Ngày 13 tháng 5 năm 1991 mở đầu tác phẩm “Kẻ Bị Khai Trừ,” Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường viết lời giới thiệu:
“Bản thảo cuốn sách này đã được soạn và đánh máy trong một tình thế lén lút và bị cô lập. Vì vậy tôi khiêm tốn gửi lời xin lỗi về những lỗi lầm hay sai trật đến những ai quan tâm đến những suy tư và những bài viết của tôi, và mong muốn cuốn sách này sẽ được phát hành ở Pháp.”
Là luật gia kiêm giáo sư nổi tiếng và là bậc thầy trong giới luật sư nói riêng, trong giới trí thức Việt Nam nói chung, tác giả Nguyễn Mạnh Tường lại phải lén lút và bị cô lập đến nỗi không thể chỉnh sửa hay in ấn đứa con tinh thần của mình bằng Việt Ngữ, chỉ mong muốn sẽ được phát hành ở Pháp cho thấy hoàn cảnh vô cùng bi đát của tác giả – một nhà trí trức yêu nước hết lòng cống hiến khả năng phục vụ đất nước, để rồi bị chế độ cộng sản Việt Nam đày đọa cho đến chết. “Kẻ Bị Khai Trừ” được viết bằng Tiếng Pháp “Un Excommunié. Hanoi:1954-1991: Procès d’un intellectuel” in tại Paris năm 1992, sau đó được Nguyễn Quốc Vĩ dịch sang Tiếng Việt, ban đầu có tựa là “Kẻ Bị Rút Phép Thông Công.” Thuật ngữ “rút phép thông công” nói đến kỷ luật nặng nề nhất trong Giáo Hội Thiên Chúa Giáo; một người bị cho là đã phạm tội trọng, bị khai trừ vĩnh viễn ra khỏi Giáo Hội. Hiểu được thuật ngữ này độc giả sẽ biết: Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường tự ví ông là kẻ mắc trọng tội với Đảng Cộng Sản Việt Nam, vì thế họ không chỉ khai trừ ông ra khỏi đảng, mà còn khai trừ vĩnh viễn cả gia đình ông ra khỏi xã hội bằng sự cô lập.
Bìa tác phẩm “Kẻ Bị Khai Trừ” của Nguyễn Mạnh Tường
Năm 2011 nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành “Un Excommunié” với đề tựa “Kẻ Bị Khai Trừ.” Quyển sách có ba phần:
– Phần Một: Đạt Đến Đỉnh Vinh Quang.
– Phần Hai:Mỏm Đá Tarpeienne. [1]
– Phần Ba: Hành Trình Đi Vào Sa Mạc.
Mỗi một phần nói trên có thể đại diện cho từng giai đoạn sống của tác giả. Ngòi bút trung thực của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường cho người đọc thấy Đảng Cộng Sản Việt Nam đã có rất nhiều hành động sai lầm. “Cái lỗi lầm kinh hoàng đầu tiên không thể quên được là cuộc Cải Cách Ruộng Đất, nó không phải chỉ là cuộc thảm sát hàng chục ngàn người dân vô tội, mà nó còn làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng và làm hại đến cái giáo điều “không bao giờ sai lầm” của Đảng.” [Phần Hai. Chương 1] Ngày 30 tháng 10 năm 1956, trong cuộc họp của Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đã đọc bài diễn văn “Qua những sai lầm trong Cải Cách Ruộng Đất – Xây dựng quan điểm lãnh đạo,” cho thấy mọi tầng lớp trong xã hội từ nông dân, công nhân, tiểu thương, kể cả các cán bộ đều phải chịu đau đớn thảm khốc vì các cuộc đấu tố, tử hình man rợ trong Cải Cách Ruộng Đất. Ông tin rằng nền pháp luật chân chính phải theo nguyên tắc “Thà 10 tên địch sót còn hơn 1 người bị kết án oan.” Nhưng thời đó và cho tới bây giờ Đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn khư khư giữ lấy quan điểm “Thà chết 10 người oan còn hơn để sót 1 tên địch.” Những lời lẽ “phản động” của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường đã khiến nhà cầm quyền lúc ấy tức giận, đã trả thù ông bằng cách sử dụng thủ đoạn hèn hạ nhất , độc địa nhất, tàn ác nhất: Đó là cô lập Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường khiến ông và gia đình sống không bằng chết, sống mà không ai dám đến gần, sống mà thân xác lúc nào cũng quặn đau vì… ĐÓI. Cảnh ngộ bi thương ấy ngay lập tức hiện ra trước mặt độc giả, khi họ đọc “Kẻ Bị Khai Trừ.” “Thảm cảnh đầu tiên mà tôi và gia đình phải chịu: đó là cái đói… Vợ và con gái tôi làn da càng ngày càng tái, thân hình càng ngày càng tiều tụy ốm tong. Họ không dám mở mồm nói một điều gì vì sợ làm cho tôi phiền não, chỉ dám giấu những dòng nước mắt trong đêm khi một mình trên giường ngủ. Tôi biết nhưng giả tảng như không biết.” [Phần Ba. Chương 9]
