Menu Close

World Cup – Trận quyết đấu giữa Adidas và Nike

Nếu Adidas là nhà bảo trợ chính thức cho World Cup 2014 thì Nike bảo trợ cho đội chủ nhà Brazil, một ứng viên sáng giá cho ngôi vị vô địch năm nay. Nếu Adidas có chân sút thần sầu Lionel Messi của Argentina thì Nike “mua” được cầu thủ vàng Ronaldo của Bồ Đào Nha. Nếu Adidas thiết kế trang phục và bảo trợ cho 9 đội tuyển quốc gia đang thi đấu tại vòng chung kết đang diễn ra thì Nike nắm đến 10 đội. Cuộc chiến “tám lạng nửa cân” giữa hai tập đoàn áo quần, giày dép và dụng cụ thể thao lớn nhất thế giới xem ra gay cấn trong từng “đường banh” để nhắm đến chiếc cúp trị giá hàng tỉ đô la trong kỹ nghệ trang vật dụng thể thao khắp thế giới. Ai sẽ đăng quang chức vô địch?

 

alt

 

Hồi năm trước, khi Ronaldo lần thứ nhì dành được giải Quả Banh Vàng Ballon d’Or của Liên Đoàn Bóng Đá Thế Giới FIFA để một lần nữa được bình chọn là trở thành cầu thủ hay nhất thế giới, Nike đã mời khoảng hơn 250 ký giả khắp thế giới đến Madrid để trình làng… đôi giày mới được thiết kế riêng cho Ronaldo, con gà chiến của mình. Với chiến thuật “biển tiền” nhà giàu, Nike – tập đoàn vật dụng thể thao của Mỹ và lớn nhất thế giới đã không ngần ngại chi ra những chi phí khổng lồ để “mua” những cầu thủ và các đội banh đắt giá trên thế giới trong cuộc đối đầu cùng Adidas – tập đoàn vật dụng thể thao của Đức, kẻ xếp hạng ngay sau Nike trong thị trường vật dụng thể thao thế giới nói chung, nhưng lại đang giữ ngôi quán quân riêng trong lãnh vực bóng đá – môn thể thao vua với hàng tỉ người hâm mộ. Một trận quyết đấu kéo dài đã 20 năm và lại quyết liệt hơn trong mỗi dịp World Cup. Liệu với các chiến thuật hiện nay, bao lâu nữa Nike sẽ bắt kịp Adidas?

 

alt

Nike và đôi giày mới được thiết kế riêng cho Ronaldo – nguồn football-cover.com

Với riêng thị trường cung cấp vật dụng thể thao cho bóng đá mà theo số liệu FIFA thì có khoảng 300 triệu người chơi và khoảng một tỉ khán giả, Adidas được xem là một biểu tượng và gã khổng lồ “bất khả chiến bại” từ nhiều thập niên qua. Cha đẻ của Adidas là Adi Dassler là người đã thiết kế và trình làng đôi giày bóng đá đầu tiên vào năm 1925 để từ đó, giày Adidas trở thành một hình ảnh quen thuộc cho những người chơi môn thể thao này. Từ năm 1970, Adidas là tập đoàn thiết kế và cung cấp chính thức những quả banh cho các trận tranh tài World Cup đến nay, cũng như nhà bảo trợ chính thức được xuất hiện trên các bảng điện tại các vận động trường. Khế ước để Adidas trở thành nhà bảo trợ chính thức tại World Cup với FIFA kéo dài đến năm 2030, tức vẫn còn đến bốn giải World Cup khác thì các tập đoàn vật dụng thể thao khác hay Nike mới có cơ hội “chen chân” làm nhà bảo trợ chính thức cho World Cup. Bước vào mùa chung kết World Cup 2014 lần này, số thu của Adidas đã tăng vọt, chỉ riêng trái banh “brazuca” có giá thị trường khoảng 140 đô được báo cáo là đã tiêu thụ cao hơn mùa World Cup lần trước đến 30%. Nhưng điều này dường như không cản trở những cuộc tấn công dũng mãnh của Nike qua những cú “chuyền banh” đường vòng khác, như việc bảo trợ các đấu thủ và đội banh nổi tiếng nói trên cùng những cuộc quảng cáo rầm rộ khắp thế giới trong mùa World Cup.

 

alt

Adi Dassler, cha đẻ của Adidas – nguồn wax-wane.com

 

