Menu Close

Sạn trong túi mật – Giảm thiểu các rủi ro gây ra do thời tiết nóng nực


Xin chào Bác sĩ,

Xin được phép hỏi Túi mật tiếng Mỹ gọi là gì và Sạn trong túi mật gọi là gì? Thảo Nguyễn

Đáp

– Túi mật tiếng Anh gọi là Gall Bladder.

Đây là một túi có hình quả lê, dài từ 7 tới 10 cm, nằm ở phía dưới thùy gan phải, trong đó có chứa mật.

Mật được tạo ra ở các tế bào của gan rồi theo các ống nhỏ mà xuống tá tràng hoặc vào túi mật. Công dụng của mật là để tiêu hóa thực phẩm có chất béo.

– Sỏi mật tiếng Anh gọi là Gallstones.

Đây là các cục khá cứng do nhiều sắc tố mật, cholesterol và muối calcium tạo thành. Sỏi mật có thể thành hình trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng gì và không cần điều trị. Tuy nhiên, sỏi mật có thể gây đau dữ dội hoặc có thể di chuyển vào ống dẫn mật gây ra tắc nghẽn, vàng da.

Bệnh sỏi mật thường được điều trị bằng giải phẫu cắt bỏ túi mật hoặc làm vụn sỏi với các làn sóng vi ba gọi là lithotripsy để loại ra ngoài qua phân.

Không có túi chứa, mật vẫn tiếp tục được sản xuất và chảy xuống ruột non để tiêu hóa thực phẩm.

 Sỏi mật thường thấy nhất là các sỏi do chất cholesterol kết tụ. Do đó, bệnh nhân này cần giới hạn tiêu thụ cholesterol.

Hỏi

Chào bác sĩ Nguyễn Ý Đức

Xin bác sĩ cho biết những cách nào để có thể giảm thiểu các rủi ro gây ra do thời tiết nóng nực của mùa Hè hiện nay. Lê Thu Cúc-Houston

Đáp

Thưa bà,

Nói đến rủi ro cái nóng của một số ngày Hè thì không những các nhà y học lên tiếng mà nắng gắt cũng được tao nhân mặc khách diễn tả.

Cụ Nguyễn Khuyến đã viết về nắng Hè như sau:

“Ai xui con cuốc gọi vào hè
Cái nóng nung người, nóng nóng ghê”.
Nhà thơ Trần Vấn Lệ thì cảm thấy:
“Nước mắt hình như đang bốc hơi”

vì:

“Hôm nay nóng quá, nắng bừng sôi”

Nắng nóng đến nỗi nung đốt cả người và làm cho nước mắt cũng phải bốc hơi như các nhà thơ tả lại thì quả là cũng “quá quắt” lắm.

Nhưng có lẽ cũng không oan. Vì y học đã chứng minh là có nhiều rủi ro của nắng nóng lên sức khỏe con người. Như là cháy da ban đỏ, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức vì nóng, đôi khi bị trúng cảm nhiệt có thể đưa tới tử vong.

Ảnh hưởng không tốt của nắng gắt trên cơ thể đã được ghi nhận từ thuở xa xưa và nắng  thường xuyên là vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Cho nên ta phải liệu đường tự lo, tự cứu để tránh những hậu quả tai hại đó.

Nhắc lại là khi ta sống trong không gian quá nóng thì cơ thể sẽ có một số phản ứng để làm bớt nóng. Đó là: Mạch máu dãn nở, máu dồn nhiều tới da để nhiệt trong người phân tán đi. Các hạch mồ hôi hoạt động mạnh, mồ hôi tiết ra nhiều, bốc hơi làm giảm nhiệt trong cơ thể.

Khi nhiệt độ thay đổi mà các phương thức trên không điều hòa được  hoặc khi có những nguy cơ tăng, giảm nhiệt khác thì một số bệnh liên quan tới sức nóng như đã nêu ra ở trên sẽ xảy ra.

Kinh nghiệm thường khuyên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Các rủi ro vì hơi nóng thường hay tái phát cho nên phòng ngừa lại càng quan trọng hơn.

