Một chuyện thật buồn nhưng đầy nhân ái, đọc nó để chúng ta càng yêu thương hơn lúc còn có nhau trên cuộc đời này.
Hồi ấy tôi là nữ y tá làm việc ở một viện dưỡng lão. Mỗi chiều khi lên ca tôi thường đi bộ dọc theo hành lang, nhìn vào các cánh cửa chuyện trò dăm ba câu với người bên trong và để ý xem xét trong ngoài mọi thứ. Lúc nào cũng thế tôi thấy Kate và Chris ngồi trước cuốn album lớn (crapbook) xem lại những tấm hình kỷ niệm của hai người. Đôi khi Kate hãnh diện khoe tôi những tấm hình của năm tháng cũ. Hồi đó Chris là một thanh niên tóc vàng, cao lớn, đẹp trai, còn Kate thì xinh xắn, tóc đen và cười rất tươi. Hai kẻ yêu nhau vui suốt bốn mùa. Bây giờ họ đang ngồi bên nhau, vẻ mặt rạng rỡ, ánh sáng từ bên ngoài cửa sổ chiếu vào soi đôi mái đầu bạc, hai khuôn mặt với những nếp nhăn thời gian đang cùng sống lại những năm tháng ngày xưa còn giữ mãi trong cuốn album hình.
Ôi, những người trẻ bây giờ biết quá ít về tình yêu, tôi thầm nghĩ. Thật là điên rồ khi nghĩ rằng chỉ có họ mới có quyền nói về tình yêu. Người già mới biết thế nào là tình yêu đích thực, những người trẻ thì chỉ có đoán mò.
Trong những thời khắc ban giám đốc ăn bữa tối thì Kate và Chris tay nắm tay nhau đi dạo dọc hành lang qua cửa phòng ăn. Thế là mọi người hướng câu chuyện về tình yêu của Kate và Chris và sự tận tâm của hai người đối với nhau, không hiểu rồi điều gì sẽ xảy ra khi một trong hai người qua đời. Tất cả chúng tôi đều biết Chris là người mạnh mẽ và Kate nương tựa rất nhiều vào ông ấy. Rồi đây Kate làm sao để sống nếu Chris qua đời trước, chúng tôi không ngừng lo lắng.
Lâu nay giờ đi ngủ của hai người mỗi tối đều theo một một nề nếp. Kate thì luôn luôn ngồi ở ghế dựa, người bận đồ ngủ và chân mang dép chờ tôi đến. Dưới sự canh chừng của tôi và Chris, Kate uống những viên thuốc. Thế rồi với cách thận trọng Chris đưa Kate tới giường ngủ và quấn tấm chăn quanh thân hình mỏng mảnh của vợ.
Ngắm nhìn cảnh tượng này tôi vẫn thường tự mình nêu lên câu hỏi tại sao viện dưỡng lão lại không sắm giường đôi cho những cặp vợ chồng già? Suốt đời họ chẳng đã ngủ chung giường với nhau sao, thế mà ở đây họ phải nằm hai giường khác nhau. Cái quy định ngủ riêng giường thật là điên rồ. Tôi vẫn thường nghĩ như thế mỗi khi nghĩ đến cảnh Chris phải cố gắng nhoài người tắt cái đèn ngủ trên đầu giường Kate. Rồi ông cúi xuống và hai người trao nhau nụ hôn chúc nhau ngủ ngon. Chris nhẹ nhàng vuốt má Kate và bà mỉm cười thật dịu dàng. Kế đó Chris kéo thành giường ngủ của Kate lên. Xong xuôi mọi thứ Chris mới nhận phần thuốc của mình để uống. Khi rời phòng bước ra ngoài hành lang tôi vẫn còn nghe ông bà nói với nhau, chúc nhau “Good-night” và rồi ai nằm giường nấy, cách nhau bề rộng của căn phòng.
