Menu Close

Chơi tranh & những điều cần biết

alt

“Vườn Xuân Trung Nam Bắc” của Nguyễn Gia TríNGUỒN VIETNAMTRAVELIMAGE.COM


1.

Sau một thời gian đi ngang qua các phòng triển lãm, viện bảo tàng; đã tiếp xúc ít nhiều với lịch sử mỹ thuật và thậm chí đã quen biết một vài họa sĩ có tiếng, như thế trong bạn đã hình thành ban đầu một hệ thống kiến thức về hội họa căn bản. Có thể với những gì bạn hiểu biết về hội họa như thế chưa đủ để bạn đánh giá đúng giá trị của tác phẩm đang ở trước mắt mình, nhưng bạn sẽ dễ dàng nhận ra thể loại, chất liệu cũng như gam mầu của bức tranh mà tác giả của nó đã thể hiện và như  thế bạn có quyền chọn lựa cho mình một bức tranh đẹp nhất. Tuy nhiên, để cho việc chọn lựa của mình tránh được những sai lầm chủ quan hoặc thiếu tự tin, nhất là khi giá tiền của bức tranh khá cao, bạn có thể tham khảo về mặt chuyên môn ở một người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn trong việc chơi tranh, với một nhà phê bình mỹ thuật có tên tuổi chẳng hạn, trước khi quyết định mua bức tranh ấy. Dẫu sao việc tự chọn cho mình một bức tranh để mang về treo trong ngôi nhà thân yêu cũng mang lại cho bạn những cảm xúc đặc biệt.

2.
Không ai trở thành người chơi tranh sành sỏi mà không trải qua những vấp váp trong việc sưu tập các tác phẩm. Chơi tranh cũng  giống như chơi đồ cổ, ngoài lòng đam mê, nhà sưu tập còn phải có kiến thức chuyên môn và nhất là phải có nhiều… tiền. Để giảm đi những thất vọng khi gặp phải sự việc rủi ro như mua lầm đồ giả, ông Vương Hồng Sển – nhà sưu tầm đồ cổ nổi tiếng đã quá cố – có một chủ trương cho cuộc chơi của mình rất đáng cho chúng ta chú ý: “Thấy đẹp và thích thì mua, không quan tâm đến thật và giả vì quá khó để thẩm định nguồn gốc của cổ vật”. Điều này khá đúng, nhất là tại những nước như nước ta chưa có nền giám định khoa học phát triển về cổ vật, nhất là về hội họa, thì việc mua những tác phẩm ấy luôn phụ thuộc vào 2 yếu tố: cảm tính và lòng tin cậy vào người bán. Sự nhầm lẫn giữa giả và thật không chỉ dành riêng cho những người ít kinh nghiệm như chúng ta mà ở cả những nhà chuyên bán đấu giá tầm cỡ thế giới như nhà Christie’s chẳng hạn, đó là trường hợp hai bức tranh giả bị phát hiện: một của Bùi Xuân Phái và một của Nguyễn Sáng, được nhà bán đấu giá này bày bán trong cuộc triển lãm thường kỳ tại Singapore năm 1999. Tuy nhiên, đây là một tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp có uy tín thế giới nên mọi sự mua bán đều có sự bảo đảm, bạn chắc chắn không bị thiệt hại khi phải mua nhầm.

3.
Có nên chơi tranh chép không? Thế nào là tranh chép thật và giả?

Trước khi bàn đến việc chơi tranh chép, chúng ta cần biết thế nào là tranh chép thật và tranh chép giả (ở đây không đề cập đến tranh giả). Ở các nước phương Tây, tranh chép thật là tranh được chép từ bản gốc do chính tác giả vẽ lại vì muốn có thêm một số bức do mục đích riêng, trong trường hợp này tác giả đều có đánh số để công khai số lượng tranh đã được chép lại (việc đánh số này thường được áp dụng cho tranh in thạch bản), hoặc sinh viên mỹ thuật được phép của viện bảo tàng cho thực hiện tại chỗ nhằm mục đích để học bút pháp và bản mầu của nhà danh họa và không được phép chép chữ ký của tác giả lên bản sao.

alt

Chép tranh trong bảo tàngNGUỒN AKPANORAMA.BLOGSPOT.COM

Riêng ở Việt Nam, việc chép tranh không theo một nguyên tắc nào và chẳng có một quy định nào cho việc chép tranh. Chép vô tội vạ. Tranh của người đã chết bị chép đã đành, tranh của họa sĩ đương thời cũng không ngoại lệ, bị chép ngang nhiên dù tác giả của bức tranh đang đứng bên cạnh họ. Tại Sài Gòn, các cửa hàng chép tranh loại này đang làm ăn rất phát đạt trên những phố chính và đã nghiễm nhiên trở thành bộ mặt mỹ thuật chính của thành phố lớn và hiện đại vào bậc nhất của cả nước này. Điều đáng nói hơn, tranh chép hiện nay ở Việt Nam đều dựa vào các bản in “tam sao” trên sách báo và được thực hiện bằng sơn dầu kém chất lượng được sản xuất từ Trung Quốc. Với cách làm ăn như thế, những tranh chép này là hàng nhái lại của thứ chẳng những là bản sao mà lại là một thứ bản sao rất kém chất lượng!

Như vậy, bạn có nên chơi tranh chép hay không? Nếu bạn quá thích những tranh của những danh họa mà bạn ngưỡng mộ, cách tốt nhất là bạn nên mua những bản in (reproduction) được xuất bản hợp pháp và được in ấn chuyên nghiệp mỗi khi có dịp vào các nhà sách lớn hoặc các gallery ở các nước Âu Mỹ, để mang về trưng bày trong nhà, đây là cách chơi tranh phiên bản tốt nhất dành cho những ai không có nhiều tiền.

4.
Người Ý có một lối chơi tranh rất đáng cho chúng ta quan tâm: không bao giờ treo trong nhà một bức tranh chép hoặc một bản sao nào cho dù đó là bản sao từ những kiệt tác thế giới. Nếu không có đủ tiền để mua tác phẩm của những danh họa nổi tiếng, họ mua tác phẩm của những người vô danh, nhưng đó nhất định phải là những bức tranh thật. Với cách chơi tranh này, các bạn có thể thoải mái treo trong nhà mình những bức tranh thật dù là chúng được vẽ từ những họa sĩ chưa có tên tuổi, thậm chí bạn có thể treo những bức tranh do chính những người thân trong gia đình mình tự vẽ, chúng thực ra còn có giá trị hơn nhiều những bức tranh được sao chép lại từ những phiên bản vô hồn mà màu sắc, đường nét đã bị sai lạc thêm sau khi chép lại từ một bản in kém chất lượng.

Đối với những người có tiền hơn, để tránh việc mua phải tranh giả của những tác giả Việt Nam nổi tiếng, các nhà sưu tập nên tìm mua tranh của họ ở những cuộc triển lãm bán đấu giá quốc tế do Sotheby’s, Christie’s, thường tổ chức định kỳ tại Singapore hằng năm. Ngoài việc được bảo đảm quyền lợi cho người mua, nhà sưu tập này còn góp phần mang trở lại quê hương  những kiệt tác của các danh họa Việt Nam nổi tiếng một thời vì nhiều lý do riêng đã bị lưu lạc. Việc này, những người chơi cổ vật Việt Nam đã từng làm, họ đã từng mang về những bình vại cổ từ thời nhà Lý từ những cuộc bán đấu giá quốc tế như vậy. Đối với hội họa Việt Nam, việc này cũng nên lắm chứ ?

TC