Menu Close

Từ “Dế mèn phiêu lưu ký…”

Tô Hoài đã ra đi, một đời văn đã kết thúc. Khi nghĩ tới Tô Hoài, với Nguyễn và một số bạn bè khác, hình ảnh  đầu tiên hiện lên trong tâm trí là Con Dế Mèn, một “nhân vật” của tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và nghịch ngợm. Tất nhiên, Tô Hoài còn nhiều tác phẩm khác hay có, dở có và cũng có nhiều điều đáng nói, nhưng xin hãy bắt đầu bằng chuyện Con Dế Mèn…

Thời nhỏ, ở Vương Phủ, tôi đã đọc và say mê Dế Mèn Phiêu Lưu Ký của Tô Hoài. Từ đó, tôi bắt đầu thương những con dế hơn. Cho đến gần đây khi đọc thấy tin trên lưới nói rằng Dế Mèn Phiêu Lưu Ký đã sang tới Thụy Điển, tôi rất mừng. Như vậy là chú dế mèn nhỏ bé của Tô Hoài đã thực hiện được giấc mơ “tứ hải giai huynh đệ” của mình rồi đấy.

Tuy nhiên, tác phẩm của Tô Hoài không chỉ có “Dế Mèn…” mà còn nhiều cuốn khác làm vinh dự cho tác giả. O Chuột, Xóm Giếng Ngày Xưa, Quê Người… Đặc biệt trong Quê Người, tôi yêu những bông ngọc lan làm sứ giả cho những cuộc hẹn hò của đôi trai gái nhân vật chính trong truyện. Sau các tác phẩm vừa kể, hình như trong thời kỳ làm dân rồi làm quan dưới chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa ở miền Bắc, Tô Hoài cũng có xuất bản một hai cuốn gì đó, nhưng giá trị nghệ thuật không lấy gì làm cao lắm thì phải. Những cuốn như Truyện Tây Bắc, Tình Chiến Dịch, Vợ Chồng A Phủ v.v… chỉ nhằm mục đích tuyên truyền, đọc chán ơi là chán. Phải đợi đến thời kỳ Đổi Mới sau này, ông mới có được những cuốn khá đặc sắc. Đó là Chiều Chiều và Cát Bụi Chân Ai, gần đây nhất là Ba Người Khác viết về một vùng nông thôn ở Bắc trong Cải Cách Ruộng Đất.

alt

Về cuốn Cát Bụi Chân Ai, nhà văn Hoàng Khởi Phong của chúng ta đã có một bài viết xuất sắc. Theo Hoàng Khởi Phong, cuốn sách dày hơn ba trăm trang, in trên giấy trắng. Mở đầu bằng mối giao tình giữa Tô Hoài và Nguyễn Tuân. Kết thúc bằng cái chết của Nguyễn Tuân. Giữa hai nhà văn đó là những kiếp nhân sinh chập chờn như những bóng ma trơi. Giữa hai nhà văn đó là không khí ngột ngạt của văn nghệ, kháng chiến, cách mạng và chính trị. Giữa hai nhà văn đó, cho tới khi có một người nằm xuống, đã một nửa thế kỷ trôi qua.

Trong Cát bụi chân ai, Tô Hoài cho ta biết hầu hết những khuôn mặt lớn của giới cầm bút ngoài Bắc. Một Xuân Diệu và cái tình… trai đeo đẳng tới già không thay đổi. Đồng tính luyến ái cho tới giờ này, thậm chí nhiều nơi ở Mỹ vẫn còn là một điều cấm kỵ. Thế mà mấy chục năm trước, trong không khí kháng chiến bừng bừng, những đêm giá rét, Xuân Diệu chui vào giường của hầu hết những người cùng lán. Tô Hoài không bêu xấu người đã chết, bởi vì trong những cơn mê loạn vì thể xác, vì tình dục đó có cả… chính Tô Hoài.

alt

Tô Hoài

Hoàng Khởi Phong còn cho biết ở trong nước người ta gọi “Cát bụi chân ai” bằng cái tên “Cát bụi trần ai!” Bởi nó không chỉ nói tới những khuôn mặt lớn của chế độ mà còn nói tới những người bại trận, những cuộc thanh toán lẫn nhau xảy ra khắp nơi, chẳng hạn như vụ xử tử bảy đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đúng là một thời oan khiên, cát bụi phủ vùi.

Giờ đây đến Ba Người Khác. Nhiều người cho rằng chính cuốn này mới thể hiện bản lãnh của Tô Hoài. Can đảm, viết khơi khơi mà trung thực, ớn lạnh tới xương sống. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tân nhận định: “Ba người khác” viết trực diện về cải cách ruộng đất. Chuyện kể trong sách là ở thì hiện tại. Cái nhìn biến cố là cái nhìn của người trong cuộc. Anh đội Bối vốn là dân thành phố, trôi nổi trong chiến tranh rồi giữ một chân coi sổ sách và coi kho, khi còn ở Việt Bắc đã lẩn được mấy đợt đi làm giảm tô vì “chẳng biết mặt mũi ruộng đồng bao giờ”, nhưng đến khi về Hà Nội thì không tránh được nữa, phải đi làm “thổ cải”. Thế là Bối thành anh đội, không những thế còn là đội phó, phụ trách việc lập tòa xử án, nắm quyền sinh quyền sát bao mạng sống những người anh không biết, không hiểu. Nói cho ngay thì Bối luôn tránh né phần việc của mình, đùn đẩy sang cho Huỳnh Cự đội trưởng làm tất. Phần vì bản tính anh ta thế. Phần chính là thực chất Cự nắm hết quyền, làm hết việc. Cứ thế cả một đợt cải cách ruộng đất ở một làng quê Bắc Bộ diễn ra dưới con mắt Bối, theo cái nhìn cái thấy cái cảm của nhân vật này, cũng tức là của nhà văn.

alt

“Nhất đội nhì giời” – câu nói một thời, ám ảnh một đời. Nó là sự thực đời sống. Còn hơn thế, nó là sự thật lịch sử. Nhưng mà đọc trong sách thấy cứ như một trò đùa số phận. Một vô thức lịch sử. Một chứng điên tập thể. Và rồi cuộc sống cứ trôi theo quy luật vốn có, những gì bị phá đi thì phải làm lại, đánh mất phải tìm lại, quẳng đi phải lấy lại. Nhưng có những cái không thể làm lại, tìm lại, lấy lại được. Những cái vừa nói đến đó chính là những người đã chết oan khốc dưới Cải Cách Ruộng Đất. Ai gây ra? Tất nhiên là Đảng và Nhà Nước Cộng Sản, nhưng dưới bàn tay những tên bẩn thỉu, ngu dốt. Nhà văn Nguyên Ngọc nói: “Cách viết hay, độc đáo về CCRĐ. Không viết về nông dân mà viết về ba anh đội. Hóa ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng. Những cuốn khác viết về nông dân là nạn nhân, nhưng đây là lại là thủ phạm. Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội… Mà cũng chưa hẳn đã hoàn toàn như thế. Nếu không có bộ óc tinh ma, xảo quyệt và ác độc của Đảng chỉ đạo và đạo diễn thì ba tên kia làm được gì, mà làm sao tội ác có thể xảy ra rùng rợn đến thế.”

Xét cho cùng, có lẽ ta chỉ có thể nói: Lịch sử trong vòng một thế kỷ qua là một cuộc vận hành u tối.

TN