Menu Close

Ông lái đò & con sáo – Kỳ 1

Vào những ngày Tháng Hai, gió mùa lại về trên dòng sông Cửu Long làm những lượn sóng vỗ ào ào như một điệp khúc của một bản nhạc sóng trào. Ngọn sóng này bò lên mình ngọn sóng khác như trẻ con chạy giỡn trên cánh đồng còn gốc rạ sau mùa cắt gặt. Tiếng sóng đập vào mũi xuồng, mũi ghe ầm ầm làm tung tóe những bọt nước trắng xóa… Những lần có dịp bơi xuồng qua con sông Cái tại vàm Cái Sao hay ngang bắc Vàm Cống là người người qua sông không sao tránh khỏi những ngọn sóng bạc đầu làm chòng chành chiếc xuồng muốn nhào lăn, nhào lộn… Và rồi, con sông chảy ngang qua làng Tân Bình, nơi cái doi ông Tú Thường chèo đò cư ngụ với cái chòi nhỏ có từ lâu lắm rồi, cũng bị những ngọn gió từ ngoài sông Cái mang theo những ngọn sóng bỏ vòi

alt

Cái bến đò chợ Cũ, có lẽ có từ lâu lắm rồi, từ những ngày người ta bắt đầu lập nơi vùng ngã ba nước chảy này một cái chợ làng. Nhưng, theo ông bà xưa kể lại, cái bãi đá xanh được xây bằng phẳng từ trên mé lộ đá chạy tới mé nước có từ thời người Pháp mở con đường lộ đá để các ông chánh tổng, ông huyện, ông phủ người Pháp đi bằng xe hơi qua vùng này về bên kia sông Tiền. Nay thì con đường lộ đá này đã bị bỏ từ lâu rồi, không còn chiếc xe hơi nào qua lại nữa. Con đường gồ ghề như một vết tích văn minh thời Tây đến miền quê Tân Bình nay trở thành con đường làng như mọi con đường làng trong vùng sông nước Cửu Long. Hai bên đường là nhà cửa của cư dân thưa thớt với những vườn chuối, vườn xoài, nhưng nhiều nhất có lẽ là những vườn trầu lá non vàng rực chạy xa dần đến miệt Cái Tàu Thượng, Tùng Sơn, Mỹ Luông, Chợ Thủ, Chợ Mới…

Ngày lại ngày, bến đò chợ Cũ này người người qua lại dập dìu, nườm nượp, mà đông nhất, có lẽ là đám học trò trong làng. Những đứa học trò nhà quê này lúc nào cũng bước xuống chiếc ghe tam bản hai chèo của ông Tú Thường như ma rượt. Chúng cứ đùa giỡn, chạy rầm rập, nhiều lúc làm chiếc đò chòng chành, nghiêng qua nghiêng lại như lên đồng, lên cốt không bằng. Vậy mà ông Tú có la rầy gì đâu. Ông cứ mải miết ghì tay chèo và vui vẻ với mấy đứa học trò như con cháu của mình.

alt

Ông lái đò trên bến sông này được người qua lại gọi ông là ông Tú Thường với vẻ vừa kính trọng, vừa coi thường ông. Họ kính trọng vì ông là người có học. Quê hương ông Tú, được ông bà xưa kể lại ở đâu dưới miệt Cần Thơ, Ô Môn, rồi mới lưu lạc về đây từ lâu lắm. Nghe đâu thời Tây ông theo học tới bậc tú tài, nhưng sau đó bị Tây chích cho một mũi thuốc gì đó, nên làm cánh tay trái của ông Tú bị run run như ăn nhiều giò gà hồi còn nhỏ.

Thế mà, ít khi nào người ta nghe ông nhắc về những ngày quá khứ xa xưa ấy. Đặc biệt, trong những câu chuyện đời qua lại với người khách chờ đò qua sông hay những cư dân nơi bến đò, ông Tú không bao giờ chêm vào bất cứ một câu tiếng Tây nào trong lời nói của mình. Ông Tú khác với nhiều người cùng thế hệ với ông thời đi lính tập cho Tây, hoặc nhiều người một thời làm thông ngôn, mỗi câu, chốc chốc lại xen vào những tiếng Tây lẻ loi mà nghe sao nó ngờ ngợ. Có lần ông Tú tâm sự: “Cũng vì ba cái chữ Tây mắc dịch này mà cánh tay tui muốn xụi lơ, nên tui ớn nó quá là ớn.” Kể ra thì ông Tú cũng còn may mắn hơn nhiều người đồng thời với ông mà học giỏi rồi cũng bị Tây dùng cách ám hại như ông. Nhớ hồi trước, khoảng thập niên năm mươi, có ông Kiên ở miệt Cần Thơ cũng bị Tây chích thuốc làm hai tay bị liệt, miệng méo xệch. Ông Kiên thường mang trước ngực tấm bảng có đeo một văn thư của chánh quyền tận trên Sài Gòn, được bọc nhựa như lời kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người cứu giúp những nạn nhân bị Tây ám hại như vậy. Và ông Kiên thường vào các trường học để nhờ giáo sư, học trò giúp chút đỉnh tiền. Lần nào cũng vậy, đám học trò nhỏ đều nhịn ăn quà vặt bỏ vào cái nón rơm trên tay run run của ông Kiên với lòng thương cảm của tuổi nhỏ đối với một người tài giỏi nhưng chẳng may lại bị ám hại.

