Menu Close

Nghệ thuật vận động hành lang


Trong hơn 1 tháng qua, bản Thỉnh Nguyện Thư đòi hỏi nhân quyền cho quê hương Việt Nam — được Nhạc Sĩ Trúc Hồ mở tại trang “We the People” của Toà Bạch Ốc và tổ chức Cứu Trợ Người Vượt Biển BPSOS của Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng góp sức liên kết hậu thuẫn, là một sự kiện chánh trị đặc biệt, có thể nói khó quên. Sự hưởng ứng đông đảo của đồng hương, đặc biệt giới trẻ, giúp bản TNT đến nay thu được gần 150 ngàn chữ ký. Hào khí mạnh mẽ này cho thấy sức nặng chánh trị khó bỏ qua của người Mỹ gốc Việt tị nạn. Nhìn lại, bản TNT có thể chỉ là một bước nữa trong cuộc tranh đấu trường kỳ cho nền tự do, dân chủ tại cố hương. Nó có thể là một kinh nghiệm tốt, một cơ hội vàng cho cộng đồng, nhất là với giới trẻ, nhằm chuẩn bị cho các bước kế tiếp — những cuộc vận động hành lang quy mô, với ảnh hưởng lớn hơn, quyết định hơn lên chánh quyền và nghị trường nước Mỹ.

alt


Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, dân biểu Ed Royce và đồng hương tại toà nhà Quốc Hội Hoa Kỳ

Thanh Dũng

Thuật ngữ vận động hành lang đến từ nguyên bản tiếng Anh “Lobbying”. Người vận động hành lang gọi là “Lobbyist”. Vận động hành lang có từ truyền thống sinh hoạt chánh trị Anh Quốc thời thế kỷ 19. “Lobby” là khoảnh tiền sảnh toà nhà Quốc Hội, nơi người ta thường tìm cách tiếp cận các dân biểu để đề đạt một vấn đề nào đó.

alt


Quang cảnh vận động bên hành lang Hạ Viện Anh Quốc thế kỷ 19. Tranh Liborio Prosperi

Ngày nay, trên nghị trường Hoa Kỳ, vận động hành lang (VĐHL) lan toả khắp các lĩnh vực kinh tế, tài chánh, y tế, giáo dục, quân sự, sản xuất, v.v… VĐHL quan trọng nhất và cũng hiệu quả nhất trong giai đoạn định hình chánh sách.

Trên nghĩa rộng nhất, VĐHL chỉ các cuộc tranh thủ, lôi kéo… mưu tìm sự yểm trợ, hậu thuẫn cho một chuyện gì. Bất cứ ai tìm cách gây ảnh hưởng tới các quyết sách chánh trị đều có thể coi là “lobbyist”-một người vận động hành lang. Hiểu theo nghĩa rộng này, 150 ngàn người Mỹ gốc Việt thầm lặng ký tên vào Thỉnh Nguyện Thư gởi Toà Bạch Ốc đã làm công việc… vận động hành lang cho đại cuộc dân chủ hoá Việt Nam. Đây cũng có thể là hình thức vận động hành lang gián tiếp, khi mà công dân dùng nhiều phương pháp, kể cả quảng cáo, để tạo ảnh hưởng, thậm chí áp lực, lên giới thẩm quyền. Theo hướng  nhìn này, báo chí truyền thông cũng có thể được kể là một trong những… kép chánh trên sân khấu VĐHL.

Ở Mỹ, vận động hành lang diễn ra ở mọi cấp độ chánh quyền, từ liên bang, tiểu bang, quận hạt, và ngay cả chánh quyền địa phương. Có phương pháp vận động hành lang trực tiếp gây ảnh hưởng đến guồng máy công quyền, bằng cách tiếp cận thẳng các nhà làm luật, giới hành luật, cũng như các cộng sự của họ.

