Menu Close

Mùa làm gạch – Kỳ 3

Giai đoạn vô lò chỉ có một ông thợ chánh là có quyền và chịu trách nhiệm sắp xếp gạch, từ dưới lên tới nóc lò với những đường dẫn lửa rất thông để khi đốt lò lửa cháy đều và chạy từ dưới nền lò lên tới nóc lò; còn nhơn công chỉ phụ ông mang gạch vào lò để ông chất thôi. Dường như các nghề thủ công của người Việt Nam ít có ai dạy nghề cho người khác, nên dù làm lò gạch Cái Côn gần ba năm chúng tôi chưa biết phải chất gạch vô lò như thế nào. Nhưng có điều, chúng tôi biết làm nghề thợ chánh vô lò gạch họ rất tin tưởng ông thần lò. Lò gạch nào cũng có bàn thờ ông thần lò ngay cửa ra vào và ông thợ chánh lúc nào cũng nhang đèn cúng kiếng ông thần lò rất chu đáo.

Lò gạch với sức chứa 100,000 viên gạch như vậy vô lò cũng mất gần cả tuần mới xong. Xong xuôi đâu đấy ông thợ chánh cho chất củi bên trong cửa lò và van vái ông thần lò trước khi châm mũi lửa đầu tiên đốt lò. Hồi ấy lò gạch Cái Côn chụm bằng củi cây mắm. Các ghe củi mắm chở tới bến lò gạch và chúng tôi vác củi lên chất thành từng cự dài xung quanh lò gạch để khi đốt lò mình vác củi vô lò cũng gần. Mỗi lóng củi mắm như vậy có bề dài chừng tám tấc, bề hoành cỡ ba bốn tấc tùy theo cây mắm lớn hoặc nhỏ. Nhờ vác củi chụm lò gạch tôi mới nhớ hồi đời trước trong truyện ngắn “Rừng Mắm” của nhà văn Bình Nguyên Lộc có đoạn ông nội thằng Cộc trả lời câu hỏi của nó cây mắm là cây gì:

“ – Cây gì mà lạ vậy ông nội? Trổ bông ngay dưới gốc?

– Bông trổ trên đầu những cái rễ ăn lên mà người ta gọi là rễ gió. Cây nầy là cây mắm, đây là rừng mắm đây.

– Cây mắm? Sao tui không nghe nói đến cây này bao giờ?

– Con không nghe, vì cây ấy không dùng được để làm gì cả, cho đến làm củi chụm cũng không được”(*)

Lúc ấy tôi đã nghĩ nhà văn nhiều lúc hư cấu hơi quá xa sự thật. Khi bắt đầu đốt lò, dĩ nhiên lúc đầu chất tạp trong gạch sống còn nhiều nên cột khói trên nóc lò màu đen; đến khi đốt hơn một tuần là khói bắt đầu trắng lần lần và đến hai tuần là khói trắng hoàn toàn. Lúc bấy giờ ông thợ chánh quan sát khói, quan sát lửa, quan sát gạch trong lò với màu lửa đỏ ông biết gạch còn sống hay đã chín và ông ra lịnh bế cửa lò lại nếu gạch đã chín hoàn toàn.

Sau khoảng hai tuần từ khi bế lửa tắt lò là lò gạch đã nguội rồi. Nói lò nguội là nói chung như vậy nhưng khi chuyền gạch ra lò có chỗ gạch vẫn còn hơi nóng, đôi lúc phỏng tay. Hồi đời trước ra lò gạch thường chuyền tay, sau này nhiều lò gạch có thang để chuyền gạch xuống tiện hơn  và ít nguy hiểm hơn chuyền bằng tay.

Có một điểm cũng cần nhắc là gạch dù vô lò cùng một lượt, nổi lửa đốt lò nung gạch cùng một lượt, thời gian nung gạch giống nhau nhưng gạch khi ra lò có ba loại gạch khác nhau. Thứ nhứt là gạch chưn lò. Gạch chưn lò dù ở gần bên đống lửa chụm lò nhưng gạch này xấu nhứt vì lửa rút lên trên nên độ chín của nó chưa chín lắm, gạch có màu tái tái. Thứ hai là gạch giữa lò, còn gọi là gạch lòng tàu. Loại gạch này chín màu đỏ au tốt nhứt trong ba loại gạch và nó cũng chiếm tỉ lệ rất cao trong số gạch vừa nung xong.
Thứ ba là gạch trên nóc lò, còn gọi là gạch ngọn. Vì bao nhiêu lửa nóng trong lò đều theo đường dẫn lửa rút lên tuốt trên ngọn để thoát ra ống khói nên lửa ở ngọn lò là nóng nhứt. Gạch ngọn vì lửa nóng nên chín quá và viên gạch trơn láng thành da lu, nên gạch này cũng thuộc loại gạch các thợ xây nhà ít dùng vì da láng khi xây với hồ bằng xi măng hồ ít dính.

