Menu Close

Supermoon Black Moon, Blue Moon

Siêu Trăng

Đêm ngày 12 tháng 7 vừa qua, nhiều nhiếp ảnh gia đã chụp được những tấm hình “Supermoon” (Siêu Trăng) tuyệt đẹp để đưa lên mạng.

alt

Mặt trăng hôm đó dường như lớn hơn khoảng 14% và sáng hơn 30% so với những đêm trăng tròn thông thường. Sở dĩ có hiện tượng này là vì khi mặt trăng quay chung quanh trái đất theo một quỹ đạo hình bầu dục, có một điểm từ đó nó gần với trái đất hơn các điểm khác tới 50 ngàn kilometre. Các nhà khoa học gọi thời điểm này là perigee moon (trăng ở cận điểm), còn vị trí khi xa trái đất nhất gọi là “apogee” moon (trăng ở viễn điểm)

alt

Nếu vào thời điểm đó mà trăng tròn thì được người ta gọi là “Supermoon” (Siêu Trăng). Tuy nhiên, vì sương mù và mây có thể làm mờ ánh trăng, nên mức sáng 30% hơn lệ thường đó khó nhận ra được nếu không phải là vào đêm trời trong sáng như vào mùa hè chẳng hạn.

Điều đó rất đúng nếu ta quan sát mặt trăng lúc còn thấp ở chân trời (lúc trăng mọc) qua cây cối, nhà cửa hoặc đồ vật nào ở phía trước. Lúc đó mặt trăng dường như lớn hơn. Các nhà thiên văn học cũng như tâm lý học không hiểu hoàn toàn đầy đủ về hiện tượng này, đành gọi nó là “moon illusion (ảo ảnh mặt trăng)”

Theo cơ quan NASA, mùa hè năm nay chúng ta có dịp thấy được 3 Supermoon theo ngày giờ sau đây:

alt

Trăng xanh

Ngoài Siêu Trăng, ta còn đôi lúc gặp đặc ngữ Trăng Xanh (Blue Moon).

Thường thì một năm dương lịch có mười hai lần trăng tròn (full moon), mỗi tháng một lần. Nhưng do mỗi năm dương lịch dài hơn năm âm lịch 11 ngày nên những ngày này dồn lại dần để sau khoảng hai hoặc ba năm lại có thêm một lần trăng tròn nữa. Nếu có hai lần trăng tròn trong cùng một tháng thì người ta gọi đó là Trăng Xanh.

Theo lịch, kỳ trăng xanh gần đây nhất đã xảy ra ngày 2 tháng 8 và ngày 31 tháng 8 năm 2012. Năm 2015 sắp tới, trăng xanh sẽ vào ngày 2 tháng 7 và 31 tháng 7.

Nếu trong một tháng có tới hai lần trăng tròn (full moon) thì mặt trăng đó gọi là Trăng Xanh như vừa nói. Còn nếu một tháng có hai lần trăng non (hoặc trăng mới, new moon) thì ta có thêm một từ ngữ nữa: Trăng Đen.

Trăng Đen

Trăng Đen (Black Moon) là lần xuất hiện thứ hai của một kỳ trăng non trong một tháng dương lịch.

Trăng tròn thì ai cũng thấy nhưng ít người để ý tới trăng non, vì khó thấy trên bầu trời, thường chỉ nhìn rõ được khi có nguyệt thực.

Từ ngữ Trăng Đen không do các nhà thiên văn đặt ra mà đến từ nền văn hóa của tín đồ đạo Wicca. Đạo này xuất hiện ở nước Anh vào tiền bán thế kỷ 20 và được công bố công khai năm 1954 do một công chức người Anh đã hồi hưu tên là Gerald Gardner.

Đối với tín đồ đạo Wicca, nếu tháng nào có hai lần trăng non thì trăng non thứ hai được gọi là Trăng Đen (Black Moon). Trong tháng này những phép thần thông nếu thực hiện được thì có uy lực đặc biệt.

Đối với người theo đạo Hồi (Islam) ngày có trăng non cũng quan trọng vì lịch của họ là âm lịch, nên trăng non đánh dấu ngày mỗi tháng bắt đầu.
Black Moon sẽ xảy ra vào ngày 30 tháng 10 năm 2016. Ngoài Black Moon ra còn có tên khác là Spinner Moon, Finder’s Moon, hoặc Secret Moon.

“Once in a Blue Moon”

Đây là một thành ngữ của tiếng Anh. Như đã nói trên, Blue Moon là đêm trăng tròn thứ hai xảy ra cùng trong một tháng.

Tính trung bình, mỗi lần trăng tròn cách nhau khoảng 29 ngày rưỡi, trong khi đó mỗi tháng dài trung bình 30 ngày rưỡi. Do đó, tuy khó xảy ra, nhưng có tháng sẽ thấy hai lần trăng tròn. Tính ra mỗi thế kỷ mới có 41 tháng mà trăng tròn hiện ra hai lần. Như vậy thành ngữ Once in a Blue Moon có thể hiểu là cứ hai năm rưỡi một lần, còn nghĩa bóng là lâu lắm mới xảy ra một lần.

Trăng Trung Quốc, Đồng hồ Liên Xô

Nói về trăng, không thể không nhắc đến kỹ thuật tuyên truyền nhồi sọ và “bưng bô” của những “đỉnh cao trí tuệ loài người” đã biến bao nhiêu thế hệ dân Việt chơn chất thành kẻ ngu ngơ đến độ tin là trên cõi đời này có tới hai mặt trăng:

Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ,
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ!


PN