Những người VĐHL, gọi là các “Lobbyist”, hành nghề này một cách chuyên nghiệp, được trả lương.  Theo thống kê không chánh thức, có hơn 20,000 nhóm quyền lợi đặc biệt “special interest” và khoảng 50,000 người hành nghề VĐHL ở Mỹ. Riêng tại California, có cỡ 1,000 nhà VĐHL mà tên tuổi và ảnh hưởng lớn đến nỗi được nhiều người gọi là “Third House” (nghĩa là “Viện Thứ Ba”, hàm ý song hành với Thượng Viện và Hạ Viện tiểu bang). Tại thủ đô Washington DC, năm 2011, có khoảng 12,000 nhà “Lobbyist” ghi danh chánh thức hành nghề VĐHL các cơ quan chánh phủ liên bang.

Để làm nghề này, điều kiện tiên quyết là phải thông hiểu chánh trường, am tường việc thế sự. Giới VĐHL có thể làm việc toàn thời gian hoặc theo từng dự án với các nhóm “special interests”. Mục đích nhắm đến các nhà lập pháp HK ở Điện Capitol, và vận động cho một chuyện gì đó. VĐHL có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức: văn phòng đại diện báo chí, đại diện thương mại, văn phòng luật… Hoạt động VĐHL cũng thường nửa kín nửa mở, với nhiều hoạt động hậu trường.

Người làm nghề VĐHL thành công thường phải kiên nhẫn tạo ra mối quen biết và liên hệ với nhiều yếu nhân, qua nhiều năm. Họ phải đạt  niềm tín cẩn, kể cả tạo tình bạn với các giới chức họ muốn tranh thủ, vận động. “Lobbyist” là những người rất khéo trong khoa ăn nói, giỏi lấy lòng, và thường thuyết phục người khác một cách hiệu quả. Có không ít nhân vật VĐHL mà người ta nhẵn mặt ở Điện Capitol, vì đã… lang thang ở đó hằng thập kỷ.

Khả năng tiếp cận yếu nhân là điều quan trọng sống mái với nghề này. Có khi họ phải… chạy lúp xúp bên một chánh trị gia nào đó, theo nghĩa đen, trong khi người này đang di chuyển, tranh thủ vài giây phút ngắn ngủi rồi đề bạt một vấn đề. Để tiếp cận yếu nhân, “lobbyist” còn dùng thủ pháp tiếp cận các phụ tá của họ (aids/assistants v.v…) Để chèo kéo các phụ tá, có những nhà VĐHL thậm chí hứa hẹn công việc làm hậu hĩnh sau này.

Một phương pháp luôn hiệu quả để tiếp cận các chánh trị gia là tổ chức… gây quỹ “fundraising” cho họ, kể cả trở thành những mạnh thường quân chánh “big donors”. Đây là mối quan hệ hỗ tương: giới VĐHL phải tạo ảnh hưởng lên một dự luật hoặc quyết định nào đó, còn nhà lập pháp thì muốn tái đắc cử và cần tiền để tranh cử. Không ít nhà VĐHL trên thực tế trở thành người nắm giữ hầu bao của các cuộc vận động tranh cử chánh trị. Gây quỹ vận động là công việc khó nhọc và tốn thời gian. Một nhiệm kỳ dân biểu Hoa Kỳ chỉ có 2 năm, mà người ta ước lượng có không dưới 8 tháng họ đã phải dành để đi… quyên góp quỹ tái tranh cử.

Nói chung, giới VĐHL thường nhắm đến những yếu nhân có quyền sanh sát: ở Quốc Hội, bên hành pháp nơi những bộ quan trọng như Ngân Khố, Quốc Phòng, chánh quyền tiểu bang, văn phòng các thống đốc… Đơn cử thí dụ: Bộ Ngoại Giao mỗi năm viện trợ hằng triệu Mỹ kim cho các quốc gia đồng minh. Dĩ nhiên họ cũng đối diện nhiều VĐHL khác nhau, vận động đưa tiền đến, hoặc chận nguồn viện trợ, cho một quốc gia hoặc tổ chức nào đó.
Người Việt có câu nói “Có tiền mua tiên cũng được”. Và điều này ứng dụng thật đúng cho nghề VĐHL. Thông qua họ, các nhóm “special interests” thường tiêu xài số tiền lớn để lôi kéo các chánh khách thông qua luật, sửa luật, hoặc đình chỉ thi hành một đạo luật như ý muốn.