Có một điểm nữa khi nhắc về mùa làm gạch ngói, như một định lệ có sẵn là các thợ lò chuyên môn xây lò vô gạch dù tiền ăn công rất cao nhưng sao ông thợ nào cũng hổng được khá cho lắm nếu không muốn nói là rất nghèo. Còn nhơn công làm cho lò gạch trong việc in gạch ngói bằng tay cũng vậy; dường như người nào cũng nghèo, có khi chạy ăn từng bữa, ít khi nào có dư. Thêm nữa những cư dân ở gần lò gạch không biết sao họ cũng nghèo theo. Ngoài lò gạch Cái Côn mà tôi từng làm ở đó, nhơn công người nào cũng nghèo, mà dân tình chung quanh lò gạch ở đó cũng nghèo. Nếu bạn có dịp đi ngang qua các lò gạch vùng Xép Bà Lý, Cần Xây, Rạch Gòi Lớn, Rạch Gòi Bé (Long Xuyên), Vĩnh Thạnh (Lấp Vò), Nha Mân, Cái Tàu Hạ (Sa Đéc) bạn sẽ thấy dân tình xung quanh các lò gạch các vùng ấy dường như cũng nghèo lắm.

Nhắc lại mùa làm gạch mấy năm cách nay hơn ba chục năm làm tôi cũng nhớ lại những ngày gian truân một thời. Tôi cũng nhớ những ngày chẻ tre đan lờ đặt tôm ngay dưới bến sông nơi lò gạch tọa lạc. Tôm hồi mấy chục năm trước nhiều lắm. Chiều nào tôi cũng cùng vài anh em đem lờ tôm với miếng mồi dừa trắng phau xuống ngay mé sông móc vùng cạnh các gốc bần đặt lờ. Chỉ đơn giản vậy mà sau một đêm thức dậy lo làm đất in gạch để rồi tới trưa khi nghỉ ăn cơm là chạy ùn xuống sông dỡ lờ. Vậy mà rồi lờ nào cũng có vài ba con tôm càng lửa phơi mình trong lờ đỏ rực, thấy bắt ham. Hồi ấy, chúng tôi cũng lội cặp mé sông dùng rổ xúc cá bống trứng theo mấy về lục bình, cỏ xước, rau muống tấp nơi các gốc bần, cá bống nhiều lắm.

Nhắc lại những năm tháng làm lò gạch cũng để nhớ những anh em sống bên nhau một thời, những người đã giúp đỡ và thương yêu tôi rất nhiều qua những công việc quá nặng nhọc mà nhiều lúc tôi không kham nổi. Những bạn như Sáu Nhỏ, anh Sáu Bá, anh Trực, anh Đính, anh Tư, anh Năm và nhiều nữa những tấm lòng yêu thương giữa những ngày cơ cực ấy tôi vẫn nhớ hoài mỗi lần có dịp ngồi ôn lại một đoạn đời! Nhớ hồi ấy có lần tôi đau thập tử nhứt sanh, đứng không vững, đi phải lần vách tưởng rằng mình sẽ bỏ xác nơi lò gạch Cái Côn ấy vào những năm 1981-1982, nhưng may sao, sau năm sáu tháng đau đi không nổi ấy rồi lại mạnh lại.

Xin cảm ơn các anh, các bạn, những người năm cũ ngày nào! Nay các anh và các bạn đang ở đâu?

alt

Bên trong lò gạch với chiếc cầu tuột vùng Lấp Vò  – HÌNH TRẦN NHIẾP

LTT – Houston, ngày 14-03-2014

Trích trong “MỘT CHÚT TÌNH QUÊ” tức “MÙA MÀNG NGÀY CŨ 2” sắp ấn hành
(*) Trích truyện ngắn Rừng Mắm trong tập truyện Ký Thác của Bình Nguyên Lộc, nhà Văn Nghệ xuất bản, California, Hoa Kỳ, năm 1986, trang 22.