Theo cung cách làm việc của công ty Google, cho phép nhân viên dùng 20% thời giờ làm việc để nghĩ ngợi, để… mơ màng và từ đó khởi sự tìm kiếm và sáng chế theo ý muốn, các trường học tại Hoa Kỳ và Canada cũng đã bắt đầu “Giờ sáng tạo”. “Giờ sáng tạo” là chữ Dế Mèn dịch thoáng từ “genius hour” hay thời khắc [cho] thiên tài, cho tiềm năng được phát triển từ mỗi con người. Trong khoảng thời gian này, trẻ em không phải chú tâm đến bài học lời giảng của thầy cô mà tha hồ thực hiện dự án theo ý muốn. Mỗi đứa trẻ môt dự án riêng hoặc làm chung với bạn bè.

Từ trái: Emily Born, Lauren Lintner, Grace Maher – NGUỒN  CNN-COM
“Giờ sáng tạo” là một khái niệm tương đối mới mẻ tại học đường, đang được thầy cô thí nghiệm với các học sinh bậc tiểu học, lớp 1-5, và trung học đệ nhất cấp, lớp 6-9. “Giờ sáng tạo” kéo dài khoảng 60-80 phút mỗi tuần. Học sinh được khuyến khích chọn đề tài để học hỏi, tìm hiểu theo ý muốn và trình bày kết quả sau khi hoàn tất. Nghĩa là trẻ em được tự do làm việc theo chiều hướng nó ưa thích, tự xếp đặt công việc và chịu trách nhiệm về dự án của mình. Sự tự do lựa chọn kể trên giúp đứa trẻ, thầy cô và phụ huynh nhận ra khuynh hướng suy nghĩ và cách làm việc của đứa trẻ. Tất nhiên ngoài giờ sáng tạo, thả lỏng, trẻ em vẫn học theo chương trình soạn sẵn của Bộ Giáo Dục, bao gồm các môn chính như toán, luận văn, lý hóa, ngoại ngữ…
Mục đích chính của “giờ sáng tạo” là khuyến khích trẻ em sáng tạo, phát triển cách suy nghĩ độc lập, tinh thần kỷ luật, tự giác, để hoàn tất công việc nhưng quan trọng nhất vẫn là việc huấn luyện đứa trẻ chấp nhận sự thất bại, học hỏi từ thất bại ấy và chia sẻ những điều chúng học được với bạn bè.
Tại Thomas Middle School, một trường Trung học đệ nhất cấp ở Arlington Heights, Illinois, một nhóm học sinh lớp 7 đã dùng “giờ sáng tạo” để tìm hiểu về giày thể thao. Cô bé Emily Born và bạn bè đã dùng 80 phút mỗi ngày Thứ Hai để làm chung dự án ấy.
Thoạt tiên nhóm trẻ tìm hiểu xem bá tánh thích dùng loại giày nào và tại sao. Sau khi thảo luận [và cãi cọ] về loại giày ưa thích, đám trẻ chọn việc tìm hiểu một cách riêng lẻ, mỗi trẻ em tự tìm kiếm. Chúng dùng mạng ảo trong việc tìm kiếm xem loại giày nào tốt nhất. Khi đọc những lời bình phẩm của người tiêu thụ, đám trẻ hiểu ra rằng sự ưa chuộng một loại giày nào đó hoàn toàn dựa trên cảm tính, nôm na là năm người mười ý, không đồng nhất. Nhóm học trò chuyển hướng để tiếp tục tìm câu trả lời, và bắt đầu soạn thảo một danh sách các câu hỏi, bản “trưng cầu ý kiến”, survey, rồi gửi đi khắp nơi qua mạng ảo. Bản trưng cầu ý kiến được thầy cô, phụ huynh và học sinh ủng hộ nhiệt liệt.
