Menu Close

Tháng bảy năm 2014

Tháng Bảy bắt đầu bằng giai điệu New Age –  giòng nhạc của Secret Garden xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1980, lấy cảm hứng từ thiên nhiên, từ cuộc sống, từ những cảm xúc ở tận đáy sâu nội ngã. Từng nốt nhạc đen tròn đơn móc luyến láy điểm xuyết bằng dấu lặng vi diệu nghe man mác buồn, nhưng có khả năng xoa dịu muôn nỗi ưu phiền, có khả năng đưa cõi người ta đến nơi bình yên chim hót, an nhiên lắng nghe tiếng thời gian nhịp nhàng rơi trên “Songs From A Secret Garden,” trên “White Stones,” hay trên “Dawn Of A New Century” [1] Sự kết hợp tuyệt vời giữa Rolf Lovland  – nam nhạc sĩ dương cầm người Na Uy – và Fionnuala Sherry – nữ nhạc sĩ vĩ cầm người Ái Nhĩ Lan – đã tạo thành giòng nhạc tân cổ điển – neoclassicism tinh tế bất hủ. Âm thanh của dương cầm và vĩ cầm là hai yếu tố chính giúp Rolf và Fionnuala sáng tạo những câu chuyện không lời, mở ra khung trời tự do mênh mông để người cảm thụ nhận biết, nơi trú ẩn bình an của bản ngã chính là bổn nguyên thường trụ. Tôi thinh lặng nghe giai điệu New Age thuần khiết vang trên phím đàn, thinh lặng nghe giòng nhạc thấm vào đến tận linh hồn, rồi tự hát lên tiếng lòng của chính mình. Tiếng lòng ấy mách bảo cho tôi biết ngày hôm qua là ảo mộng, ngày mai chỉ là một giấc mơ. Nhưng ngày hôm nay đơn sơ như giòng nhạc tân cổ điển New Age, sẽ giúp mỗi ngày đã qua là một giấc mơ hạnh phúc, và mỗi ngày sẽ đến là một giấc mơ hy vọng. Cuộc sống có lúc thuận hòa có khi trắc trở. Những người phải cam chịu nỗi bi thương, sẽ thọ tưởng vị ngọt của hạnh phúc sau mỗi lần nếm trải đắng cay phiền muộn, khi lắng nghe âm nhạc của Secret Garden.

alt

Rolf Lovland và Fionnuala SherryNGUỒN CITYWEEKEND.COM.CN

Tháng Bảy đến cũng là lúc cơn bão Rammasun thổi vào phía nam thủ đô Manila ở Phi Luật Tân, cắt đứt con đường giao thông chính trên hòn đảo Luzon, xô ngã cây cối, giật đứt dây điện khiến cả vùng rộng lớn đông dân cư sống trong tăm tối. Hội Hồng Thập Tự Phi Luật Tân cho biết, một số thiệt hại tối thiểu đã xảy ra tại những nơi bị bão càn quét. Các nhân viên cố giải cứu những người bị mắc kẹt, dưới từng đống đổ nát trong thành phố Batangas. Khi cơ quan thảm họa quốc gia cảnh báo về cơn bão Rammasun, hàng trăm cư dân sống tại khu ổ chuột ven biển thuộc trung tâm thành phố Tondo, phải tạm trú trong tòa thị chính. Hơn 370.000 người di tản, chủ yếu ở các tỉnh phía đông Albay – nơi đầu tiên bị cơn bão ảnh hưởng. Nhiều khu vực khác vẫn chưa thể hồi phục sau cơn bão Haiyan hồi tháng 11 năm 2013, giờ đây lại phải đối diện với cơn bão Rammasun dữ dội. Khoảng 7,000 căn nhà bị phá hủy, 19,000 căn nhà khác bị hư hại; 38 người thiệt mạng, ít nhất có 8 người mất tích; hơn 1, 200 gia đình phải di tản để tránh sự cuồng nộ của cơn bão. Hầu hết mọi sự tàn phá đều xảy ra tại thủ đô Manila. Miền Nam Luzon là nơi đông dân cư nhất của Phi Luật Tân có 17 triệu người, vẫn chưa thể trở lại nhịp độ sinh hoạt bình thường.

Tháng Bảy đến cũng là lúc Quảng Ninh và Hải Phòng hứng chịu cơn bão Rammasun – mà Việt Nam gọi là cơn bão số 2 có biệt danh là Thần Sấm –  từ đại dương thổi vào. Hơn 9,000 tàu thuyền trong khu vực phải vào nơi neo đậu. Hơn 200 thuyền ngư dân chài lưới xa bờ, cùng hơn 8,000 tàu bè đã về đến nơi trú ẩn an toàn. Tại bãi thải than, tại các địa điểm hay khu xóm có nguy cơ bị sạt lở, dân chúng được di tản đến nơi khác. Do ảnh hưởng của bão, mưa như thác đổ khiến nước lũ dâng cao. Toàn bộ thành phố miền núi trong đó có Lạng Sơn ngập chìm trong biển nước. Cư dân xứ Lạng phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, phải dựng lều tạm trú, canh giữ nhà cửa, tài sản, gia súc, gia cầm. Tổng cộng có ít nhất 20 người thiệt mạng, 2 người mất tích tại các tỉnh Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn…Dù là Phi Luật Tân hay Việt Nam, hay một nơi nào đó trên thế giới, thiên tai giông bão luôn là những dấu hiệu bất thường khiến cõi người ta phải chịu cảnh lầm than.  

