Sống như thế nào gọi là ô-kê? Câu hỏi thật khó trả lời. Bởi nó tùy thuộc vào hoàn cảnh sống, tình cảm con người và quan niệm nhân sinh. Ở đây người viết không dám đưa ra một giải đáp chung mà chỉ bàn phiếm về một vài mảnh đời trong đó có mình để cùng chia sẻ. Đoạn nói về Nguyễn Bá Trạc và Tô Thùy Yên là dựa một phần ở tài liệu bài viết của Võ Phiến trong tập đoản văn Cuối Cùng do Thế Kỷ 21 xuất bản năm 2009. Tựa bài là tên bài thơ của Nguyễn Bá Trạc.
Hồi mới sang Mỹ, Nguyễn Bá Trạc viết truyện Ông Khó Tính và ông trở thành nổi tiếng. Từ đó bạn bè dùng tên này để gọi ông. Ông Khó Tính. Nhân vật này hồi xưa là một giáo sư thích cùng học trò luận bàn thế cuộc. Do ở tính nết cổ quái và cái nhìn chủ quan, ông bất mãn với đủ mọi thứ. Ông phê phán Cộng Sản, mỉa mai các chính khách VNCH, oán trời trách đất. Thế rồi năm 1975 Cộng Sản bắt ông đi cải tạo. Ra tù, chịu hết nổi chế độ bạo ngược, ông dắt vợ cõng con xuống tàu vượt biên. Đến Mỹ ông càng chê tợn, chửi tợn. Ông chê người Mỹ, chê nhà cửa kiến trúc, sông núi bãi biển của Mỹ, chửi trời chửi đất không chừa bất cứ thứ gì. Đến nước mưa mà ông cũng chê, ông nói “nước mưa ở Mỹ uống vào đắng cả mồm”. Đúng là hết thuốc chữa.
Không biết “Ông Khó Tính” có phải là tự truyện của Nguyễn Bá Trạc không nhưng đọc truyện Võ Phiến đâm ra ái ngại cho tác giả vì một hôm tới chơi nhà Nguyễn Bá Trạc thấy ông này mặt khó đăm đăm chỉ vì chuyện không có lá trầu để cúng. Rồi Võ Phiến đâm lo cho bạn, khó tính như vậy rồi đây làm sao để sống. Cho đến khi đọc thấy bài thơ “Tôi sống thế này là ô-kê” trên báo Văn, Võ Phiến mới vui mừng cho bạn và ông viết: “Bài thơ thật lạ lùng. Đọc qua mấy câu đã thấy lòng phơi phới. Ơ hay! Người cũ biến mất đâu rồi? Trước mắt mình là một con người khác hẳn. Cũng là Nguyễn Bá Trạc đây sao? Tôi sửng sốt. Tại sao đời sống hóa ô-kê? Chuyện gì đã xảy ra? Trầu bỗng nhiên mọc tràn ngập nước Mỹ chăng? Nước mưa gần đây từ trời xanh rớt xuống có được giữ lại pha nước đường vào chăng?”

Tôi sống thế này là ô-kê
Bài thơ “Tôi sống thế này là ô-kê” có những đoạn như sau:
Tôi sống thế này là ô-kê
Không thêm bớt
Sáng chim kêu gà gáy
Chủ Nhật dắt chó đi chơi
Dù dạo này hơi mệt, bớt đi
Tôi sống thế này là ô-kê
Vài bạn già
một căn nhà
hai con gà
dăm con chim con chó
Cô vợ thằng con nhỏ giống mẹ
Cái mũi cái mồm
giống cha cặp mắt ngựa non
…
Tôi sống thế này là ô-kê
Trong căn nhà nhỏ hai phòng đủ ở
Có bán đi trả hết vẫn lời hai trăm
À ra thế, Nguyễn Bá Trạc thấy ô-kê là phải lắm rồi. Có chó có gà, tha hồ nghe chim kêu gà gáy lại còn được dắt chó đi chơi (nhớ mang theo bịch nylon đấy). Có vài bạn già bù khú. Có vợ đẹp con xinh. Lại được sống trong một căn nhà khá đắt tiền, bán đi trả hết nợ còn dư được hai trăm. Hỏi như rứa còn mong ước gì hơn nữa. Trừ khi còn mơ có thêm cô bồ nhí! Thôi nhé, ông bạn văn của tôi ơi, đừng nghĩ ngợi thêm gì nữa cho nặng lòng, mệt trí. Coi chừng, dễ bị trầm cảm stress lắm đó. Tuổi già rồi, không nên.