Lấy ý kiến xong rồi thì làm gì nữa? Nhóm người trẻ đi đến quyết định… thí nghiệm, thử xem loại giày nào tốt nhất theo một tiêu chuẩn chung có tính cách khoa học, và đám học trò nhờ sự giúp đỡ của các giáo sư dạy môn khoa học để soạn thảo, lập chương trình thí nghiệm.
Để có những đôi giày hàng đầu trên danh sách “ưa thích” dùng cho thí nghiệm, nhóm trẻ viết thư xin các nhà sản xuất. Đây là lần đầu tiên, cô bé Emily phải thảo một lá thư “đàng hoàng” và nghiêm cẩn như người lớn. Và điều ấy khiến cô bé “khớp” nhưng rất hãnh diện.
Dự án ấy cho đám trẻ thấy rằng màu sắc và kiểu mẫu là hai yếu tố khá quan trọng cho sự lựa chọn của khách hàng; kế đến là sự thoải mái, dễ dùng và bền bỉ là các yếu tố quan trọng khác nhất là những đôi giày dùng để chạy. Emily rất ngạc nhiên khi tìm thấy rằng bá tánh dùng giày thể thao chỉ để chạy hoặc đi bộ trên đường [khác với những người trẻ, giày thể thao hay snikers, là để làm đẹp].
Từ dự án kể trên, nhóm trẻ rút ra được khá nhiều kinh nghiệm quý báu: Học được cách thảo luận và giao tiếp với người làm việc chung; phát triển cách suy nghĩ độc lập, tự tin vào ý tưởng của mình và trình bày ý muốn theo cung cách “business”.

Về phía phụ huynh, lúc đầu không mấy tin tưởng vào “giờ sáng tạo”, vì họ lo ngại rằng con em sẽ phí thời giờ thay vì học hỏi khi không được chỉ dẫn chặt chẽ. Bà Sara Born, mẹ Emily, cũng là một giáo sư phụ, cũng có mối lo tương tự nhưng nhanh chóng đổi ý kiến khi quan sát đám trẻ làm việc chung trong “giờ sáng tạo”. Ngoài sự giao tiếp và thảo luận cần thiết để đám trẻ có thể hoàn tất công việc, giáo sư phụ trách theo dõi khá kỹ lưỡng, dành riêng thời giờ thảo luận cho mỗi đứa trẻ, xem chúng đi được đến đâu, cần hướng dẫn những gì… Các sự kiện này khiến phụ huynh an tâm và ủng hộ cách học hỏi mới xuất phát từ “giờ sáng tạo” kể trên.
Một thí dụ khác, Nicholas Provenzano, tại Grosse Pointe South High School, Michigan đã lập trang nhà 20 Time blogs để học trò ghi chép hàng tuần về dự án của mình. Các dự án này, thực hiện trong “giờ sáng tạo”, bao gồm nhiều lãnh vực, từ việc ghi chép [và bình luận] các sinh hoạt tại Detroit, cách ăn uống theo kiểu dưỡng sinh với rau đậu, học tiếng Ba Lan và cả cách làm áo thun! Ông Provenzano là một giáo sư dạy Anh văn nên chú trọng đến cách viết của học trò, và khi được viết về những đề tài khiến các em thích thú thì chúng viết đều và chịu khó kể chuyện, chúng viết về cả những dự án thất bại và phải chuyển hướng để thích nghi với thất bại ấy.
Tạm hiểu là các em chịu trách nhiệm cho việc học hỏi của mình. Thành công hay thất bại khi thực hiện một dự án không là điều quan trọng; chủ yếu là các em tự học và cách tự học ấy sẽ trở thành thói quen để sử dụng suốt đời.
Quan trọng không kém là yếu tố tâm lý, được làm việc theo ý muốn khiến ta thích thú và hăng say, muốn làm nhiều hơn để thấy kết quả.