Nhiều người, trái lại, xem cái bề ngoài quan trọng, lại coi thường ông Tú vì ông vừa nghèo, vừa lừng khừng với áo quần rách vá lung tung. Hôm nào vui thì ông Tú chèo đò. Những chuyến đò qua sông vào lúc nước chảy xiết, nặng trịch tay chèo mà đò vẫn cứ trôi xa một đỗi. Loại ghe tam bản này nó chỉ có bánh lái nước khuất ngầm phía dưới, nên ông Tú phải vừa chèo vừa lái cho chiếc ghe theo hướng vào bờ bên kia sông. Nhưng nhiều lúc nước chảy mạnh cùng với gió chướng thổi giạt ngang nên ông Tú cực ơi là cực với con đò bé nhỏ đầy người qua sông vào những lần như vậy. Mỗi ngày, ông Tú mang theo một mo cơm với vài ba con cá lóc muối sả ớt chiên mỡ nguội ngắt. Và những bữa ăn thanh đạm như vậy đối với ông như một thức cao lương vừa miệng quanh năm. Ông Tú ít khi buồn phiền hay quan tâm về những việc ăn uống hằng ngày. Hôm nào bận bịu việc gì, ông chỉ cần bước vài bước lên cái chợ bên cạnh bến đò mua một gói xôi bánh phồng với màu lá cẩm tươi rói, rắc thêm vài muỗng đường cát mỡ gà ngà ngà vàng, trộn chút muối mè, vài lát dừa cứng cạy béo ngậy mới được bà bán xôi nạo bằng cái bàn nạo còn tươm chất béo của dừa.

alt

Vườn sao anh Chín (Rạch Dược, làng Tân Bình) (Hình do Lê Thạnh chụp)

Đời sống nơi bến đò của ông Tú theo với từng con nước lớn, nước ròng, mùa nắng, mùa mưa cũng chừng ấy những ngày âm thầm trôi trên bến sông xưa. Người người qua lại tại bến sông này trên chiếc ghe tam bản hằng ngày, người ta cũng quen nhìn ông Tú chèo đò như quen những chuyến đò ngang bình thản theo dòng nước xuôi, nước ngược. Người ta không nghe ông Tú than mệt nhọc, nhưng dường như tuổi đời làm ông Tú uể oải đi nhiều. Nhiều lúc ông cũng muốn nghỉ luôn cái nghề dang nắng dầm mưa quanh năm này. Nhất là cái bến sông này, con đò nhỏ với đôi chèo mòn lẵn, với đám học trò nhà quê nghịch phá, với những chuyến đò sớm mai hay chạng vạng tối, tất cả như những cái gì thân thiết lắm đối với ông Tú. Hễ vắng đi một ngày, là ông thấy buồn quay quắt một ngày. Ngồi trong cái chòi che nắng mưa nơi vàm Tân Bình, ông Tú thấy như đời mình cô độc, lẻ loi.

Ông chỉ còn biết làm bạn với con sáo có bộ lông màu tím sậm đen, cái mỏ màu vàng mà ông đã nuôi nó từ hồi mới vừa đủ lông cánh. Mỗi ngày ông Tú cho nó ăn vài trái ớt hiểm, mấy con cào cào, một chút cơm nguội hay trái chuối lá xiêm chín muồi. Khi con sáo vừa lớn với lông cánh đầy đặn, mỗi tháng ông Tú lột lưỡi cho con sáo một lần. Ông dùng cái móng tay út gỡ nhẹ cái màng mỏng nơi cái lưỡi già. Dường như con sáo bị đau rát nơi cái lưỡi nên nó rùng mình mấy cái khi ông Tú thả nó lại trong cái lồng bằng nan tre gai già bóng lưỡng để gần cái khạp nước nơi bụi tre xiêm. Ngày lại ngày, ông Tú nhớ những lần lột lưỡi đúng hạn kỳ và ông dạy con sáo nói được tiếng người. Lúc đầu tiếng nói còn ồ ề, không rõ ràng. Sau dần dần, con sáo nói rất nhanh dù chỉ nói có vài tiếng mà ông Tú đã dạy cho nó. Nếu gặp người lạ đi gần cái chòi, chưa kịp hỏi han gì, con sáo của ông Tú vội nhảy chờn vờn nói to lên “đò…, đò…”, “đò…, đò…”. Như vậy có nghĩa là Ông Tú đang chèo đò. Còn hôm nào, như mấy lúc sau này, ông Tú đi lượm trái sao, trái dầu, con sáo lại nói với người lạ đến gần nó “sao…, dầu…”, “sao…, dầu…”  Từ ngày con sáo biết nói, ông Tú cưng nó lắm. Ông có thể nhịn ăn, nhưng những món ăn hằng ngày của con sáo, lúc nào ông Tú cũng lo cho nó thật đầy đủ. Kể cả nước cho con sáo tắm được chứa trong cái miểng lu bể, mỗi ngày ông cũng thay nước mới trong vắt.  Bù lại mỗi lần ông Tú đi đâu về là con sáo mừng liến thoắng, bay nhảy trong cái lồng tre rầm rập. Ông Tú thấy con sáo mừng ông về, nên ông cũng vui vui trong bụng, rồi ghé ngang nhắc nhở nó những điều ông dạy: “đò…, đò…”, “đò…, đò…”, “sao…, dầu…, sao…, dầu..” và con sáo bắt đầu lặp lại “y chang” như vậy. Ông Tú lấy trong túi vài trái ớt hiểm đưa vào cái mỏ vàng vàng của nó. Con sáo nuốt những trái ớt hiểm thật ngon lành, hí hửng.

Có một hôm, ông Tú bị bịnh cảm gió nặng lắm, tưởng đâu người ta không còn kịp cạo gió, chở ông vào nhà thương cấp cứu, có lẽ ông đã chết vào kỳ trúng gió độc ấy rồi. Và rồi, sau đó ông bình phục lại và trở lại với chiếc đò chèo ngày nào.

(còn tiếp)