Thế rồi tôi nghỉ phép hai ngày, không vào sở. Khi tôi đi làm lại, mới bước vào nhà dưỡng lão thì cái tin đầu tiên tôi nghe được là “Chris đã chết sáng hôm qua”.
“Ô, sao vậy?”
“Bị suy tim nặng. Nó xảy ra rất nhanh.”
“Còn Kate thì sao?”
“Tội nghiệp lắm.”
Tôi bước vào phòng của Kate. Bà đang ngồi trên ghế, thân hình bất động, mắt nhìn vào quãng không. Cầm lấy tay bà, tôi nói.“Kate ơi, Phyllis đây.”
Vẫn im sững, mắt mở lớn nhìn xa xăm. Tôi lấy tay nâng cằm Kate lên và từ từ xoay đầu bà để bà nhìn thẳng vào tôi.
“Kate ơi, tôi vừa được tin Chris, buồn lắm.”
Nghe nhắc tới Chris, mắt của Kate trở lại sinh động. Bà nhìn tôi, tỏ vẻ ngạc nhiên, như thể muốn hỏi làm sao tôi xuất hiện bất ngờ như vậy. “Chris mất rồi” Kate thì thầm.
“Kate ơi, tôi biết, tôi biết.”
Chúng tôi săn sóc Kate, để bà ăn tối trong phòng, Sau đó chúng tôi đưa bà trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Và rồi, mỗi khi đi ngang qua phòng Kate, tôi đều thấy bà ngồi trên ghế, cuốn album đặt trên đùi, mắt buồn bã ngắm nhìn những tấm ảnh của Chris.
Giờ đi ngủ đối với Kate thật là tội nghiệp. Mặc dầu chúng tôi đã chiều ý để bà di chuyển qua giường Chris ngủ, bà vẫn im lặng buồn bã. Một giờ sau khi đặt Kate lên giường, đi ngang qua phòng tôi vẫn thấy bà mắt mở lớn nhìn lên trần nhà.
Nhiều tuần lễ trôi qua, giờ ngủ của Kate vẫn không có gì cải thiện. Bà vẫn bồn chồn, bất an. Tôi thắc mắc không hiểu tại sao thời khắc này lại tồi tệ hơn bất cứ lúc nào trong ngày. Thế rồi một đêm bước vào phòng Kate vẫn thấy bà thao thức. Tôi hỏi giọng bồn chồn: “Có phải Kate nhớ những nụ hôn buổi tối không?” Rồi tôi cúi xuống hôn lên đôi má nhăn nheo của bà.
Y hệt như mưa lũ tràn bờ, những dòng nước mắt tuôn chảy trên khuôn mặt Kate, bàn tay của bà nắm lấy tay tôi, nức nở. “Chris vẫn thường hôn chúc tôi ngủ ngon mỗi đêm.”
Tôi thì thầm vào tai bà, “Tôi biết. Tôi biết.”
“Tôi nhớ Chris. Bao nhiêu năm qua vẫn những nụ hôn như vậy.” Bà ngừng nói khi tôi lau nước mắt cho bà. “Tôi khó mà ngủ được khi không có những nụ hôn ấy.”
Kate ngước lên nhìn tôi, tỏ vẻ biết ơn. “Cám ơn cô đã hôn tôi.”
Một nụ cười thoáng hiện trên khóe môi Kate. “Cô biết không, mỗi tối Chris đều hát ru tôi.”
“Vậy ư?”
“Đúng vậy. Và mỗi đêm nằm trên giường tôi đều nhớ đến.”
“Bài hát như thế nào vậy Kate?”
Kate mỉm cười, cầm lấy tay tôi và hắng giọng cất tiếng hát, giọng bà hơi yếu vì tuổi tác nhưng vẫn nhịp nhàng.
Anh yêu ơi, hãy hôn em rồi chúng ta chia tay
Mai sau em già không còn mơ mộng được nữa
Thì nụ hôn kia vẫn sống trong tim em.

Thắm Nguyễn
theo Phyllis Volkens-Chicken Soup for the Woman’s Soul