Hai thí dụ điển hình ấy bắt nguồn từ chương trình “sáng tạo” tại Google. Nhân viên của công ty này được hưởng khá nhiều quyền lợi khi làm việc, ăn uống thả giàn, phòng tập thể dục, phòng tẩm quất, người cắt tóc, nơi giặt giũ và cả bác sĩ thường trực!
Ngoài công việc chính, nhân viên được dành riêng 20% số giờ làm việc để thực hiện một dự án họ ưa thích, do chính họ chọn lựa. Không lạ là Google đứng hạng tư trên danh sách các công ty tốt nhất Huê Kỳ để làm việc, the U.S. Fortune ‘100 Best Companies to Work For’.
Điều kiện làm việc thoải mái, khỏe re như thế mà Google chỉ đứng hạng tư thì hàng đầu là công ty nào? SAS bạn ạ, một công ty chuyên về thảo trình của tư nhân lớn nhất thế giới! Ở đó, ngay tại công ty, họ có bác sĩ túc trực để săn sóc nhân viên và thân nhân họ, hổng tốn tiền; nhà giữ trẻ với giá tượng trưng, phòng thể dục, thư viện và cả trại hè cho con cái của nhân viên.
Trang bị đủ thứ như thế thì hẳn là tốn kém lắm? Tất nhiên là tốn kém nhưng các món tiền chi ra ấy được công ty thu về thập bội qua những lợi nhuận khác.
Theo ông Milton Moskowitz, nhà báo và cũng là tác giả bản tường trình the Fortune ‘100 Best Companies to Work For’. Cổ phần của những công ty này sống hùng sống mạnh, tiếp tục ăn trùm các công ty khác vì nhiều lý do nhân viên sáng chế ra nhiều thứ hay ho, nhân lực ít thay đổi nên các dự án được liên tục và do đó, hoàn tất nhanh chóng, được chăm sóc sức khỏe kỹ lưỡng nên không mấy ai nghỉ bệnh.
Làm việc ở một nơi thoải mái như thế nên chẳng mấy ai muốn thay đổi cả, mức thay đổi nhân sự tại SAS là 4%, rất thấp so với các công ty khác trong ngành kỹ nghệ này là 22%. Chỉ nội mục “nhân sự” ổn định thôi đã giúp công ty tiết kiệm vài trăm triệu Mỹ kim mỗi năm! Bội thu, bội thu phải không bạn?
Nhân viên yêu thích công việc và yêu thích cả công ty nơi họ làm việc! Đây là cái bí mật của các công ty hàng đầu trên thế giới!
Trở lại với trường học và “giờ sáng tạo”, ngoài hai thí dụ kể trên, có rất nhiều các thí dụ tương tự khác từ các trường học tại Hoa Kỳ. Tựu trung, điều khó khăn nhất cho các em là việc tìm một dự án để làm; trước đó chúng chưa hề được huấn luyện cách suy nghĩ độc lập, chỉ làm theo việc thầy cô chỉ dẫn. Để gợi ý, thầy cô soạn một danh sách các dự án để các em có thể chọn nếu không có ý kiến riêng. Hầu như đứa trẻ nào cũng yêu thích “giờ sáng tạo”. Một yếu tố khác, trẻ em phát triển theo “thảo trình” cá nhân, có đứa trẻ cần khuôn thước để làm việc nhưng cũng có đứa trẻ muốn tự do. Phụ huynh cũng như thầy cô cần nhận ra khuynh hướng của đứa trẻ để giúp chúng phát triển hết các tiềm năng.
Nói chung, ngành giáo dục đang thay đổi và thay đổi rất nhanh; những phương pháp sư phạm như thầy cô giảng bài và học trò học sắp lỗi thời và cách học từ chương [thuộc lòng] hầu như hoàn toàn biến mất. Tại trường học, học sinh sinh viên tự tìm tòi, học hỏi và phát huy tâm trí trong khi thầy cô thực sự trở thành người hướng dẫn, chỉ đường qua kinh nghiệm giảng dạy.