Vừa qua, cơ quan Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm cùa chính phủ liên bang Hoa Kỳ, the FDA, công bố rằng họ sẽ thẩm định các tài liệu liên quan đến testosterone, nhất là các dữ kiện về sự an toàn của việc sử dụng testosterone lâu dài.
Những năm gần đây, testosterone được quảng cáo rầm rộ như tiên dược dùng để chữa các chứng mất sức, uể oải, giảm hứng thú tình dục, trầm cảm và một số các chứng bệnh mơ hồ khác trong những nam nhân tuổi trung niên. “Thấp testosterone” hay “Low T” là một chứng “bệnh” khá phổ thông trên các chương trình quảng cáo của đài truyền hình và trong những nhà vệ sinh tại các phòng thể dục. Người ta thì thào truyền tai nhau về chứng “bệnh” kia và mách nhau cách chữa trị.
Trong giai đoạn 2001 – 2011, số người trung niên (trên 40 tuổi) dùng testosterone đã gia tăng gấp 4 lần. Tính đến năm 2012, 1/25 nam nhân tuổi trên 60 đang dùng testosterone bất kể họ có cần nội tiết tố hay không.
Testosterone là một nội tiết tố do cơ thể tạo ra; cả hai phái nam nữ đều tạo ra testosterone dù với mức lượng khác nhau.
Trong phái nam, hầu hết testosterone do tinh hoàn tạo ra; lượng testosterone cũng thay đổi theo tuổi tác. Bác sĩ thử máu đo lượng testosterone khi có dấu hiệu “thiếu testosterone”.
Khi thiếu testosterone, các em trai chậm phát triển; người lớn có dấu hiệu liệt dương, giảm sự ham muốn tính dục, hiếm muộn và mỏng xương.
Ở phái nữ, hầu hết testosterone do buồng trứng tạo ra. Bác sĩ thử máu đo lượng testosterone khi có dấu hiệu “thừa testosterone”. Khi dư thừa testosterone, phụ nữ có những dấu hiệu như nhũ hoa thu nhỏ, mọc lông rậm rạp, âm hạch nở lớn, kinh nguyệt bất thường, tóc thưa hoặc bị hói đầu như đàn ông.
Bình thường, lượng testosterone trong phái nam là 300 -1,000 ng/dL và phái nữ là 15 – 70 ng/dL. Sau tuổi 30, lượng testosterone bắt đầu giảm khoảng 1% mỗi năm.
Khi lượng testosterone lên cao quá mức, bác sĩ có thể tìm kiếm dấu hiệu của các chứng bệnh như:
• Đề kháng nội tiết tố nam (Androgen resistance)
• Ung thư buồng trứng
• Ung thư tinh hoàn
• Chứng trướng tuyến thượng thận (Congenital adrenal hyperplasia)
• Dậy thì quá sớm
Khi cơ thể không tạo đủ testosterone, có thể do các chứng bệnh sau:
• Bệnh mãn tính
• Các chứng bệnh khiến tuyến yên (the pituitary gland) không tạo đủ các nội tiết tố.
• Dậy thì chậm
• Tinh hoàn không hoạt động
• Bướu tại tuyến yên tạo ra quá nhiều nội tiết tố prolactin
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, các chuyên gia đã thực hiện một cuộc thử nghiệm việc dùng testosterone, so với giả dược (placebo). Nhóm người tình nguyện dùng testosterone mạnh mẽ hơn, họ có thể khuân vác một trọng lượng nặng hơn khi leo cầu thang so với những người không dùng thuốc. Tuy nhiên, nhóm dùng thuốc chịu nhiều biến chứng hơn, tỷ lệ bệnh tim mạch (trụy tim, đột quỵ) cao gấp 5 lần nhóm không dùng thuốc. Và vì lý do này, cuộc thí nghiệm chấm dứt trước hạn định.
Các dữ kiện này được công bố vào năm 2010; sau đó các cuộc thí nghiệm khác cho kết quả không rõ ràng.
