Qua mấy năm hạn hán liên tục tại nhiều nơi trên lãnh thổ Huê Kỳ, đồng khô cỏ cháy nên nông gia kêu trời. Họ kêu trời vì mùa màng thất bát, lúa mì lúa mạch chi cũng chết khô không cho bao nhiêu hoa màu như mọi mùa trồng cấy khác. Người trồng cấy đã buồn rầu, kẻ chăn nuôi cũng ủ rũ không kém. Đất đai nứt nẻ vì nắng, cỏ không mọc nổi lấy chi nuôi trâu bò, dê ngựa?
Nhà nông than trời không thấu, rồi đến những người nội trợ. Vào siêu thị, món hàng nào cũng lên giá. Có món đổi giá âm thầm như ngũ cốc, bánh trái…, nhưng cũng có thức lên giá một cách ồn ào, rầm rộ như thịt bò, thịt bê.
Nguồn presstv.ir
Đây là năm đầu tiên từ thập niên 50 của thế kỷ trước, số gia súc chăn nuôi bị sút giảm; nông trại Huê Kỳ chỉ có 87.99 triệu trâu bò. Những trận hạn hán kéo dài tại California và Texas đã tạo nên nỗi, thêm việc giá nhiên liệu leo thang và người thế giới bắt đầu chuộng thịt bò Huê Kỳ nên món thịt đỏ kia trở nên cao giá lạ thường. Các tay phân tích đã ước đoán rằng giá thịt bò không chỉ gia tăng trong năm nay mà còn tiếp tục gia tăng vào những năm sắp tới.
Tất nhiên bảng giá [đi lên] kia không chỉ xuất hiện tại siêu thị, tại các hàng thịt mà còn cả các tiệm ăn, hàng quán. Ở hàng quán, thực khách chỉ thấy khoảng 30% hóa đơn là giá thực phẩm trong khi người tiêu thụ tại các quầy tính tiền tại siêu thị sẽ “thấm thía” hơn khi 80% tổng số trên giấy tính tiền là thức ăn!
Theo bản tường trình của Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, giá thịt bò đã gia tăng khoảng 10% so với giá cả năm ngoái, từ miếng thịt đùi đến tảng thịt vai, phần thịt nào của con bò cũng lên giá ít nhiều, nhất là vào mùa… thịt bò. Một năm hai mùa, mùa lễ cuối năm và mùa hè khi bá tánh nướng thịt ngoài trời là những lúc thịt bò bán chạy nhất; ở những thời điểm khác, thịt bò chỉ được tiêu thụ ở mức… tà tà. Nhưng bây giờ, từ thịt đến da, từ xương đến móng, món chi từ con bò cũng bán được giá kể cả những khúc xương đã lóc hết thịt mà ngày trước tiệm thịt thường tặng không để người ta có thể đem về cho chó gặm.
Cho đến khi số trâu bò tại Huê Kỳ gia tăng đủ để đáp ứng với nhu cầu của khách hàng thì bá tánh sẽ phải bấm bụng chịu giá thịt bò gia tăng khoảng 7-8% mỗi năm!
Thịt bò lên giá lộ liễu quá nên bá tánh để ý và bàn tán nhưng giá bánh trái, ngũ cốc thì chưa bị phàn nàn cho lắm dù cũng từ từ lên giá. Theo bản tường trình của USDA, giá các thực phẩm chế biến từ lúa mì, lúa mạch đã gia tăng khoảng 5%; do đó ngũ cốc, bánh trái đều lên giá; giá mỗi tấm bánh mì, mỗi chén ngũ cốc điểm tâm buổi sáng đều đồng loạt leo thang và khi đã lên giá thì chẳng bao giờ món thực phẩm kia hồi đầu mà xuống giá!
Bánh mì, thịt bò đã lên giá còn hải sản thì sao? Sông biển vẫn có… nước nên chẳng dính dáng chi đến hạn hán? Theo cơ quan Lương Thực Nông Nghiệp Quốc Tế trực thuộc Liên Hiệp Quốc (the UN Food and Agricultural Organization), giá cả hải sản đã lên gấp đôi trong thập niên vừa qua; và vào năm ngoái, giá hải sản cũng lên chút đỉnh. Bá tánh than thở nỗi đắt đỏ của hải sản và cho rằng giá cao đến từ việc đánh cá quá mức, cạn sông cạn hồ nên cá sinh sản không kịp dù trên thực tế, lượng hải sản đánh bắt mỗi năm vẫn tương đương với lượng hải sản đánh bắt từ hai thập niên trước; nhưng việc người tiêu thụ chuộng hải sản hơn và ăn nhiều cá hơn khiến giá cả leo thang. Số cung ít hơn cầu nên hải sản trở nên đắt hàng!
