Menu Close

Từ ‘Quả Dâu Tây’ tới ‘Gà Công Nghiệp’

Những người trẻ Đài Loan gần đây đã đứng lên đòi chính quyền hủy bỏ dự luật liên doanh với Trung Cộng vì nó ảnh hưởng tới cuộc sống và tương lai của họ cũng như của đất nước Đài Loan. Khởi từ ngày 18 tháng 3, những người trẻ tuổi này đã chiếm trụ sở quốc hội trong gần ba tuần lễ. Trong lúc đó, hàng ngàn sinh viên tập họp trên các đường phố ca hát, lập diễn đàn phát biểu, hô to những khẩu hiệu chống lại giao thương với nhà cầm quyền Hoa Lục.

Họ được báo chí gọi là ‘Thế Hệ Quả Dâu Tây’. Những người sinh ra sau 1980 khi đất nước Đài Loan đã hoàn toàn thoát khỏi chiến tranh và bắt đầu lột xác để trở thành một trong những con rồng về phát triển kinh tế ở Châu Á. Lẽ đương nhiên, khi đất nước phát triển, cuộc sống được nâng cao, người Đài Loan bắt đầu chăm chút cho con cái của họ. Và vì được nuông chiều, chăm chút hơn các thế hệ đi trước, những đứa con đó vô hình trung trở thành những kẻ dễ bị tổn thương, thích đua đòi, chưng diện, dễ nản chí và hay thay đổi. Gọi là Thế Hệ Quả Dâu Tây vì hai lẽ: thứ nhất thế hệ trẻ này được lớn lên trong một môi trường tốt hơn, giống như những trái dâu tây được chăm sóc cẩn thận trong nhà kính, thứ hai là họ giống trái dâu tây ở đặc điểm đẹp hơn, đắt giá hơn nhưng đồng thời dễ bầm giập, không chịu được khó khăn và thất bại.  

 

alt

Thế hệ “Quả Dâu Tây” Đài Loan – nguồn TTXVA.net

Lớp người thuộc thế hệ trước không ngớt dè bỉu, chê bai những người trẻ tuổi này vì tư tưởng thích an toàn, thích hưởng thụ, và ngại đương đầu với thách thức. Thế nhưng giờ đây, trước vận mệnh của đất nước, trước tương lai của bản thân, chính những người trẻ tuổi này sẵn sàng xé bỏ vỏ bọc dâu tây thơm ngon và chứng tỏ cho thế hệ cha anh biết rằng họ cũng có quan điểm, có ý thức và quan trọng hơn là có tinh thần sẵn sàng đấu tranh cho công đạo. Lâu nay, Đài Loan, mặc dù là một quốc gia độc lập và có nền dân chủ tiến bộ, nhưng luôn bị Trung Quốc ỷ thế chèn ép trên thế giới. Đến giờ phút này, đứng trước nguy cơ chính phủ Đài Loan sắp đưa ra một đạo luật tự do thương mại với Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến tương lai của thế hệ trẻ ở Đài Loan, chính những quả dâu tây mỏng manh kia đã đứng lên thể hiện thái độ sống của mình đối với vận mệnh của quốc gia. Có thể nói, bản chất con người ta khi nhận thấy mối nguy hiểm đang rình rập thì bản năng biến họ thành những người hùng. Vấn đề là nền dân chủ của Đài Loan cho họ những quyền được biết, được quan sát, được tư duy và được quyết định.

Theo blogger Cao Huy Huân của Đài VOA, một người trẻ Việt Nam du học ở Hoa Kỳ, không phải chỉ ở đất nước được mệnh danh là một trong những con rồng của Châu Á như Đài Loan mới xuất hiện một “thế hệ quả dâu tây” như thế, mà ngay cả ở một quốc gia còn nghèo như Việt Nam cũng đang hình thành một thế hệ trẻ tương tự, chỉ có điều họ thường được gọi là “gà công nghiệp”, một loại gà được nuôi trong chuồng nhỏ, không được tự do vận động nhiều, chỉ được cho ăn và chờ đến ngày xuất chuồng đem bán. Lớp người trẻ được gọi là  thế hệ “gà công nghiệp” này lớn lên trong nền giáo dục áp đặt và mị dân, trong một xã hội bát nháo chạy theo đồng tiền bất chấp mọi giá trị đạo đức. Lại nữa, sống trong một đất nước mà quyền tự do thông tin cũng bị kiểm soát, liệu rằng thế hệ “gà công nghiệp” có nhận thức được an nguy của chính đất nước họ, của tương lai họ đang hướng tới? Thực tế thời gian qua cho thấy thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng thực dụng, chỉ biết lao vào kiếm tiền, thờ ơ với vận mệnh của đất nước và hầu như trở thành vô cảm. Nói thờ ơ và vô cảm cũng không chính xác, bởi vì bản thân họ không hề được tự do tư tưởng, tự do tìm hiểu thông tin từ bên ngoài. Thể chế chính trị và nền giáo dục áp đặt của chính quyền Việt Nam hầu như đã giết chết ý thức hệ của thế hệ trẻ ngày nay.

Nói nào ngay vừa qua trong tâm hồn của những người trẻ ở Việt Nam cũng đã nhen nhúm ý thức tự do và niềm tự hào dân tộc. Họ ở ngay Sài Gòn đã có lúc tụ họp nhau lại hát “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ”. Và ở Sài Gòn cũng như Hà Nội đã có những người trẻ xuống đường đòi chủ quyền Trường Sa Hoàng Sa cho đất nước. Như vậy, dẫu sao vẫn còn hy vọng cho dù họ được gọi là thế hệ “gà công nghiệp”.

DH & BH
theo blog Cao Huy Huân, VOA và những nguồn khác từ Internet