Menu Close

Nước lã đóng chai

Giả sử có người muốn bán cho bạn một sản phẩm, đó là AirFlow 3000, một hệ thống bơm không khí vào nhà. Sản phẩm này được đóng gói đẹp đẽ, giao tận nhà với giá chỉ $5 một người dùng trong một ngày, nhưng cho gia đình bạn sự tiện lợi và phong cách hợp thời. Chắc bạn đồng ý mua chứ? Để nói cho rõ hơn: AirFlow 3000 y hệt 100 phần trăm không khí ngoài trời, gồm cả những chất gây ô nhiễm lẫn những mùi hôi và không có tác dụng gì đặc biệt cho sức khỏe của bạn. Bạn phí tiền đó thôi, vì bạn đã hít thở chính thứ không khí đó mà không tốn đồng nào. Vậy bạn còn muốn mua sản phẩm đó nữa không?

alt

Dĩ nhiên là không. Nhưng đó chính là trào lưu dùng nước đóng chai hiện nay. Chỉ khác một điều là người bán không nói thẳng thừng về sản phẩm của họ. Họ không bán nước mà nói bán “khoáng chất (mineral)” và “nước suối (spring water)”. Và chúng ta bùi tai mua. Một người ở Mỹ trung bình tiêu thụ 30 gallons nước đóng chai một năm, biến kỹ nghệ này thành thức uống đứng hàng thứ nhì, chỉ sau soda. Nhưng, thực ra, nước đóng chai không tinh khiết hơn quy định của chính phủ liên bang về H2O chúng ta dùng gần như miễn phí từ vòi nước.

Dưới đây chúng ta tìm hiểu thêm về những sự thực phía sau các tên gọi hấp dẫn của những hiệu nước đóng chai bạn ưa thích.

1. Mùi vị không “ngon” hơn

Một cuộc nghiên cứu đăng trong Journal of Sensory Studies, 6 thứ nước mineral đóng chai và 6 loại nước thường được đưa ra cho một số người uống để thẩm định. Kết quả là nước đóng chai không khá gì hơn nước từ vòi. Lý do: Chính vì khoáng chất (mineral) chứ không phải “độ tinh khiết của nước” ảnh hưởng lên mùi vị. Những người tham gia cuộc nghiên cứu này thích loại nước có độ khoáng trung bình, họ mô tả là “không mùi vị” và “mát hơn”, dù nước này từ chai hay vòi cũng thế.

2. Chưa chắc đã tinh khiết

Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (Natural Resources Defense Council) mới đây đã thử nghiệm 1,000 chai nước và thấy 22% có chứa các chất ô nhiễm hóa học ở mức quá giới hạn cho sức khỏe. Năm 2011, trường đại học California State University thử nghiệm 6 hiệu nước đóng chai và thấy tuy mức ô nhiễm không vượt qui định hợp pháp, nhưng cả 6 đều quá mục tiêu bảo vệ sức khỏe công cộng của California về chất thạch tín (arsen). Cũng có cuộc nghiên cứu cho thấy một số loại chai bằng plastic khi bị nóng lên do nhiệt độ cao, hóa chất từ plastic có thể thấm vào nước. Đó là lý do không nên để nước đóng chai trong garage hoặc trong xe vào mùa hè.

3. Có thể là nước thường lấy từ vòi nước

Tuy mang những tên hoặc nhãn hiệu nghe rất kêu, làm ta liên tưởng đến hình ảnh những thác nước vùng nhiệt đới hoặc những suối róc rách trên các ngọn núi cao, nhưng trong thực tế, gần 25% số nước đóng chai là lấy từ vòi nước thành phố. Chẳng hạn nước đóng chai hiệu Dasani của hãng Coco-Cola chỉ là nước vòi được lọc và cho thêm mineral. Hiệu Aquafina của hãng Pepsi cũng thế.

4. Làm hại hành tinh chúng ta ở

Đa số các chai đựng nước đều làm bằng chất plastic có tên polyethylene terepthalate, gọi tắt là PET. Có hai vấn đề:

– Cần nhiều dầu thô để tạo ra PET. Theo trường đại học Louisville, mỗi năm cần tới 17 triệu thùng dầu để chế tạo ra các chai đựng nước. Đó là lý do tại sao chai đựng nước giá cao gần gấp 4 lần giá xăng.

– Chúng ta ném chai dùng rồi vào thùng rác thay vì thùng để tái chế (recycle). Gần 90% số 30 tỷ chai PET ta dùng hàng năm được đổ vào các bãi rác, và cần từ 300 đến 1,000 năm mới tiêu hủy được. Để bảo vệ môi trường, chúng ta hãy bắt chước trường đại học Vermont mới đây đã cấm bán nước đóng chai trong khuôn viên trường.

Không như nước đóng chai, nước vòi an toàn vì phải tuân thủ các qui định của chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương. Xin đừng để cho những từ ngữ hoa mỹ trên nhãn chai như “pure – tinh khiết” , “natural – thiên nhiên”, “spring water – nước suối”… làm ta mê hoặc mà tốn tiền mua thứ nước rẻ gần như miễn phí có thể lấy từ vòi nước trong nhà.

TM
(theo  http://health.yahoo.net)