Không hiểu tại sao có một sự khác biệt hơi lớn về một từ trong tiếng Anh và tiếng Việt. Đó là từ STREET WALKER. Nhiều người Việt, hồi mới học Anh văn, tưởng là “người đi đường” mà không ngờ nó lại là “gái đứng đường”. Chữ WALK mà dịch là “đứng”, nhất là học sinh, làm sao hiểu nổi? Có phải vì gái Việt thường đứng (một chỗ) còn gái (bên) Tây thì đi lui đi tới cho “người đi đường” chú ý? Nếu quả thật như vậy thì đúng là gái Tây làm ăn có sáng tạo hơn. Mới đây có một cô gái… Mỹ còn “sáng tạo” hơn nữa. Cô chỉ đi tới, không đi lui! Không phải vì không đi lui mà gọi là “sáng tạo”. Cái chính là không phải cô đi trên đường mà đi trong… thư viện.

Brittany Macintyre
Thị trấn Tewksbury ở tiểu bang Massachusetts có một thư viện nhỏ. Brittany Macintyre, tên cô gái, thường đến đây hằng ngày. Brittany luôn cầm trong tay một cuốn sổ và cây viết. Hễ thấy ông hay anh nào đi một mình, cô đi tới mời… bút đàm. Trong thư viện mà, nói chuyện không tiện! Lời qua bút lại, nếu thấy hợp tình và tiền thì cả hai dắt tay nhau ra khỏi thư viện. Không rõ Brittany, năm nay mới 20 tuổi, làm ăn ở đấy bao lâu nhưng đã tới tai cảnh sát địa phương. Thứ Ba tuần rồi, một cảnh sát chìm được phái đến thư viện tìm cô. Vừa bước vào, chưa kịp chớp mắt cho quen với ánh sáng bên trong thư viện, viên cảnh sát đã thấy cô đi tới với cuốn sổ và cây viết trên tay. Sau khi “bút đàm” mấy phút, cô ra giá… sáu chục! Viên cảnh sát đồng ý và dắt tay cô về… bót.
Khi nghe đài và báo đưa tin, cư dân trong vùng sửng sốt. Ai cũng nói vùng này xưa nay ít thấy ai làm cái nghề “cổ truyền” này. Được biết cô Brittany vốn từ tiểu bang New Hampshire đến, chứ không phải dân gốc ở đây. Nhiều phụ huynh lo lắng vì có con em hay đến thư viện đọc và mượn sách. Dầu sao người lo lắng nhất có lẽ là mấy ông chồng. Từ nay, muốn xin vợ đi đâu (một mình) cũng khó. Hồi trước tới giờ, cứ nói đi thư viện là xong. Đi có lâu cũng không sao; đọc sách mà! Bây giờ thậm chí xin đi thư viện mượn vài cuốn sách ôm về nhà đọc chưa chắc đã được. Mặc dù không có thống kê rõ ràng nhưng chắc chắn số đàn ông một mình đến thư viện này lâu nay phải khá đông. Nếu ít ỏi thì Brittany đã không có mặt thường xuyên ở đây đến nỗi cảnh sát vừa vào cửa đã gặp cô rồi.

Không biết sau khi ra tù, Brittany có tiếp tục làm ăn kiểu như vậy nữa không. Tuy nhiên, sự sáng tạo của cô có thể giúp người khác, ở Việt Nam, nghĩ ra một dịch vụ mới: đọc sách ôm! Thực ra thì không phải hoàn toàn mới; lâu nay ở Việt Nam có nhiều thứ “ôm” rồi. Uống bia, cà phê, hớt tóc, hát karaoke… đều có “ôm” cả. Bây giờ có thêm đọc sách ôm giúp loại dịch vụ này càng thêm phong phú với giá cả phải chăng. Sách mỏng thì vài triệu (tiền bác Hồ). Sách dày thì vài chục triệu. Cỡ Hồ Chí Minh Toàn Tập chắc phải trăm triệu. Vừa nằm đọc chữ nghĩa “bác hiền”, vừa được ôm (nhiều chỗ), vừa suy ngẫm chỗ này chỗ kia về “tư tưởng Hồ Chí Minh” thì… chẳng cũng khoái lắm ru?
Không cần phải làm bảng hiệu to lớn hoặc quảng cáo rình rang. Cứ treo bảng “Cho thuê sách đọc tại chỗ” rồi biểu mấy em ôm các bộ sách của Mác, của Lê-nin, của Hồ Chí Minh… ra đứng trước cửa thì “người đi đường” hiểu ý ngay. Nếu khách hàng nào không đủ tiền thuê đọc trọn bộ hoặc từng tập, thì mời vào sau cửa đọc lẹ tờ “công hàm Phạm Văn Đồng” cũng được.