alt

Quảng cáo bộ sưu tập giày Adidas tại World Cup 2014

Sinh sau đẻ muộn so với Adidas khi hãng tiền thân của Nike được sáng lập năm 1964 và thương hiệu Nike không xuất hiện cho đến năm 1971, Nike – tập đoàn có tổng hành dinh tại Oregon hiện đang dẫn đầu thế giới trong kỹ nghệ vật dụng thể thao với tổng thương vụ hàng năm vào khoảng 25 tỉ đô – chiếm 17 % tổng thị trường thế giới, so với chỉ 20 tỉ đô la và 12 % thị trường của Adidas. Nếu thế mạnh và tổng thu cao của Nike từng đặt vào môn bóng rổ,  Nike đã không nhảy vào thị trường bóng đá cho đến năm 1994, khi World Cup được tổ chức tại Mỹ. Dù vậy Nike vẫn nhanh chóng trở thành một đối thủ đáng ngại của “đàn anh” Adidas lâu năm.  Các báo cáo tài chính của Nike cho thấy tổng thu 2013 trong bóng đá của Nike vào khoảng 2 tỉ đô la so với con số ước tính 2.7 tỉ đô la của Adidas, là một sự thành công về thương vụ đáng kể khi nhảy vào thị trường này chỉ trong vòng 20 năm qua.  Điều đáng lo ngại hơn cho Adidas là Nike đang phát triển mạnh ngay tại Châu Âu – sân nhà của Adidas vốn đã chiếm thế thượng phong nhiều năm tại các giải vô địch Châu Âu trong khi tổng thu của Adidas tại Hoa Kỳ và khu vực Bắc Mỹ lại đang trên đà sút giảm. Nike có một chiến thuật quảng bá thương hiệu độc đáo và hiệu quả, cũng như khai thác các sự kiện “tiếp thị” rùm beng như vụ giới thiệu “đôi giày mới” của Ronaldo nói trên. Nike kéo Adidas và các đối thủ của mình phải chạy theo phương pháp thi đấu khá xưa cũ và rất tốn kém khi nhắm mua càng nhiều đội tuyển quốc gia mạnh và cầu thủ hàng đầu thế giới. Đó là cách mà Nike từng có Michael Jordan trong bóng rổ, có Carl Lewis trong điền kinh, có Tiger Woods, Rory Mcilroy cho golf, có Roger Federer, Serena Williams trong tennis và mua được các đội Brazil, Anh, Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha… cùng dàn danh thủ như Ronaldo, Neymar, Ronaldinho, Rooney, Torres… hiện nay. Trong số 10 tuyển thủ “ăn khách” nhất thế giới hiện nay, Nike thu tóm được sáu cầu thủ, Adidas chạy hụt hơi được ba cầu thủ và Puma chỉ “kham” nổi chỉ một. Từng nắm được một David Beckham thu hút đông đảo người hâm mộ, Adidas đã phải cấp tốc tìm được Messi sau khi mất Beckham để có được hàng “siêu sao”. Dù không điển trai bằng Beckham cũng như không có một cô vợ cựu thành viên ban nhạc Spice Girls có đông đảo người hâm mộ nhưng một Messi được những tín đồ môn thể thao vua trên khắp thế giới mến mộ, Messi cũng có thể tạo nên một lực đẩy thương mại như từng có với Beckham. Với giải bóng bầu dục nhà nghề như NFL và các giải đại học bầu dục tại Hoa Kỳ thì Adidas “không có cửa” khi Nike độc quyền bảo trợ cho tất cả các đội thi đấu, luôn có logo Nike trên ngực.  Mùa banh này, dù không được là nhà bảo trợ chính thức tại World Cup như Adidas nhưng hơn một nửa cầu thủ thi đấu tại vòng chung kết lần này sẽ ra sân với những đôi giày Nike, trong khi Adidas cùng các tập đoàn nhỏ như Puma (Đức), Mizuno (Nhật), Under Armour (Mỹ)… chia một nửa còn lại, cũng như đây là lần đầu tiên Nike qua mặt được Adidas về số đội tuyển quốc gia bảo trợ. Với sự bảo trợ cho đội tuyển quốc gia Brazil, Nike đã đặt một căn cứ hùng mạnh ngay trên “thánh địa bóng đá” và là một quốc gia Nam Mỹ đang phát triển kinh tế mạnh mẽ, với tổng thu đang vào khoảng một tỉ đô la riêng tại Brazil hiện nay. Nike cũng khai thác tối đa và bỏ xa Adidas khi sử dụng internet cùng các mạng nối kết xã hội như facebook, twitter…, thậm chí ngay khi Adidas dành quyền bảo trợ cho đội tuyển quốc gia Mexico với logo Adidas trên ngực thì các cổ động viên và người dân Mexico vẫn trở thành “fan” của Nike nhiều hơn là thành “fan” của Adidas trên facebook và twitter.

 

alt

Nike và Michael Jordan – nguồn fourwallsonly.com

 

alt

Brazuca, trái banh chính thức tại World Cup 2014

Bốn năm một lần, vài chục đội tuyển quốc gia khắp thế giới lại tụ họp tại World Cup để tranh nhau một giấc mộng vàng. Người hâm mộ lại một phen hào hứng, xuýt xoa với những đường banh, cú sút ngoạn mục trong mỗi trận đấu. Ai sẽ dành được cúp vàng năm nay sẽ có câu trả lời trong đôi tuần tới. Còn một trận đấu ngấm ngầm, kéo dài và chẳng kém phần gay cấn là trận quyết đấu giữa Adidas đang cố gắng bảo vệ chức vô địch bấy lâu của mình trước đấu thủ trẻ trung và nguy hiểm Nike sẽ còn tiếp diễn. Câu hỏi hiện nay vẫn là bao nhiêu lần World Cup nữa thì Nike sẽ trở thành một tân vô địch trong lãnh vực bóng đá, điều mà sớm muộn ắt sẽ xảy ra.  

 

alt

Adidas và các danh thủ đại diện thương hiệu

ĐYT