Năm 2011 vừa rồi, có ước lượng kỹ nghệ  VĐHL tốn cả thẩy $30 tỉ. Trong số các ngành, kỹ nghệ tài chánh/bảo hiểm/địa ốc và kỹ nghệ y tế bỏ tiền VĐHL nhiều nhất: $4.3 tỉ. Giới chủ thương mại bỏ ra $4.2 tỉ. Kỹ nghệ điện tử/kỹ thuật cao/truyền thông $3.5 tỉ. Kỹ nghệ năng lượng $3.1 tỉ. Kỹ nghệ giao thông $2.3 tỉ.

Yếu tố tài chánh còn biểu hiện qua sự thu hút tài năng. Từ sau 1998, trên 40% cựu dân biểu, sau khi rời nhiệm sở, liền ghi danh trở thành nhà VĐHL. Một dân biểu dù thâm niên không cao, chỉ đôi ba nhiệm kỳ, cũng dễ dàng trở thành nhà VĐHL với thu nhập béo bở mỗi năm $1 triệu hoặc hơn. Có 2 nhà lập pháp nổi tiếng, cựu dân biểu HK, nay làm VĐHL, là ông Dick Gephardt, cựu thủ lãnh khối Dân Chủ, và ông Bob Livingston, cựu thủ lãnh khối Cộng Hoà.

alt


Ông Bob Livingston từng là cựu dân biểu liên bang, thủ lãnh đảng Cộng Hoà. Ông leo lên đến chức Chủ Tịch Quốc Hội, nhưng dính bê bối tình ái, đành vội vã… từ quan. Sau đó, Livingston thành lập công ty vận động hành lang gọi là “Livingston Group”. Ông từng là người yểm trợ cho cựu Dân Biểu gốc Việt đầu tiên Cao Quang Ánh.

Theo chân các xếp của họ, giới phụ tá cũng trở thành VĐHL, lên đến con số hằng ngàn. Với không ít người, job làm phụ tá cho các nhà lập pháp đôi khi chỉ là đầu cầu, để lấy kinh nghiệm, rồi đổi sang nghề VĐHL sau này. Từ thời 1980 về trước, người ta còn thấy giới phụ tá nhà nghề, tận lực trung thành với các nhà lập pháp hằng chục năm trời. Nhưng sau này, với sự cạnh tranh tài chánh, ngày càng nhiều phụ tá mau mau rời công việc để trở thành VĐHL nếu bắt gặp cơ hội lương bổng hậu hĩ. Ở Washington DC có khu phố mang tên K Street lừng danh, được xem như một loại thủ phủ của kỹ nghệ VĐHL ở Mỹ, nơi đặt trụ sở của nhiều nhóm “special interests” chánh yếu, và là nơi… la cà của những tay VĐHL này.

Có thể thấy, VĐHL là nhu cầu thực tế, không thể thiếu được cho nhiều ngành kỹ nghệ, thậm chí can hệ đến chuyện sống còn. Mới năm ngoái, hãng AT&T vụng về trong nỗ lực VĐHL, nên thất bại trong nỗ lực mua trọn T-Mobile. Cũng năm ngoái, tổng cộng Google tiêu tốn $5,2 triệu cổ súy cho tự do internet, chống các dự luật kiểm duyệt SOPA/PIPA. Hãng Amazon.com từng mở hầu bao gần nửa triệu để VĐHL chống lại các khoản thuế mua sắm online.

VĐHL cũng là chiến lược chánh của  giới tài chánh ở Wall Street. Họ tiêu tiền hằng trăm triệu Mỹ kim mỗi năm để gây ảnh hưởng lên các quy định, luật lệ, liên quan đến việc vay mượn, giao dịch tài chánh, phí dùng thẻ credit card/ debit card, v.v… Các nhà băng lớn đều là những tay chơi VĐHL thượng thặng. Nhà băng JPMorgan Chase có riêng một nhóm nhân viên VĐHL riêng, ngân sách năm 2010 cho nhóm này là $3.3 triệu. Hiệp Hội Nhà Băng “American Bankers Association” tiêu  $4.6 triệu chi phí VĐHL…

Với những nhà thầu “contractor”, mà lợi nhuận chánh đến từ việc bán sản phẩm cho chánh phủ liên bang, thì VĐHL là không thể thiếu. Thí dụ như hãng phi cơ Lockheed Martin. Nửa đầu thập niên 2000, LM thắng cuộc thầu $40 tỉ cho các hợp đồng với liên bang. Họ tốn chỉ $16 triệu tiền VĐHL. Tính ra, cho mỗi đồng đầu tư VĐHL, họ nhận lại hơn $2,500 giá trị hợp đồng.