Và cũng không nên suy nghĩ viển vông. Chuyện nằm mơ thấy mình hóa bướm, xuân du phương thảo địa hay chuyện bơi thuyền dưới trăng trên sông Xích Bích là chuyện trong sách vở ngày xưa. Ngày nay, ở nước Mỹ này, chẳng còn ai muốn được như Nguyễn Bỉnh Khiêm “một mai một cuốc một cần câu” tìm nơi u tịch để hưởng thú nhàn cư với thiên nhiên trăng nước. Được như ông là vua trên đời rồi, ông Nguyễn Bá Trạc ơi. Hãy quên đi chuyện non nước chiến tranh, cũng đừng nên xót thương cho người như Chinh Yên thời ở lính làm gì.
Hiền sĩ đọc thơ bên lều cỏ
Tôi đọc thơ giữa chốn ba quân
…
Hiền sĩ có trăng treo ngoài ngõ
Để lâu lâu ngắm nghía đỡ buồn
Tôi có gì đâu ngoài súng nhỏ
Máng đầu giường chạm gió kêu khan
Hiền sĩ có cây già tựa gối
Có chim ngàn ở ẩn chia vui
Tôi có gì đâu ngoài nón trận
Tránh đạn bom nhờ chút hên xui…
(Ứng chiến đọc thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm)
Làm thế nào để sống ô-kê đây. Có người như Tô Thùy Yên tưởng đã quên đi cái bóng của mình mà lòng còn nặng trĩu u hoài khi nghĩ đến thân thế một đời.
Tôi bây giờ cha mẹ không còn
Các em hao hớt, bạn thiếu vắng
Đời rẽ quặt vô chừng
Người cùng đi một đỗi
Giữ của nhau thương nhớ làm tin
Thôi mong gì đổi trả
Nắng mưa thấm thoát đời ta
Mối mọt căn nhà rệu rã
Đôi khi năm tháng cũ dò về
Chó già lạ hơi sủa…
Quê nhà nghe nói có
Chỉ dấu không tìm ra
Sức già đến lúc phải bỏ bớt
Bỏ lại bên đường cái bóng ta
Không hiểu ông Võ Phiến có xúc động gì không chứ Nguyễn tôi đọc mấy câu đầu của bài “Thấm thoát đời ta” lòng muốn bật khóc. Càng đọc càng cảm thấy nỗi cô đơn quạnh quẽ tới rùng mình ớn lạnh. Những lời thơ ấy chẳng có gì thanh thản đâu mà càng nghĩ sâu càng thấy thấm thía xót xa đến lặng người.
Hoàn cảnh, quá khứ và hiện sinh mỗi người một khác. Sống như Tô Thùy Yên sao có thể nói là ô-kê được.
Bây giờ lại nghĩ tới mình. Nguyễn tôi sống có ô-kê không? Xin thành thực nói như sau:
Thoạt trông, thật chẳng ô-kê chút nào. Giống y như hoàn cảnh ông Tô Thùy Yên: cha mẹ không còn, anh em kẻ sống người chết, bạn bè ngày một vắng vẻ thưa thớt. Ấy là chưa kể người vợ thân yêu nay không còn nữa. Hiện cu ki một mình, trong căn nhà thuê. Không cả chó gà, may là còn có lũ chim hót bên cửa sổ mỗi sáng đánh thức người ngủ muộn và đêm thỉnh thoảng có trăng về trên đỉnh ngọn sồi già nhưng không ai chia sẻ. Tuy vậy suy đi nghĩ lại thấy mình sống cũng ô-kê, chưa đến nỗi là người homeless mặc dù homeless cũng có quyền nói I am a human being, just like you. Nghèo đấy, nhưng ở Mỹ nghèo cũng như giàu, cũng có một mái nhà (mặc dù nhà thuê hay nhà housing) che mưa nắng, một cái xe tàng tàng, muốn ăn gì thì ăn, đi đâu thì đi. Như ông Đinh Cường bạn của Nguyễn, bị cận tử tới ba lần mà bây giờ vẫn vẽ tranh, làm thơ, ngày ngày đi bộ ra Starbucks uống trà, nói chuyện với bạn bè. Lâu lâu lại phiêu du Sài Gòn hay đi Cali. Lúc nào gọi cho Cường hỏi thăm có ô-kê không thì luôn luôn được bạn trả lời “ô-kê, ô-kê” . Vậy đó. Tôi sống thế này là ô-kê. Chưa kể ta có bạn bè hàng tuần họp mặt (có cả người đẹp ngồi bên nâng cốc uống mừng). Ở khắp năm châu bốn bể nơi nào cũng có bạn, muốn đi thăm là đi. Cũng như muốn yêu ai thì yêu (dẫu chỉ một chiều). Sống như rứa là ô-kê rồi, đừng đòi thêm gì nữa.
Miễn là cố quên đi những mất còn, xem đó là phận người trong lẽ tuần hoàn biến dịch.

Cùng bạn bè xem chung kết World Cup 2014