Football, Soccer
Bạn chắc biết từ ngữ “túc cầu” (ở Việt Nam hiện nay gọi là bóng đá) là gì trong tiếng Anh? Dĩ nhiên là football. Thật có lý, vì foot là bàn chân và ball là bóng, và ta đá bóng bằng chân. Người Tầu gọi bằng “túc cầu”. Túc là chân, cầu là trái bóng. Người Pháp cũng gọi là football.
Nhưng ở Mỹ football là “banh cà na” hay “bóng bầu dục” mà người ta chơi bằng… tay là chính vì có thể dân Mỹ không phân biệt nổi tay và chân khác nhau ra sao chăng?
Football kiểu Mỹ
Mà dân Mỹ gọi túc cầu là soccer. Chữ này ở đâu ra vậy?
Câu trả lời là cả hai chữ “football” và “soccer” đều sinh ra ở cái nôi của túc cầu là nước Anh và đều dùng để chỉ túc cầu.
Soccer
Ở Anh, nơi phát xuất và phổ biến nhiều môn thể thao, ngoài “football thông thường” mà người Anh còn gọi là “association football” chơi quả bóng tròn, còn có một môn “football” nữa gọi là “Rugby football” chơi quả bóng hình bầu dục.
Khi người Anh di dân sang Mỹ, cả hai môn chơi cũng sang theo, quả bóng tròn thì mang tên “soccer” (viết và đọc trại từ association); còn bầu dục thì chuyển biến từ “Rugby football” thành “football” kiểu Mỹ.
Rugby
Tóm lại, ở đây đề cập tới 3 môn thể thao: (1) “Football” của thế giới, sang Mỹ thì gọi là “Soccer”, (2) “Rugby” của Anh và nhiều nước trong Khối Thịnh Vượng Chung Anh (British Commonwealth), và (3) “Rugby” biến thành “football” của Mỹ. Cả ba môn có số cầu thủ từ 11 đến 15 người. Cả 3 môn có thể vừa dùng chân vừa dùng tay để di chuyển bóng… Môn thứ nhất dùng chân nhiều hơn tay (nhớ là các cầu thủ được dùng tay để “ném biên” đấy), môn thứ 2 và 3 dùng tay nhiều hơn chân!
Vậy chữ “soccer” ở Mỹ là đến từ chữ “association”. Rốt cuộc, mọi “lộn xộn” của Mỹ có thể đổ trên đầu Anh quốc, cái nôi của tổ tiên nước Mỹ. Mới đây, một nhà báo Anh có đôi dòng nhắn nhủ dân Mỹ:
“Này các bạn Mỹ thân mến. Đây là bài học quan trọng bạn cần biết: Không có môn thể thao nào gọi là “soccer” cả! Môn thể thao được chơi trong khoảng những năm từ 220 đến 680 (đúng vậy, rất sớm đấy nhé) thì mang tên football. Chẳng ai biết tại sao các bạn lại gọi là football cái môn chơi mãi sau này (1869) mới có và chỉ dân đi mô tô mới chơi (vì phải đội nón bảo hiểm, đúng không). Môn này chơi đâu phải bằng chân và đâu bằng trái bóng tròn. Nếu bạn có gọi đó là ‘American Rugby’ chắc chẳng ai cãi lại…”
Bảo Huân
FIFA
Bạn cũng thường nghe nói đến FIFA trong những ngày này, vì đây chính là cơ quan đầu não tổ chức các giải tranh tài túc cầu của thế giới (World Cup).
FIFA là chữ viết tắt của các từ tiếng Pháp Fédération Internationale de Football Association (Liên đoàn Túc cầu Thế giới; tên tiếng Anh là International Federation of Association Football).
FIFA được thành lập ngày 21 tháng 5 năm 1904, cách nay đã 110 năm, trụ sở đặt tại thành phố Zurich, Thụy Sĩ. Chủ tịch hiện nay là ông Joseph Blatter. Tính đến nay, FIFA có 209 thành viên và trở thành tổ chức túc cầu lớn nhất thế giới, chia thành 6 liên đoàn khu vực gồm:
– Liên đoàn túc cầu châu Á (AFC)
– Liên đoàn túc cầu châu Âu (UEFA)
– Liên đoàn túc cầu châu Phi (CAF)
– Liên đoàn túc cầu châu Đại Dương (OFC)
– Liên đoàn túc cầu Nam Mỹ (CONMEBOL)
– Liên đoàn túc cầu Bắc, Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF)
Khẩu hiệu của FIFA: “Vì túc cầu! Vì thế giới!” For the Game. For the World