Menu Close

GMT – UTC

MÚI GIỜ

Khi ngành giao thông và viễn thông phát triển, sự xác định giờ giấc cho thống nhất là một nhu cầu cần thiết. Do đó, các múi giờ ra đời. Hãy tưởng tượng trái đất như một trái cam tròn có 24 múi còn dính liền với nhau, qua hình dạng đó, ta hình dung được các múi giờ trên trái đất.  

Người ta lấy 24 đường kinh tuyến (tức là đường tưởng tượng chạy từ Bắc cực đến Nam cực của địa cầu) chia bề mặt trái đất thành 24 phần đều nhau. Mỗi phần là một múi giờ. Trên cùng một múi giờ, các đồng hồ cùng chỉ một giờ như nhau và khác với múi giờ bên cạnh 1 giờ.

GMT là múi giờ đầu tiên trong lịch sử được ngành đường sắt Anh đặt ra vào ngày 1 tháng 12 năm 1847.

 

alt

GMT

GMT, viết tắt của Greenwich Mean Time (Giờ Trung bình tại Greenwich)là phương thức tính thời gian theo tiêu chuẩn quốc tế được đo tại đài thiên văn Hoàng gia ở Greenwich (nước Anh). Nơi đây được quy ước nằm trên kinh tuyến số 0, vĩ độ 51,28,38N  (phía Bắc xích đạo).

Các đồng hồ trong vùng này đều chỉ cùng giờ với đồng hồ đặt tại đường kinh tuyến đi qua Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich.

GMT được tính từ giữa trưa một ngày sang giữa trưa ngày kế tiếp.

RANH GIỚI CÁC MÚI GIỜ

Sự phân chia các múi giờ như nói trên chỉ có tính cách lý thuyết, còn trong thực tế thường có rất nhiều chênh lệch vì phải theo biên giới quốc gia. Chênh lệch rõ nhất là ở những nước rộng lớn như Trung Quốc và Ấn Độ khi hai quốc gia này sử dụng chung một múi giờ trên toàn lãnh thổ.

Từ năm 1929, đa số các nước trên thế giới áp dụng các múi giờ chênh nhau 1 giờ. Năm 1950, các múi giờ được ghi kèm thêm chữ cái viết hoa: Z cho múi giờ số không, A đến M (trừ J) cho các múi giờ phía Đông, N đến Y cho các múi giờ phía Tây. Thông dụng hơn, sau này người ta dùng quy ước GMT+1… cho các múi giờ phía đông và GMT-1… cho các múi giờ phía tây.  

Trước năm 1967, miền Bắc Việt Nam lấy giờ Bắc Kinh làm chuẩn cho âm lịch. Ngày 8 tháng 8 năm 1967, Việt Cộng đổi lịch, dùng múi giờ GMT +7. Vì thế hai miền nam bắc Việt Nam đón Tết Mậu Thân hai ngày khác nhau (miền bắc: 29 tháng 1, miền nam: 30 tháng 1 năm 1968).

UTC

GMT sau này được đổi tên thành UT (Universal Time, Giờ Quốc tế). UT định nghĩa một ngày là thời gian trái đất quay chung quanh trục của chính nó. Vì tốc độ này không cố định nên độ dài của một ngày theo UT không phải lúc nào cũng bằng nhau.

Để giải quyết vấn đề đó, vào thập niên 1960 người ta chuyển sang dùng UTC, là một tiêu chuẩn quốc tế về ngày giờ thực hiện bằng phương pháp nguyên tử. UTC không phải là chữ viết tắt mà là một thỏa hiệp giữa tiếng Anh  (“CUT” – Coordinated Universal Time) và tiếng Pháp (“TUC” – Temps Universel Coordonné) ở cả hai ngôn ngữ đều có nghĩa là Giờ Quốc tế Phối hợp.

Một ngày theo UTC  được tính từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau và dựa trên tiêu chuẩn tần số nguyên tử, do đó chính xác hơn.

Thông thường, người ta có thể dùng cả hai từ GMT và UTC chung cho cùng một mục đích, nhưng đối với cộng đồng khoa học quốc tế, hai từ này được phân biệt rõ rệt.

MỘT MÚI GIỜ CHUNG

Giả sử không còn múi giờ nữa, thế giới ta đang sống sẽ ra sao? Có điều tiện lợi là đi từ nước này sang nước khác ta không cần điều chỉnh lại đồng hồ. Nhưng sự giao dịch với các nước với nhau sẽ rất lộn xộn và sự sinh hoạt của con người cũng bị đảo lộn nhiều. Chúng ta quen sống trong một môi trường mà 9 giờ sáng phải là ban ngày và là thời gian đi làm việc, 11 giờ tối phải là ban đêm và thường là giờ ngủ. Do đó phải thay đổi cách gọi giờ giấc là chuyện rất khó.

Chỉ trong một quốc gia thôi mà chuyện có chung một múi giờ đã là phức tạp. Trung Quốc chẳng hạn, trước kia có 5 múi giờ, nay chỉ còn 1. Điều này gây ra khó khăn cho người dân trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, dân vùng Tân Cương làm việc muộn hơn những nơi khác tới 4 giờ vì ở đây mặt trời mọc lúc 10 giờ sáng. Vị trí chính ngọ của mặt trời tại vùng Viễn Tây của Trung Quốc xảy ra lúc 3g chiều, còn ở miền Viễn Đông lại là lúc 12g trưa.

PN