Nội tiết tố testosterone chỉ được phép dùng cho những người thiếu testosterone, chứng bệnh hypogonadism, tuy nhiên, nhiều bác sĩ vẫn dùng testosterone để “chữa trị” những bệnh nhân có đầy đủ testosterone. Theo Bác Sĩ Brad Anawalt, the University of Washington, Seattle, người dẫn đầu cuộc khảo cứu việc dùng testosterone trong các cựu chiến binh; testosterone chỉ nên dùng khi cơ thể thiếu testosterone; sự hiệu quả cân bằng với phản ứng phụ và biến chứng. Với những người bình thường, dùng thêm testosterone là một sự tai hại! Ông Anawalt so sánh việc dùng testosterone khi không cần thiết như việc dùng nọc rắn để thêm hứng tình!
Các chuyên gia khác so sánh việc dùng testosterone bừa bãi như việc dùng estrogen cho các phụ nữ đã mãn kinh để tiết giảm các triệu chứng như “bốc hỏa”, nóng lạnh… mà không chú trọng đến hậu quả lâu dài. Trong thập niên trước, phụ nữ Hoa Kỳ đã dùng khá nhiều estrogen sau khi mãn kinh vì các bác sĩ cho rằng estrogen giúp phụ nữ mãn kinh khỏe mạnh hơn, ít bệnh tật hơn. Nhưng sau một cuộc thử nghiệm quy mô gồm cả ngàn phụ nữ, kết quả khiến ta bàng hoàng: những phụ nữ dùng estrogen+progestin có tỷ lệ bệnh tim mạch khá cao, từ chứng máu đóng cục (blood clot), đột quỵ đến ung thư vú so với những người không dùng thuốc. Ngày nay, không mấy phụ nữ còn sử dụng các nội tiết tố để chữa triệu chứng mãn kinh nữa.
Bác Sĩ Lisa Schwartz, một giáo sư tại the Dartmouth Institute for Health Policy and Clinical Practice, đã phát biểu “ta dùng nội tiết tố mà không biết có cần thiết hay không để chữa trị một chứng bệnh mơ hồ, cũng không biết rằng món thuốc ấy giúp hay hại bệnh nhân”. Đại khái là dùng thuốc bừa bãi!
Trước việc sử dụng testosterone rộng rãi, Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ đã bắt đầu tài trợ một cuộc thử nghiệm quy mô, tìm hiểu xem testosterone thực sự có hiệu quả không và các hiệu quả này có tương xứng với các phản ứng phụ / biến chứng hay không.
Theo Bác Sĩ Ronald Swerdloff, the David Geffen School of Medicine tại University of California, Los Angeles, một số triệu chứng trong những nam nhân lớn tuổi như loãng xương, kém sức mạnh và thiếu ham muốn tính dục đi kèm với mức testosterone thấp, nhưng chưa có tài liệu nào chứng minh rằng thấp testosterone gây ra các triệu chứng này và khi dùng thêm testosterone, các triệu chứng kia sẽ biến mất!
Thực ra, mức testosterone xuống thấp khi cơ thể ít vận động và trong những người bị mập phì, lượng testosterone xuống thấp hơn nữa.
Với các tài liệu sơ khởi kể trên, ta có thể tạm kết luận: Cho đến khi có đầy đủ tài liệu về việc dùng testosterone có lợi cho sức khỏe, ta không nên dùng thêm testosterone.
Tuổi già đi kèm với sự mất mát về thể lực, cơ thể không còn mạnh mẽ, nhanh nhẹn nữa khiến con người âu lo; phụ nữ dùng thêm nội tiết tố nữ với hy vọng kéo dài tuổi trẻ. Kết quả cho thấy là nội tiết tố nữ không giúp gì thêm cho phụ nữ mãn kinh. Bây giờ đến phái nam, họ cũng đi tìm thuốc “trường sinh” như testosterone để kéo dài sự trẻ trung. Kết quả sơ khởi cho thấy phần nào: testosterone không giúp gì thêm cho những nam nhân vào tuổi già. Chi bằng ta ăn uống điều độ, vận động cơ thể thường xuyên để duy trì sức khỏe; việc làm này hữu hiệu hơn việc dùng thuốc men mấy mươi lần, có phải vậy không các bạn?
TLL