Các thực phẩm chính, tinh bột và chất đạm đã và đang lên giá, còn các món ăn chơi thì sao? Như chocolate chẳng hạn? Cái món ngon miệng kia cũng không ngoại lệ, bạn ạ, mà giá còn lên bạo hơn nữa kia!
Các nguyên liệu chính như sữa và hạt cocoa đều lệ thuộc vào thời tiết. Bò không đủ cỏ để ăn lấy chi có sữa? Cây cỏ cần mưa để tăng trưởng, cây cocoa cũng thế. Mấy mùa rồi, các nông trại trồng cocoa cũng thở than về nỗi cây cằn cỗi không cho nhiều hạt vì thiếu mưa. Và kết quả là chocolate lên giá, khoảng 30% so với năm ngoái! Những người hảo ngọt, hảo chocolate sẽ phải trả khoảng 6.5 Mỹ kim cho một thỏi chocolate cỡ 2oz!
Nói chung thì thực phẩm đang lên giá nhưng cũng có một chút tin vui trong giờ chán ngán nỗi đắt đỏ: Giá thịt heo lại từ từ đi xuống! Giá bắp ngô xuống khoảng 38% nên nông trại có thể nuôi heo với giá thành thấp hơn. Và thịt heo đang xuống giá khoảng 14% kể từ đầu năm nay. Món thịt “trắng” khác, thịt gà, cũng lưng chừng chứ chưa lên giá vì gà nuôi bằng bắp ngô, đậu nành!
Để đỡ “xót ruột” khi đi chợ, tiết kiệm ít tiền lẻ, ta có thể áp dụng một vài bí quyết sau đây của tạp chí Time:
– Muốn mua thịt? Mua vào những ngày trong tuần. Đó là lúc siêu thị có các món hàng giảm giá đặc biệt, “Manager’s Specials”, và chỉ bán trong ngày. Ta có thể đem đông lạnh nếu không dùng hết các gói thịt mua được giá hời nọ.
– Trứng: Khi ngày dùng gần hết hạn, các vỉ trứng thường được đem ra để “mại dô”. Hầu hết các thực phẩm hết hạn đều không dùng được nữa nhưng trứng là một ngoại lệ, ta vẫn có thể dùng khoảng 3 tuần sau khi hết hạn định mà không sợ ăn phải trứng hư thối!
– Các thức ăn nấu sẵn như gà nướng, sushi… thường đắt hơn so với khi ta tự nấu nướng. Do đó, mua các món này trước giờ đóng cửa. Hầu hết các cửa tiệm đều hạ giá 40-50% các món nấu sẵn nhưng chưa bán hết trong ngày!
– Bánh mì và các bánh ngọt: Mua vào buổi chiều tối, giá sẽ rẻ hơn. Ngoài ra, các cửa tiệm đại hạ giá (dollar stores) sẽ bán các món cùng hãng sản xuất với nửa giá so với giá siêu thị!
– Thịt gà tây đông lạnh: một số siêu thị sẽ hạ giá gà tây ít ngày trước lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh để mời gọi rủ rê khách hàng nhưng có lẽ giá hời nhất là vào những ngày sau dịp lễ! Siêu thị cần bán lẹ để lấy chỗ bán thứ khác. Gà tây to cồng kềnh và tốn chỗ trong tủ đông lạnh.
– Rau cỏ: Mua những loại rau cỏ trong mùa, những món này thường tươi nhất, ngon ngọt nhất và giá cả lại dễ chịu nhất vì nhà nông phải thu hái khi cây cỏ ra hoa trái để đem bán; rau cỏ để lâu không ngon nữa. Rau trái ê hề, tất nhiên là giá phải rẻ hơn.
– Phiếu giảm giá: Chỉ nên dùng phiếu giảm giá cho những món ta dùng thường xuyên như ketchup, giấy vệ sinh, margarine và ngũ cốc.
Mỗi tuần vào Chủ Nhật, các tờ báo hàng ngày đều có phiếu giảm giá; tuy nhiên bạn nên biết rằng vào ngày đầu tháng, trên mạng ảo thường có những phiếu giảm giá trên các trang nhà như coupons.com, redplum.com, thriftytiff.com… để ta tha hồ sử dụng!
– Đi chợ vào ngày Thứ Tư, đây là ngày các món hàng bắt đầu bán “sale” và các món hàng đều được trưng bày để đón khách. Siêu thị vừa sắp xếp xong các quầy hàng sau một cuối tuần bận rộn, hầu hết mọi món hàng đều có mặt trên quầy để ta tiện bề lựa chọn.
Sau hết, để giảm bớt việc mua hàng theo hứng và tiết kiệm, hãy soạn sẵn một danh sách các thứ cần thiết và chỉ mua theo danh sách này. Đi chợ mỗi tuần một lần và đừng mang theo con nít!
Vị nào dùng thử bí kíp tiết kiệm của tạp chí Time và kết quả ra sao, cho Dế Mèn biết với?
TLL