Ngày nay, vận động hành lang đã vượt ra biên giới quốc gia. Đặc biệt đối với trường hợp Hoa Kỳ, cường quốc hàng đầu thế giới, với vô số mối ràng buộc trong bang giao quốc tế. Nhiều công ty ngoại quốc buộc phải  VĐHL để được làm ăn thuận lợi với người Mỹ. Thế là số người VĐHL cho hãng xưởng ngoại quốc tăng lên từng năm. Đài Loan luôn là một thế lực VĐHL lớn, để tranh thủ hậu thuẫn trên chánh trường Mỹ Quốc trong nỗ lực đương đầu với Trung cộng. Những nước VĐHL mạnh nhất gồm có Do Thái “Israel”, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ “Turkey”. Gần đây là Trung cộng, xứ cắt đặt những nhóm đặc nhiệm chuyên trách liên lạc Quốc Hội Hoa Kỳ, có thể gồm hằng chục thành viên.

Đôi khi, VĐHL không tránh khỏi hình ảnh xấu, thậm chí vướng vào các từ cấm kỵ như “hối lộ” nhà chức trách, “mua bán” phiếu bầu… Trên báo chí, VĐHL không ít lần bị bêu rếu, chỉ trích, nhận không ít hiểu lầm. Nói chung giới VĐHL đạt hơi… ít sự tin tưởng của công luận. Các hoạt động mang tính cách cá nhân, các cuộc tụ họp bí mật, khiến nhiều  người “ngoại đạo” hồ nghi VĐHL là mờ ám, là mua chuộc… Thêm nữa, người ta quan ngại các nhà lập pháp được dân bầu ra, một cách lý tưởng là để phục vụ quyền lợi đa dạng của dân chúng. Nhưng trên thực tế, trong phần lớn thời gian, họ bị “ma đưa lối quỷ đưa đường”, thế là chỉ ngoan ngoãn đi theo dẫn dụ của các nhóm lợi ích đặc biệt — với những quyền lợi hẹp hòi, nhiều phần vị kỷ.

Nghề VĐHL vì vậy bị khống chế bởi nhiều luật lệ hà khắc, phức tạp, có thể kể bộ quy định về VĐHL (Lobbying Disclosure Code), luật về ghi danh làm việc cho ngoại quốc (Foreign Agents Registration Act), luật về quản lý VĐHL (The Federal Regulation of Lobbying Act), Luật về Công khai hóa công việc vận động (Lobbying Disclosure Act of 1995), v.v…

Thêm vào đó, các nhà VĐHL phải công khai danh sách khách hàng, các cuộc tiếp xúc, những đề tài nào được thảo luận, kể cả số tiền công nhận về. Để tránh lạm dụng dẫn tới tham nhũng, giới lập pháp bị nghiêm cấm nhận quà: vé phi cơ, các kỳ nghỉ mát, dạ tiệc sang trọng…

Một cách lý tưởng thì — như chính Tối Cao Pháp Viện từng thừa nhận và ra phán quyết — VĐHL là đặc quyền của công dân, được quy định trong Hiến Pháp với quyền tự do ngôn luận. VĐHL khi thực thi đúng, có thể mang lại lợi ích lớn cho cả người vận động lẫn kẻ được vận động: mở rộng thông tin, giúp ngành lập pháp ra luật thực tế, hữu ích hơn… và vì vậy ích lợi chung cho xã hội. Các VĐHL để cản trở một luật nào đó cũng có thể là một cách phản biện xã hội, xiển dương tinh thần dân chủ. VĐHL vì vậy là một phần không thể thiếu của chánh trường Mỹ Quốc. Thậm chí ta có thể gọi nghề VĐHL là một nghệ thuật.

TD