đàn con tránh được khối sự trả thù của bầy đàn sư tử.”
Lại bài học về mối thù truyền kiếp giữa sư tử và Linh Cẩu Đốm. Tôi ngẫm.
“ Loài chó rừng bị khinh miệt nhất của Châu Phi. Tham lam, liều lĩnh, chúng là loài động vật có thể dành chiến thắng với cái danh hiệu loài vật bẩn nhất, bởi chúng cũng chỉ ăn những thức ăn thối rữa như lũ kền kền.” Domi hề hà bảo rằng gã đã chẳng hối tiếc gì khi liệt kê chúng vào danh sách “những kẻ trây lười nhất vùng rừng Africa.”
Chiều mỏi nắng. Những đợt gió phơ phất trên những tán lá rừng. Âm thanh gầm gừ của bầy sư tử như một điệp khúc bí ẩn. Một giai điệu cô độc. Tôi ngồi viết lại những gì đã nghe gió thở…

Phó nhòm Andy Nguyễn, không phải “bắn” sư tử mà là Đại bàng của Châu Phi. – PHOTO: ĐẶNG MỸ HẠNH