Sau đây là một số phương thức có thể giúp phòng ngừa các rủi ro do nắng nóng:

1. Nếu biết là sẽ phải làm việc dưới nắng gắt thì trước đó vài ngày tiếp xúc dần dần với nắng để cơ thể quen đi.

2. Không nên cố gắng quá sức mình khi làm việc trong trời nắng. Khi cảm thấy có triệu chứng rắc rối, ngưng công việc ngay và di chuyển vào chỗ bóng mát nghỉ ít phút cho khỏe.

3. Uống nhiều nước pha muối trong khi ở ngoài nắng;

4. Tránh  uống nhiều cà phê, rượu vì những thứ này làm tiểu tiện nhiều khiến cơ thể mất nước;

5. Mặc quần áo rộng rãi thoải mái, vải xốp, màu lạt để tránh giữ nhiệt và để thấm mồ hôi.

Vải ka ki màu xanh lợt là tốt vì nó phân tán chứ không hút sức nóng.

Tránh vải làm bằng hợp chất như nylon, polyester.

Mỗi khi áo ướt sũng mồ hôi thì thay áo khô ngay.

6. Đầu đội nón rộng vành, mắt mang kính râm.

7. Bôi kem chống nắng có độ bảo vệ cao (SPF 15).

8. Du di thời khóa biểu làm việc, nhiều giờ vào buổi sáng và xế chiều; trưa nghỉ ngơi vài giờ vừa tránh nắng vừa dưỡng sức.

9. Không để trẻ em đợi trong xe dưới trời nắng dù đã xuống kính xe vì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 65oC (150oF)

10. Tránh tập luyện cơ thể giữa buổi trưa vừa nóng vừa ẩm thấp.

Uống nhiều nước trước, trong khi và sau khi tập, chứ đừng đợi tới khi khát mới uống.

Khi đang bị nóng sốt, không tập luyện vì nhiệt độ sinh ra do sự vận động cơ bắp sẽ tăng nhiệt độ trong cơ thể.

11. Làm việc dưới nắng bức, lâu lâu nên nghỉ tay, vào bóng râm thư giãn một lúc, “uống ly chanh đường”  uống ly nước lạnh cho “phẻ” mát rồi hãy tiếp tục.

Xin nói thêm về cách dùng kem chống nắng.

Các mỹ phẩm này thường thường rất an toàn, nhưng khi dùng thì có đôi điều nên để ý:

– Trẻ em từ 6 tháng trở lên đều có thể thoa kem chống nắng; dùng loại hơi đục hoặc kem hơn là dung dịch trong suốt;

– Trước khi thoa, thử một chút kem trên mu bàn tay coi xem có bị dị ứng, đỏ da hay không. Mỗi nhà bào chế dùng các gia phụ khác nhau;

– Thoa mỹ phẩm lên toàn thân, trừ vùng da quanh mắt;

– Thoa từ 15-30 phút trước khi phơi nắng để chất chống tử ngoại thấm vào da;

– Lựa mỹ phẩm không tan trong nước nếu ta bơi lội;

– Tham khảo bác sĩ nếu trẻ em bị mụn trứng cá, để coi dùng kem nào không làm bệnh tăng lên.

Tóm lại, khi nói tới ảnh hưởng của sức nắng gay gắt thì ta có thể ví cơ thể với cái đầu máy xe hơi. Nếu cả hai đều có nhiệt độ quá cao thì sẽ có khó khăn, trục trặc.

Biết trước để tránh sự quá nóng là điều khôn ngoan. Vì khi cơ thể đã bị trúng nhiệt rồi thì chẳng khác gì ta đang lái chiếc xe mà nước trong bình giải nhiệt đã sôi cạn, máy sắp bốc cháy, chỉ đủ sức lết tới nghĩa địa xe phế thải.

Vài gợi ý, hy vọng có thể giúp bà cũng như độc giả Tuần Báo Trẻ tránh được các rủi ro gây ra vì mùa hè nóng bức năm nay.

NYD