Hè sắp đến. Học sinh và sinh viên khắp nơi đang mãn chương trình học, và các gia đình đang chuẩn bị đi “vây cấy sần”
Có một máy ảnh mới ra, tôi muốn giới thiệu với các bạn, rất thích hợp với những sinh hoạt này, nhất là khi đi tắm biển – đó là máy Olympus Tough TG-850 iHS. Dưới đây là những điểm đặc sắc của máy này:
1. Tough – “gồ ghề”
Trước tiên, cách cấu tạo của máy TG-850 đã cung cấp cho nó nhiều khả năng vật lý: chống bụi, chống rớt, chống ép, chống va chạm mạnh, chống đông lạnh, và chống nước.
Tuy được đặt tên là “gồ ghề” (tough), nhưng cái máy ảnh loại bỏ túi này tương đối nhỏ nhẹ (nhỏ hơn bàn tay và nhẹ hơn nửa pound) và có cái nhìn bề ngoài khá thanh lịch với nước da màu bạc, hoặc đen huyền.
Bạn khỏi phải sợ máy Tough dễ bị hư, vì nó có sức tồn tại khá mạnh. Theo chi tiết kỹ thuật của hãng sản xuất, máy Tough có thể bị rớt từ chiều cao 7 ft mà vẫn không hư, bị đè dưới sức nặng 220 pounds mà vẫn không hư, bị lạnh tới -10°C mà vẫn còn tiếp tục hoạt động, và kín nước đến độ sâu 33 feet mà vẫn không bị “uống nước”. Bạn có thể xách máy này đi tham dự những sinh hoạt ngoài trời, dù mưa hay nắng, nóng hay lạnh, mà không cần phải lo gì.
Một frame ảnh từ video HD 1080p của máy Tough TG-850.
2. Ống kính cực rộng
Ở thị trường máy ảnh số point-and-shoot, hầu hết đều được trang bị với ống kính bình thường ở tầm rộng nhất khoảng 25mm. Với máy Tough TG-850, các kỹ sư tại Olympus đã “nới rộng tầm nhìn” của nó với tiêu cự 21mm, cho phép người dùng nhìn thấy thế giới qua một phối cảnh khác lạ.
Quang cảnh ở tiêu cự 21mm qua ống kính cực rộng.
3. Video chiếu chậm
Nếu bạn thích những đoạn phim chiếu chậm (slow motion) khi bạn có thể thấy rõ từng giọt nước văng tung tóe, bạn sẽ thích máy này, vì nó có thể thâu video ở tốc độ 240 fps (nhanh gấp 10 lần tốc độ bình thường). Khi phát lại ở tốc độ bình thường thì video của bạn sẽ được “chiếu chậm” gấp 10 lần mà vẫn thấy rõ từng frame.
Nhưng để tận dụng hết khả năng Full HD (1080p) của máy này, bạn phải thâu video ở tốc độ 60 fps (frames per second).
4. Màn ảnh LCD
Màn ảnh rộng 3” của máy TG-850 có độ mịn 460,000 chấm, và có thể được mở lên (nhờ có bản lề) tới 180 độ. Đây là một trong những đặc điểm tôi thích nhất trong máy này. Khi bạn đi tắm biển hoặc lội nước và muốn chụp hình/quay phim dưới nước, bạn chỉ cần mở màn ảnh lên khoảng 90 độ và nhìn từ trên xuống, khỏi cần phải nhúng đầu xuống nước. Khi nào bạn muốn chụp selfie hoặc với nguyên nhóm, xoay màn ảnh lên 180 độ. Rất tiện.
Máy ảnh Tough TG-850 với màn ảnh LCD xoay ngược 180 độ.
5. Chỉnh thông số phơi sáng
Độ nhạy ISO của máy có thể được chỉnh từ 125 tới 6400. Tuy nhiên, khi bạn tăng lên cao hơn 1600, ảnh sẽ xuất hiện nhiều hột (noise). Tốc độ cửa chập của máy có thể được dùng từ 4 giây (chậm nhất) lên tới 1/2000 giây (nhanh nhất), cho phép bạn nhiều cơ hội sáng tạo. Ngoài ra, máy TG-850 còn có built-in flash để cung cấp ánh sáng phụ, và khả năng thay đổi những chế độ đo sáng (metering).
6. Chất lượng ảnh
Có lẽ đây là một trong những mặt kỹ thuật đầu tiên người xem nhìn thấy khi họ xem ảnh của bạn – chất lượng ảnh (image quality). Máy TG-850 có độ phân giải 16 MP (megapixel).
Nếu bạn muốn “bắn đại liên” như những máy mắc tiền, TG-850 có thể nháy liên tiếp ở tốc độ 7 fps.
Nói tóm lại, với một cái máy ảnh bỏ túi rẻ tiền (chỉ khoảng $250), bạn có thể yên tâm xách nó đi khắp nơi mà không sợ bị hư, và còn có thể chụp hình đẹp, hoặc vui chơi với những đoạn quay video.
Have fun in Cancun!
Khả năng chụp ảnh dưới nước của máy TG-850, rất rõ, dễ dùng.
AN