Tháng Bảy vẫn đang làm chủ thời gian khi đài truyền hình CNN  đưa tin: Máy bay mang số hiệu MH 17 của Hàng Không Malaysia, rơi xuống làng Grabovo thuộc khu vực miền đông Donetsk, cách biên giới Nga khoảng 40 km vào ngày Thứ Năm 17 tháng 7. Tai nạn xảy ra, khi phi cơ đang trên đường bay từ thành phố Amsterdam đến thủ đô Kuala Lumpur. Thế giới bị sốc và đau buồn trước thảm kịch MH17. Thủ tướng Malaysia Najib Razak thông báo tai nạn trên đài truyền hình lúc 4 giờ sáng ngày 18 tháng 7. Ông gọi “đây là ngày thảm thương trong một năm bi thảm,” yêu cầu thế giới điều tra để nguyên nhân khiến chuyến bay MH 17 bị rơi được đưa ra ánh sáng, và những ai có liên can phải chịu trách nhiệm trước công lý. Cho dẫu mọi sự việc vẫn đang ở trong quá trình điều tra, nhưng giả thuyết lớn nhất được đưa ra là chiếc máy bay đã bị một hỏa tiễn phòng không Buk bắn hạ, và “đối tượng tình nghi” chính là nhóm ly khai thân Nga tại miền Đông Ukraine. Nga và Ukraine đổ lỗi cho nhau trước tai nạn chết người này. Sự căng thẳng và bi phẫn gây áp lực trên toàn cầu, có thể tạo ra cuộc xung đột đẫm máu tại địa phương, đồng thời cũng có thể là nguyên nhân gây ra cuộc Chiến Tranh Lạnh mới.

Toàn bộ phi hành đoàn và hành khách gồm 298 người đều thiệt mạng. Hàng Không Mã Lai cho biết trên chuyến bay MH17 có 154 công dân Hà Lan, 44 công dân Mã Lai ( kể cả phi hành đoàn 15 người), 28 công dân Úc, 12 công dân Indonesia, 10 công dân Anh,  4 công dân Đức, 4 công dân Bỉ, 3 công dân Phi Luật Tân, 3 công dân Việt Nam, 1 công dân Hoa Kỳ, 1 công dân Canada, 1 công dân New Zealand, 1 công dân Hồng Kông. Một số nạn nhân có hai quốc tịch. Điều đáng buồn nữa là trong số các nạn nhân thiệt mạng, có ít nhất 6 người là các nhà nghiên cứu bệnh AIDS, đang trên đường đến tham dự Hội Nghị Quốc Tế AIDS lần thứ 20 tại Melbourne. Được biết Bác Sĩ Joep Lange và vợ là bà Jacquelinh van Tongeren, ông Glenn Thomas – phát ngôn viên của Tổ Chức Y Tế Quốc Tế, và hai thành viên của Tổ Chức Châu Âu Hành Động vì Bệnh AIDS, là những người có mặt trên chuyến bay định mệnh MH17. Bác Sĩ Joep Lange – nhà nghiên cứu AIDS hàng đầu  và cũng là cựu Chủ Tịch Hiệp Hội Quốc Tế về AIDS – là một trong số 298 người tử nạn. Việc ông đột ngột ra đi là sự tổn thất khó có thể bù đắp, của phong trào phòng chống HIV/AIDS trên thế giới. Thông tin về cái chết của Bác Sĩ Joep Lange đã làm cộng đồng những nhà nghiên cứu về AIDS bàng hoàng, bởi ông được cả thế giới vinh danh là “cây đại thụ,” trong lãnh vực nghiên cứu điều trị bệnh AIDS ở Châu Á và Châu Phi.

Tháng Bảy bắt đầu bằng giai điệu New Age của Rolf Lovland và Fionnuala Sherry. Ước mong từng nốt đen tròn đơn móc luyến láy, điểm xuyết bằng dấu lặng vi diệu nghe man mác buồn nhưng có khả năng xoa dịu muôn nỗi ưu phiền, sẽ giúp những người phải cam chịu nỗi bi thương vì cơn bão Rammasun, vì mất người thân trong tai nạn máy bay MH 17 thảm khốc sớm tìm được sự thư an, khi thinh lặng nghe giòng nhạc thấm vào đến tận linh hồn, rồi tự hát lên tiếng lòng tân khổ của chính mình. Và nguyện chúc 298 Nạn Nhân về cõi vĩnh hằng trong âm hưởng độc huyền bất hủ của Secret Garden.  

HV
4am Chủ Nhật  ngày 20 tháng 7 năm 2014
[1]. Các sáng tác của Rolf Lovland và Fionnuala Sherry