Cho dẫu phải đau đớn quằn quại sống người luật sư uyên bác và minh triết không hề khiếp sợ. Ông biết rõ một khi củ cà rốt đã được phân phát, những cú đập của cây gậy bắt đầu xuất hiện, “chiếc gươm Damocles treo trên đầu của giới trí thức và nhà cầm quyền có thể chọn đưa họ vào nhà thương tâm thần, hay một án tù chung thân để chết dần trong một nhà tù vô danh nào đó hoặc giả ra những vụ tai nạn mà không ai là người trách nhiệm…” [Phần Hai. Chương 3]. Ông cũng biết rõ “số phận của tôi đang chờ, giống những người khác cũng dính líu vào những cố gắng nhằm mở thêm chút không khí trong lành để thở. Chúng tôi đã bị lừa phỉnh bằng những thủ đoạn đê tiện của những người lãnh đạo rất lão luyện trong việc giăng bẫy, sắp xếp những trận phục kích, giết những người mà họ gọi là kẻ thù. Machiavelli, nếu sống lại ở thế giới này, nên phải ghi danh đi học trường của mấy ông lãnh đạo cộng sản là những con người đầy những dã man gian trá và đầy những sáng kiến vô nhân như chưa từng có trong lịch sử nhân loại.” [Phần Hai. Chương 3].
Chắc chắn chỉ có những giòng chữ trong “Bài Thơ Tháng Tám” của nhà thơ Bùi Minh Quốc “Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa. Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi” mới có thể minh họa rõ ràng một xã hội cương thường điên đảo dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của cộng sản. Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường khẳng định: “Ngàn xưa từ thời Socrates, ai cũng biết là, khi nhà cầm quyền muốn bắt kẻ sĩ nào đó uống thuốc độc thì chỉ cần gán tội cho họ là đã đầu độc tuổi trẻ. Đảng Cộng Sản đã vực dậy một thủ đoạn đã dùng hai ngàn năm trước…” [Phần Hai. Chương 2]
Nhìn lại giòng lịch sử, trong bất cứ thời đại nào cũng vậy, kẻ độc tài luôn muốn xây dựng xã hội, uốn nắn dân chúng theo quan điểm chủ trương của họ. Giáo dục là công cụ để đào tạo thanh thiếu niên thành những người sau này chỉ biết giương cao ngọn cờ đấu tranh giai cấp, chỉ biết phục tùng, trung thành và bảo vệ chế độ, cho dẫu chủ trương đường lối của đảng và nhà nước có vi phạm nhân quyền, tự do, hạnh phúc của dân chúng cũng không màng tới. Bất cứ một phương cách giáo dục nào đi ngược lại với đường lối chính trị mà lãnh đão đã đưa ra đều bị cho là “phản động.”
Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường sinh ngày 16 tháng 9 năm 1909, qua đời ngày 13 tháng 6 năm 1997 tại Hà Nội. Kết thúc tác phẩm “Kẻ Bị Đào Thải,” ông để lại cho hậu thế hai câu hỏi cho người cộng sản Việt Nam:
1. Tại sao người cộng sản Việt Nam sợ hãi dân chủ?
2. Giữa quyền lợi của Đảng và quyền lợi của Tổ Quốc, người cộng sản Việt Nam chọn điều gì?
Câu hỏi này phải chăng cũng là câu hỏi đối với chúng ta, những người trẻ đang đứng trước sự tồn vong của đất nước khi Trung Quốc cố tình tranh chấp lãnh hải ngoài Biển Đông với Việt Nam, khi chính quyền độc đảng Hà Nội vẫn đang bắt giam và đàn áp các tù nhân lương tâm – những nhà hoạt động vì công lý, vì nhân quyền, vì tự do, vì dân chủ cho xã hội và người dân. “Kẻ Bị Khai Trừ” không chỉ là tự truyện bi thiết của Luật Sư Nguyễn Mạnh Tường, mà còn là bản trường ca bất khuất của một kẻ sĩ không quy hàng cái Ác – âm vọng hào hùng còn vang mãi đến muôn thuở muôn đời.
HNP
11:30pm Thứ Sáu ngày 13 tháng 6 năm 2014
[1]. Mỏm đá Tarpeienne ở Ý Đại Lợi. Thời La Mã người ta xử chết những kẻ phản bội hay kẻ phạm tội hình sự, bằng cách ném các tử tội từ trên mỏm đá cao Tarpeienne xuống.